Tumgik
#thể thức afc champions league 2021
diracsea · 2 years
Text
Nhìn Viettel lại nhớ Hà Nội ở AFC Cup 2019.
Suất đi châu Á của Hà Nội năm 2019 thật ra là suất play-off AFC Champions League/cúp C1 (giải mà HAGL vừa đá hồi tháng 5 ấy, lúc bấy giờ Việt Nam chưa có vé vào thẳng vòng bảng). Hai trận play-off, trận đầu thắng một đội của Thái (Bangkok United?), trận sau thua Shandong Luneng của Trung Quốc (hồi đấy hay trêu là Sơn Đông Lỗ Nặng lul). Thua 1-4, ép sân được hiệp đầu, hết 45' dẫn trước một bàn của Văn Quyết, sang hiệp 2 hết hơi nên bị giã lại 4 bàn. Cơ mà thua vì kém đẳng cấp thì cũng chẳng cay cú lắm.
Nói mới nhớ, Việt Anh, Văn Xuân và Xuân Tú khá xui khi chưa lần nào được nếm mùi cúp Châu Á từ ngày về Hà Nội. Năm 2020 thì đội mất suất do hồi 2019 không tham dự giải U15 Quốc gia (đến giờ tôi vẫn đhs?) Năm 2021 lẽ ra được đá AFC Cup thì giải bị hủy do Covid. Năm 2022 thì... thôi, nhắc lại quả thành tích bết bát mùa 2021 lại sầu hết cả người (:
Nhưng có lẽ Hà Nội cay trận Sơn Đông thật, nên khi vào vòng bảng AFC Cup (cúp C2), ngay trận đầu gặp Nagaworld của Cambodia, Hà Nội giã 10-0. Bàn đầu tiên của Duy Mạnh sút xa từ khoảng cách 30m, rất đẹp. Trên Youtube còn kha khá video.
Suốt những mùa 2018, 2019, mãi đến đầu mùa 2020, sân Hàng Đẫy vẫn luôn được gọi là thánh địa của Hà Nội, với thành tích không thua sân nhà của đội bóng này. Trận thua duy nhất của Hà Nội trong quãng thời gian đó là một trận đấu trong khuôn khổ cúp C2, với tỉ số 0-1 trước Yangon United của Myanmar. Trận đó tôi không xem nhưng bà chị tôi lên sân về kể với giọng đầy cay cú là bả đếm được Hà Nội dứt điểm cả thảy 27 lần, mà không thể đưa bóng vào lưới một lần nào. Đến giờ chúng tôi vẫn nghi trận đó làm độ, nhưng tất nhiên chẳng có rẻo bằng chứng nào hết.
Cúp C2 có kiểu gọi tên các trận đấu vô cùng nhì nhằng. Vòng bảng chia theo khu vực, đội nào vượt qua vòng bảng sẽ vào đến bán kết khu vực (zonal semi-final) rồi chung kết khu vực (zonal final). Tiếp đến, các đội thắng ở chung kết khu vực sẽ vào đến bán kết liên khu vực (interzonal semi-final) rồi chung kết liên khu vực (interzonal final). Hai đội thắng trong hai trận interzonal final sẽ vào đến trận chung kết của toàn châu lục để giành lấy cái cúp C2. Tôi vẫn còn ghim hồi đấy có mấy người cà khịa Hà Nội, đá mấy cái chung kết rồi mà mãi vẫn chưa ôm được cúp à? Ừ, cái gì cũng tại Hà Nội, thể thức thi đấu châu lục nhì nhằng là tại Hà Nội, đá lằm đá lốn cũng là tại Hà Nội, được chưa?
Thời trước Covid thì trừ chung kết châu lục, tất cả các vòng đấu của cúp C2 đều diễn ra hai lượt hết. Tổng số trận đấu ở cúp C2 của Hà Nội năm ấy là 14 trận. Cộng thêm 26 trận ở V.League, 4 trận Cúp Quốc gia, chưa kể đội tuyển quốc gia và U23 đều đá tầm trên dưới 10 trận nữa... năm ấy khá nhiều cầu thủ trụ cột của Hà Nội quá tải.
Suất vào thẳng vòng bảng C2 năm đó thuộc về Becamex Bình Dương. Bình Dương cũng đá cực kỳ cố gắng, dù vẫn có một vài cá nhân thể hiện được khả năng bóp team tương đối ấn tượng như Tấn Trường hay Hồ Tấn Tài. Chung kết khu vực Đông Nam Á là màn đối đầu giữa hai đại diện Việt Nam. Sau cùng, có lẽ Hà Nội là đội có tham vọng nhiều hơn và lực lượng cũng dày hơn, nên Bình Dương đã để cho Hà Nội đi tiếp.
