Tumgik
pulpficat · 1 year
Text
A nursery rhyme about a stork
Trước đây, tôi nghĩ dịch Việt-Anh khó hơn dịch Anh-Việt 🧐
Thế mà giờ thì tôi đã dịch được cả bài đồng dao sang tiếng Anh luôn rồi...
The stork soars high above the land,
Before the market, she takes a stand.
Craving snacks, she makes a stop,
Eager eyes scanning each vendor's crop.
Cakes, vermicelli, and other treats,
Displayed for all who pass the streets.
Her heart desires every delight,
From rice cakes to porridge, all in sight.
Bản gốc tiếng Việt:
Cái cò là cái cò khoăm
Chưa ra đến chợ đã chăm ăn quà
Hàng bánh, hàng bún bầy la
Con mắt tỏm tẻm lướt qua mọi hàng
Bánh đúc cho lẫn bánh đàng
Củ từ khoai nướng, lẫn hàng cháo kê...
Thực ra, bài đồng dao còn 2 câu cuối nữa, nhưng mà thôi, bỏ qua vì không muốn dọa các bạn Tây 😂
Ăn rồi lại trở ra về
Thấy hàng thịt chó lại lê chân vào 🐶
7 notes · View notes
pulpficat · 2 years
Text
Subliminal cho người mới bắt đầu
Subliminal là gì?
Về bản chất thì subliminal (sub) là một đoạn âm thanh có chứa những thông điệp/câu khẳng định bị bóp méo/tua nhanh/chỉnh nhỏ/xếp chồng khiến ý thức không tiếp thu được nhưng tiềm thức vẫn tiếp thu và tin tưởng/tuân theo chúng và tạo ra kết quả mà chúng ta nhận được. Đoạn âm thanh đó có thể được thêm ASMR (tiếng lửa/gió/mưa/nước/ồn trắng) để che đi dưới nền của những bản nhạc (không lời hoặc có lời). Tóm lại, một bản sub bao gồm:
Nhạc (có hoặc không) - nếu không có nhạc, bản sub đó là calm ver. (có ASMR) hoặc silent ver. (hoàn toàn im lặng)
ASMR (có hoặc không) - được thêm vào để át đi tiếng khẳng định và giúp thư giãn
Tần số/ frequency (có hoặc không)
Nhịp song âm/ binaural beat (có hoặc không - nếu có thì phải dùng tai nghe) - là một dạng âm thanh đặc biệt làm thay đổi tần số sóng não của người nghe
Những câu khẳng định (buộc phải có, đây là mấu chốt của một bản sub)
Thực tế, chưa có cơ sở khoa học chính thống nào chứng minh cho hiệu quả của subliminal cũng như là sự hoạt động của subliminal. Những kiến thức về subliminal được truyền lại đa phần là từ kinh nghiệm của những người dùng trước. Tuy nhiên, về tính hiệu quả của subliminal thì hoàn toàn có thể thấy được thông qua các review của người dùng (có đính kèm hình ảnh).
Ví dụ về một subliminal được nhiều người khẳng định là cực kỳ hiệu quả:
youtube
Tiềm thức là gì?
Tiềm thức điều khiển những hoạt động sống của con người, cả những thứ mà ý thức không điều khiển được (ví dụ: tim đập, hô hấp, tuần hoàn của máu, những thói quen và hành động trong vô thức... đây cũng là cơ sở để tiềm thức giúp thay đổi ngoại hình khi nghe sub).
Tiềm thức tin tưởng và chấp nhận mọi thứ mà nó được tiếp thu. Nếu không có sự chen ngang và phủ định của ý thức rằng “điều này thật vô lý”, “điều kia thật kỳ lạ” thì tiềm thức có thể tin tưởng mọi thứ mà bạn muốn nó tin vào, bất kể điều đó phi lý như thế nào.
Subliminal hoạt động như thế nào?
Subliminal hoạt động dựa vào tiềm thức. Những thông điệp của sub được đưa thẳng vào tiềm thức mà không thông qua ý thức (ý thức vẫn thường hay bắt bẻ thứ mà nó không xem là sự thật, còn tiềm thức lại tin vào bất cứ điều gì mà nó được tiếp thu). Vì thế, những câu khẳng định trong sub đem lại kết quả nhờ vào:
Tiềm thức tuân theo mệnh lệnh của những câu khẳng định
Dựa vào Luật Giả định (Law of Assumption): Nôm na là mọi giả định được cho là sự thật sẽ được phản ánh ra thực tại và biến thành sự thật.
Dựa vào Luật Hấp dẫn (Law of Attraction): Chúng ta sẽ thu hút bất cứ thứ gì mình hay nghĩ đến vào cuộc sống của bản thân.
Hướng dẫn sắp xếp playlist
Việc sắp xếp playlist không nhất thiết phải theo quy tắc nhất định nào cả, bởi vì tiềm thức của mỗi người có những khả năng hấp thụ thông tin khác nhau.
Cách sắp xếp playlist #1 dành cho người lười: 
Flush
Booster
Sub
Thả hết tất cả những sub muốn nghe vào playlist, đặt flush và booster lên đầu, thứ tự những bản sub còn lại lộn xộn cũng được, nhưng nên xếp những bản sub có chủ đề liên quan đến nhau ở gần nhau. Bật vòng lặp (loop) cho playlist tối thiểu 6 lần/ngày.
Cách sắp xếp playlist #2:
30p booster
1-2h sub
Cách sắp xếp playlist #3:
10p booster
30p sub
Nghỉ 5–10p
30p sub
Cách sắp xếp playlist #4:
Booster => sub => booster => sub...
Một cách sắp xếp playlist hay dành cho người nghe sub bằng laptop hoặc có 2 điện thoại:
1 tab sub + 1 tab booster nghe song song với nhau
Hoặc
1 tab sub + 1 tab detachment (sự phó thác)
Một cách khác:
2 tuần đầu CHỈ NGHE 4-5 BOOSTER mà không nghe bất kỳ một sub nào khác
Kết hợp sử dụng những câu khẳng định // manifest // LoA
Sau 2 tuần, có thể nghe sub như bình thường và nhận được kết quả CỰC KỲ NHANH
Thời gian nghe: Mỗi sub có thể có thời gian nghe khác nhau, đọc kỹ mô tả để biết nên đặt vòng lặp (loop) bao nhiêu lần. Thường thì là 6 lần - 30 phút/ngày cho mỗi sub. Không nhất thiết phải nghe một ngày 4-5 tiếng. Hãy nghe trong khoảng thời gian rảnh và thoải mái.
0 notes
pulpficat · 2 years
Text
Ngắm mùa đông qua các bức họa nổi tiếng
Mùa đông đến với chúng ta, mang theo những lễ hội tưng bừng, hương chocolate và bánh nướng thơm nức, bầu không khí lạnh giá, và tuyết rơi ở những xứ lạnh. Còn với những họa sĩ, họ nhìn thấy gì ở mùa đông, khi thời tiết khắc nghiệt và ảm đạm nhất trong năm? Có thể đó là tình yêu thiên nhiên, sự hòa hợp của người và vật, niềm cảm thông với dân lao động chịu thương chịu khó, những cuộc vui chơi và tiệc tùng trên băng, hay là một ước mong về cuộc sống êm đềm và ấm áp.
Tumblr media
Cảnh mùa đông thường khó vẽ hơn so với cảnh mùa hè và là chủ đề tương đối hiếm trong nghệ thuật phương Tây cho đến đầu thời kỳ Phục hưng. Là một trong sáu bức tranh đại diện cho các mùa được vẽ vào cuối thế kỷ XVI, tác phẩm Những người thợ săn trong tuyết của Pieter Bruegel Lớn đánh dấu sự thay đổi lớn từ phong cách đại diện của từng mùa mang tính biểu tượng - một phong cách truyền thống ở châu Âu trước đây - sang phong cách tả thực. Hiện nay chỉ có năm bức trong loạt tranh vẫn còn tồn tại, bức tranh vẽ cảnh mùa hè đã bị thất lạc vĩnh viễn.
Những người thợ săn trong tuyết mô tả cuộc sống nông thôn dân dã trong một ngày mùa đông, ba thợ săn cùng lũ chó đang trở về nhà sau một chuyến đi rừng. Chuyến đi dường như không thành công lắm, chỉ có một người vác theo chiến lợi phẩm trông từa tựa như một con cáo nhỏ. Trước mặt họ là những dấu chân bé nhỏ của một con thỏ rừng đã trốn thoát. Trải ra trước tầm mắt là thung lũng với dòng sông uốn khúc và những đỉnh núi lởm chởm phía xa. Có một cối xay nước, bánh xe đã bị đóng băng cứng lại. Dân làng đang trượt băng và chơi khúc côn cầu trên mặt hồ. Đây không phải là một phong cảnh Hà Lan điển hình, và có thể không hề giống với Hà Lan trong thực tế vào cuối thế kỷ XVI. Những năm 1560 là khi cuộc cách mạng tôn giáo bùng nổ ở Hà Lan, và Bruegel có thể đã muốn khắc họa một lý tưởng về cuộc sống nông thôn trong mơ ước của ông chứ không hẳn là những cảnh đang diễn ra trước mắt.
Tumblr media
Hendrick Avercamp, một trong những họa sĩ phong cảnh khác ở Hà Lan thế kỷ XVII, chuyên vẽ Hà Lan vào mùa đông. Không nổi tiếng như Rembrandt hay Vermeer, nhưng những bức tranh của Avercamp được công chúng yêu thích và có giá rất cao ngay khi ông còn sống. Là một người câm điếc, bù lại ông có con mắt quan sát sắc sảo vượt trội. Các tác phẩm của ông đầy màu sắc và sống động, với những hình ảnh được chăm chút tỉ mỉ về con người hài hòa giữa cảnh vật thiên nhiên. Ông thường đưa vào tranh các hoạt động thể thao và giải trí ở Hà Lan vào đầu thế kỷ XVII, với rất nhiều bức tranh vẽ cảnh trượt băng trên những hồ nước đóng băng, một phần vì đây là môn thể thao yêu thích của ông từ thời thơ ấu, phần khác vì những thập niên cuối thế kỷ XVI (khi Avercamp còn nhỏ) là một trong những thời kỳ lạnh nhất ở châu Âu, còn được gọi là Tiểu Kỷ Băng Hà.
Tumblr media Tumblr media
Hendrick Avercamp không phải là họa sĩ duy nhất say mê môn trượt băng. Những danh họa như Pierre-Auguste Renoir hay Johan Mengels Culverhouse đã khám phá ra vẻ đẹp tao nhã của môn thể thao mùa đông này và đưa những khoảnh khắc ấn tượng của nó trở thành bất tử trong tranh của mình. Trong bức Trượt băng trên sông Amstel của Adam van Breen, cả thị trấn dường như đang đổ ra vui chơi trên mặt sông. Bức tranh đã truyền tải bản chất của môn trượt băng ở Hà Lan thế kỷ XVII: đây không phải là đặc quyền của riêng một vài người hay tầng lớp nhất định, mà là một hoạt động mùa đông phổ biến và thiết thực dành cho tất cả mọi người, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Còn bức Trượt băng ở gần tường thành của Anthonie Beerstaaten có vẻ như đang mô tả cảnh chơi khúc côn cầu. Tông màu nâu đỏ của bức tranh biểu hiện một ngày ngắn ngủi giữa mùa đông lạnh lẽo, tối tăm và hơi u ám, nhưng không thiếu niềm vui của những trò chơi trên băng, ví dụ như ở phía xa, có thể thấy một con ngựa đang kéo thuyền chở người vượt sông.
Tumblr media
Bức tranh Cuộc thi Trượt băng Nữ ở Stadsgracht, Leeuwarden của Nicolaas Baur mô tả một cuộc thi trượt băng được tổ chức ở Leeuwarden, Hà Lan vào đầu thế kỷ XIX với đám đông khán giả đầy cuồng nhiệt. Trượt băng tốc độ là một trong ba loại hình trượt băng được đưa vào trong Thế vận hội Olympic mùa đông, và là một môn thể thao yêu thích của người Hà Lan. Ở New York, Mỹ, những người trượt băng (và đôi khi có cả những chú chó) thường tụ tập ở Công viên Trung tâm, như trong bức tranh của Charles Parsons. Bức tranh Lễ hội trượt băng tái hiện một sự kiện hào nhoáng tại sân băng trong nhà, được tổ chức để vinh danh con trai út của Nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Arthur, đang sống ở Montreal vào thời điểm đó. Đặc biệt, bức tranh này là tổng hợp của hơn 150 bức ảnh, do nhiếp ảnh gia tiên phong người Canada William Notman (1826-1891) thực hiện.
Tumblr media
Một bức tranh đậm chất lịch sử khác là Mùa đông trong bộ tranh Bốn mùa của François Boucher, biểu tượng cho phong cách Rococo thế kỷ XVIII. Thay vì miêu tả thiên nhiên hoặc những người nông dân, François Boucher lại thể hiện một đôi trai gái đang tán tỉnh nhau trên một chiếc xe trượt bằng vàng. Bức tranh được vẽ cho Bà Pompadour, tình nhân của vua Louis XV.
Tumblr media
Bức tranh Biển băng của Caspar David Friedrich vẽ con tàu đắm khi đang thám hiểm Bắc Cực, một chủ đề bị coi là quá khác thường vào đầu thế kỷ XIX. Tảng băng trôi hoàn toàn nhấn chìm con tàu, trông giống như một tấm bia mộ. Vẻ đẹp của thiên nhiên giữa biển băng hoàn toàn lấn át cuộc sống của con người. Bức tranh vẽ cảnh bão tuyết của JMW Turner cũng mang ấn tượng tương tự. Trong đó, tướng quân xứ Carthage cùng đoàn tùy tùng bị du kích địa phương tấn công và bị vùi dập trong cơn bão tuyết tại vùng Val d’Aosta. Trận bão tuyết cuộn trào như một con sóng khổng lồ thể hiện tầm nhìn của Turner về sức mạnh thiên nhiên hùng vĩ.
Tumblr media
Danh họa trường phái Ấn tượng Claude Monet là bậc thầy về cảnh mùa đông. Ông đã vẽ hơn 100 bức tranh về chủ đề này. Có một giai thoại rằng khi Edouard Manet được ngắm kiệt tác của Monet về mùa đông, ông đã từ bỏ ý định vẽ tranh với chủ đề tương tự. Chim ác là là bức tranh về mùa đông lớn nhất của Monet, miêu tả một chú chim ác là cô đơn trên hàng rào tại Etretat. Nhưng điều gây kinh ngạc nhất của tác phẩm này là những cái bóng đổ trên tuyết, không chỉ có màu đen mà còn có sắc xanh ấn tượng.
Tumblr media Tumblr media
Sắc trắng tinh khôi của tuyết là cảm hứng cho không ít họa sĩ, như Camille Pissarro, Vincent van Gogh, Kazimir Malevich hay John Northcote Nash, dù là Paris tuyết phủ dịu dàng, cánh đồng nơi thôn quê mộc mạc hay nét trừu tượng sắc sảo và dữ dội sau trận bão tuyết. Có lẽ bởi vì tuyết trắng là chủ thể không dễ vẽ: dù trắng, nhưng không thể để trống giấy mà không tô màu, mà nếu tô màu thì tô màu gì đây, bởi sắc trắng của tuyết chẳng bao giờ đơn thuần là trắng, mà là sự hòa trộn của cả màu hồng, màu xanh, màu vàng, màu tím... thậm chí màu đen, tạo nên một khung cảnh trắng xóa nhưng vẫn mang sắc độ đậm nhạt, sáng tối, xa gần đầy ấn tượng.
Tumblr media
Ở giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, Wassili Kandinsky hình thành một phong cách kết hợp các tông màu khá kỳ bí. Phong cảnh mùa đông là bức tranh cuối cùng theo phong cách này trước khi ông trở lại với phong cách trừu tượng tuyệt đối. Trong tranh, bầu trời màu vàng hòa quyện với màu xanh lá cây và trắng. Đường dẫn đến ngôi nhà nhỏ ở trung tâm ánh lên màu hồng và các sườn đồi là một cuộc nổi loạn của các vệt màu ngẫu hứng. Còn Phong cảnh mùa đông của Edward Munch lại khắc họa chiều sâu của mùa đông Na Uy. Các dải màu sắc bất ngờ trên những ngọn núi phủ đầy tuyết vốn là những con lạch của màu xanh lá cây, xanh dương và màu hồng, giúp hình ảnh yên bình này hòa quyện với cảm xúc và sự phấn khích, hình thành nên tuyệt tác của Munch. Còn trong Tuyết mới rơi trên Đại lộ, con đường trắng muốt tạo nên sự tương phản hoàn toàn với những vệt màu nâu, đen và đỏ của cây cối, bầu trời và những vị khách bộ hành, tạo nên một bức tranh tỏa ra hơi lạnh của mùa đông.
Tumblr media
Theodore Rousseau liên tục bị Paris Salon (triển lãm nghệ thuật chính thức của Học viện Nghệ thuật trong giai đoạn 1748-1890) từ chối, nhưng sau đó ông đã trở thành một trong những nhân vật hàng đầu của Barbizon - một nhóm họa sĩ giữa thế kỷ XIX thường vẽ về khu rừng Fontainebleau. Khu rừng mùa đông lúc hoàng hôn là một bức tranh lớn, chưa được hoàn thành khi Rousseau qua đời. Bức tranh không mô tả dáng vẻ chi tiết của những cây sồi trụi lá trong rừng mà là ấn tượng của chúng trong thực tế và những cảm xúc dâng trào được gợi lên từ thiên nhiên.
Tumblr media
Họa sĩ người Ý Giovanni Segantini cũng say mê phong cảnh thiên nhiên, đặc biệt là miền núi cao, nơi mà quanh năm đều như là mùa đông. Mồ côi từ nhỏ, nghèo đói, thất học, mù chữ, phải tha hương và không có quốc tịch, nhưng Segantini có năng khiếu hội họa vượt trội và được đón nhận nồng nhiệt ở châu Âu vào cuối thế kỷ XIX. Không thể kết hôn do không có giấy tờ hợp lệ, Segantini cùng người tình và các con thường xuyên phải thay đổi chỗ ở do bị cộng đồng tẩy chay; họ rời Ý và lưu lạc đến miền núi Thụy Sĩ. Nơi đây đã mang lại một nguồn cảm hứng dồi dào và mãnh liệt cho Segantini, ông tự xây một studio di động ở trên núi cao để vẽ những bức tranh sơn dầu có kích thước khổng lồ, và qua đêm luôn tại đó. Tuy nhiên, số phận bi thảm vẫn không rời bỏ ông; cái lạnh, nhịp độ làm việc căng thẳng cùng độ cao khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, ông đổ bệnh và qua đời ở tuổi 41.
Tumblr media
Nhắc đến hội họa mùa đông, không thể bỏ qua những bức tranh vẽ cảnh mùa đông nước Nga. Mùa đông trắng xóa ở xứ sở Bạch Dương dù lạnh thấu xương nhưng vẫn luôn đẹp đến mê hồn du khách, đồng thời là nguồn cảm hứng cho bao họa sĩ, trong đó có họa sĩ Ấn tượng nổi tiếng Konstantin Korovin. Không như họa sĩ đồng hương Kazimir Malevich sử dụng những màu sắc sống động trong bức tranh phong cảnh mùa đông để thu hút mọi sự chú ý, tranh của Korovin mang vẻ đẹp tinh tế của những màu lặng, thể hiện cuộc sống nước Nga khắc nghiệt trong giá lạnh nhưng cũng rất đỗi êm ái, dịu dàng. Nhưng số lượng khổng lồ những bức tranh vẽ mùa đông nước Nga của Korovin không hẳn chỉ xuất phát từ tình yêu quê hương. Năm 1923, khi đến Paris để mở một triển lãm cá nhân, Korovin bị trộm hết tranh và rơi vào cảnh không một xu dính túi. Để kiếm sống trong những năm sau đó, ông phải sản xuất rất nhiều tranh với chủ đề mùa đông nước Nga, vốn rất được yêu thích vào thời điểm ấy.
Tumblr media
Những bức tranh mùa đông Croatia lại mang vẻ đẹp cổ tích đầy lãng mạn. Trên những con đường nhỏ dẫn vào làng, lớp tuyết dày mịn tinh khôi chảy dài, phủ kín những mái nhà gỗ hệt như kem sữa. Những thân cây khẳng khiu, trụi lá cũng góp phần tạo nên khung cảnh mộc mạc, bình yên rất đặc biệt, lại có chút gì đó ngây thơ, trong trẻo như những bức tranh minh họa cho cuốn truyện cổ mà ta đọc hồi còn bé.
Tumblr media
Có thể đó là nét mê hoặc của mùa đông. Dù thời tiết khắc nghiệt và phong cảnh có phần điêu tàn hơn những mùa khác, nhưng mùa đông vẫn hiện lên trong những bức tranh với muôn vàn sắc thái vô cùng đa dạng, tươi vui rực sáng hay trầm buồn u tối, mang theo linh hồn của cảnh vật và gửi gắm bao tâm tư, tình cảm của họa sĩ.
1 note · View note
pulpficat · 3 years
Text
Ấn tượng, Giverny
Suốt cuộc đời của danh họa Claude Monet, những khu vườn Giverny luôn là nguồn cảm hứng bất tận. Và nếu có cơ hội đến đây, bạn sẽ hiểu vì sao những khu vườn này lại có vị trí quan trọng đến như vậy đối với Monet, cũng như với những tín đồ hội họa.
"Hành hương" về thánh địa hội họa
Với những người yêu nghệ thuật, đặc biệt là những người say mê hội họa, thì Giverny quả là một thế giới thật đầy sắc màu của những kiệt tác. Làng Giverny nằm trên dốc thoải của một ngọn đồi, nhìn xuống phía tây là những cánh đồng mênh mông trải dài ra tận bờ sông Seine, nơi dòng nước chỉ còn xuôi chảy về phía đông nam thêm 72 km nữa là đến thủ đô Paris của nước Pháp. Bởi vậy, khi đến Pháp, tôi không thể bỏ qua cơ hội rẽ vào ngôi làng nhỏ xinh đ���p này để ghé thăm nhà và khu vườn trứ danh của Claude Monet.
Tumblr media
Monet ở Giverny (1926)
Claude Monet (1840 - 1926) được xem là một trong những người khởi xướng trường phái hội họa Ấn tượng, và tên của ông từ lâu đã đồng nghĩa với những bức tranh đẹp như mơ, được lấy cảm hứng từ những khu vườn duyên dáng ở Giverny, nơi ông đã sống 43 năm cuối đời, từ năm 1883 đến năm 1926.
Sau khi Michel Monet, con trai ông, qua đời năm 1966, toàn bộ khu nhà và vườn của ông tại Giverny được di tặng cho Viện Hàn lâm Nghệ thuật Pháp. Michel Monet mong muốn những kỷ niệm và kỷ vật của người cha được chăm sóc, bảo quản một cách cẩn thận và được chia sẻ rộng rãi cho công chúng. Và từ năm 1980, ngôi nhà và khu vườn của ông đã mở cửa cho khách tham quan.
Mở cửa mỗi mùa hoa nở từ tháng 3 đến tháng 11 hàng năm, khu vườn luôn nhộn nhịp với những người yêu nghệ thuật từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây để chiêm ngưỡng niềm cảm hứng của bậc thầy Ấn tượng. Trên cây cầu Nhật Bản bắc qua bờ ao nhỏ đầy hoa súng phớt hồng, trên những con đường nở rộ hoa hồng, hoa cúc và mẫu đơn, là những du khách lăm lăm cầm iPhone hoặc máy ảnh trong tay. Khi dạo bước trên những con đường đông đúc, tôi không khỏi tưởng tượng Monet sẽ nghĩ gì trước cảnh tượng nhộn nhịp đông vui tại khu vườn một thời thanh bình của ông.
Tumblr media
“Ngoài việc vẽ và làm vườn ra, tôi chẳng giỏi bất cứ thứ gì khác… Tôi đang sống những ngày vui sướng đến phấn khích cùng cực, Giverny là một xứ sở thần tiên với tôi… Tôi đã mất nhiều thời gian để hiểu những bông hoa súng của mình… Tôi đã trồng chúng mà không nghĩ rằng có ngày sẽ vẽ chúng… Ta không thể “cảm” một cảnh sắc trong vòng một ngày… Và rồi, tôi bỗng chợt nhận ra cái diệu kỳ của bờ ao nhỏ của mình. Tôi đã lấy bảng màu của mình, và từ đó đến nay, tôi chẳng vẽ thứ gì khác nữa.”
Giverny đã lọt vào mắt xanh của Monet lần đầu tiên từ cửa sổ tàu hỏa. Ông đã bị ngôi làng nhỏ này hút hồn đến nỗi ông thề sẽ có một ngày đến sống ở đây. Năm 1883, ông đã thuê một trang trại và 7 năm sau, ông mua lại nơi này để biến thành khu vườn của riêng mình, trồng muôn loài hoa rực rỡ, đặc biệt là ao hoa súng đã trở thành niềm cảm hứng cho hơn 250 tác phẩm của ông.
Ban đầu, Monet tạo ra khu vườn trên nền một trang trại cũ và cho xây một ngôi nhà, đồng thời là xưởng vẽ. Lúc ấy, khu vườn có rất nhiều cây ăn quả, sau đó ông đã sửa sang lại thành một vườn hoa với sự giúp đỡ của các thợ làm vườn chuyên nghiệp. Một thời gian sau, ông mua một mảnh đất bên cạnh, ngăn cách với mảnh đất ban đầu là một đường tàu hỏa. Thế là khu vườn của Monet ở Giverny chia thành hai khu: một vườn trồng hoa đủ loại trước nhà gọi là Clos Normand rộng khoảng 1 ha và một vườn nước phong cách Nhật Bản bên kia đuờng để trồng hoa súng.
Hai khu vườn, một nguồn cảm hứng bất tận
Clos Normand, khu vườn ngay trước nhà, được Monet thiết kế theo kiểu Pháp, thay vì theo trường phái Anh đang thịnh hành vào đầu thế kỷ XX. Các luống hoa trổ đầy hoa diên vĩ và hoa tulip, hai trong số những loài hoa ưa thích của danh họa. Mỗi góc vườn của Monet là một bức họa điểm đầy màu sắc của các loài hoa như hoa huệ, sen cạn, thược dược xen lẫn với hoa cúc, đỗ quyên và mộc qua, nhìn qua có vẻ bất đối xứng, tuy nhiên vẫn tạo nên một khung cảnh hài hòa và tươi mát.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Lối đi giữa vườn phủ đầy hoa hồng leo quấn quýt những cành thục quỳ và sơn mai, chúng trèo qua các lan can hay trên các vòm cầu, vươn ra các lối đi, xen lẫn giữa những nụ tầm xuân. Monet thích nhất là những loài hoa có màu sắc sặc sỡ, để mọc tự nhiên, không uốn không tỉa, tạo hiệu ứng phóng khoáng và hoang dại mà người xem thường cảm nhận được trong các tác phẩm của ông. Đồng thời nó cũng là cách chủ nhân muốn bao bọc tầm mắt của khách tham quan bằng hoa từ mọi góc nhìn khi bước chân trên lối đi nhỏ len lỏi trong vườn.
Tumblr media
Trong vườn (1895)
Tumblr media
Vườn hoa (1901)
Tumblr media
Vườn diên vĩ (1899-1900)
Tumblr media
Vườn của họa sĩ ở Giverny (1900)
Tumblr media
Vòm hoa hồng (1913)
Tumblr media
Lối đi trong vườn ở Giverny (1901-1902)
Tumblr media
Nhà của họa sĩ ở Giverny (1913)
Từ Le Clos Normand, tôi đi xuyên qua một đường hầm nhỏ (được ban quản lý xây dựng thêm sau này) và cứ ngỡ mình vừa mới bước qua cánh cửa thần kỳ để đến với xứ sở Mặt Trời Mọc. Khu vườn nước Nhật Bản hiện ra như một không gian thiền đúng nghĩa với ao súng, cầu gỗ, bờ tre, khóm trúc, những hàng liễu rủ bóng mơ màng… Trong tiếng chim hót líu lo và những cơn gió thoảng, tôi cảm thấy lòng mình thư thái và bình yên đến lạ.
Tumblr media
Ban đầu, hàng xóm phản đối việc Monet muốn đào ao trồng hoa súng vì sợ ông làm... ô nhiễm môi trường, hư hại sông hồ, nhưng được sự ủng hộ của ông tỉnh trưởng, Monet bắt tay vào xây dựng khu vườn nước với những loài cây bản địa như hoa súng, hoa diên vĩ... Dựa theo những bức tranh khắc gỗ Nhật Bản mà ông sưu tầm, Monet đã xây dựng khu vườn theo kiểu Phù Tang, từ những nhịp cầu cong đến cách sắp đặt bất đối xứng các lùm hoa cũng như các lối đi. Trong thư viết cho ông tỉnh trưởng, ông còn tâm sự: Đối với tôi, hoa không chỉ để ngắm mà còn là một đề tài để vẽ.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Cây cầu Nhật Bản được dựng vào năm 1893, e ấp dưới bóng hoa tử đằng tím biếc, và ao hoa súng được Monet thường xuyên tái hiện dưới nhiều góc độ, qua nhiều mùa khác nhau trong giai đoạn từ năm 1899 đến năm 1918, từ sắc màu hoang dã rực lửa đến trừu tượng, trong hơn 250 bức tranh sơn dầu lớn hiện nằm rải rác trong các phòng trưng bày trên khắp thế giới.
Tumblr media Tumblr media
Cầu Nhật Bản (1899)
Tumblr media
Ao hoa súng (1900)
Tumblr media
Ao hoa súng (1900-1901)
Để tạo nên khu vườn tuyệt tác này, Monet đã tận tụy và kiên trì đào xới, nhổ cỏ, tưới bón, chăm bẵm, thậm chí chuyển hướng nước từ một con sông địa phương rồi sắp xếp từng luống cây, bụi hoa để tạo ra diện mạo chính xác mà mình mong muốn. Mà trong số các hoa trong vườn, có lẽ hoa súng được Monet yêu thích và vẽ nhiều nhất. Hoa súng thu hút ông quá sức đến nỗi trong nhiều bức tranh, cảnh vật trong hồ được thu gọn trong một phần nhỏ, phần còn lại nhường cho hoa! Nhưng hoa súng không phải đột nhiên xuất hiện trong tranh của ông. Bởi khi còn trẻ, ông đã thử nhiều phong cách khác nhau, với nhiều đề tài khác nhau. Nhưng những năm cuối đời, ông chỉ chú tâm vẽ hoa súng, dưới nhiều góc độ, cùng những thay đổi về ánh sáng và bóng nước, với những nét cọ mềm mại và phóng khoáng, khi thì đơn giản, thanh thoát, tươi sáng, khi thì u tối, trầm buồn, phức tạp. Có lẽ đã thấm nhuần tư tưởng thiền của phương Đông, Monet nhìn hoa súng mà không chỉ thấy đơn thuần là hoa súng, đó là đối tượng để ông gửi gắm mọi tâm tư, tình cảm của mình, ao hoa súng như tấm gương phản chiếu của ông mà thôi.
Vì vậy, không ngạc nhiên du khách đến thăm nhà của Monet thường dừng chân bên cây cầu Nhật Bản rất lâu để ngắm hoa súng. Khu vườn đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta có thể trải nghiệm bằng mọi giác quan, có thể biết chính xác điều gì đã truyền cảm hứng cho danh họa. Nhìn ao hoa súng dưới góc nhìn của Monet, như ông đã từng, thật là một trải nghiệm hiếm có và phi thường.
Tumblr media
Hoa súng (1919)
Tumblr media
Hoa súng (1919)
Tumblr media
Hoa súng (1917-1919)
Tumblr media
Ao hoa súng (1917-1919)
Tumblr media
Hoa súng (1920)
Tumblr media
Hoa súng (1915-1926)
Hướng dẫn viên cho biết, tại khu vườn này, từ người thợ làm vườn đến nhà quản lý đều cố hết sức để du khách được đắm chìm trong quang cảnh y như khi danh họa còn sống. Họ trồng các loại cây trong những khu nhà kính rất lớn và ươm hoa từ nhiều loại củ giống mua từ Hà Lan…
Viện bảo tàng thu nhỏ
Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi bước vào trong nhà. Lối kiến trúc và phong cách trang trí rất phương Đông, với cách bài trí đậm chất Nhật Bản, dù Monet là người Pháp. Tuy rằng những bức tranh gốc của Monet không còn được lưu giữ tại đây, chỉ có những bản sao được trưng bày, nhưng qua đó, tôi cũng có thể thấy được một phần nét đẹp của những bức tranh nổi tiếng của ông. Tôi hòa vào dòng du khách, theo chân hướng dẫn viên tham quan phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ, nơi cả gia đình Monet từng sống.
Tumblr media
Du khách xếp hàng vào thăm nhà Monet
Nhờ những bức ảnh cũ và tài liệu lưu trữ, mọi chi tiết, từ cách bài trí đến nội thất, được tái dựng đúng như trong thập niên 20 của thế kỷ XX, chỉ trừ tầng hai của ngôi nhà, được coi là không gian riêng nên không được chụp ảnh như tầng một. Theo lời thuyết minh của hướng dẫn viên, cách bài trí trong các phòng ngủ chỉ được tái hiện đúng khoảng 70-80% so với thời điểm đó.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Tầng hai có hai phòng tắm và ba phòng ngủ chính, một của Claude Monet, hai phòng còn lại là của Alice và Blanche. Alice Hoschedé từng là người tình khi Monet đã kết hôn với Camille Doncieux. Năm 1892, họ thành hôn sau khi Camille qua đời năm 1879. Blanche là con gái riêng của Alice Hoschedé, năm 1897 trở thành con dâu của Monet sau khi kết hôn với Jean, người con trai cả của danh họa với người vợ đầu. Blanche được danh họa thương yêu nhất và coi như con gái ruột. Bà cũng là người chăm sóc Monet trong suốt thời gian danh họa bị bệnh tật đến lúc qua đời.
Tumblr media
Phòng ngủ của Alice
Tumblr media
Phòng ngủ của Blanche
Phòng ngủ của Claude Monet như thể một phòng triển lãm tranh của nhiều họa sĩ đương thời mà ông ưa thích, đồng thời cũng là những người bạn thân thiết cùng ông sánh bước trong cuộc phiêu lưu Ấn tượng, từ Pierre-Auguste Renoir đến Paul Cézanne hay những người luôn cổ vũ Monet, như Paul Signac.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Phòng ngủ của Monet
Tầng một của ngôi nhà gồm những căn phòng sinh hoạt hàng ngày. Phòng khách màu xanh được treo đầy những bức tranh khắc của các danh họa Nhật Bản - trào lưu được ưa chuộng vào đầu thế kỷ XX và được Claude Monet say mê sưu tầm. Bộ sưu tập mang hơi hướng phương Đông giúp họa sĩ thả hồn mơ đến Nhật Bản, xứ sở mà ông chưa một lần đặt chân tới.
Tumblr media
Phòng khách nhỏ màu xanh
Tumblr media
Trên tường treo tranh Nhật Bản do Monet sưu tầm
Đi xuống vài bậc thang gỗ là một phòng khách khác đồng thời là xưởng vẽ đầu tiên của họa sĩ. Đây cũng là nơi ông đón tiếp các nhà buôn, nhà sưu tập và nhà phê bình nghệ thuật. Mặc dù ngày nay không còn tác phẩm gốc nào của họa sĩ, nhưng bản sao 59 tác phẩm của Monet được treo đúng vị trí như khi ông còn sống. Sau khi phân tích nhiều bức ảnh chụp từ 1915 đến 1920 và nghiên cứu tỉ mỉ lịch sử những tác phẩm của họa sĩ, các chuyên gia đã xác định được một cách chắc chắn những bức họa nào từng được trưng bày tại Giverny vào năm 1920.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Xưởng vẽ của Monet
Các bản sao hiện đang được trưng bày tại đây là kết quả làm việc của Phòng tranh Troubetzkoy dựa trên những tác phẩm gốc nằm tản mát trong các bộ sưu tập trên khắp thế giới. Toàn bộ dự án sao chép tranh được hoàn thiện nhờ sự tài trợ của Versailles Foundation.
Tumblr media
Bếp
Tumblr media
Phòng ăn
Ngoài ra, ở tầng một của ngôi nhà còn có một căn phòng lớn chứa hương liệu có nguồn gốc từ khắp thế giới, một gian nhà bếp với cách bài trí hiện đại và được lát gạch men Rouen cùng với một phòng ăn sơn màu vàng dịu nhẹ, không xa hoa mà nhã nhặn, thể hiện khiếu thẩm mỹ của chủ nhân. Có thể thấy mỗi phòng đều có cá tính, màu sắc và nét độc đáo như của một bức tranh. Mọi chi tiết, như giấy dán tường, tranh treo tường, đồ nội thất, thậm chí cả tầm nhìn từ mỗi cửa sổ, đều được chăm chút cẩn thận. Ngôi nhà của Monet đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật mà mỗi du khách đều có thể tương tác.
Ấn tượng, Giverny
Mặc dù hiện nay các bức tranh của Claude Monet được đánh giá cao trên toàn thế giới - một số tác phẩm đã được bán đấu giá hơn 80 triệu USD - tác phẩm của ông không phải lúc nào cũng được đón nhận. Khi Monet và những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng ra mắt các những tác phẩm của họ vào những năm 1870, họ đã gặp phải sự chỉ trích nặng nề từ các nhà phê bình bảo thủ của Pháp. Phong cảnh và tĩnh vật nhuốm màu mơ mộng trong tranh của họ tương phản rõ rệt với những chủ đề lịch sử và tôn giáo ảm đạm hơn, vốn rất được coi trọng vào thời điểm đó. Những họa sĩ theo chủ nghĩa truyền thống cũng bị sốc khi những họa sĩ theo trường phái Ấn tượng thường hoàn thành tác phẩm của họ ở ngoài trời chứ không phải bên trong các xưởng vẽ.
Tumblr media
Quang cảnh làng Giverny (1886)
Tumblr media
Mùa xuân ở Giverny (1899-1900)
Nhưng thời gian đã chứng minh giá trị của nghệ thuật đích thực. Vào cuối thế kỷ XIX, các họa sĩ trường phái Ấn tượng từ Mỹ đến định cư ở Giverny, mong muốn được vẽ tranh trong bầu không khí gần gũi hơn với bậc thầy. Bây giờ vẫn như vậy. Giverny không chỉ thu hút khoảng 600.000 khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới về đây mỗi mùa hoa nở, mà còn là nơi hội tụ những họa sĩ, và cả những người mơ thành họa sĩ. Trong làng, trừ những quán ăn, nhà hàng ra thì nơi đâu cũng là phòng trưng bày, triển lãm và xưởng vẽ.
Tumblr media
Bảo tàng Ấn tượng Giverny
Tumblr media
Hôtel Baudy, nơi hội tụ của các họa sĩ
Tumblr media
Vườn hoa của Hôtel Baudy
Tumblr media
Xưởng vẽ ở Hôtel Baudy
Tumblr media
Mộ của Monet
Tumblr media
Những ngôi nhà ở Giverny mang kiến trúc đặc trưng
Tumblr media
Trên đường phố đâu đâu cũng là tranh
Tumblr media
Giverny luôn tấp nập du khách đến thăm nhà Monet
Trong bầu không khí êm đềm, tôi dạo bước trên những con phố nhỏ. Hai bên đường là những ngôi nhà theo kiến trúc Pháp cổ, nhà nào cũng trồng hoa, trong vườn hay bên cửa sổ. Dù đông du khách, nhưng Giverny cũng không quá ồn ào. Thời gian dường như trôi chậm hơn, êm ả và thanh bình. Có lẽ tinh thần lãng mạn của Monet, trong tranh và trong vườn, vẫn tiếp tục lan tỏa ở Giverny cho đến tận ngày nay?
Thông tin thêm
Địa chỉ: Số 84 đường Claude Monet, làng Giverny.
Giá vé: 11,5 EUR/người lớn, có giảm giá cho trẻ em, sinh viên, người khuyết tật. Nên mua vé online trước để không phải xếp hàng. Nếu bạn có ý định đi thăm cả Bảo tàng Ấn tượng Giverny thì nên đến đây mua vé trước, tại đây có bán vé tích hợp tham quan cả bảo tàng và nhà của Monet. 
Hành trình: Bạn có thế đến Giverny từ Paris bằng tàu, xe bus, ô tô hoặc du thuyền theo các tour đường sông.
Ẩm thực: Ở Giverny có nhiều nhà hàng với đa dạng các món ăn từ pizza, bánh crêpe, hải sản cho đến đồ ăn truyền thống của Pháp.
Lưu trú: Phần lớn du khách chỉ đến Giverny tham quan trong ngày, nhưng nếu muốn ở lại thì Giverny cung cấp nhiều lựa chọn lưu trú cho bạn, từ các khách sạn 2, 3, 4 sao, các trang trại, cối xay gió, trang viên và lâu đài, cho đến những ngôi nhà tranh nho nhỏ dành cho các họa sĩ muốn ở lại đây một th��i gian để học hỏi tinh thần của Monet.
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Đời lãng tử trên đồi Montmartre
Có thể nói Montmartre là không gian mang lại nhiều cảm hứng nghệ thuật nhất Paris. Còn được gọi là “trái tim của thành phố”, Montmartre không chỉ là ngọn đồi nổi tiếng nhất ở Paris, nơi mọi người có thể tận hưởng khung cảnh lãng mạn và tuyệt đẹp của thành phố, mà còn là một địa điểm lịch sử, nơi ra đời của vô số tác phẩm nghệ thuật qua nhiều thế kỷ.
Tumblr media
Đồi Montmartre (Vincent van Gogh, 1887)
Trong suốt thời kỳ Belle Époque, khoảng thời gian kéo dài vài thập kỷ cuối của thế kỷ XIX cho đến Thế chiến thứ nhất, Montmartre là một khu vực có các căn hộ giá cả hợp lý và bầu không khí dễ chịu, thuận lợi cho việc sáng tạo nghệ thuật. Nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc tụ họp, tiệc tùng hay đơn thuần là trò chuyện của giới nghệ sĩ và triết gia.
Tumblr media
Pablo Picasso trong studio của mình ở Le Bateu-Lavoir, 1900
Nhiều họa sĩ nổi tiếng bậc nhất như Edgar Degas, Paul Gauguin, Théophile Steinlen, Henri Matisse và George Braque đã từng tụ tập tại khu nhà Le Bateau-Lavoir. Hộp đêm cabaret Le Chat Noir hay Lapin Agile cũng là nơi các nghệ sĩ như Pablo Picasso, Amedeo Modigliani, Maurice Utrillo và nhà thơ Guillaume Apollinaire thường lui tới. Quán Moulin de la Galette ở Đại lộ Montmartre đã là nguồn cảm hứng vô tận của rất nhiều họa sĩ danh tiếng như Pierre-August Renoir, Vincent Van Gogh, Henri de Toulouse-Lautrec... Ngoài ra còn có hai nhóm họa sĩ lớn khác ở Montmartre là Les Nabis, những người theo trường phái Hậu Ấn tượng, cũng như Les Incohérents, những người tiên phong theo trường phái avant-garde.
Khu phố Montmartre hiện nay vẫn tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, cửa hàng đồ lưu niệm... Trên quảng trường Terre, có rất nhiều các họa sĩ vẽ chân dung và tranh biếm họa cho du khách. Cạnh quảng trường còn có Không gian Dalí, trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Salvador Dalí. Năm 1900 một thang máy đưa du khách từ dưới chân lên đỉnh đồi được lắp đặt làm việc di chuyển được nhanh chóng hơn. Một số địa điểm nổi tiếng như quán Moulin Rouge hay nghĩa trang Montmartre cũng nằm không xa nhà thờ Sacré-Cœur.
Tumblr media
La Goulue đến Moulin Rouge, Henri de Toulouse-Lautrec, 1891-92
Từ những viên đá trên những con đường nhỏ quanh co, những quán cà phê vỉa hè... bất cứ đâu cũng lưu giữ lịch sử và ký ức của các họa sĩ, nhà thơ, nhà văn... Montmartre là thế giới riêng của họ ở Paris, đầy quyến rũ, một ngôi làng vẫn giữ được nét riêng cho đến tận bây giờ.
Khu phố Montmartre hiện nay vẫn tập trung nhiều nhà hàng, quán cà phê, phòng tranh, cửa hàng đồ lưu niệm... Trên quảng trường Terre, có rất nhiều các họa sĩ vẽ chân dung và tranh biếm họa cho du khách. Cạnh quảng trường còn có Không gian Dalí, trưng bày các tác phẩm của họa sĩ Salvador Dalí. Năm 1900 một thang máy đưa du khách từ dưới chân lên đỉnh đồi được lắp đặt làm việc di chuyển được nhanh chóng hơn. Một số địa điểm nổi tiếng như quán Moulin Rouge hay nghĩa trang Montmartre cũng nằm không xa nhà thờ Sacré-Cœur.
Hiện nay, Bảo tàng Montmartre nằm trên đường Cortot, đã từng là nhà của danh họa Pierre-Auguste Renoir.
Tumblr media
Khu vườn ở đườn Cortot, Monmartre (Pierre Auguste Renoir, 1876)
Những họa sĩ nước ngoài như Camille Pissarro và Pablo Picasso cũng mê mẩn khu vực thời thượng, lạ lùng này. Sau này Picasso đã vẽ một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của mình ở đó - Những cô nàng ở quận Avignon.
Tumblr media
Những cô nàng ở quận Avignon (Pablo Picasso, 1907)
Tumblr media
Đại lộ Montmartre về đêm (Camille Pissarro, 1897)
Montmartre vẫn thế, với những con đường nhỏ hẹp, ngọn đồi cao, những bậc thang dốc, cùng những nét thơ mộng mà không nơi nào khác có được đã là nguồn cảm hứng vô tận cho những người có tâm hồn nghệ sĩ.
Paris, một buổi chiều mưa phùn trên đồi. Người nghệ sĩ da đen ngồi  trên cầu thang phía trước cửa thánh đường Sacré-Cœur đang ôm cây đàn ghi-ta và chậm rãi đàn lên bản Đời lãng tử – La Bohème. Paris dù ảm đạm trong mưa vẫn hiện lên thật đẹp từ trên đỉnh đổi Montmartre. Là ly cà phê nóng hổi cùng Ernest Hemmingway, Hội hè miên man. Và rồi Paris tan đi, thật đẹp.
youtube
La bohème là bài hát về một họa sĩ nhớ lại thời trai trẻ của mình ở Montmartre, những năm mà chàng nghèo đói nhưng rất hạnh phúc. Nhạc sĩ, ca sĩ Charles Aznavour thường nói rằng bài hát này như một lời giã biệt cho những ngày cuối của một thời Montmartre lãng tử.