Trong vòng một tuần, từ 31.07.19 đến 07.08.19, Hà Nội và Bình Dương gặp nhau cả thảy ba lần. Lượt đi lượt về chung kết khu vực AFC Cup, cộng thêm một trận ở V.League. Hà Nội thắng cả ba trận đó.
Tumblr media
Mình vẫn còn giữ vé xem trận lượt về chung kết khu vực năm ấy nè. Vé AFC, nhìn đẹp hơn hẳn vé giải quốc nội.
Tumblr media
Mình không nhớ là ở trận nào, nhưng trong một lần gặp nhau giữa Hà Nội và Bình Dương năm ấy, Văn Hậu có một pha cà khịa Tấn Trường đã khiến Hậu phải hứng chịu khá nhiều chỉ trích. Mình chỉ mang máng là lúc đấy Hà Nội vừa ghi bàn, xong Hậu lao lên nhảy nhót và hét vào mặt Tấn Trường. Nhưng cũng phải công nhận là năm ấy Tấn Trường bắt lỗi rất nhiều, toàn những lỗi ngớ ngẩn. Xem Tấn Trường mùa 2019 có nằm mơ cũng chẳng thể tưởng tượng nổi sang năm 2020 ổng về Hà Nội, rồi năm 2021 lên hẳn tuyển quốc gia.
2019 cũng là năm đầu tiên mình nghe đến cái tên Nguyễn Trần Việt Cường. Cường sinh năm 2000, nghĩa là năm ấy mới 19 tuổi, thuộc diện cầu thủ trẻ ở V.League, cùng với những Nhâm Mạnh Dũng của Viettel hay Mạch Ngọc Hà của Hà Nội. Chính ra Cường được tạo điều kiện ra sân hơn hẳn Dũng Nhâm đấy, Bình Dương vẫn luôn ưu ái các tiền đạo trẻ. Thế mà sau này lại không thể bứt lên.
Quãng tháng 7, tháng 8 của năm 2019, Hà Nội bắt đầu có tên Hanoi Hospital Club, vì dạo ấy đội thi đấu liên tục với mật độ cực kỳ dày đặc, mà chấn thương thì liên miên. Ngày đó chúng tôi đâu có ngờ tình trạng chấn thương của đội qua các mùa sau chỉ càng tệ đi. Thôi, hy vọng năm nay phá dớp, hoặc là đội làm ơn bưng về chuyên gia thể lực tử tế nào đó giùm chứ đcm chả lẽ cứ đổ mãi cho số trời??
Trận đấu cảm xúc nhất của Hà Nội ở AFC 2019 ư, đương nhiên là trận lượt đi bán kết liên khu vực với Altyn Asyr ở sân Hàng Đẫy rồi. Quang Hải vẽ cầu vồng, solo thêm bàn nữa, Văn Quyết phải quấn băng đầu để đá đến hết trận, cả đội đều cống hiến với 200% sức lực. Và, không khí cổ vũ cho đại diện duy nhất của Việt Nam ở giải châu Á ngày hôm ấy thực sự ấm lòng.
Tumblr media
Trận đấu cay cú nhất: hòa đội 25/4 của Triều Tiên cũng trên sân Hàng Đẫy, với một bàn thua ngớ ngẩn đến từ lỗi của Bùi Tiến Dũng. Nhưng phải công nhận trận đó Hà Nội chơi không hay.
Trận lượt về đá trên sân của Triều Tiên có lẽ là một trải nghiệm xem bóng đá kỳ lạ mà mình mãi không bao giờ quên: xem bóng qua... status trên Facebook. Thật sự ấy, bởi vì Triều Tiên không cho phát sóng, nên mọi diễn biến trên sân đều phải cập nhật qua một cái status trên Facebook của đại sứ Việt Nam tại Triều Tiên, ông Lê Bá Vinh. Trận đó hai đội hòa không bàn thắng, và kết quả là Hà Nội bị loại. Nhưng lúc ngồi cập nhật diễn biến chỉ thấy buồn cười thực sự.
Nói chung là năm nay Viettel đá AFC Cup, mình cũng chẳng biết đội nghiêm túc được đến đâu. Nhưng đây là một giải đấu khá vừa tầm với các đại diện Việt Nam, hy vọng Viettel sẽ đi sâu như Hà Nội ba năm trước, sâu hơn nữa thì càng tuyệt vời.
1 note · View note