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Những kiệt tác hội họa về mùa thu
Thời tiết mùa thu thật thất thường. Có những ngày trời xanh trong vắt như pha lê, nắng ửng vàng lấp lánh. Có những ngày khác mây sà xuống thấp, sương xám lãng đãng quanh những cành cây bắt đầu rụng lá. Mùa thu vui hay buồn, cảnh vật tươi tắn hay ảm đạm, dường như đều là phản chiếu tâm trạng của con người.
Tumblr media
John Everett Millais đã ghi lại những cảm xúc độc đáo của mùa thu trong hai bức tranh: Lá thu (1855) và Tháng 10 giá lạnh (1870). Cả hai bức tranh đều được vẽ ở Perth, Scotland, nơi Millais sống. Trong Lá thu, bốn thiếu nữ đang gom lá, chất thành một đống và đốt lửa trại. Những cụm khói màu xám bắt đầu bốc lên. Khu vườn phía sau tối tăm với những cây cao mảnh khảnh, đây đó vài đám mây vương như tơ xanh trên nền trời ửng màu vàng cam rực rỡ. Mặt trời lặn khuất bóng trên gương mặt các thiếu nữ. Má họ ửng hồng như cũng nhuốm màu lá đỏ. Người xem như cảm nhận được tiếng những chiếc lá xào xạc giòn tan, làn khói ấm tỏa ra trong buổi chiều tà se lạnh. Millais vẽ nhiều loại lá, đủ hình dạng và màu sắc, rơi rụng, được xếp thành từng lớp, như báo hiệu thời khắc giao mùa, lại như gợi lên những suy nghĩ về tuổi thanh xuân, rực rỡ trong thoáng chốc rồi nhanh chóng tàn lụi theo dòng chảy bất biến của thời gian.
Tumblr media
Tháng 10 giá lạnh lại gợi lên cảm nhận của người xem về cả thời tiết lẫn tâm trạng, được truyền tải trong phong cảnh mùa thu phương Bắc. Một bầu trời điểm xuyết vài dải mây nhạt nhòa soi bóng xuống mặt sông Tuy phẳng lặng. Từ trên bờ sông, mặt nước chỉ là một dải ánh sáng dẫn thẳng đến ngọn đồi xanh mờ ảo phía xa. Một doi đất nhỏ ở giữa sông với những hàng cây hun hút, đám lau sậy ven bờ ken dày như một tấm thảm vàng, tầng tầng lớp lớp đều như cô lập người xem ở bên ngoài bức tranh, bên phía nỗi cô đơn, lạnh lẽo và u ám.
Nhưng ẩn khuất trong Tháng 10 giá lạnh vẫn có một vẻ đẹp tĩnh lặng, trong những đám mây sáng ửng màu ngọc trai dịu dàng, trong những cánh chim xa bay đầy tự do, nổi bật trên phông nền rộng lớn, hoang sơ của những đám lau sậy vàng rực ven mặt nước. Trong nỗi buồn của mùa thu, vẫn có hy vọng.
Tumblr media
Dù buồn hay vui, màu sắc của mùa thu thường trầm và ấm: vàng, cam, đỏ, nâu. Như trong những bức tranh vẽ phong cảnh mùa thu tại Alyscamps, một nghĩa địa La Mã cổ đại ở Arles, Pháp, van Gogh hào phóng tuôn màu vàng rực rỡ trên hai hàng cây dương, tương phản mạnh mẽ với những dãy bia mộ đá. Gauguin đi cùng ông đến Alyscamps ngày hôm đó và đã chọn đưa vào trong tranh của mình một góc nhìn khác về nơi này, một con đường rợp bóng cây đầy lãng mạn lưu dấu chân những giai nhân. Trong những ngày cuối tháng 10 năm 1988, hai họa sĩ đã miệt mài vẽ sáu bức tranh ở Alyscamps, cho đến khi một cơn mưa kéo đến mang theo hơi lạnh chấm dứt mùa thu.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Các họa sĩ dường như chưa bao giờ tiếc công dát vàng lên những bức tranh về mùa thu, từ Childe Hassam, Gustav Klimt cho đến Henri Rousseau, Pierre Bonnard và Egon Schiele. Màu vàng của nắng trời, lá khô, hoa cúc và cánh đồng lúa chín... hay là màu vàng bất tận của cánh rừng bạch dương trong tranh của Levitan đã khiến bao người thương nhớ nước Nga. Dòng sông uốn lượn men theo vàm cỏ thoai thoải nối với rừng cây, gợi lên cảm giác bâng khuâng vô định. Bầu trời xanh trong veo với những tầng mây lơ lửng bay theo làn gió nhẹ và những vạt nắng yếu ớt trải dài, tạo nên sự huyền ảo lung linh của thời khắc giao mùa, tươi sáng nhưng vẫn ẩn khuất nỗi buồn man mác.
Tumblr media Tumblr media
Với độ chính xác màu đáng kinh ngạc, Công viên Hyde ở London, Anh trông đẹp hơn bao giờ hết trong tranh của Camille Pissaro, khi vẻ đẹp của thiên nhiên được phô bày một cách trọn vẹn mà không hề trần tục. Họa sĩ người Anh Joseph Mallord William cũng đã bộc lộ rõ tài năng tái hiện sự kỳ diệu của thiên nhiên bằng màu nước và sơn dầu, đã giúp nâng tầm thể loại tranh phong cảnh lên đúng vị trí của nó, như khung cảnh mùa thu ngoạn mục trong Suối nguồn lười biếng. Mùa thu trong tranh của Jean-Francois Millet thì nhuốm màu trầm hơn, nhưng không u buồn mà trái lại, thấm đẫm phong vị thanh bình êm ả của chốn đồng quê thôn dã sau mùa gặt.
Tumblr media Tumblr media
Nhưng mùa thu cũng là mùa của những vấn vương, thương nhớ và hoài niệm. Trong những cơn mưa chợt đến, chợt đi, cảnh vật chuyển màu héo hắt, dễ khiến con người cảm thấy buồn vu vơ, và có gì đó như là cô độc. Mùa thu trong tranh Wassily Kandinsky sao mà lạnh lẽo đến thế, tán lá đỏ kia có sưởi ấm lòng người được chút nào không?
Tumblr media
Còn Edward Hopper lại níu giữ khoảnh khắc mùa thu tàn phai ở Cape Cod, với con đường hoang v��ng như được quan sát cảnh từ cửa sổ của một chiếc xe đi ngang qua, khắp đất trời như chuyển màu xám tĩnh lặng để nhường chỗ cho đông về.
Tumblr media
Những bức tranh mùa thu của Paul Klee lại trừu tượng hơn và bảng màu cũng đa dạng hơn. Nhìn qua thì có vẻ đơn giản, trẻ con và ngây thơ, tranh của ông đã sử dụng nhiều phương pháp như màu nước, mực, dầu, phấn màu, kết hợp chúng với nhau, phức tạp và đa dạng cả về kỹ thuật và màu sắc, từ đơn sắc đến đa sắc.
Tumblr media
Nói về những bức tranh phong cảnh đẹp nhất của mùa thu thì không thể bỏ qua Claude Monet và những tác phẩm của ông về vùng nông thôn Pháp. Cách sử dụng màu sắc và những nét bút vẽ mềm mại của ông gần như hoàn hảo. Điều đó thể hiện trong những bức tranh về mùa thu ở Argenteuil hay Con đường trên đảo Saint Martin.
Tumblr media
Claude Monet vẽ Hiệu ứng mùa thu ở Argenteuil vào cuối năm 1873, thời điểm mà phong trào Ấn tượng bắt đầu nở rộ tại Paris. Khi ấy, Argenteuil là một trung tâm công nghiệp đang phát triển ở ngoại ô Paris, đồng thời là một đề tài xuất hiện thường xuyên trong tranh của nhiều họa sĩ Ấn tượng vì thị trấn nhỏ này đóng vai trò như một khu nghỉ dưỡng cuối tuần cho giới thị dân Paris. Bức tranh mang màu sắc rực rỡ của một ngày thu đầy nắng lấp loáng trên mặt nước khi cây lá và bầu trời phản chiếu xuống dòng sông Seine. Sự tương phản nổi bật giữa những tán lá vàng và làn nước trong xanh có thể khiến người xem liên tưởng đến những bức tranh khắc gỗ của Nhật Bản.
Tumblr media
Với hơn 30.000 tác phẩm, nhưng Katsushika Hokusai được biết đến nhiều nhất với tư cách là tác giả của loạt tranh khắc gỗ 36 cảnh núi Phú Sĩ, trong đó Sóng lừng ở Kanagawa đã trở thành biểu tượng của Nhật Bản. Hokusai còn có một loạt tranh nổi tiếng khác được sử dụng làm minh họa cho cuốn sách Hiaku-nin-isshiu (Những bài ca của một trăm nhà thơ). Bài thơ đầu tiên là Hoàng đế Tenchi, kể về việc Hoàng đế đã trú mưa trong một túp lều bên đường trong khi xem những người thợ gặt làm việc. Trong bức tranh minh họa, vài lữ khách đi ngang qua một con đường hẹp nơi những người nông dân đang đang gánh lúa về. Phía xa xa là vài túp lều đơn sơ ẩn giữa những tán cây, đằng sau là những ngọn đồi thấp thoáng trong màn sương. Ở giữa bức tranh, ba ngọn cây cao vút, mảnh mai nổi bật trên nền trời hoàng hôn. Nét bút của Hokusai uyển chuyển và tự do, dù bức tranh sử dụng màu sắc trầm buồn, nhưng khúc chiết và lắng đọng tinh thần hội họa Nhật Bản. 
Tumblr media
Jasper Francis Cropsey thường được gọi là “họa sĩ của mùa thu” với hàng chục bức tranh phong cảnh mùa thu rực rỡ, phần lớn ở vùng Đông Bắc Mỹ như New York và New Jersey. Phong cảnh nước Mỹ hiện lên trong tranh của Cropsey thường rộng lớn, khoáng đạt mà yên bình, ấm áp với tông màu vàng, cam và đỏ lộng lẫy. Khi Nữ hoàng Victoria đến xem triển lãm của Cropsey ở London, bà cho rằng những bức tranh không hoàn toàn chân thực và họa sĩ đã phóng đại về màu sắc mãnh liệt của những tán lá thu ở quê nhà. Cropsey đã cho gửi những chiếc lá vàng, lá đỏ từ Mỹ sang Anh để chứng tỏ cho Nữ hoàng và cả thế giới thấy vẻ đẹp diệu kỳ của mùa thu Bắc Mỹ trong tranh của ông là hoàn toàn chân thực. Đây có lẽ là trường hợp đầu tiên trong lịch sử mà một nghệ sĩ phải chứng minh rằng mình “không dùng filter”!
Tumblr media
Bao năm qua, mùa thu dịu dàng đã là nàng thơ của bao họa sĩ tài danh trên khắp thế giới, với một chút buồn man mác, của những con đường phủ lá cây khô, những cơn gió heo may cuộn dài trên phố, những vạt nắng hanh hao cuối cùng còn sót lại trước khi tiễn hè đi. Người họa sĩ dường như cũng nhạy cảm hơn khi thu về, chỉ cần một chiếc lá rơi xào xạc, một giọt nắng rơi bên thềm cũng đủ để họ cầm cọ lên và tâm sự với mùa thu.
9 notes · View notes
pulpficat · 3 years
Text
Ẩm thực Pháp trong Julie & Julia
Julie & Julia kể về cuộc đời của hai người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau, nhưng đều trên con đường khẳng định bản thân, tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc đích thực. Cuối cùng, lời giải đáp dành cho cả hai đều nằm ở tình yêu với các món ăn Pháp.
JULIA, NGƯỜI PHỤ NỮ ĐAM MÊ ẨM THỰC PHÁP
Tumblr media
Julia (Meryl Streep)
Bước ngoặt cuộc đời quan trọng của Julia chính xác là từ năm 1947, khi Paul, chồng bà nhận được lệnh thuyên chuyển sang làm việc tại Paris. Julia đã theo chồng sang nước ngoài. Việc đầu tiên khi vợ chồng Julia và Paul đặt chân tới Pháp chính là tìm một quán ăn bán đồ đặc sản ngon. Món ăn đầu tiên mà Julia thưởng thức tại đây chính là món cá bơn sốt bơ chanh. Julia hoàn toàn bị ẩm thực Pháp chinh phục từ giây phút ngửi thấy mùi bơ béo ngậy, và cách người bồi bàn khéo léo dùng thìa, nĩa lóc xương và cho miếng phi lê cá hoàn hảo lên đĩa.
Với tính cách sôi nổi, năng động của mình, bà mau chóng trở nên buồn chán với công việc nội trợ hằng ngày. Nấu nướng đến với Julia như một hình thức giải trí và dần dần phát triển thành đam mê cả đời. Khi nhắc lại bữa ăn đầu tiên tại nhà hàng Rounen ở Paris, Julia đã khẳng định đó là “sự khai mở cho tâm hồn và tinh thần của tôi”.
Tumblr media
Hành trình học nấu ăn của Julia được lãng mạn hóa trên phông nền kiến trúc Pháp cổ điển và những khu chợ ngoài trời tràn ngập màu sắc
Bắt nguồn từ niềm mê say những món ăn hảo hạng tại Paris mà hai vợ chồng được thưởng thức, Julia Child quyết định mình phải trở thành một đầu bếp chuyên nghiệp và được chồng mình hết mực ủng hộ. Bà mạnh dạn tham gia lớp nấu ăn nổi tiếng Le Cordon Bleu với tư cách một “tay mơ” và hết mình cải thiện kĩ năng nấu nướng để không lâu sau đó, bà có cơ hội được học nghề riêng với những bếp trưởng nổi tiếng như Mac Bugnard, dần dần tiến gần đến trình độ của một đầu bếp ẩm thực hạng sang theo tiêu chuẩn Pháp.
Tumblr media
Món Coq au Vin
Chế biến thịt gia cầm có thể xem là sở trường hàng đầu của Julia với thao tác lóc da và xương điệu nghệ cùng thành quả là những miếng thịt ức bóng bẩy, đầy đặn không tì vết. Bà rất nổi tiếng với biến thể Coq au Vin, một sự kết hợp độc đáo và ngoạn mục giữa ẩm thực Pháp và thói quen nấu nướng của người Mĩ, khi Julia sử dụng mỡ từ thịt xông khói để nướng vịt, tạo ra hương vị giòn rụm tuyệt ngon cho lớp da bên ngoài cùng màu nâu óng ánh vô cùng hấp dẫn.
Tumblr media
Salad Niçoise
Các món salad cũng góp phần quan trọng làm nên phong cách ẩm thực độc đáo với tính chất hòa trộn đặc trưng đa quốc gia ở Julia. Salad Niçoise là sự thử nghiệm kì lạ nhưng thành công khi Julia kết hợp hàng chục nguyên liệu lại với nhau, và chính thành phần “đồ sộ” đã khiến salad Niçoise đôi khi được xem như món chính thay vì khai vị. Ở một đĩa Niçoise, ta có thể bắt gặp từ cà chua, măng tây, bắp cải, khoai tây cho đến hải sản, trứng và thịt các loại. Tuy nhiên món ăn này lại được nhiều người yêu thích vì lợi ích sức khỏe và sự cân bằng dinh dưỡng của nó.
Với món tráng miệng, kem phúc bồn tử kiểu Bavaria đã trở thành một dấu ấn của Julia. Còn gì tuyệt vời hơn khi kết hợp kem sữa béo thơm vị dâu rừng, ăn cùng phúc bồn tử tươi chua chua ngọt ngọt. Một sự bùng nổ của vị giác!
Tumblr media
Kem phúc bồn tử kiểu Bavaria theo công thức của Julia
Julia dần dần nhận ra niềm đam mê của mình và tự mình tìm tòi, sáng tạo những công thức nấu ăn đặc biệt, sau đó xuất bản thành một cuốn sách. Bà cũng có một show dạy chương trình nấu ăn và truyền cảm hứng đến những người có cùng sở thích trên toàn thế giới.
Sự nghiệp ẩm thực của Julia không chỉ dừng lại ở vị trí một đầu bếp tiếng tăm, mà nó còn phát triển hơn nữa khi bà xuất bản cuốn sách dạy nấu ăn hóm hỉnh, đơn giản và gần gũi Mastering the Art of French Cooking, và sau đó là những chương trình hướng dẫn nấu ăn trên truyền hình. Hình ảnh bà Julia cao lớn với đôi tay dài trông có vẻ vụng về, miệng liến thoắng trò chuyện vui đùa trong khi nấu ăn đã tạo nên niềm yêu thích và đồng cảm sâu sắc với những người đầu bếp nghiệp dư, những bà nội trợ trên khắp thế giới, biến Julia thành người thầy dễ mến và “đại chúng” nhất của ẩm thực Pháp cao cấp, người “đưa ẩm thực Pháp tới bàn ăn mọi gia đình Mỹ”.
JULIE, MỘT CÔ GÁI NEW YORK YÊU NẤU ĂN
Tumblr media
Julie (Amy Adams)
Cuộc đời của Julia đã truyền cảm hứng cho cô gái trẻ Julie sống tại New York bốn thập niên sau đó. Năm 2002, Julie cùng chồng chuyển tới nơi ở mới. Cô là nhân viên chăm sóc khách hàng, mỗi ngày phải đối diện với hàng tá cuộc gọi phàn nàn. Chưa kể những cuộc họp mặt với những cô bạn thành đạt khiến cô trở nên mệt mỏi và áp lực. Chính việc nấu ăn vào mỗi buổi tối là sự “giải thoát”, giúp cô nhanh chóng gạt đi những bộn bề cuộc sống. Cô thích đồ ăn Pháp và rất yêu mến Julia. Cô xem đi xem lại các video của Julia và thích thú với cuốn sách dạy nấu ăn của bà. Cho đến một ngày, cô chợt nảy ra ý tưởng viết một trang blog với tiêu đề thử thách: 365 ngày, hoàn thành 524 công thức nấu ăn của Julia. 524 công thức bao gồm những món ăn mặn trong bữa chính và cả những món tráng miệng ngọt ngào.
Tumblr media
Món trứng chần theo kiểu Julia
Julie bắt đầu thử thách từ những công thức đơn giản như trứng chần. Tưởng chừng là một món ăn dễ làm, nhưng một người đầu bếp khéo tay như Julie cũng làm hỏng không ít lần. Có thể thấy trong ẩm thực Pháp, những món ăn tưởng chừng đơn giản cũng phải thực hiện thật tỉ mỉ và có yêu cầu khắt khe. Món trứng chần hoàn hảo có phần lòng đỏ nằm trọn bên trong lòng trắng, rắc lên đó một chút muối và tiêu. Khi dùng dao nĩa tách nhẹ lòng trắng, phần lòng đỏ sẽ tuôn trào như pho mát chảy.
Tumblr media
Món ức gà sốt nấm
Julie cũng nhận ra tầm quan trọng của bơ trong những món ăn Pháp. Cô đã viết một đoạn blog hết sức dễ thương như thế này: “Cứ mỗi lần bạn nếm một thứ gì đó mà ngon quá sức tưởng tượng, bạn sẽ tự hỏi có gì trong món này vậy? Câu trả lời luôn là bơ. Nếu như có một thiên thạch lao về trái đất và chúng ta chỉ còn sống được ba mươi ngày, tôi sẽ dành những ngày đó để ăn bơ.” Điều đó được chứng minh qua sự xuất hiện của thành phần này trong hầu hết các món ăn của cô, ví dụ như món bruchesta ngon tuyệt làm từ bánh mì và salad cà chua. Salad làm từ cà chua bi cắt nhỏ trộn cùng gia vị, rau húng và dầu ô liu. Phần bánh mì cắt lát vừa ăn phết dầu tỏi hai mặt và chiên hoặc nướng cùng bơ.
Tumblr media
Món bruchesta cà chua ngon và dễ làm
Một món ăn đặc trưng của Pháp gắn liền với tên tuổi Julia đó là món bò hầm Bourguignon. Julia đã từng mô tả về món ăn này là “một trong những món thịt bò ngon nhất mà người ta có thể nấu được”. Món bò hầm này chính là tổng hòa của cả một kho tàng hương vị với một miếng thịt hầm nhừ trong tỏi, hành tây, cà rốt, nấm rơm và rượu vang đỏ thơm lừng chếnh choáng say mê. Đây cũng là món ăn mà Julie cho rằng khó nhất, mất công nhất và cô đã để dành nó đến lúc cuối cùng. Cô đã làm cháy nó, và phải nấu lại lần thứ hai, lần này thì cô mới thành công.
Tumblr media
Bò hầm Bourguignon
Trong quá trình thực hiện thử thách, Julie đã gặp nhiều thất bại như vậy. Nhưng cô vẫn dùng chính sự đam mê và sự ủng hộ hết mực của người chồng làm động lực hoàn thành thử thách. Qua trang blog của mình, Julie lại tiếp tục cuộc hành trình truyền cảm hứng cho những người phụ nữ yêu thích nấu ăn giống như cách Julia đã tác động tới cô.
Tumblr media
Julie cũng đạt được thành công trong hành trình nấu ăn theo kiểu Julia
Không chỉ là câu chuyện về quá trình đi tìm hạnh phúc của hai người phụ nữ, Julie & Julia còn hấp dẫn bởi những thử thách, khó khăn và vẻ đẹp của những món ăn giữa không gian ẩm thực Pháp với cảnh quay lãng mạn, màu sắc tươi sáng và những câu thoại hài hước. Cuộc đời có thật của hai nhân vật chính trong phim đã giúp khán giả hiểu thêm về tinh thần ẩm thực Pháp đích thực.
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Paris hoa lệ qua những thước phim nổi tiếng
Paris quả không hổ danh là kinh đô ánh sáng khi nhiều lần xuất hiện ấn tượng qua các thước phim nổi tiếng thế giới.
Sabrina (1954)
Một bộ phim đáng xem với sự diễn xuất của diễn viên Audrey Hepburn. Nội dung phim kể về cô gái tên là Sabrina - cô con gái của ông tài xế trong gia đình giàu có Larrabee đã thầm thương trộm nhớ cậu chủ David từ lâu, nhưng vốn là một kẻ hư hỏng, háo sắc, cậu ta hoàn toàn phớt lờ cô. Sabrina theo học nghề đầu bếp tại Paris với hi vọng rằng cô sẽ mau chóng quên anh. Một vài năm sau khi trở về, Sabrina đã trở thành một phụ nữ vô cùng xinh đẹp và quyến rũ. Ngay lập tức, David lao theo cô.
Tumblr media
Linus - anh trai của David lo sợ mối quan hệ này có thể phá vỡ cuộc đính ước giữa David và con gái của một gia đình giàu có, và thế là bao nhiêu hợp đồng trị giá nhiều triệu dollar với công ty đó cũng đi tong. Bởi vậy nên Linus cố gắng đưa Sabrina tránh xa khỏi em trai mình bằng cách quyến rũ cô và để rồi sau đó cũng rơi vào lưới tình do chính mình giăng ra...
À bout de souffle (1960)
Là đại diện xuất sắc cho phong cách làm phim Làn sóng mới – La Nouvelle Vague, À bout de souffle (Nghẹt thở) – tác phẩm đầu tay của đạo diễn huyền thoại Jean-Luc Godard được đánh giá là một trong 100 bộ phim đáng xem nhất mọi thời đại. Bộ phim xoay quanh nhân vật Michel Poiccard - một tên trộm vặt đã lỡ tay giết chết một viên cảnh sát và rơi vào lưới tình của cô sinh viên người Mỹ.
Tumblr media
Không chỉ tái hiện mọi góc nhìn cuộc sống, Breathless còn đưa bạn trở về những năm1960 để chiêm ngưỡng một Paris cổ điển và tao nhã.
Les Amants du Pont-Neuf (1991)
Les Amants du Pont-Neuf (Đôi tình nhân trên cầu Pont-Neuf) kể về Alex, một người biểu diễn đường phố nghiện rượu và thuốc an thần đã phải lòng nàng họa sĩ Michèle đang mang căn bệnh khiến thị giác của cô càng ngày càng giảm sút. Một tình yêu say đắm giữa hai kẻ lang thang tại cây cầu cổ nhất Paris, cầu Pont-Neuf, đã diễn ra dầy sự lãng mạn đến nỗi bạn tự hỏi liệu có thể tồn tại một tình yêu như thế ở một nơi nào khác cách xa sông Seine? Người xem còn có dịp tìm hiểu đôi chút về những ga tàu điện ngầm ở Paris và viện bảo tàng Louvre, trước khi biết cặp đôi nhân vật chính liệu có thể ở mãi bên nhau?
Tumblr media
Một trong những trường đoạn để lại những ấn tượng khó quên cho người xem là khi Alex và Michèle nhảy múa trên cây cầu giữa không gian rực sáng pháo hoa ngoạn mục. Cả bầu trời và dòng sông Seine bừng lên đẹp không thể tả. Cú máy dài gói trọn khoảnh khắc quý báu họ dành cho nhau, một là lúc hai người nhảy múa như điên dại và một là lúc họ “du ngoạn” trên sông Seine bằng cano lướt ván vừa đánh cắp được. Nó khiến người xem cảm nhận có vẻ cái hạnh phúc và niềm vui ấy sẽ kéo dài mãi, không bao giờ kết thúc, không ai muốn nó dừng lại. Âm nhạc mạnh mẽ thôi thúc cuồng nhiệt và gương mặt hai người cũng bừng sáng trong nhau.
Tumblr media
Bên dòng sông Seine, giữa Paris - thành phố của tình yêu, người ta không chỉ yêu, mà người ta còn yêu với những niềm đau tan vỡ, những đắm say, những điên rồ, những đuổi bắt, những tiếng cười và những giọt nước mắt đều ẩn chứa niềm đam mê.
Amélie (2001)
Amélie lấy bối cảnh ở Paris, thành phố ấm áp, đẹp mơ màng với ba màu chủ đạo là xanh lá, vàng cam và đỏ chín. Đó là một Paris của những quầy bán báo xinh xẻo, những cửa hàng rau quả tươi rói, những con mèo thích nghe chuyện cổ tích và những người dân hiền lành đáng yêu. Là nơi phép màu ẩn trong từng góc phố và tình yêu ngập trong bầu khí quyển. Là nơi kể câu chuyện về Amélie Poulain, một cô gái làm bồi bàn tại một quán café nhỏ, trong sáng, tốt bụng, với những kế hoạch tuy không lớn lao nhưng lại đem đến những thay đổi to lớn cho mọi người sống quanh cô.
Tumblr media
Ngay trong phút đầu tiên, Amélie mở ra hình ảnh con đường Saint Vincent lát đá tưới ánh sáng vàng cam tuyệt đẹp của Paris như cổ tích khiến người ta hình dung ngay lập tức một câu chuyện đẹp với sự chào đời có vẻ đầy ngẫu hứng của Amélie, khi mà những điều tưởng như không ai để ý vẫn đang diễn ra hàng ngày… Đó là tốc độ của một con nhặng đang bay hay một nhà hàng với những chiếc ly đang nhảy múa trên bàn vì gió. Và sau đó là những cửa hàng phô mai, giá cả thịt lợn, cái biển bị sứt một miếng, trẻ em chơi với chim bồ câu, âm thanh phố xá... Theo vòng xoay của câu chuyện, người xem còn được dạo quanh thành phố Paris xinh đẹp, tới những địa danh nổi tiếng mà ai cũng biết và cả những nơi mới chỉ nghe tên lần đầu, những tác phẩm của danh họa trường phái biểu hiện Pierre-Auguste Renoir, hay những khoảnh khắc nên thơ ở khu phố Montmartre.
Tumblr media
Amélie thường chơi trò liệng đá trên cây cầu sắt bắc qua kênh Saint-Martin. Con kênh này được Napoléon Bonaparte cho xây dựng năm 1802, nhằm tạo ra nguồn nước ngọt nhân tạo phục vụ dân số ngày càng tăng của Paris.
Với người dân nơi đây, con kênh còn là địa điểm lý tưởng để đi dạo hoặc đạp xe thư giãn vào những ngày cuối tuần.
Tumblr media
Amélie sống ở khu ngoại ô Montmartre nên các cảnh quay chủ yếu được thực hiện ở đây. Khu Montmartre nằm trên một quả đồi lớn, tập trung nhiều nhà hàng, quán cafe, quán bar, phòng tranh... Thả bộ dọc theo các con phố nhỏ, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những tiệm tạp hóa bày bán nhiều loại trái cây tươi ngon, thực phẩm, đồ lưu niệm... Trong số đó có cửa hàng Marche de la Butte là nơi Amélie quay một trong những phân đoạn cảm động nhất trong phim.
Amélie dẫn cụ già mù đi dọc theo con phố, hào hứng mô tả cho ông tất cả cuộc sống náo nức xung quanh: “Ôi, những cây kem mới thơm ngon làm sao! Những chiếc kẹo que được trưng bày sau cửa kính. Kìa, người bán hoa quả đang xẻ dưa cho khách nếm, ông có ngửi thấy không?”
Tumblr media
Một trong những ga tàu điện ngầm “ăn ảnh” nhất Paris là gare Abbesses. Lối vào của ga có mái che hình kính bầu dục, do kiến trúc sư nổi tiếng Hector Guimard thiết kế. Để xuống tới nhà ga ở độ sâu 36m, bạn có thể đi thang máy, hoặc chọn cách thi vị hơn - đi bộ trên con đường gồm 200 bậc thang xoắn ốc và thưởng thức các b��c tranh tường đủ mọi phong cách trải dọc đường đi.
Tumblr media
Gare du Nord là ga xe lửa và tàu điện ngầm lớn nhất trong hệ thống Paris Metro. Cổng chính của ga được thiết kế cầu kỳ với 9 bức tượng trên mái đại diện cho 9 điểm đến quốc tế lớn nhất, bao gồm Paris ở chính giữa, hai bên là London, Berlin, Amsterdam, Brussels, Cologne, Frankfurt, Warsaw và Vienna.
Amélie thường đón tàu từ ga này để về thăm bố ở ngoại ô Paris.
Tumblr media
Nơi Amélie làm việc là một quán cà phê ở góc đường có tên Café des 2 Moulins, hay “Quán cafe 2 cối xay gió”. Quán có tên này do nó nằm ở điểm chính giữa hai quán cùng mang tên “cối xay gió” lân cận - Moulin Rouge và Moulin de la Galette. Mái che màu đỏ, lối trang trí cổ điển từ thập niên 70 và phong cách Amélie ở mọi ngóc ngách của quán chính là nét đặc trưng khiến nơi đây thu hút được nhiều khách du lịch, đặc biệt là các fan hâm mộ Amélie.
Tumblr media Tumblr media
Còn khu vui chơi dưới chân nhà thờ Sacré-Cœur chính là nơi Amélie dẫn dắt Nino đi theo các mũi tên màu xanh để tìm ra “kho báu” chính là cuốn sổ ảnh mà anh làm mất ở nhà ga cách đó ít lâu.
Tumblr media
Thật khó có thể nói điều gì là đẹp nhất trong Amélie. Từ bối cảnh, tới âm nhạc, tới diễn xuất của diễn viên… Có lẽ, cái tuyệt vời chính là cảm giác dễ chịu suốt hai tiếng mà bộ phim mang lại và người xem hoàn toàn không khó để nhận ra rằng “không ngờ mình có thể vui từ những điều giản dị như thế”.  
Moulin Rouge! (2001)
Là một trong những bộ phim hay nhất của đạo diễn Baz Luhrmann, Moulin Rouge! (Cối xay gió đỏ) được quay ở Paris khi quán Moulin Rouge đang trong thời hoàng kim, trung tâm của ca vũ và mỹ nhân.
Tumblr media Tumblr media
Lấy bối cảnh Paris năm 1899, quán Moulin Rouge là nơi nhen nhóm tình yêu giữa một anh chàng nghệ sĩ nghèo Christian và cô đào xinh đẹp Satine. Ewan McGregor và Nicole Kidman đã “kể” một câu chuyện diễm lệ ca ngợi vẻ đẹp, sự chân thật, tự do của những kẻ lãng du, và trên hết vẫn là tình yêu. Tình yêu dang dở cùng những điệu nhạc, lời ca thắm tình trong phim sẽ khiến người xem phải mong mỏi một lần đến Paris.
Before Sunset (2004)
Before Sunset (Trước lúc hoàng hôn) là bộ phim thứ hai trong bộ ba Before của đạo diễn Richard Linklater. Câu chuyện vẫn xoay quanh chàng trai người Mỹ Jesse và cô gái người Pháp Céline, với những cảnh quay ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc, bối rối của cặp tình nhân gặp lại nhau sau 9 năm dài đằng đẵng.
Tumblr media
Đan xen những tình tiết lãng mạn trong phim, bạn sẽ nhận thấy một Paris bình yên, dịu dàng nhưng cũng rất đằm thắm qua những kỷ niệm đẹp của hai nhân vật chính bên quán cà phê nhỏ xinh, trong những khu vườn đáng yêu và cả trên những con thuyền nhỏ xuôi dòng sông Seine lãng mạn.
Paris, je t’aime (2006)
“Paris, je t’aime” có nghĩa là “Paris, tôi yêu người”. Đây là một bộ phim khá công phu khi có tới 18 đạo diễn hợp tác với nhau để vẽ lên bức tranh rực rỡ về thành phố Paris tuyệt đẹp như một huyền thoại nhằm truyền tải những thông điệp muôn màu về cuộc sống tới người xem.
Tumblr media
Bức tranh ấy được lắp ghép từ những khung cảnh, những góc phố cực-kỳ-thơ-mộng, tháp Eiffel, sông Seine, đồi Montmartre, khải hoàn môn, phố Tàu, nghĩa trang Père-Lachaise, đại lộ Champs-Élysées, công viên, lâu đài… như thể cả thành phố như một bảo tàng nghệ thuật và kiến trúc khổng lồ, lúc nào cũng hoa lệ và đầy cổ kính.
Tumblr media
Nhưng hơn cả, những mảng ghép của bức tranh Paris còn sống động bởi con người, những mảng đời. Bộ phim không có một cốt truyện liền mạch, mà là chắp ghép những cuộc đời bình dị xảy ra ở Paris, những cảnh đời mà ở bất cứ nơi đâu cũng có. Mỗi cuộc đời ấy, chỉ hiển hiện trên màn hình chỉ dăm mười phút, ít câu thoại, nhưng rất ám ảnh, rất nghệ thuật, rất cô đọng và không kém phần bất ngờ. Bên cạnh Paris cổ kính, còn có Paris hiện đại, đa sắc tộc và đa văn hoá mà không màng đến sự khác biệt văn hoá, giới tính, giai cấp và thậm chí ngôn ngữ.
Tumblr media
Paris, thành phố của tình yêu, khi ở đó, những con người trong những câu chuyện hình như đã tìm được tình yêu của đời mình. Hoặc giả như họ không tìm được, thì chí ít, họ đã phải lòng với Paris, với những câu chuyện giàu cảm xúc và bay bổng như trong phim, và phải thốt lên “Paris, tôi yêu người”.
La vie en rose (2007)
Paris không chỉ quyến rũ bước chân lãng tử bằng những con phố, cảnh vật hay con người mà còn bằng những bản tình ca ngọt ngào, như La Vie en Rose. Nhưng cuộc đời của nàng ca sĩ quán rượu - chim sẻ nhỏ Édith Piaf lại chẳng hề màu hồng như bài hát của nàng.
Tumblr media
La Vie en Rose là một bộ phim tiểu sử về Édith Piaf, cho chúng ta thấy về góc khuất Paris nửa đầu thế kỷ XX. Xuất thân là một cô bé nhà nghèo theo cha biểu diễn trên đường phố, phải sống cùng gái làng chơi trong nhà thổ, lăn lộn đủ mọi nơi dưới bùn lầy Paris những năm trước Thế chiến II, người xem sẽ hiểu vì sao Édith Piaf có giọng hát giàu cảm xúc đến vậy.
Tumblr media
Ratatouille (2007)
Ratatouille là bộ phim hoạt hình vô cùng thành công của hãng sản xuất nổi tiếng Pixar, kể về chú chuột Remy có lòng yêu thích ẩm thực và mong muốn được đến Paris để thực hiện ước mơ trở thành đầu bếp nổi tiếng. Tuy bị gia đình ngăn cản nhưng cuối cùng Remy cũng đặt chân được đến kinh đô ánh sáng và bắt đầu cuộc phiêu lưu của mình.
Tumblr media
Tại đây, Remy quen Linguini và cả hải đã trở thành cặp bài trùng trong việc chế biến các món ăn mới lạ, đồng thời chứng mình quan niệm của Gusteau: “Ai cũng có thể nấu ăn ngon”.
Julie & Julia (2009)
Julie & Julia kể về cuộc đời của hai người phụ nữ ở hai thế hệ khác nhau, nhưng đều trên con đường khẳng định bản thân, tìm kiếm niềm vui, hạnh phúc đích thực. Cuối cùng, lời giải đáp dành cho cả hai đều nằm ở tình yêu với các món ăn Pháp.
Tumblr media
Năm 1947, Julia đã theo chồng đến Paris. Việc đầu tiên khi vợ chồng bà làm chính là tìm một quán ăn bán đồ đặc sản ngon. Món ăn đầu tiên mà Julia thưởng thức tại đây chính là món cá bơn sốt bơ chanh. Julia hoàn toàn bị ẩm thực Pháp chinh phục từ giây phút ngửi thấy mùi bơ béo ngậy, và cách người bồi bàn khéo léo dùng thìa, nĩa lóc xương và cho miếng phi lê cá hoàn hảo lên đĩa.
Với tính cách sôi nổi, năng động của mình, bà mau chóng trở nên buồn chán với công việc nội trợ hằng ngày. Nấu nướng đến với Julia như một hình thức giải trí và dần dần phát triển thành đam mê cả đời. Khi nhắc lại bữa ăn đầu tiên tại nhà hàng Rounen ở Paris, Julia đã khẳng định đó là “sự khai mở cho tâm hồn và tinh thần của tôi”.
Julia dần dần nhận ra niềm đam mê của mình và tự mình tìm tòi, sáng tạo những công thức nấu ăn đặc biệt, sau đó xuất bản thành một cuốn sách. Bà cũng có một show dạy chương trình nấu ăn và truyền cảm hứng đến những người có cùng sở thích trên toàn thế giới, trở thành người thầy dễ mến và “đại chúng” nhất của ẩm thực Pháp cao cấp, người “đưa ẩm thực Pháp tới bàn ăn mọi gia đình Mỹ”.
Tumblr media
Cuộc đời của Julia đã truyền cảm hứng cho cô gái trẻ Julie sống tại New York bốn thập niên sau đó. Cô thích đồ ăn Pháp và rất yêu mến Julia. Cô xem đi xem lại các video của Julia và thích thú với cuốn sách dạy nấu ăn của bà. Cho đến một ngày, cô chợt nảy ra ý tưởng viết một trang blog với tiêu đề thử thách: 365 ngày, hoàn thành 524 công thức nấu ăn của Julia. 524 công thức bao gồm những món ăn mặn trong bữa chính và cả những món tráng miệng ngọt ngào.
Không chỉ là câu chuyện về quá trình đi tìm hạnh phúc của hai người phụ nữ, Julie & Julia còn hấp dẫn bởi những thử thách, khó khăn và vẻ đẹp của những món ăn giữa không gian ẩm thực Pháp với cảnh quay lãng mạn, màu sắc tươi sáng và những câu thoại hài hước. Cuộc đời có thật của hai nhân vật chính trong phim đã giúp khán giả hiểu thêm về tinh thần ẩm thực Pháp đích thực.
Midnight in Paris (2011)
Midight in Paris là câu chuyện về Gil, một chàng trai người Mỹ leo lên chuyến xe du hành thời gian trở về thời mà anh ta cho là "hoàng kim" - Paris trong mưa ở thập niên 1920. Khi đó, nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã tụ hội tại đây và tận hưởng sự xa hoa, phù du, thậm chí là phù phiếm để rồi cho ra đời những tác phẩm vĩ đại. Văn học, hội họa, âm nhạc – tất cả cùng hòa chung trong bản giao hưởng làm đắm say lòng người.
Tumblr media
Anh háo hức, tò mò như một đứa trẻ khi được trò chuyện với Hemingway, mở to mắt khi nhìn bức họa của Pablo Picasso, ngập ngừng, bối rối mỗi lần đối mặt với nàng Adriana – người tình xinh đẹp của cả Picasso lẫn Hemingway... Gil ngày ngày chỉ mong tới nửa đêm để được sống ở nơi mà mình thực sự mong muốn. Anh bỏ quên vị hôn thê xinh đẹp Inez, bỏ quên đám cưới sắp diễn ra, bỏ quên cả Paris hiện đại để tận hưởng cái không gian "hội hè miên man", hết bữa tiệc này đến bữa tiệc nọ, hết ly rượu này tới ly rượu kia. Anh không làm sao dứt ra được thứ "men say" đó và ngày càng lún sâu vào quá khứ.
Tumblr media
Phim sử dụng tông màu vàng ấm tạo cảm giác cổ điển và đậm "chất" Pháp. Mỗi khuôn hình của Midnight in Paris đều đẹp một cách hoàn mỹ. Không đi sâu vào các công trình kiến trúc xa hoa như Nhà Thờ Đức Bà hay Tháp Eiffel, đạo diễn Woody Allen cho người xem khám phá một Paris giao thoa giữa cổ điển và hiện đại qua những con đường gạch đá, những ngõ nhỏ mơ màng trong đêm bởi ánh đèn vàng hiu hắt từ chiếc đèn đường.
Tumblr media Tumblr media
Không có những cao trào đẩy tới tận cùng, câu chuyện của Midnight in Paris nhẹ nhàng, êm dịu như một bản nhạc cổ điển phát ra từ chiếc máy quay đĩa cổ. Tuy nhiên, nó vẫn mang đến sự thấm thía sâu sắc và những cảm xúc lắng đọng, gần gũi. Phim gợi người xem đi theo một không gian, một suy nghĩ rất hoài cổ nhưng vẫn rất thực tế và đầy ắp sự lạc quan, hy vọng thể hiện ở những phút cuối cùng của bộ phim.
Tumblr media
Đôi khi, nhiều người trong chúng ta cũng muốn được leo lên chiếc xe cổ lúc nửa đêm như Gil để trở về "thời kỳ hoàng kim" với bao niềm hân hoan, háo hức. Trong nhịp sống hối hả, gấp gáp của ngày hôm nay, một cuộc dạo chơi trở về quá khứ với những ký ức hoài cổ quả thực là một giấc mộng phù du đẹp đẽ mà ai cũng mong muốn được trải nghiệm dù chỉ một lần.
1 note · View note
pulpficat · 3 years
Text
Gợi ý nghỉ hè của các họa sĩ
Ánh mặt trời rực rỡ đã gợi lên cảm hứng gì ở các họa sĩ? Và qua những bức tranh, họ muốn đưa ra lời khuyên nào cho người xem để có thể có được một mùa hè trọn vẹn nhất?
Đi dạo
Mùa hè đến, những khu vườn nở rộ muôn hoa, những cánh đồng bắt đầu ánh lên sắc vàng rực rỡ, bầu trời xanh hơn và nắng cứ trong veo. Tất cả gợi lên một nguồn cảm hứng hoàn hảo cho những bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp mà mỗi khi nhìn vào, bạn gần như có thể ngửi thấy hương thơm của hoa cỏ mùa hè.
Tumblr media
Trong bức tranh sơn dầu tươi sáng Mùa hè, Frank Weston Benson đã vẽ chân dung vợ con mình ngồi nghỉ trên một ngọn đồi sau một chuyến đi bộ ngắn từ nhà của họ, trang trại Wooster. Giữa cỏ khô và hoa trắng, họ ngắm cảnh Vịnh Penobscot xanh biếc xứ Maine. Bức tranh tràn đầy sức sống của mùa hè, như thôi thúc người xem bước ra khỏi nhà và chẳng cần phải đi xa, chỉ đơn giản là hãy học cách tìm thấy vẻ đẹp của cảnh vật xung quanh mình.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Claude Monet cũng là một họa sĩ dành rất nhiều thời gian để tận hưởng thiên nhiên, đặc biệt là mùa hè, khoảng thời gian cho ánh sáng đẹp nhất trong năm. Người phụ nữ che dù là một trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, lấy bối cảnh ở Argenteuil, vùng ngoại ô Paris nơi gia đình ông sống từ năm 1872 đến năm 1878, vẽ cảnh vợ và con trai ông đang đi dạo mát trên đồng cỏ ngập tràn ánh nắng. Trong Đi dạo bên vách đá Pourville, ông đã tìm thấy nguồn cảm hứng trong khung cảnh tuyệt đẹp của làn nước xanh như ngọc và những vách đá Pourville phủ đầy hoa ở xứ Normandy. Còn trong Khóm hoa tròn, Monet vẽ cảnh vợ mình đi dạo trong vườn nhà với những mảng màu sắc hồn nhiên và vô tư của mùa hè nơi thôn dã.
Picnic
Mùa hè là thời điểm thích hợp để bạn thỏa sức vui chơi trong những buổi picnic, dã ngoại cùng bạn bè và gia đình. Và các họa sĩ cũng vậy! Picnic không phải là một khái niệm mới mẻ bởi nó đã là đề tài cho nhiều bức tranh từ đầu thế kỷ XIX, thường sử dụng nét vẽ rộng, bảng màu tươi sáng và sống động để thể hiện niềm vui ngây thơ, thuần khiết của mùa hè.
Bức tranh Bữa trưa trên cỏ của Manet hội tụ tất cả các yếu tố cần thiết để có được một buổi picnic thành công: bầu không khí thư giãn, phong cảnh thiên nhiên xanh tươi mát mẻ và những món ăn ngon. Cuộc dã ngoại của Manet đã không được công chúng chấp nhận vào năm 1863, do bố cục và cái liếc ngang táo bạo của người phụ nữ khỏa thân khiến người xem bối rối.
Tumblr media
Trong tranh, một người phụ nữ dường như vừa tắm xong, đang hong khô mình bên cạnh hai người đàn ông. Quần áo của nàng được trải ra đất như một tấm khăn để ngồi, dường như nàng đã không chuẩn bị cẩn thận cho buổi dã ngoại này. Hai người đàn ông bên cạnh đang say sưa trò chuyện, không để ý đến nàng. Còn có một người phụ nữ khác ở phía sau, đang khỏa nước trong ao. Xung quanh dường như vắng lặng và màu xanh của lá cây khiến cho người xem cảm giác được thời tiết có vẻ mát mẻ. Tất cả toát lên một sự ngẫu hứng, thoải mái, tùy tiện và phóng túng của một buổi dã ngoại êm đềm chốn đồng quê, hoặc ven rừng. Nếu bạn cũng hứng thú với một chuyến picnic như vậy, thì hãy nhớ mang theo một chiếc khăn tắm.
Bơi lội
Mùa hè sẽ không thể trọn vẹn nếu như bạn bỏ qua cơ hội vẫy vùng bơi lội trong làn nước trong xanh. Bởi thế nên, một trong những địa điểm náo nhiệt và đậm chất hè nhất là những bể bơi và hồ nước. Các họa sĩ cũng đã chớp lấy thời điểm này để vẽ lại khoảnh khắc mát lành của con người giữa thiên nhiên.
Tumblr media
Hồ Ếch (La Grenouillere) là một địa điểm vui chơi, bơi lội và đua thuyền rất nổi tiếng ở Croissy bên sông Seine, gần với Bougival, cũng là nơi Monet sống và làm việc vào năm 1869. Trong suốt những năm 1860, nơi đây đã trở thành một điểm du lịch rất thời thượng và hấp dẫn cho những người dân Paris đến để tận hưởng khung cảnh thôn dã và nhà hàng nổi trên m���t nước. Khách tham quan khá đa dạng, từ hoạ sĩ, nhà văn cho tới các nhà quý tộc. Monet và người bạn Renoir của mình thường xuyên vẽ tranh cùng nhau vào giai đoạn này, cho ra đời những tác phẩm khác nhau về cùng một bối cảnh. Những nét cọ rộng rãi, phóng túng của Monet tái tạo gần như hoàn hảo bóng nắng phản chiếu lung linh trên mặt hồ cũng như bầu không khí mát mẻ trong màu xanh của lá và của trời.
Tumblr media
Renoir cũng đã vẽ Hồ Ếch khi làm việc cùng với Monet, và mang tới một cái nhìn cận cảnh với phần đảo hoa nhỏ hình tròn để tập trung vào con người hơn. Các nhân vật của ông nhiều hơn về cả số lượng và mang các đặc điểm cá nhân, ông cũng vẽ những người chèo thuyền và vài con thuyền buồm ở phía sau để tô điểm thêm cho phong cảnh hòn đảo nhỏ.
Tumblr media
Một địa điểm khác nằm ở ngoại ô Paris dọc theo sông Seine là Asnieres cũng được nhiều thị dân Pháp ưa chuộng từ thế kỷ XIX. Không như Chiều Chủ nhật trên đảo Grande Jatte vẽ buổi picnic của giới quý phái, bức tranh này được Seurat mô tả một địa điểm vui chơi của tầng lớp lao động ngay ở bờ đối diện.
Tắm biển
Gió biển mang theo hơi muối mặn, cát luồn dưới những ngón chân, cảm giác nồng nàn của một bãi biển mùa hè quả thực khó cưỡng. Nhiều họa sĩ nổi tiếng đã chọn những bãi biển mùa hè làm đề tài cho mình, và chúng ta gần như có thể chắc chắn rằng họ cũng sẽ tranh thủ bơi lội và tắm nắng ở đó, bởi vì nắng vàng và biển xanh lấp lánh mời gọi đến vậy mà!
Tumblr media
Dưới con mắt của các họa sĩ, biển hiện lên thật muôn hình vạn trạng: mơ màng thư giãn trong tranh của Degas, xanh biếc mát lạnh trong tranh của Hopper, nóng rực sắc hè trong tranh của Derain, lộng gió chiều tà trong tranh của Monet...
Tumblr media
Từ năm 1918, mùa hè nào Picasso cũng ở biển, đầu tiên là ở Biarritz, sau đó ở Cote d'Azur hoặc Dinard. Những chuyến nghỉ hè này đã thôi thúc ông sáng tác hàng loạt tác phẩm về những người tắm biển. Bức Những người tắm biển sáng tác vào năm 1918 tại Biarritz là bức đầu tiên của loạt tranh. Trước đó, phần lớn các bức tranh vẽ phụ nữ trên bãi biển đều là tranh khỏa thân, từ Sự ra đời của thần Vệ nữ của Sandro Botticelli cho đến Những người tắm biển của Paul Cezanne. Nhưng bức tranh của Picasso chỉ đơn giản là một cảnh tắm biển đơn giản và vui vẻ, không cầu kỳ, tỉ mỉ, với cách xử lý đơn giản để tô đậm vẻ đẹp chân thực của những tấm thân thiếu nữ gầy gò và linh hoạt, đã sở hữu một vị trí độc đáo trong số các tác phẩm của ông. Sự đơn giản của ánh sáng, những hòn đá sắc sảo và buồn tẻ, những bộ đồ tắm sặc sỡ, sự tĩnh lặng của đại dương, niềm vui của các thiếu nữ... tất cả mang đến một không khí mơ màng siêu thực như những bức tranh vẽ biển của Tanguy.
Tumblr media
Còn Mary Cassatt lại mang đến cho chúng ta vẻ thơ ngây, yên bình của những em bé nghịch cát trên bãi biển. Sự chân thực của cảnh vật và nét tự nhiên của em bé khiến nhiều người nói rằng họ thậm chí cảm thấy ấm áp khi xem bức tranh này vào mùa đông...
Tiệc tùng
Người ta có thể tiệc tùng cả bốn mùa, nhưng những bữa tiệc mùa hè luôn có một sắc thái rất riêng, hào hứng, bốc đồng và say sưa trong những vũ điệu sôi nổi. Bữa trưa trên thuyền hội và Buổi khiêu vũ tại Moulin de la Galette của Renoir đã bất tử hóa niềm vui phóng khoáng của mùa hè trong nụ cười của những người có mặt, và cả bóng nắng lung linh tỏa sáng rạng ngời qua từng mảng màu đầy cảm hứng.
Tumblr media
Van Gogh lại vẽ một vũ hội đêm hè ở Arles, những ngọn đèn được thắp sáng lung linh, phản chiếu trên váy áo lộng lẫy của những thiếu nữ, hết thảy đều toát lên không khí vui tươi nhộn nhịp.
Tumblr media
Cảnh hộp đêm của Dalí thì thiếu sáng hơn, gợi lên ấn tượng suy đồi của một "cuộc vui đầy tháng, trận cười suốt đêm", lại như thể thúc giục người xem: kìa, mùa hè đang trôi qua, sao còn ngần ngại, cứ say đi!
Tumblr media
Đi thuyền
Đi thuyền là một hoạt động được giới quý phái châu Âu ưa chuộng từ cuối thế kỷ XIX. Không khó hiểu khi nhiều họa sĩ tìm được nguồn cảm hứng khi đi chơi thuyền, hoặc ngắm cảnh những người chơi thuyền trên sông. Và đến giờ, đi thuyền vào mùa hè vẫn là một hoạt động được nhiều người yêu thích, vừa tao nhã lại vừa có tính thể thao.
Gustave Caillebotte (một họa sĩ đương thời với Renoir, là người đàn ông đội mũ vàng góc dưới bên phải của Bữa trưa trên thuyền hội) là một thành viên của Câu lạc bộ thuyền buồm danh tiếng ở Paris, rất thích chèo thuyền. Ông đã vẽ cảnh chèo thuyền trong nhiều tác phẩm ra đời khoảng năm 1877 và 1878, nổi bật có bức Chèo thuyền trên sông Yerres, thể hiện một người chèo thuyền đơn độc qua vùng nước xanh như ngọc.
Tumblr media
Mối quan tâm đến môn chèo thuyền cũng thể hiện rõ ràng trong Đi chơi thuyền của Mary Cassatt, với những mảng màu vàng chanh và xanh lam tương phản mạnh mẽ nhưng đầy tinh tế. Hay như bức Cầu xe lửa ở Argenteuil được sáng tác sau khi Monet chuyển đến ở tại Argenteuil, một thị trấn nhỏ nhưng rất đẹp chỉ cách trung tâm Paris 11 km, vào năm 1872. Thường hoàn thành tác phẩm ở ngoài tự nhiên thay vì ở trong studio, Monet đã vẽ nhiều bức tranh phong cảnh sông nước và cây cầu xe lửa ở Argenteuil khi ngồi trên một chiếc thuyền con, và bức tranh này là một trong số đó.
Tumblr media
Edward Hopper hẳn đã rất kỳ công mới hoàn thiện được những chuyển động của cánh buồm, con thuyền và mặt sông Hudson, để tạo nên cảm giác chân thực về sự tự do giữa bao la trời mây và sóng nước. Cánh buồm no gió lao vút đi, mang theo hơi mát lành của kỳ nghỉ hè ven sông, thổi cả vào những người xem tranh của trăm năm sau.
Nghe nhạc
Mùa hè có lẽ là thời điểm thích hợp để bạn dành nhiều thời gian hơn, không chỉ nghe nhạc, mà còn có thể tập chơi nhạc nữa. Nếu như cây đàn lyre trong tranh Klimt đã quá phức tạp, thì cây đàn guitar trong tranh Matisse là một sự lựa chọn vừa tầm hơn. Bản thân Matisse là một người hâm mộ thể loại nhạc jazz, ông đã đưa vào tranh sự pha trộn hài hòa của những màu sắc ấm nóng, khiến người xem dễ dàng tưởng tượng ra cảnh tượng một đêm hè da diết những khúc nhạc tình...
Tumblr media Tumblr media
Hoặc nếu như chơi nhạc là quá khó đối với bạn, thì hãy hóa thân thành nhân vật còn lại trong tranh và lặng yên thưởng thức một "buổi hòa nhạc" tại gia. Bức tranh của Botero cũng diễn tả một cảnh tượng tương tự. Một buổi tối mùa hè nóng bức ở Colombia, người đàn ông vừa chơi guitar vừa hát, người phụ nữ đang lắng nghe, chú chó ngồi bên giường đang lắng nghe và một người qua đường cũng dừng lại bên cửa sổ để lắng nghe. Nhưng dựa vào nét mặt của những thính giả, có lẽ người đàn ông này không phải là một nghệ sĩ tài năng cho lắm...
Tumblr media
Nhưng nếu như khúc nhạc vang lên say đắm lòng người quá đỗi, thì đừng ngồi yên đó, hãy đứng dậy, buông mình theo từng giai điệu và nhảy múa như những vũ công của Picasso!
Tumblr media
Đọc sách
Bạn có nhớ những ngày thơ bé trốn nhà đi thuê truyện đọc? Giờ đây, giữa cuộc sống bộn bề, có mấy khi bạn dành thời gian để nhẩn nha đọc một quyển sách? Vậy thì bọn trẻ nhỏ bây giờ ham mê ti vi, máy tính và điện thoại hơn sách cũng có gì khó hiểu đâu!
Tumblr media
Sao ta lại không học theo những danh họa xưa - họ đã tôn vinh thú đọc sách bằng cách vẽ những người đọc sách vào những ngày hè tươi đẹp, để thỏa sức tung bay trong thế giới tưởng tượng, trong sự sáng tạo mà câu chữ, ngôn từ mang lại.
Tumblr media
Đạp xe
Nhắc đến các hoạt động mùa hè thì không thể bỏ qua việc đạp xe. Bạn có thể đua xe đạp để thỏa mãn niềm đam mê tốc độ, hoặc cứ thung dung nhẹ nhàng khám phá cảnh đẹp xung quanh. Hãy nhìn niềm vui trên khuôn mặt của những đứa trẻ trong tranh của Ernest Zacharevic mà xem!
Tumblr media
Những đứa trẻ đạp xe là tác phẩm tranh tường do Ernest Zacharevic, một họa sĩ người Lithuania vẽ tại George Town, Penang, Malaysia. George Town được coi là một bảo tàng khổng lồ bởi nơi đây đã hợp tác cùng nhiều họa sĩ để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đường phố thú vị và vui nhộn, mang lại một nét đẹp đô thị vô cùng độc đáo.
Chơi thể thao
Đừng quên dành thời gian chơi thể thao để rèn luyện sức khỏe trong mùa hè. Các họa sĩ cũng thường có hứng thú với thể thao, đây là chủ đề lý tưởng để thể hiện tài năng mô phỏng các chuyển động. Ví dụ như trận đấu tennis trong tranh của Lavery: những quả bóng rải rác trên bãi cỏ, trang phục giản dị và khuôn mặt tươi cười của những người có mặt thể hiện không khí yên bình của một buổi chiều mùa hè.
Tumblr media
Các cuộc thi đấu thể thao cũng là đề tài quen thuộc của Lawrence Toynbee, một trong số đó là cuộc đụng độ giữa Chelsea và Tottenham Hotspur tại Stamford Bridge. Ảnh hưởng mạnh mẽ từ những bức tranh vẽ các vũ công của Anthony Fry, Toynbee đã nắm bắt được tốc độ và sự năng động của một trận bóng bầu dục, như cách thể hiện chân của tiền đạo thành những vệt màu, khuôn mặt của họ mờ nhòe không rõ trong chuyển động cực nhanh của trận đấu.
Tumblr media
Ngủ
Bạn cảm thấy vô lý? Bởi vì ai chẳng phải ngủ, quanh năm, suốt tháng, 8 giờ mỗi ngày, đâu phải chỉ đến mùa hè mới được ngủ đâu? Nhưng giữa những bận rộn quay cuồng trong cuộc sống, không phải ai cũng nhớ đến việc chăm sóc bản thân, nghỉ ngơi và thư giãn một cách hợp lý. Hãy dành chút thời gian để tặng cho mình một giấc ngủ thật sâu, thật tròn, thật đầy như người phụ nữ trong Giấc mơ của Picasso...
Tumblr media
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Một vòng châu Âu qua những bộ phim
Paris lãng mạn, Geneva yên bình hay Vienna cổ kính và nhiều thành phố độc đáo khác là hành trình mà du khách không thể bỏ qua khi đến châu Âu. Đây đồng thời cũng là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng.
Amsterdam, Hà Lan
Nổi tiếng với hệ thống kênh rạch chằng chịt, những ngôi nhà nhỏ xinh xắn dọc theo những con phố, và đặc biệt là hình tượng cối xay gió, Amsterdam là điểm đến thơ mộng đáng mơ ước của du khách thế giới, được ví như Venice của Ý. Bên cạnh đó, những quán cà phê bán "cỏ" hay khu phố đèn đỏ nhộn nhịp thu hút sự tò mò của 4 triệu du khách mỗi năm.
Tumblr media
Hai nhân vật chính trong The Fault in Our Stars đã có một chuyến hành trình Amsterdam đáng nhớ, gặp gỡ tác giả cuốn sách cả hai yêu thích và tham quan bảo tàng Anna Frank. Phim đã đưa khán giả khám phá vẻ đẹp cổ kính, thi vị của thành phố, đồng thời cũng lên tiếng "bào chữa" cho "tai tiếng" của nơi đây: “Có những du khách nghĩ rằng Amsterdam là một thành phố tội lỗi, nhưng thực ra nó là một thành phố tự do. Và khi được tự do, hầu hết mọi người lại tìm đến tội lỗi”.
Tumblr media
Prague, Czech
Nếu coi những thành phố châu Âu xinh đẹp là những viên đá quý, thì Prague nổi lên như một viên kim cương đắt giá. Thủ đô của Cộng hòa Czech mang vẻ đẹp quyến rũ và ấn tượng, được bầu chọn là một trong những thành phố du lịch đáng ghé thăm nhất ở châu Âu với những lâu đài cổ tuyệt đẹp, những kiến trúc ấn tượng như phố cổ Stare Mesto và quảng trường Old Town. Đông đảo du khách đến đây còn để khám phá nền ẩm thực đặc sắc cũng như con người hiền hoà nhưng không kém phần thú vị.
Tumblr media
Vẻ đẹp bất tử với thời gian của lâu đài Hluboká gần Prague đã được sử dụng làm bối cảnh quay cho bộ phim về ma cà rồng Underworld. Không chỉ vậy, những quảng trường và cung điện tráng lệ ở Prague cũng trở thành trường quay cho bộ phim kinh điển Amadeus, thay thế cho Vienna trong nguyên tác. Đó không phải là lần duy nhất Prague được lên phim thay cho Vienna, khi bộ phim The Illusionist cũng sử dụng lâu đài Prague, thị trấn Tábor và ngôi làng cổ tích Cesky Krumlov làm bối cảnh quay. Hiện đại hơn, cả Mission: Impossible phần 1 và Casino Royale đều chọn Prague thơ mộng làm nền cho những pha hành động bốc lửa của mình.
Tumblr media
Budapest, Hungary
Khó mà phủ nhận sức thu hút của Budapest với du khách khi mà thành phố này được trìu mến gọi với nhiều cái tên như “Viên ngọc của Danube”, “Trái tim của châu Âu”, hay “Paris ở phía Đông”. Khác biệt hoàn toàn với vẻ yên bình hai bên dòng sông, khu trung tâm của Budapest luôn luôn sôi động, và là nơi bạn có thể tìm thấy vô số những món đồ kỳ lạ. Bên cạnh đó, thành phố này còn nổi tiếng nhờ những phòng tắm công cộng, đặc biệt là Rudas Rudas Gellért & Baths cực hút khách tham quan.
Tumblr media
Rudas Rudas Gellért & Baths chính là địa điểm quay của bộ phim Evita. Cũng nằm bên bờ sông Danube, tòa nhà Bálna với kiến trúc hiện đại đến "vượt thời gian" lại được sử dụng trong những bộ phim khoa học viễn tưởng đình đám Blade Runner 2049 và The Martian. Tất nhiên, những công trình kiến trúc cổ kính là thế mạnh của Budapest cũng không bị bỏ phí: The Phantom of the Opera đã chọn Nhà hát Lớn Hungary làm địa điểm quay phim nhằm tạo nên một không khí u hoài, bí ẩn, tinh tế mà không kém phần lộng lẫy. Một loạt các bộ phim hành động - điệp viên cũng chọn thành phố xinh đẹp này làm bối cảnh cho mình như Spy, Atomic Blonde, Red Sparrow...
Tumblr media Tumblr media
Vienna, Áo
Những vị khách du lịch đến Vienna nhất định sẽ ghé thăm lâu đài Baroque, bảo tàng Kunsthistorisches trưng bày bộ sưu tập vĩ đại về Ai Cập cổ đại, những quán rượu truyền thống ven đường, những khu vườn cây thanh lịch hay những công trình kiến trúc đương đại kết hợp với những kiệt tác của nghệ thuật trang trí. Vienna cũng là điểm đến mơ ước của những người yêu nghệ thuật khi thường xuyên tổ chức những buổi hòa nhạc cổ điển ở nhà hát thành phố - nơi Mozart ghi dấu ấn rực rỡ trong sự nghiệp của mình.
Tumblr media Tumblr media
Thành phố Vienna độc đáo với sự hòa trộn cả nét đẹp văn hóa lẫn kiến trúc chính là bối cảnh của bộ phim tình cảm lãng mạn kinh điển Before Sunrise. Hai người xa lạ tình cờ gặp nhau trên một chuyến tàu đã quyết định xuống ở ga Vienna và dành cả đêm đó bên nhau, lang thang khám phá thành phố. Phần lớn các cảnh quay được thực hiện trên đường phố ở Vienna, khiến người xem có cảm giác cũng đang được theo chân nhân vật dạo quanh thành phố. Trong đó có nhiều địa điểm nổi tiếng như Wiener Riesenrad, Kleines Cafe, Cafe Sperl, Maria am Gestade, Friedhof der Namenlosen, Maria Theresien Platz và Zollamtssteg Bridge. Bất cứ du khách nào cũng có thể học theo họ và khám phá Vienna bằng cách đi bộ hoặc xe bus hai tầng hop-on hop-off.
Tumblr media
Paris, Pháp
Người ta nói, nếu như không ghé Paris thì coi như chưa từng đến châu Âu. Paris với tháp Eiffel chính là biểu tượng của tình yêu và tình bạn nổi tiếng bậc nhất thế giới. Ghé đến thủ đô Paris hoa lệ, du khách không thể bỏ qua bảo tàng Louvre, nhà thờ Đức Bà, khu vườn Luxembourg, nhà thờ Hồi giáo Paris hay bảo tàng nghệ thuật d'Orsay. Chắc chắn sẽ mang lại cho bạn những trải nghiệm không chỉ thú vị mà còn cực kì đáng giá.
Tumblr media Tumblr media
Paris nên thơ quá, nên không sao đếm xuể những bộ phim lãng mạn diễn ra ở Paris như Amélie hay Moulin Rouge!. Một trong những bộ phim nổi tiếng nhất là Midnight in Paris đan xen giữa hiện thực và kỳ ảo, không chỉ giới thiệu với khán giả những cảnh đẹp mỹ lệ ở Paris mà còn dựng lại cả một thời kỳ mộng mơ của những nghệ sĩ và triết gia đã chọn nơi đây làm nơi trú ngụ. Và không thể bỏ qua được là Before Sunset - phần 2 của Before Sunrise - lần này hai nhân vật chính tái ngộ ở Paris, và họ lại dành một ngày cùng nhau lang thang trong thành phố...
Tumblr media
Geneva, Thụy Sĩ
Geneva nổi tiếng xinh đẹp ở Thụy Sĩ còn được mệnh danh là "thành phố xanh" với hơn 20 công viên nằm trong trung tâm. Đây cũng là điểm dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn và cắm trại lý tưởng cho người dân và du khách. Ngoài ra, thành phố này còn nổi tiếng nhờ những lâu đài cổ tích tựa lưng vào núi và quay mặt ra sông thơ mộng nhưng lại hùng vĩ không kém như Château de Chillon, Place Bourg du Four hay khu quảng trường có tuổi đời bằng tuổi của thành phố này. Một lý do nữa kéo chân du khách đến với Geneva chính là khu bảo tàng Philippe Patek, nơi bạn sẽ được chiêm ngưỡng bộ sưu tập đồng hồ Thuỵ Sĩ khổng lồ khiến bao người thèm thuồng.
Tumblr media
Geneva thơ mộng và thanh bình là vậy nhưng lại là địa điểm quay của nhiều bộ phim trinh thám, hình sự, tình báo nổi tiếng như The Girl with the Dragon Tattoo, Angels and Demons, Syriana, The Bourne Identity... Nhưng không vì thế mà ta có thể phủ nhận vẻ đẹp và sức sống của thành phố này, bởi vì không phải tình cờ mà nơi đây được chọn làm bối cảnh của không ít tập phim 007 đình đám như Goldeneye, The Spy Who Loved Me, On Her Majesty’s Secret Service và Goldfinger.
Bruges, Bỉ
Tương tự như Venice và Amsterdam, Bruges cũng là một thành phố kênh đào vô cùng lãng mạn, đã được liệt kê vào danh sách Di sản thế giới của UNESCO từ năm 2000. Để thưởng thức trọn vẹn nhất vẻ đẹp của thành phố, du khách nên đặt tour du lịch bằng thuyền dọc theo con kênh. Hay ngồi thưởng thức bia và ẩm thực ở các quán ngoài trời ven đường cũng là một trải nghiệm thú vị không nên bỏ qua khi đến Bruges.
Tumblr media
Kiến trúc Trung cổ đầy quyến rũ của Bruges là điểm nhấn của bộ phim In Bruges. Một sát thủ đã phải lẩn trốn ở thành phố đông du khách nhất nước Bỉ này sau một phi vụ làm ăn bất thành. Dù anh ta đã cau có và khó chịu: "Nếu tôi sinh ra ở nông thôn và bị dở hơi thì Bruges cũng ấn tượng ra phết đấy, nhưng mà không", vẻ đẹp như cổ tích của Bruges được thể hiện trong phim đã chứng minh với khán giả điều ngược lại.
Tumblr media Tumblr media
Lisbon, Bồ Đào Nha
Thường bị bỏ qua trong danh sách điểm đến của các khách du lịch trước đây nhưng Lisbon đang dần thay đổi và trở thành một thành phố được yêu thích trong những năm gần đây. Ngoài đi tắm nắng và dạo quanh thành phố với lối kiến trúc tuyệt đẹp thì việc ngắm hoàng hôn từ khu Miradouro da Senhora do Monte sẽ khiến bạn không khỏi lặng người. Nếu là người đam mê mua sắm thì trung tâm thương mại Amoreiras hiện đại rực rỡ sắc màu đúng là thiên đường!
Tumblr media
Nhưng Lisbon không chỉ là một thành phố ồn ào náo nhiệt mà còn mang trong mình một khoảng lặng buồn man mác. Như trong phim Night Train To Lisbon, khán giả sẽ được theo chân ông giáo sư già Raimund khám phá Lisbon từ một chuyến tàu đêm tình cờ và đắm chìm trong câu chuyện vui buồn của những phận người ở Lisbon từ nửa thế kỷ trước cho đến hiện tại trên nền nhạc piano và violin dìu dặt bâng khuâng.
Tumblr media
Barcelona, Tây Ban Nha
Thành phố sở hữu một trong những đội bóng xuất sắc nhất châu Âu - Barcelona từng là chủ nhà của Thế vận hội mùa hè 1992. Nơi đây được trưng bày rất nhiều các tác phẩm nghệ thuật có giá trị và cả những tác phẩm điêu khắc sống động trên bãi biển thu hút hàng triệu triệu người tới thăm vào mỗi mùa hè. Đặc biệt là bảo tàng Picasso hay công viên Guell thì luôn nườm nượp khách, nhất là vào những ngày nắng đẹp.
Tumblr media
Nhiều đạo diễn nổi tiếng đã thể hiện tình yêu của mình với Barcelona như Woody Allen với phim Vicky Cristina Barcelona hay Alejandro González Iñárritu với Biutiful. Cả hai bộ phim này đều có sự góp mặt của nam diễn viên gạo cội Javier Bardem. Nhưng ngoài vẻ quyến rũ của Javier Bardem, Barcelona cũng không kém cạnh khi đem đến cho khán giả những khung hình mãn nhãn về hơi thở mãnh liệt của thị trấn ven biển Santa Coloma de Gramenet và cuộc sống về đêm sôi động ở El Raval trong Biutiful, hay những quán ăn đêm trong ngõ nhỏ, những ly rượu vang trên sân thượng cùng tiếng guitar Tây Ban Nha đong đầy cảm xúc trong Vicky Cristina Barcelona.
Tumblr media Tumblr media
Rome, Ý
Và không thể bỏ qua là Rome, thành phố được yêu thích nhất châu Âu của các tín đồ du lịch. Hãy đánh dấu ngay trong sổ tay du lịch các điểm đến như đền thờ Patheon, đài phun nước Trevi hay đại Thánh đường St. Peter để nếu như chỉ có ít ngày ở Rome, thì đây là những nơi bạn nhất định phải ghé qua nhé.
Tumblr media
Những bộ phim được quay ở Rome cũng nhiều không kém Paris chút nào. Từ những bộ phim đen trắng kinh điển như The Bicycle Thieves đầy tuyệt vọng, Roman Holiday lãng mạn ngọt ngào, Nights of Cabiria đau đớn xót xa cho đến những bộ phim hiện đại như The Great Beauty trăn trở suy tư, Eat Pray Love lạc quan yêu đời hay Angels and Demons phức tạp và kịch tính, vẻ đẹp nhiều cung bậc của Rome vẫn không ngừng khiến trái tim người xem thổn thức.
Tumblr media Tumblr media
2 notes · View notes
pulpficat · 3 years
Text
Những người đẹp bước từ khung tranh lên màn bạc
Thế giới có không ít bộ phim tôn vinh phái đẹp, đặc biệt là những nữ nghệ sĩ, những người mà tên tuổi đã trở nên bất tử trong lịch sử hội họa. Hãy cùng xem các bộ phim tiểu sử về họ, những người đẹp bước từ khung tranh lên màn bạc.
Camille Claudel (1988)
Camille Claudel là một bộ phim của đạo diễn Bruno Nuytten, kể về cuộc đời của nhà điêu khắc thế kỷ XIX Camille Claudel. Bộ phim dựa trên cuốn sách của Reine-Marie Paris, cháu gái của nhà thơ, nhà văn và nhà ngoại giao Paul Claudel (là em trai Camille). Vai Camille Claudel do một trong những nữ diễn viên nổi tiếng nhất nước Pháp đương đại, Isabelle Adjani đảm nhận. Bộ phim đã xuất sắc đoạt 5 giải Cesar trong số 12 đề cử, đại diện cho nước Pháp tranh giải Oscar Phim ngoại ngữ hay nhất và thêm một đề cử Oscar cho Isabelle Adjani.
Tumblr media
Sinh ra và lớn lên tại làng nhỏ Villeneuve-sur-Fère nước Pháp, cô bé Camille sớm phát hiện ra điều kỳ diệu của đất sét. Khi Camille 18 tuổi, nàng bắt đầu theo học một nhà điêu khắc tên tuổi ở Paris. Đó chính là Auguste Rodin. Rodin lúc đó 42 tuổi, đang sống với Rose Beuret và có một người con chỉ kém Camille 2 tuổi. Cuộc gặp gỡ đã cuốn hai nghệ sĩ tài năng vào cơn lốc của cuộc tình vụng trộm mãnh liệt. Bàn tay của Camille in dấu trên rất nhiều tác phẩm của ông trong giai đoạn này. Nàng là học trò tận tụy, là đồng nghiệp tài năng, là người mẫu xinh đẹp lý tưởng, và là người tình say đắm.
Tumblr media Tumblr media
Dư luận miệt thị mối quan hệ không chính đáng, đàm tiếu về những tác phẩm của nàng, cho rằng đó là sáng tạo của người thầy. Bị mẹ và gia đình khinh rẻ và xa lánh, phải liên tiếp đối diện với người tình cũ của Rodin, mang thai rồi phá thai, Camille trở nên bất ổn. Năm 1893, sau khi quyết định chính thức chia tay người tình, nàng khép mình trong căn nhà cũng là xưởng điêu khắc, còn Rodin phất lên như diều gặp gió với những đơn đặt hàng tầm cỡ thế giới.
Tumblr media
Vào thời gian này, nàng đã khẳng định mình bằng nhiều tác phẩm, được thực hiện với nhiều phiên bản bằng các chất liệu khác nhau: thạch cao, đá hoa, đồng, và nàng cũng không ngần ngại sử dụng chất liệu quý hiếm như cẩm thạch để tạo sự khác biệt với Rodin. Mỗi tác phẩm đều có tính hiện đại, đáng yêu, táo bạo, mạnh mẽ và chân thật, thể hiện một cách tinh tế vẻ đẹp con người, tuổi trẻ, niềm đam mê, sự dâng hiến, nỗi chịu đựng, cuộc đấu tranh và phản kháng vì tình yêu, hạnh phúc. Sự nhạy cảm tinh tế trong nghiên cứu chi tiết, phong cách thể hiện sự giằng xé nội tâm của nàng đã làm xôn xao giới phê bình.
Tumblr media
Tuy xa cách nhưng Rodin vẫn luôn duy trì sự hỗ trợ thiết thực của mình với người tình. Ông kín đáo viết thư cho Bộ Công nghiệp đề nghị xuất vật liệu đá hoa giúp nàng, không ngừng giới thiệu về nàng với các nhà phê bình tên tuổi. Tuy nhiên, giới phê bình ngưỡng mộ các bức tượng bao nhiêu thì nghi ngại trước phong cách của nàng bấy nhiêu bởi ở họ cảm nhận ở đó một người phụ nữ mệt mỏi tới vô vọng muốn thả mình vào nghệ thuật, một phụ nữ lập dị và bất thường. Khi việc tài trợ cũng như các đơn đặt hàng ít dần rồi chấm dứt hẳn, Camille lại oán giận Rodin vì cho rằng ông là người đã gây nên mọi sự không may trong sự nghiệp của mình và cắt đứt mọi liên hệ với ông.
Tumblr media
Những sáng tạo nghệ thuật không làm nàng quên được đau khổ trong tình yêu và bất mãn trong sự nghiệp, nàng đắm chìm trong tuyệt vọng, cô đơn, nghèo túng, bị những ám ảnh, mộng mị, hoang tưởng giày vò, và nàng đã dùng búa tự hủy vô số tác phẩm của mình cũng như tiêu hủy nhiều thư từ khác...
Mẹ của Camille luôn ghét bỏ nàng vì lối sống mà bà cho là phóng đãng và vô đạo đức, người em trai Paul thì ghen tị với thiên tài của chị, người em gái Louise thì muốn loại bỏ chị để chiếm đoạt tài sản thừa kế, họ quyết định đưa nàng vào bệnh viện tâm thần. Dù các bác sĩ cho rằng điều này là không cần thiết, nhưng Camille vẫn bị giam hãm ở đây suốt 30 năm cuối đời, không được ai đoái hoài, cho đến khi qua đời vào năm 1943.
Tumblr media
Có thể nói, Camille là một thiên tài xuất chúng, nàng vốn giàu có, xinh đẹp, kiên định, với một tương lai rực rỡ, đầy hứa hẹn, Rodin đã yêu nàng và Debussy đã ngưỡng mộ nàng, cuộc đời nàng có thể đã xán lạn biết bao! Nhưng nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa, Camille đã sống và đã chết trong bi kịch, không được công nhận tài năng, bị cầm tù trong cô độc, vĩnh viễn không bao giờ thực hiện được khao khát mà nàng thổ lộ giữa cơn tỉnh cơn mê: hạnh phúc biết bao nếu như tôi được trở lại ngôi nhà thân thuộc thời thơ ấu tại Villeneuve!
Gần một thế kỷ trôi qua, đến tận năm 1988, chỉ khi bộ phim về cuộc đời Camille Claudel được phát hành, hơn 70 tác phẩm còn sót lại trong vô số những tác phẩm đã bị chính nàng hủy bỏ mới tìm được vị trí đúng đắn và xứng đáng trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Musée Camille Claudel đã được mở cửa vào tháng 3/2017, là một bảo tàng quốc gia của Pháp, nằm ở thị trấn Nogent-sur-Seine, dành riêng cho các tác phẩm của Camille.
Frida (2002)
Năm 2002, bộ phim Frida lấy cảm hứng từ cuộc đời của nữ danh họa người Mexico Frida Kahlo (1907 - 1954) đã trở thành một sự kiện nghệ thuật khi được đề cử 6 giải Oscar và đã được trao 2 giải. Đây là lần đầu tiên gương mặt hội họa huyền thoại và bí ẩn này được thể hiện rất thành công trên màn bạc với diễn xuất tuyệt vời của Salma Hayek.
Tumblr media
Gặp tai nạn xe bus vào năm 17 tuổi, Frida bị thương nặng, gần như gãy nát hết xương trong cơ thể, tưởng chừng không thể qua khỏi. Mặc dù sau đó đã bình phục và đi lại được, nhưng nàng vẫn phải chịu những cơn đau cùng cực cho đến hết đời, và phải trải qua 35 lần phẫu thuật, chủ yếu là mổ cột sống và chân. Trong khoảng thời gian nằm viện, cha nàng đã tạo ra những giá vẽ đặc biệt để giúp con gái có thể nằm vẽ trên giường bệnh.
Tumblr media
Nàng thường vẽ chính mình. Frida Kahlo từng nói: "Tôi vẽ chính mình vì tôi cô đơn. Và vì con người tôi chính là thứ mà tôi thấu hiểu nhất." Cuộc sống của nàng được bao quanh bởi những chiếc gương: trước tủ quần áo, kế bên bàn trang điểm, thậm chí gương còn được treo ở trên tường của chòi nghỉ trong vườn. Đây chính là cách dễ nhất để Frida ngắm nhìn và tự vẽ chính mình.
Tumblr media
Nhưng bộ phim không chỉ đơn giản kể về bản tính kiên cường mạnh mẽ và niềm đam mê hội họa cháy bỏng của Frida, mà còn tái hiện lại một phần tình yêu đầy sóng gió của nàng với người chồng - danh họa Mexico Diego Rivera, hay tình yêu nồng nàn nhưng ngắn ngủi dành cho nhà chính trị người Nga Leon Trotsky... và cả những mối quan hệ đồng giới của nàng.
Tumblr media
Năm 1929, bất chấp sự phản đối của gia đình, Frida kết hôn với Diego. Hôn nhân của họ sau đó thường xuyên trục trặc, bởi cả hai cùng thất thường, nóng tính, và không chung thủy. Họ ly hôn năm 1939 rồi lại tái hôn năm 1940. Lần kết hôn sau cũng vẫn trục trặc y như lần trước. Những bất hạnh trong hôn nhân, những lần sảy thai và niềm đau đớn vì bị phản bội là chủ đề chính trong các tác phẩm của Frida.
Tumblr media
Frida Kahlo hiện lên trong phim tuyệt đẹp, không chỉ qua các tác phẩm và những mối tình mà còn vì lý tưởng sống của nàng cũng như cách nàng đề cao văn hóa bản địa qua những trang phục của người da đỏ Mexico nàng thường mặc và các đồ trang sức dân dã nàng thường đeo, đã tạo nên một nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà thiết kế thời trang sau này.
Tumblr media
Cả lối sống có gì đó rất phóng túng, bốc đồng và quyết liệt của nàng đã tỏa sáng rực rỡ từ khung tranh cho đến màn bạc. Frida Kahlo đã sống một cuộc đời ngắn ngủi nhưng nồng nhiệt và đam mê, trải qua nhiều đau khổ nhưng chưa bao giờ hết khao khát yêu và sống. Nàng giống như ngọn lửa, giống như pháo hoa, bùng nổ khiến người ta choáng ngợp, rồi lụi tàn, nhưng không hề hối hận.
Big Eyes (2014)
Phim tiểu sử Big Eyes là một dự án “lạ lùng” trong sự nghiệp làm phim của Tim Burton. Phim lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về một trong những họa sĩ thành công nhất của thập niên 1950 và đầu thập niên 1960. Nhưng đó là ai?
Tumblr media
Sau khi chạy trốn khỏi cuộc hôn nhân tan vỡ, Margaret đã gặp Walter Keane vào khoảng năm 1950. Hai người nhanh chóng nảy sinh tình cảm nhờ có chung niềm đam mê hội họa. Họ dần dần trở nên nổi tiếng với những bức tranh vẽ các em bé với đôi mắt to ma mị, là hình ảnh phản chiếu chính nàng với những bất hạnh tuổi thơ. Tuy nhiên, tài năng của nàng chưa được mọi người chú ý và hầu như không có cơ hội phát triển trong xã hội trọng nam khinh nữ lúc bấy giờ.
Tumblr media
Walter ban đầu thử đưa những bức tranh của vợ trong các chiến dịch quảng cáo phòng triển lãm mỹ thuật mà ông mở ra. Những bức vẽ tưởng như “tầm phào” của Margaret bất ngờ khiến ông chủ phòng tranh nhận được nhiều sự quan tâm và lời hỏi mua tranh.
Margaret luôn ký tên là Keane trên những bức tranh của mình nên Walter dễ dàng bán được tranh với danh nghĩa là tác giả duy nhất mà không hề để lộ cho vợ biết về cú lừa của mình. Walter cũng đã cố gắng học cách vẽ của Margaret nhưng không thể. Margaret bắt đầu phát hiện ra chân tướng sự thật sau 2 năm chung sống nhưng quyết định giữ im lặng vì bà nghĩ rằng, người ta sẽ trả giá cao hơn cho những bức tranh có tác giả là nam giới.
Tumblr media
Đến thập niên 1960, những bức tranh nhái lại tác phẩm của Keane được sản xuất hàng loạt, bày bán khắp mọi nơi. Khi những bức tranh càng lúc càng bán chạy và Walter mở thêm nhiều phòng tranh, Margaret buộc phải miệt mài vẽ tới 16 tiếng một ngày để đáp ứng kịp nhu cầu, trong khi Walter ra ngoài ba hoa khoác lác và tận hưởng thành quả do vợ mình đem lại. Thời gian trôi đi, những đôi mắt trong tranh của Margaret buồn bã u uẩn hơn bởi chúng phản chiếu trạng thái tuyệt vọng của nàng. Dần nhận ra chính cuộc hôn nhân đã đẩy mình đến bờ vực trầm cảm, Margaret ly dị Walter năm 1965.
Tumblr media
Sau đó, Margaret cố gắng giành lại quyền làm chủ những tác phẩm của mình. Đỉnh điểm của cuộc chiến giữa hai người là ở trong phòng xử án năm 1986. Margaret đã lập tức vẽ ngay một bức tranh trước mặt thẩm phán để chứng minh mình là tác giả đích thực đằng sau những bức tranh nổi tiếng. Walter từ chối vẽ, viện cớ rằng ông đang… đau vai. Kết quả, Margaret đã thắng kiện và giành được 4 triệu USD tiền bồi thường. Kể từ đó, Margaret đường hoàng ghi tên vào lịch sử hội họa, và nàng vẫn tiếp tục sáng tác tại San Francisco cho đến ngày nay. Còn Walter Keane không hề vẽ thêm một bức tranh nào nữa, cho đến tận lúc chết. Tên tuổi của ông chìm vào quên lãng, chỉ còn được nhớ tới như một kẻ lừa đảo trơ tráo bị vạch trần.
Tumblr media
Bằng câu chuyện riêng của cuộc đời Margaret, bộ phim đã tái hiện lại những thước đo giá trị và nét văn hoá đặc trưng trong nghệ thuật, thẩm mỹ của những năm 1950. Sự chân thật sống động mà vẫn đậm chất giải trí của Big Eyes đến từ phong cách làm phim uyển chuyển mềm mại cùng phần lời thoại vô cùng thú vị. Các quan điểm riêng về nghệ thuật của nhà làm phim được gài gắm qua những câu thoại châm biếm đầy ý nhị cùng loạt tình tiết trào phúng nhiều ẩn ý. Nhờ vậy, không cần bi kịch hoá cốt truyện, bộ phim vẫn lột tả mạnh mẽ tư tưởng trọng nam khinh nữ, thói quen thưởng thức nghệ thuật theo trào lưu vốn gây nhức nhối những thập niên cũ.
Tumblr media
Có ý kiến cho rằng, đây chính là tác phẩm chân thành và mang tính cá nhân nhất của Tim Burton. Big Eyes nói lên tiếng nói của những nghệ sĩ nữ nói riêng và giới nghệ sĩ nói chung về sự bất công trong lao động cũng như sự khó khăn trong việc bảo vệ thành quả lao động ấy.
Woman in Gold (2015)
Trong Woman in Gold, nữ diễn viên gạo cội người Anh Helen Mirren hóa thân thành Maria Altmann - người phụ nữ gốc Do Thái 87 tuổi còn sống sót sau Thế chiến II. Phim được đặt theo tên bức chân dung Adele Bloch-Bauer, người dì của Maria, do danh họa người Áo Gustav Klimt vẽ năm 1907. Bức tranh đã bị Đức quốc xã đánh cắp từ nhà Bloch-Bauer, chúng tìm cách xóa bỏ gốc gác Do Thái của người mẫu và đổi tên thành Woman in Gold - người phụ nữ dát vàng.
Tumblr media
Đây là 1 trong 5 bức tranh của Gustav Klimt được chính phủ Áo trao trả lại cho bà Maria Altmann vào năm 2005, sau một cuộc chiến pháp lý dai dẳng. Thời điểm đó, bức tranh đang được trưng bày trong Bảo tàng Belvedere, được xem là “Mona Lisa của nước Áo” và là “báu vật quốc gia”...
Tumblr media
Nhân vật chính trong phim, bà Maria, không phải là họa sĩ, cũng không phải là người mẫu, nhưng cuộc đời bà lại gắn bó với những biến động của thời đại và số phận chìm nổi của bức tranh. Cùng với chàng luật sư trẻ thiếu kinh nghiệm nhưng thừa nhiệt huyết, bà đã chiến đấu để giành lại những bức tranh quý của gia đình. Đối với bà, đó không chỉ là tài sản trị giá hàng trăm triệu USD, mà còn là tình cảm với dì Adele, là những kỷ niệm về một thời yên ấm ở Vienna, là bằng chứng về những tội ác chiến tranh mà bà cũng như bao người Do Thái khác phải chịu đựng. Maria không muốn tất cả những điều ấy sẽ bị thời gian vùi lấp, tên tuổi của dì Adele bị xóa bỏ, chỉ còn là một "người phụ nữ dát vàng", và thế hệ trẻ dần quên đi nạn diệt chủng đã từng xảy ra tại thành phố hoa lệ này. Dù không trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tác bức chân dung Adele, nhưng vụ kiện của bà Maria đã khiến bà trở thành một "nàng thơ", đưa lịch sử đẫm máu phía sau bức tranh ra ánh sáng, và mãi mãi đi vào lịch sử hội họa như một phần ấm áp và đầy nhân bản bên những lá vàng lạnh lẽo.
Tumblr media
Xen giữa những chi tiết hấp dẫn về cuộc chiến pháp lý với chính quyền nước Áo là những ký ức mà Maria muốn chôn vùi bỗng sống dậy về người dì yêu quý Adele, về những năm tháng tuổi thơ yên bình và hạnh phúc trong một gia đình giàu sang ở Vienna, về cuộc hôn nhân với một chàng nghệ sĩ trẻ...
Tumblr media
Tất cả đều sụp đổ tan tành khi Đức quốc xã chiếm đóng nước Áo và cả gia đình của Maria, như hàng triệu người Do Thái khác, phải chịu chung một số phận bi thảm không lối thoát. Qua những thước phim Maria dẫn dắt khán giả đi ngược về quá khứ để chứng kiến lại những thời khắc của lịch sử.
Tumblr media
Chỉ xuất hiện thoáng qua một vài cảnh, nhưng nhân vật Adele Bloch-Bauer cũng để lại ấn tượng mạnh trong lòng khán giả với nét xinh đẹp, đài các và phong thái vương giả, cùng những suy nghĩ sâu sắc và dịu dàng của mình. Klimt đã vẽ nàng Adele với yêu thương và trân trọng, Maria đã nhìn bức chân dung Adele với bao hoài niệm buồn vui, và hậu thế sẽ mãi nhìn người phụ nữ dát vàng như một biểu tượng của nghệ thuật và lịch sử châu Âu thế kỷ XX.
The Dazzling Life of Hokusai's Daughter (2017)
Bộ phim phỏng theo cuộc đời nữ họa sĩ trường phái ukiyo-e, Katsushika Ōi. Nàng là con gái thứ ba của họa sĩ nổi tiếng Katsushika Hokusai. Có lẽ không cần giới thiệu nhiều, ai cũng biết những tác phẩm của Hokusai, vốn được coi như biểu trưng của nghệ thuật và văn hóa Nhật Bản. Ōi thì không nổi tiếng như cha, nhưng ai đã bỏ công tìm hiểu về tranh của Ōi, hẳn đều sẽ không thể phủ nhận rằng nàng cũng rất tài năng.
Tumblr media
Từ còn bé, nàng đã theo cha học vẽ và rất hứng thú với hội họa. Khi trưởng thành, nàng ly dị chồng vài năm sau khi kết hôn, rồi quay về nhà chăm sóc và giúp đỡ cha. Ōi đã hỗ trợ Hokusai trong việc hoàn thiện bộ tranh "36 cảnh núi Phú Sĩ".
Khi Hokusai đã già, không thể múa bút một cách tự do, Ōi trở thành "bút vẽ" của cha và vẽ tranh thay cha. Đó là khi nàng bắt đầu phát triển niềm đam mê mạnh mẽ với các màu sắc và cuối cùng đã tạo được phong cách vẽ tranh của riêng mình. Hokusai đã từng nói rằng, "Mỹ nhân họa mà tôi tự vẽ không thể sánh được với mỹ nhân họa của Ōi." Quả vậy, Ōi vẽ mỹ nhân họa cũng như viết thư pháp rất giỏi.
Tumblr media
Ōi không chỉ thừa hưởng tài năng nghệ thuật của cha mà còn cả tinh thần tự do của ông. Cả hai đều không màng đến của cải vật chất, cũng chẳng bận tâm đến việc trong nhà. Hai cha con thường miệt mài vẽ cả ngày, không nấu ăn mà ra đi chợ gần đó mua thức ăn sẵn. Sau một thời gian, khi thấy nhà cửa bừa bãi, bẩn thỉu đến mức không sống nổi, họ sẽ khăn gói chuyển nhà.
Có lẽ ở thời hiện đại, lối sống của hai cha con Katsushika không bị coi là quá bê bối, mà chỉ đơn giản phong cách phóng túng của nghệ sĩ. Nhưng ở thế kỷ XIX, trong một xã hội phong kiến cổ hủ, trọng nam khinh nữ như Nhật Bản, thì cũng dễ tưởng tượng ra những lời đàm tiếu của thiên hạ về Katsushika Ōi. Nhưng nàng chẳng bận tâm, thế giới của nàng là thế giới của hội họa, dù tình yêu đã khiến nàng thất vọng, dù mọi người - kể cả mẹ nàng - đều không hiểu nàng, thì trong mắt nàng vẫn luôn có ánh dương rạng rỡ đã hướng nàng vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống.
Tumblr media
Nhưng sau khi Hokusai qua đời, cuộc sống của Ōi đột ngột thay đổi. Như thế nào? Không ai biết. Mọi dấu vết của nàng dường như cũng biến mất khỏi thế giới kể từ đó. Nhưng có thể đoán được, với một phụ nữ đã bước vào tuổi trung niên mà chỉ biết cầm bút vẽ, một thân một mình không chỗ dựa trong xã hội phong kiến, thì mọi chuyện chẳng hề dễ dàng. Phim chỉ thuật lại rằng nàng đã chết trong cô độc, một vài năm sau đó. Nhưng có thể nói rằng, dù chỉ khiêm nhường ẩn sau bóng dáng người cha danh giá, Ōi vẫn lưu lại những dấu ấn đặc biệt trong nền hội họa Nhật Bản với tài năng và lối sống vượt khỏi quy chuẩn của thời đại, và tên tuổi nàng sẽ mãi mãi không bị lãng quên.
5 notes · View notes
pulpficat · 3 years
Text
Vòng quanh thế giới qua những bức họa mùa xuân
Mùa đông lạnh giá qua đi, mùa xuân về khiến thiên nhiên lại đâm chồi nảy lộc, truyền cảm hứng cho các họa sĩ từ khắp nơi trên thế giới trong nhiều thế hệ. Hãy cùng khám phá thế giới qua những bức họa mùa xuân nổi tiếng này.
Mỹ
Tumblr media
Bức tranh mùa xuân tuyệt đẹp này là của Julian Onderdonk, một họa sĩ trường phái Ấn tượng đến từ Texas, người được mệnh danh là cha đẻ của hội họa Texas. Ông được biết đến với những bức tranh đẹp ngoạn mục của mình về phong cảnh Texas với những thảm hoa mũ len xanh.
Hoa mũ len xanh là loài hoa biểu tượng của bang Texas. Sinh trưởng trong vùng đất khô cằn miền Tây nước Mỹ, nhưng hoa có sức sống rất mãnh liệt. Vào dịp đầu tháng 4 hàng năm, những cánh đồng hoa mũ len xanh ngút ngàn bắt đầu nở rộ ở miền Trung và miền Nam Texas, đẹp đến đắm say lòng người.
Ba Lan
Tumblr media
Józef Mehoffer là một trong những họa sĩ Ba Lan được kính trọng nhất lúc đương thời, và ngôi nhà ở Jankówka gần Kraków là một phần quan trọng trong di sản của ông. Ngôi nhà mang phong cách cổ kính quyến rũ và được chính ông trang trí nội thất vô cùng trang nhã.
Sau khi ông qua đời, gia đình đã hiến tặng ngôi nhà Mehoffer cho Kho bạc Nhà nước, và cuối cùng nó thuộc sở hữu của Bảo tàng Quốc gia ở Kraków. Nhà Mehoffer mở cửa cho công chúng từ năm 1996 như một bảo tàng dành riêng cho danh họa. Bức tranh này cho thấy quang cảnh sân lớn của ngôi nhà Mehoffer giữa mùa xuân nở rộ.
Tây Ban Nha
Tumblr media
Claude Monet đã mô tả Joaquín Sorolla là "Bậc thầy của ánh sáng". Sorolla được biết đến với những tác phẩm sáng sủa và bảng màu rạng rỡ. Mặc dù các tác phẩm của ông cho thấy tầm ảnh hưởng không thể nhầm lẫn của những người theo trường phái Ấn tượng, Sorolla tự cho rằng mình giống John Singer Sargent và Anders Zorn về mặt phong cách.
Bức tranh này, được vẽ vào mùa xuân năm 1920, là một trong nhiều khung cảnh của vườn nhà ông ở Madrid, hiện là Bảo tàng Sorolla.
Nhật Bản
Tumblr media
Hiroshi Yoshida là một họa sĩ Nhật Bản thành công và là nhà in tranh khắc gỗ từ thế kỷ XX. Ông là một trong những họa sĩ vĩ đại nhất của phong cách shin-hanga và nổi tiếng với những bức tranh in phong cảnh của mình. Yoshida đã đi khắp nơi trên thế giới và sáng tạo ra một số tác phẩm theo phong cách khắc gỗ về các chủ đề ngoài Nhật Bản.
Tuy nhiên, bức tranh này của Yoshida mô tả các chủ đề truyền thống của Nhật Bản và tập trung vào vẻ đẹp của mùa xuân ở Nhật Bản - những cây anh đào.
Đan Mạch
Tumblr media
Sinh ra sau khi Thời kỳ Hoàng kim của Đan Mạch kết thúc, Peder Mork Mønsted là một họa sĩ Đan Mạch nổi tiếng, đã được ca ngợi với những bức tranh thanh bình và thơ mộng về phong cảnh và bờ biển Đan Mạch và Scandinavia. Bức tranh này mô tả vùng nông thôn Scandinavia nông thôn vào tháng 5 với những bông hoa tử đinh hương nở rộ.
Ấn Độ
Tumblr media
Mùa xuân hay vasant từ lâu đã được tôn kính như một thời điểm của tình yêu, âm nhạc và lễ hội trong thần thoại Hindu, và đặc biệt gắn liền với thần Krishna. Bức tranh này là định dạng thu nhỏ của một tác phẩm lớn hơn, thuộc về triều đình Bilaspur đầu thế kỷ XVIII ở miền Bắc Ấn Độ.
Bức tranh mô tả một phong cảnh mùa xuân rực rỡ với hai người phụ nữ mặc lehenga đang hái hoa bỏ vào giỏ.
Australia
Tumblr media
Bức tranh về Vườn bách thảo thành phố Brisbane vào mùa xuân năm 1903 được vẽ vào tháng 9, thời điểm mùa xuân về ở Australia. R. Godfrey Rivers, một nghệ sĩ người Anh đang hoạt động ở Úc vào thời điểm đó, đã vẽ ông cùng vợ mình, Selena, đang uống trà dưới một cây phượng tím cao lớn và lộng lẫy đang nở rộ.
Cây phượng tím này có vai trò rất đặc biệt vì nó là một trong số những cây phượng tím đầu tiên được trồng ở Australia từ hạt giống nhập khẩu từ Nam Mỹ vào năm 1864. Nhiều cây phượng tím ở ngoại ô Brisbane ngày nay là con cháu của cây phượng tím đầu tiên này.
Anh
Tumblr media
Hoa chuông xanh là một trong những loài hoa dại đẹp nhất thế giới. Từ giữa tháng 4 tới cuối tháng 5, hàng triệu bông hoa chuông xanh mọc sát nhau như tấm thảm, phủ kín những cánh rừng ở Anh. Loài hoa này xuất hiện ở khắp các khu rừng của châu Âu nhưng đẹp nhất là ở vùng Tây Nam nước Anh, nơi có khí hậu ấm áp. Có thể nói, những thảm hoa chuông xanh nở rộ trong bức tranh của Benjamin Williams Leader là hình ảnh mang tính biểu tượng của mùa xuân rực rỡ và ngập tràn hương thơm ở Anh.
Các tác phẩm ban đầu của ông thường tập trung hơn vào các chi tiết cầu kỳ và tỉ mỉ, còn các tác phẩm sau này của Benjamin Williams Leader lại mang một phong cách Ấn tượng hơn và được yêu thích nhiều hơn.
Ý
Tumblr media
Khung cảnh thoáng đãng và tươi tắn này đã truyền tải một cảm giác lạc quan, yên bình giữa mùa xuân nước Ý. Đây là tác phẩm của họa sĩ bậc thầy người Nga Isaac Ilyich Levitan, ông nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh đa dạng và xuất chúng. Mặc dù qua đời ở tuổi 40 khi còn khá trẻ, nhưng ông đã tạo ra một di sản ấn tượng gồm hàng trăm tác phẩm nghệ thuật tiếp tục truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sau.
Pháp
Tumblr media
Khung cảnh bình dị về mùa xuân này là ở vùng nông thôn nước Pháp vào năm 1890. Mặc dù không có một bóng người xuất hiện, nhưng ngôi nhà và các cột sân trong bối cảnh làm tăng thêm nét thuần hậu của miền quê. Bức tranh về niềm hạnh phúc yên bình nơi thôn dã này là của Robert Vonnoh, một trong những họa sĩ người Mỹ đầu tiên khám phá trường phái Ấn tượng, nổi tiếng với những bức tranh phong cảnh.
Sau khi bắt đầu học nghệ thuật ở Boston, Vonnoh chuyển đến Paris vào khoảng những năm 1800. Vào khoảng cuối những năm 1880, Vonnoh đã định cư tại thuộc địa nghệ thuật Grèz-sur-Loing, phía nam Fontainebleau.
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Chẳng phải kẻ lãng du nào cũng lạc đường
(hay là những cuốn sách để ta đọc trong những chuyến đi)
HỘI HÈ MIÊN MAN (ERNEST HEMINGWAY)
Paris từng là giấc mơ đẹp nhất của cuộc đời một nghệ sĩ trẻ vào những năm 1920 - một giấc mơ phù hoa của những nhà văn nghèo miệt mài viết lời tình tứ, những họa sĩ phải đổi tranh lấy bánh mì, những nhạc công theo đuổi ánh hào quang sân khấu đầy mê hoặc. Woody Allen đã làm phim Midnight in Paris để tái hiện lại những năm điên rồ và say đắm ấy, Charles Aznavour đã hát La Bohème như lời chào giã biệt một thời Paris lãng tử. Còn trong Hội hè miên man, Ernest Hemingway đã hồi tưởng những tháng năm thanh xuân đầy nhiệt huyết của mình tại Paris “thuở ban đầu, khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc”.
Tumblr media
Paris trong Hội hè miên man là một lát cắt ký ức sôi nổi và tươi đẹp thời tuổi trẻ của Hemingway, khi văn nghiệp của ông bắt đầu tỏa sáng. Paris là nơi Hemingway ngồi đàm luận nghệ thuật với bạn bè trên phố, hay lặng yên bên ly café au lait mà chuyên tâm sáng tác; là nơi ông đi dạo ở vườn hoa Luxembourg hay vào bảo tàng nghệ thuật với cái bụng rỗng, cùng vợ uống những ly vang rẻ tiền trong căn nhà thuê trên xưởng cưa. Paris còn là nơi những nghệ sĩ lớn nhất của “thế hệ mất mát” như F. Scott Fitzgerald, T.S. Eliot, James Joyce… tụ hội, tổ chức những buổi hội hè miên man, buông thả trong rượu mạnh và khói thuốc, trò chuyện về cuộc sống, về văn chương và âm nhạc, tạo nên một trang lịch sử huy hoàng của nghệ thuật thế kỷ XX.
Tumblr media
Vẫn là giọng văn súc tích, không hoa mỹ, cầu kỳ, những trang viết của Hemingway mang người đọc đi xuyên qua thời gian và không gian để dạo bước trên những góc nhỏ êm đềm của Paris, nơi có những người giao sữa đến gõ cửa nhà mỗi sáng, những người câu cá bên bờ sông Seine, những ổ bánh mì thơm phức, những phòng tranh nghệ thuật và những quầy sách nhỏ ven đường… Thành phố thơ mộng và dịu dàng này đã nuôi dưỡng tâm hồn những nghệ sĩ được may mắn sống tại đây trong thời trẻ; cũng chính thành phố phồn hoa và náo nhiệt này níu bước chân kẻ lãng tử, để ký ức về những năm tháng ở Paris luôn đi theo họ trong suốt cuộc đời.
Tumblr media
“Không bao giờ có kết thúc với Paris và kỷ niệm của mỗi người, những ai từng sống trong thành phố này, không ai giống ai. Chúng ta luôn quay lại đó cho dù chúng ta có là ai, hay thành phố có đổi thay thế nào đi nữa. Paris luôn xứng đáng với điều đó, và ta được nhận đầy đủ cho những gì ta dâng tặng nó. Nhưng Paris đây là của thuở ban đầu, khi chúng tôi còn rất nghèo và hạnh phúc.”
TÔI, CHARLEY VÀ HÀNH TRÌNH NƯỚC MỸ (JOHN STEINBECK)
Một chuyến road trip trên chiếc xe tự lái không phải là trào lưu du lịch mới mẻ. Từ 60 năm trước, nhà văn nổi tiếng John Steinbeck đã lái xe bán tải đi phượt xuyên Mỹ, mà ông đã hài hước tự mô tả, như “một chú rùa bình thường, gánh trên lưng cả ngôi nhà của mình”.
Tumblr media
Bạn đồng hành của ông là chú chó Charley già nhưng rất hào hoa và chiếc xe đầy đủ tiện nghi, có một cabin dã ngoại gắn bên trên, mà ông âu yếm gọi là Rocinante - theo tên con ngựa của Don Quixote. Hành trình đầ thời đại mà những xung động nội tại về văn hóa, sắc tộc, ý thức hệ của đất nước này lên đến đỉnh cao, từ nỗi sợ hãi Chiến tranh Lạnh cho đến những xung đột ngấm ngầm hay bạo lực công khai với người da màu và người nhập cư, như báo trước một thập niên 60 bùng nổ phong trào văn hóa phản kháng của giới trẻ.
Tôi, Charley và hành trình nước Mỹ cũng là một bút ký tỉ mỉ về địa lý, món ăn, ngôn ngữ, tập tục địa phương của nhiều vùng miền nước Mỹ, với mỗi tiểu bang giống như một vương quốc biệt lập. Nước Mỹ hiện lên với mùa thu lộng lẫy ở New England, những xe nhà di động, North Dakota tuyết phủ đầy buốt giá, những chú gấu cục súc ở Công viên Quốc gia Yellowstone, những làng mạc dần thu nhỏ và những thành phố bùng nổ dân số cũng như các tòa nhà chọc trời xám xịt, sa mạc Mojave nóng cháy như “bị mặt trời hành hung”, những trạm nghỉ bán những món ăn vô vị bọc nylon, Texas với những huyền thoại cao bồi từ ngày lập quốc…
Tumblr media
Giọng văn tinh tế với sự quan sát sắc sảo của John Steinbeck tạo nên một cuốn phim tài liệu sống động về nước Mỹ ồn ào nhưng cũng sâu lắng và đầy chất thơ. Đồng thời, John Steinbeck cũng rất cẩn thận khi ghi chép lại cả những vấn đề tưởng như “tầm thường” mà nhiều người hay bỏ qua như chuyện tắm rửa, giặt giũ suốt hành trình gió bụi, những khó khăn bất ngờ như nổ lốp xe giữa nơi hẻo lánh, hay khi chú chó Charley đổ bệnh, thậm chí là nỗi nhớ nhà, đều là những lời khuyên quý báu cho các phượt thủ trước khi lên đường. Cuốn sách mang nhịp điệu chậm rãi, nhẹ nhàng nhưng rất dễ dàng kéo người đọc vào chuyến lãng du; cùng nét hài hước châm biếm ngấm ngầm đầy duyên dáng như chút brandy được rót thêm vào tách café nóng hổi trong một chiều đông lạnh lẽo.
“Tôi thấy trong mắt họ điều mà tôi thấy đi thấy lại nhiều lần ở mọi nơi trên đất nước này: một khát vọng cháy bỏng được ra đi, được di chuyển, được lên đường, đến bất cứ nơi đâu, miễn là xa khỏi cái Chốn Này của họ. Họ thì thầm với nhau rằng họ ước sẽ ra đi vào một ngày nào đó. Một cách tự do, không có gì níu giữ, không hướng về nơi nào mà là rời xa khỏi chốn nào. Tôi thấy những ánh mắt ấy và nghe những lời ao ước ấy ở bất cứ bang nào mà tôi đã đi qua.”
LINH SƠN (CAO HÀNH KIỆN)
Ở Linh Sơn là một thế giới khác, khác hoàn toàn với những cuốn tiểu thuyết về "du lịch" lôi cuốn nhất trên thị trường. Trong Linh Sơn, yếu tố thời gian, không gian và con người hiện hữu hư hư ảo ảo, nhưng sự hư ảo ấy không làm câu chuyện trở nên phức tạp, khó hiểu - trái lại, nó vẽ ra một thế giới giản đơn vô cùng: nơi thời gian - không gian - con người hợp thành một dòng chảy nguyên sơ, uyển chuyển và vô hạn.
Tumblr media
Linh Sơn được xem là tác phẩm tiêu biểu của Cao Hành Kiện, được nhà văn viết từ năm 1982 cho tới năm 1989 thì hoàn thành. Cuốn tiểu thuyết gồm 81 chương riêng biệt - nếu không muốn nói là rời rạc, đan xen giữa hai ngôi kể, một xưng mi, một xưng ta; cả hai đều lần lượt trải qua những hành trình lạ lùng, hướng về nơi bí ẩn có ngọn “núi hồn”. Hành trình đi tìm núi thần này thực chất là cuộc du hành xuyên qua thời gian, không gian để nhìn lại những vụn ký ức, biểu tượng, truyền thống văn hóa và lịch sử Trung Hoa. Các bối cảnh trải dài từ núi rừng hoang vu cho đến làng mạc, di tích có thực; từ những dấu mốc huyền thoại Nữ Oa, Phục Hy,… cho đến mốc thời gian xác địch của những thời kỳ Cách mạng Văn hóa, Ngũ Tứ…; từ nông thôn tiêu điều đến đô thị nhộn nhịp; tất cả đều đi vào Linh Sơn một cách nhịp nhàng, ma mị mà mê hoặc.
Tumblr media
Một trong hai người kể, với hành trình đi qua những vụn vỡ huy hoàng của quá khứ, sẽ giúp người đọc được bước sâu vào hệ giá trị của Trung Hoa, chiêm ngưỡng những giai thoại, điển tích lịch sử hiện lên lần lượt như những nét chấm phá của một bức tranh thủy mặc khổng lồ. Và người kể còn lại, với sự kiên trì tìm kiếm núi thần đến cùng, anh ta tìm được… chính mình.
"Tôi nói, việc hiểu thế giới này là bất khả.
Anh ta phân bua rằng mình chỉ đang nói về sinh vật nửa cá-nửa chim, không phải thế giới.
Và tôi nói, chẳng có sự khác biệt nào giữa sinh vật nửa cá-nửa chim và thế giới này."
1 note · View note
pulpficat · 3 years
Text
Mùa đông tuyết phủ trong tranh ukiyo-e
Tranh ukiyo-e là một loại tranh phổ biến vào thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX trong thời kỳ Edo (1603-1868), khi đất nước Nhật Bản gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Đề tài trong ukiyo-e thường nó gắn liền với cuộc sống xa hoa, hưởng thụ của con người Nhật Bản suốt nửa sau thế kỷ XVIII, khắc họa những câu chuyện trong lịch sử và dân gian, những danh lam thắng cảnh hay những trò vui chơi giải trí, diễn ra trong nhà hát, quán ăn, phòng trà và nhân vật chính thường là kỹ nữ, diễn viên kabuki, geisha hoặc là đô vật sumo…
Tumblr media
Sau này, nhiều hoạ sĩ nổi tiếng đã khéo léo đưa những phong cảnh đặc trưng của Nhật Bản như núi Phú Sĩ, cổng torii, đền Shintō, cầu trống hay những ngọn sóng thần hung dữ vào tranh ukiyo-e, đem đến những nét riêng đọc đáo cho loại hình nghệ thuật này. Và cũng như trong các tác phẩm thơ ca Nhật Bản, những biến đổi tinh tế của bốn mùa đều được khắc họa rõ nét trong tranh ukiyo-e.
Khởi đầu là mùa xuân với những làn mưa xuân êm đềm, làm tan hết tuyết giá trên núi và hoa anh đào nở rộ. Mùa hạ đến với hơi nóng và những cơn mưa tháng sáu, chim đỗ quyên, côn trùng và hoa ưmẫu đơn. Mùa thu lộng lẫy với sắc vàng, cam và đỏ rực của lá phong (momiji). Còn vào mùa đông, các cánh đồng và núi non chuyển màu xám vì các cành cây đều trụi lá. Thiên nhiên khoác lên mình chiếc áo choàng trắng lạnh lẽo u tịch của tuyết, vạn vật mang một vẻ đẹp cổ kính tự ngàn đời. Trăng lạnh, tuyết trắng và lá tàn là những hình ảnh lãng mạn mà nhiều nghệ sĩ Nhật yêu thích.
Tumblr media
Bản họa Tuyết phủ chùa Saisho-in của Hasui Kawase gợi lên một cảm nhận đặc biệt tinh tế trước vẻ đẹp mùa đông qua hình ảnh và màu sắc, như trong bài thơ tanka của Sakanoemo Iratsume:
Trên đám cây sa thảo
dưới bóng hàng thông
tuyết nằm diễm ảo
có cách nào giữ lại
cho tuyết đừng tan không?
Quả thật là trong họa có thơ, trong thơ có họa. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi ukiyo-e lại được biết đến rộng rãi cả trong lẫn ngoài Nhật Bản. Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, nhiều họa sĩ châu Âu tìm đến tranh ukiyo-e. Họ đã thực sự có ấn tượng rất mạnh mẽ trước các đường cong biểu cảm, sử dụng màu sắc đậm đà và bố cục tự do, phóng khoáng của ukiyo-e. Cho đến lúc đó, các họa sĩ châu Âu và Mỹ chưa bao giờ biết qua các loại kỹ thuật mà các nghệ sĩ ukiyo-e sử dụng. Và phong cách ukiyo-e đã tạo nên một ảnh hưởng lớn đến các họa sĩ của trường phái Ấn tượng như Vincent van Gogh và Claude Monet.
Utagawa Hiroshige là một trong những danh họa ukiyo-e gây được nhiều chú ý ở châu Âu vào thời điểm đó, đặc biệt là đối với trường phái ấn tượng: Claude Monet đã lấy cảm hứng từ những cây cầu trống (taikobashi) trong tranh của Hiroshige để thiết kế khu vườn tại nhà của mình ở Giverny. Cầu trống, một loại cầu bắt nguồn từ Trung Quốc, có hình bán nguyệt, và khi kết hợp với hình ảnh phản chiếu trong nước sẽ tạo ra hình dạng của một cái trống - một hiệu ứng mà không được Hiroshige thể hiện tại bản họa Cầu trống trên sông Meguro và ngọn đồi hoàng hôn thuộc bộ tranh Trăm danh thắng Edo. Trong bộ tranh này, Utagawa Hiroshige đã thể hiện Edo (ngày nay là Tokyo) từ những góc nhìn khác thường, cho thấy vẻ đẹp tiềm ẩn trong những tình huống và địa điểm giản dị, đơn sơ, với 42 bản vẽ mùa xuân, 30 bản mùa hè, 26 bản mùa thu và 20 bản mùa đông.
Tumblr media
Giữa khung cảnh mùa đông trắng xóa tuyết, cây cầu trống Meguro nổi bật với cấu trúc bằng đá thay vì gỗ như những cây cầu khác. Con đường trên cầu dẫn đến ngôi đền Meguro nổi tiếng dành riêng cho vị hộ pháp Phật giáo Fudō Myōō. Trước khi băng qua cầu, ở góc dưới bên phải chính là phần mái của quán trà Shōgatsuya, nổi tiếng với món súp đậu ngọt (shiruko mochi). Vài lữ khách bước đi trong tuyết đang núp mình dưới ô, mũ, hoặc áo tơi. Sau những ngôi nhà là ngọn đồi yūhi no oka (đồi hoàng hôn), kết hợp với dòng sông chảy kế bên tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp của thung lũng Meguro. Về khía cạnh màu sắc, màu trắng của tuyết tương phản với màu xanh Phổ của mặt sông Meguro, và trong bầu trời xám có những bông tuyết được tạo ra bằng cách đơn giản là để trống, không áp màu.
Tumblr media
Bản họa Đền Kinryūzan ở Asakusa khởi đầu loạt mùa đông của Trăm danh thắng Edo mang một bầu không khí đặc trưng. Đền Kinryūzan là nơi thờ cúng Quán Thế Âm Bồ Tát, tọa lạc tại khu vực Asakusa, nổi bật trong tranh với một cánh cổng sơn đỏ và xanh lục tên Kaminarimon (Lôi môn), cùng với một chiếc đèn lồng lễ hội. Ánh nhìn hướng về khung cảnh tuyết rơi tại khuôn viên đền, với những bóng người đang bước tới. Ngọn tháp bên phải và Niōmon (cánh cổng được hai vị thần canh gác) ở phần trung tâm, mang một sắc đỏ dữ dội tương phản với màu trắng xóa của tuyết. Ngôi đền này mới được xây dựng lại hai tháng trước thời điểm Hiroshige vẽ tranh, sau trận động đất năm 1855. Bầu trời chuyển từ màu trắng sang đen với nhiều sắc độ xám khác nhau, xen kẽ là những chấm trắng của bông tuyết.
Bản họa Xưởng gỗ ở Fukagawa cũng gây bất ngờ không kém với phong cảnh thiên nhiên được phủ trắng hoàn toàn trong tuyết, gợi lên một hình ảnh hoang vắng lạnh lẽo, tiếp tục được nhấn mạnh với những màu lạnh như bầu trời xám xịt và nước sông xanh đậm, càng khiến khung cảnh mang một vẻ đẹp băng giá. Dọc bờ sông, các kho chứa gỗ được đặt bên ngoài thành phố để ngăn chặn hỏa hoạn, nhất là ở Fukagawa, phía đông sông Sumida. Trong tranh, có thể thấy một số thanh gỗ cắt ngang khung cảnh theo đường chéo, từ bên phải và trái, kết hợp với sự quỹ đạo ngoằn ngoèo của dòng sông tạo cho hình ảnh một vẻ ngoài động trái ngược với sự tĩnh của cảnh vật đang chìm trong tuyết.
Tumblr media
Còn trong bản in khắc gỗ Minami-Shinagawa và bờ biển Samezu, người xem có thể thấy núi Phú Sĩ tuyết phủ, bờ vịnh xanh rờn và những con thuyền bình yên lướt sóng, gợi nhớ đến ký ức văn học cổ nhất người Nhật còn lưu lại được về núi Phú Sĩ là bài thơ của Yamabe no Akahito sống vào thế kỷ thứ VIII (nằm trong tuyển tập thơ cổ Vạn Diệp tập):
Ngang vịnh Tago
trông núi Phú Sĩ
tuyết trắng một màu.
Tumblr media
Atagoshita và đường Yabu là một bản họa khác trong đó tuyết đóng vai trò chính, bao phủ toàn bộ khung cảnh hiện lên. Khu phố Atagoshita nằm dưới chân núi Atagoyama, nhiều khuôn viên của các lãnh chúa phong kiến (daimyō) cũng được đặt tại đây. Từ phố Yabukōji, nằm bên phải một kênh nước, có thể thể trông thấy một cây tre cao (yabu), với những cành lá bị uốn cong dưới tuyết, bên trên là vài chú chim sẻ bay lượn. Tre và chim sẻ, biểu tượng cho sự gắn kết và an lành, và cũng là điềm báo của hạnh phúc. Khác với những khung cảnh tuyết trắng thường thấy, màu sắc trong bản họa này tạo được những tương phản nhất định, như màu xanh đậm của con kênh với màu xanh lục của cành tre, hay các tông đỏ hồng, trắng và xanh nhạt của bầu trời, xóa mờ đi cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông.
Cầu Bikuni trong tuyết vẽ cảnh một bầu trời đêm đông, tất cả phủ một màu trắng, chỉ có một người bán rong đang vội vã băng qua cầu. Cầu Bikuni nằm gần con hào của thành Edo, xung quanh đó là nhiều nhà thổ và quán ăn rẻ tiền. Phía bên trái có một tấm biển ghi chữ yama kujira (cá voi núi), uyển ngữ chỉ thịt lợn rừng bị cấm tiêu thụ vào thời điểm đó. Phía bên phải có mấy giỏ yakiimo, một loại khoai lang nướng nguyên củ được bày bán ngoài đường phố; có vị ngon hơn hạt dẻ. Tất cả toát lên một vẻ đẹp rất đỗi đơn sơ và bình dị, như khi ta đang lội tuyết mà đi giữa phố vắng tanh, thì chợt ngửi thấy mùi thịt nướng, khoai nướng thơm phức, như mùi của bếp nhà ta, như an ủi người lữ khách vừa đói vừa rét giữa mùa đông lạnh lẽo ảm đạm.
Tumblr media
Mùa đông không chỉ được thể hiện qua những cảnh sắc buồn bã và cô độc, mà còn có những niềm vui trẻ thơ khi được nô đùa trên tuyết trắng. Những mệnh phụ cùng nhau đắp mèo tuyết cho hoàng tử, những em bé chân trần giữa mùa đông, vừa đùa nghịch vừa bốc tuyết ăn, những phu nhân quý phái dắt con đi dạo, những kỹ nữ yểu điệu yêu kiều... bất kể xuất thân, người giàu cũng như nghèo, đều khó cưỡng lại những cảm xúc nguyên sơ dâng lên trong lòng khi nhìn thấy tuyết trắng lấp lánh đầu mùa đông.
Tumblr media Tumblr media Tumblr media
Ngày nay, nhắc đến ukiyo-e người ta thường nghĩ đến những bức tranh đầy màu sắc vẽ những phong cảnh, những điển tích của mùa xuân, mùa hạ, mùa thu, song kỳ thực ukiyo-e còn bao gồm những bức họa vẽ cảnh mùa đông. Dù không nhiều như những mùa khác, nhưng cảnh mùa đông trong ukiyo-e không hề đơn điệu mà vô cùng đa dạng, thể hiện đủ mọi sắc thái cuộc sống của người dân Nhật Bản dưới thời Edo, trên phông nền tinh tế của những ngôi đền Thần đạo, cảnh tịch liêu trên phố vắng người, hay tiếng cười rộn rã của những đứa trẻ nô đùa trên tuyết trắng.
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Những điều cần biết trước khi tắm suối nước nóng ở Nhật Bản
Tắm suối nước nóng tại Nhật Bản không chỉ là một hình thức thư giãn mà còn là một nét văn hóa lâu đời. Để có thể tắm suối nước nóng như người Nhật Bản không phải là một điều đơn giản.
Tumblr media
Trước hết, cần phân biệt giữa hai kiểu tắm suối nước nóng của Nhật Bản là sentou và onsen. Sentou là nước nóng được đun lên rồi đổ vào bồn còn onsen là suối nước nóng hoàn toàn tự nhiên. Suối dùng để tắm onsen là nước khoáng nguyên chất, rất tốt cho sức khoẻ. Tắm onsen không những có tác dụng thư giãn và nuôi dưỡng tinh thần mà ngâm mình trong suối nước nóng còn có tác dụng chữa bệnh rất tốt.
Có hai kiểu tắm onsen là tắm lộ thiên (rotenburo hoặc notenburo) và tắm bồn trong nhà (uchiyu). Tùy vào điểm đến và sở thích, du khách có thể chọn cho mình kiểu tắm onsen ưa thích. Rotenburo có giá khoảng 800 yên (160.000 đồng/ngày), còn uchiyu được tích hợp trong các khách sạn, lữ quán (ryokan) hoặc nhà trọ (minshuku), giá từ khoảng 5.000 yên đến 10.000 yên (1-2 triệu/ngày), bao gồm ăn uống và nghỉ ngơi.
Tumblr media
Tuy nhiên, dù chọn cách nào, bạn cũng cần phải nắm được và tuân thủ những quy tắc nhất định sau:
Tắm đúng nơi quy định: Hầu hết các onsen luôn có hai khu riêng biệt, dành cho nam và nữ, các lối vào được ngăn bằng bức màn màu xanh cho nam và màu đỏ cho nữ.
Để tư trang ở khu riêng: Đây cũng là khu thay đồ và để các vật dụng cá nhân, các vị khách sẽ cất tư trang vào một tủ đựng đồ và đeo chìa khóa trên tay cả trong lúc ngâm mình.
Khỏa thân hoàn toàn: Đó là quy tắc quan trọng mà bạn cần phải nhớ và không ngoại lệ cho bất kỳ ai. Người Nhật quan niệm khi thưởng thức những thú vui tao nhã, mọi khoảng cách đều được xóa bỏ.
Làm sạch cơ thể trước khi tắm: Trước khi ngâm mình dưới dòng nước suối ấm nóng, bạn cần phải tắm rửa sạch sẽ. Khu tắm rửa cũng nằm chung trong khu tắm onsen tuy nhiên được đặt ở góc riêng, cùng với ghế, chậu tắm và các đồ dùng vệ sinh cơ bản. Bạn có thể mang theo xà phòng, sữa tắm và dầu gội riêng nếu muốn. Chỉ sau khi đã sạch sẽ, bạn mới có thể vào bồn tắm.
Mang theo khăn riêng: Các khu tắm onsen đều có cho thuê khăn tắm, tuy nhiên bạn nên mang khăn riêng để cảm thấy thoải mái khi sử dụng. Đặc biệt bạn không được mang khăn tắm xuống dưới bồn nước nóng.
Thử nhiệt độ nước: Trong khi tắm rửa làm sạch cơ thể, bạn nên sử dụng vòi nước nóng để cơ thể bắt đầu làm quen nhiệt độ. Trước khi xuống nước, hãy ngâm chân trong khoảng vài phút để cảm nhận nhiệt độ. Sau khi quen với độ nóng của nước, bạn hãy tận hưởng những giây phút thoải mái với dòng nước ấm áp và tiết trời se lạnh mùa đông.
Tumblr media
Không để tóc chạm vào nước tắm: Tóc phải được buộc lên hoặc quấn bằng một chiếc khăn nhỏ. Không bao giờ ngâm đầu (từ cổ trở lên) hoặc để tóc chạm vào nước tắm.
Không chụp ảnh: Không được sử dụng điện thoại cũng như các loại máy chụp ảnh trong khu vực tắm công cộng.
Cấm những người xăm mình: Theo quan niệm của người Nhật Bản, hình xăm là dấu hiệu của giới xã hội đen Nhật Bản (yakuza) nên ít nhiều có thể khiến các vị khách khác cảm thấy sợ hãi. Vì vậy các khu onsen đều cấm những người xăm mình, những người Nhật Bản xăm mình cũng ý thức được đều này nên họ thường không vào onsen. Tuy nhiên người nước ngoài thì được phép vào onsen nếu hình xăm ở mức vừa phải. Thường có những biển hiệu bên ngoài onsen cho biết liệu người xăm mình có được phép vào tắm hay không.
Cấm ăn và hút thuốc: Hút thuốc ở nơi công cộng là điều bị cấm ở Nhật Bản, và ăn ở khu vực tắm onsen cũng không được phép. Ở những khu vực được phép nhâm nhi chút sake nóng, bạn cần phải hỏi quầy tiếp tân. Nếu muốn không gian riêng tư, hãy chọn uchiyu - lữ quán truyền thống Nhật Bản.
Uống nhiều nước: Uống nhiều nước, đồng thời tránh uống rượu trong vài giờ trước và sau khi tắm vì nó sẽ khiến bạn mất nước nhiều hơn.
Đảm bảo sức khỏe: Không tắm suối nước nóng khi đang có vấn đề về sức khỏe như đau bụng hoặc buồn nôn, khi đang trong kỳ kinh nguyệt, hoặc có tiền sử bệnh tim mạch, cao huyết áp.
Lau sạch cơ thể sau khi tắm: Onsen tự nhiên đều là những khoáng chất thiên nhiên có khả năng chữa bệnh và làm cơ thể thư giãn hài hòa nên có mùi khá đặc trưng. Do đó, bạn không cần tắm lại bằng nước sạch mà chỉ cần lau khô toàn bộ cơ thể sau khi ngâm mình trong suối nước nóng.
0 notes
pulpficat · 3 years
Text
Bốn mùa ẩm thực Nhật Bản
Khí hậu Nhật Bản thay đổi rõ rệt qua bốn mùa, cũng có nghĩa là một số loại thực phẩm chỉ có thể được ăn trong một thời gian ngắn. Để có thể tôn vinh và thưởng thức trọn vẹn thức quà của tự nhiên, người Nhật Bản đã tạo ra một nền ẩm thực gắn liền với phương châm “mùa nào thức ấy”.
ẨM THỰC MÙA XUÂN
Mùa xuân tại Nhật Bản là mùa của năm học mới, của chu kỳ kinh doanh mới và của hoa anh đào nở. Hoa anh đào chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong tâm thức của người dân Nhật Bản, vậy nên lễ hội ngắm hoa anh đào là một hoạt động không thể thiếu trong mùa xuân.
Tumblr media
Mọi người tham gia lễ hội thường mang theo hộp bento tự làm hay mua sẵn tại các trung tâm thương mại. Dù là đồ làm sẵn nhưng bạn sẽ không bị thất vọng bởi các món ăn chủ yếu đều làm từ những nguyên liệu đặc trưng của mùa xuân như kim tâm (hay còn được gọi là cúc móng ngựa), măng tươi, hoa cải dầu, mầm fatsia, bắp cải xuân, hành tươi. Bên cạnh đó, món asari gohan (cơm ngao) cũng rất được yêu thích vào mỗi dịp mùa xuân. Đối với món tráng miệng, các món ăn theo chủ đề dâu tây hoặc sakura (hoa anh đào) rất phổ biến bởi chúng không chỉ là thực phẩm tiêu biểu của mùa xuân mà còn có màu hồng đẹp mắt, phù hợp với không khí của lễ hội ngắm hoa anh đào.
Tumblr media
Vào những ngày đầu tiên của năm, người Nhật thường ăn osechi ryoōri, một món ăn đặc biệt được dùng trong tuần lễ Tết, và nhiều loại bánh khác làm từ bột gạo như mochi ăn với canh ozōni, thường được ăn vào sáng ngày đầu tiên của năm mới.
ẨM THỰC MÙA HẠ
Mùa hạ Nhật Bản được biết đến với tiết trời nóng bức, các lễ hội sống động và những màn pháo hoa rực rỡ sắc màu. Mọi người mặc yukata và đi đến các lễ hội địa phương để tận hưởng bầu không khí kỳ diệu và các món ăn ngon được phục vụ tại các quầy hàng. Sau mùa mưa tháng Sáu, nhiệt độ bắt đầu tăng lên và khí hậu nóng ẩm khiến mọi người khao khát những món ăn tươi mát.
Tumblr media
Somen là một trong những món đặc trưng cho ẩm thực Nhật Bản vào mùa hạ: những sợi mì cực mỏng để lạnh, dùng với nước mắm pha gừng và gỏi tây. Một món ăn phổ biến khác là hiyashi-chuka, hoặc ramen lạnh, trong đó mì ướp lạnh được ăn kèm với các loại rau, kinshi tamago (trứng tráng mỏng) và giăm bông. Điểm chung của các món ăn này là giúp tạo cảm giác ngon miệng giữa mùa hạ oi nóng. Ngoài somen và ramen lạnh thì lươn nướng cũng là một lựa chọn rất được yêu thích bởi món ăn này giúp bổ sung nhanh chóng nguồn năng lượng cần thiết để chống chọi với khí hậu nóng ẩm.
Tumblr media
Ngoài ra, mùa hạ cũng là lúc mọi người ăn các món ăn mực, rau và hoa quả tươi, hoặc nhấm nháp ly bia kèm eda-mame, một loại đậu luộc có màu xanh trong đêm mùa hè nóng bức. Tào phớ mát lành cũng là món ăn khá được ưa chuộng vào mùa hè Nhật Bản, ăn kèm với mù tạt, gừng thái mỏng và một chút hành tươi. Món ăn này có màu sắc đẹp, mát và rất tốt cho cơ thể.
Nhưng món ăn được người Nhật yêu thích nhất vào những ngày nóng bức chính là kakigori - đá bào siro. Mọi người sẽ vừa thưởng thức đá bào vừa đắm mình vào không khí của lễ hội, thật là một cảm giác tuyệt vời!
Tumblr media
ẨM THỰC MÙA THU
Mùa thu có lẽ là mùa thoải mái nhất ở Nhật Bản khi những làn gió tươi mát và những ngày nắng dịu nhẹ thay thế cho chuỗi những ngày mùa hè thiêu đốt. Màu sắc của lá cây bắt đầu thay đổi, và sự kiện này được gọi là koyo. Người Nhật không chỉ yêu thích ngắm hoa anh đào nở mà họ còn yêu thích ngắm sự thay đổi màu sắc của lá cây mùa thu. Cũng giống như vào mùa xuân, mọi người hiếm khi đi chơi ngoài trời mà không có những chiếc hộp bento chứa đầy thực phẩm theo mùa.
Tumblr media
Một số nguyên liệu đặc trưng ẩm thực Nhật Bản vào mùa thu là hạt dẻ, cá thu đao và nấm matsutake. Hạt dẻ thường được nấu chung với gạo hoặc để làm bánh, kẹo; cá thu thì thường được nướng hoặc ướp khô, dùng chung với củ cải trắng bào; còn nấm matsutake được xem là thức quà cao sang bởi sự hiếm có và chất lượng thượng hạng.
Tumblr media
Cuối thu thường là thời gian để dành rau quả cho mùa đông sắp đến. Hồng là loại trái cây đại diện cho ẩm thực Nhật Bản khi tiết trời vào thu. Bạn có thể thưởng thức hồng tươi hay hồng khô tùy thích. Đôi khi người Nhật còn tận dụng chúng để làm thành thạch yokan tráng miệng. Ngoài ra, nhiều loại đồ chua được chế biến với dấm, muối để dự trữ cho mùa đông.
ẨM THỰC MÙA ĐÔNG
Cuối cùng, mùa đông đến với nhiệt độ lạnh hơn đáng kể và có tuyết rơi ở một số vùng của Nhật Bản. Mọi người thường thích tận hưởng sự ấm cúng trong nhà và tiết chế hơn trong các hoạt động thường ngày để tránh thời tiết lạnh. Theo truyền thống, các gia đình tụ tập quanh kotatsu, một chiếc bàn thấp có lò sưởi bên dưới và được phủ một tấm chăn để giữ ấm.
Tumblr media
Chính vì bầu không khí ấm áp quây quần đó mà lẩu nabe với vị thanh ngọt trở thành một thực đơn phổ biến trong ẩm thực Nhật Bản vào mùa đông. Không chỉ vậy, nabe còn là một món ăn dễ thực hiện bởi bất kỳ nguyên liệu nào cũng có thể được sử dụng, chẳng hạn như rau, thịt và hải sản. Lẩu xiên que oden là một món lẩu phổ biến khác, bao gồm một số thành phần như trứng luộc, củ cải trắng, khoai nưa và bánh cá hầm trong nước lèo. Oden thậm chí có sẵn tại các cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc. Buri, hay cá đuôi vàng, một loại cá có thể được nấu theo kiểu teriyaki hoặc hầm với củ cải trắng, cũng là món ăn được yêu thích vào mùa đông. Ngoài ra, vào mùa này, người Nhật thường bắt đầu ăn mơ muối với cơm hoặc mì udon, bởi mơ muối có khả năng giải cảm và thông họng hiệu quả. Nhưng không có gì đánh bại hương vị ngọt ngào của quýt Ôn Châu để nhấm nháp sau bữa ăn, hoặc giữa trưa để tăng năng lượng.
Tumblr media
Vào ngày cuối cùng của năm, người Nhật thường ăn mì toshi-koshi có sợi dài với lòng tin rằng những sợi mì dài sẽ đem lại sự trường thọ và sức khoẻ dồi dào trong năm mới.
KHÁM PHÁ ẨM THỰC NHẬT BẢN THEO MÙA Ở ĐÂU?
Chỉ cần ghé thăm một siêu thị địa phương, thật dễ dàng để xem nguyên liệu nào hiện đang vào mùa, vì chúng thường được bày biện nổi bật. Nhiều gia đình Nhật luôn sử dụng các nguyên liệu đang vào mùa để có thể tận hưởng hương vị tuyệt vời nhất của chúng. Trong các nhà hàng Nhật Bản cao cấp, các đầu bếp tỉ mỉ chuẩn bị các món ăn đầy tính nghệ thuật mang theo dấu ấn riêng của từng mùa. Các cửa hàng bánh kẹo truyền thống cũng theo sát các mùa, tạo ra các tác phẩm nghệ thuật thủ công tinh tế đại diện cho vẻ đẹp thiên nhiên. Cuối cùng, tại nhiều quán cà phê và cửa hàng tiện lợi trên cả nước, các sáng tạo theo mùa như đồ ngọt hoặc đồ ăn nhẹ chỉ được cung cấp trong một khoảng thời gian giới hạn, khiến chúng càng trở nên được thèm muốn hơn.
0 notes
pulpficat · 4 years
Text
Ngắm trăng thu trong tranh khắc gỗ Nhật
Trong bầu không khí se lạnh của buổi tối mùa thu, mặt trăng phản chiếu lung linh trên mặt nước… Khung cảnh lãng mạn ấy dường như chẳng bao giờ thay đổi như chúng ta có thể thấy trong những bức tranh cổ từ hàng trăm năm trước.
Có thể nói, ánh trăng đã trở thành hình ảnh quen thuộc trong các bức tranh và những bản in khắc gỗ của dòng tranh ukiyo-e tại Nhật Bản nói riêng và hội họa các nước Đông Á nói chung.
Tumblr media
Từ nhiều thế kỷ trước, hình ảnh tài tử giai nhân đang thưởng nguyệt đã trở thành chủ đề quen thuộc của hội họa Trung Quốc, đa số là trong các bức tranh phong cảnh. Mặt trăng thường được vẽ ở phía xa, nhỏ bé và lọt thỏm giữa các chi tiết khác của bức tranh, cùng một bài thơ mang ý nghĩa giải thích cho tác phẩm. Sự bao la của vạn vật trong tranh, khoảng cách xa vời giữa trăng và người là đặc điểm nổi bật của dòng tranh sơn thủy Trung Quốc, nhằm lột tả sự khiêm tốn của nhân vật ở giữa khung cảnh rộng lớn, cũng là để người xem tìm kiếm niềm an ủi trong sự tĩnh lặng, bình yên của không gian ngập tràn ánh trăng và chìm đắm trong suy nghĩ riêng của mình.
Tumblr media
Trong khi đó, các bức tranh Nhật Bản thường diễn tả một vầng trăng khổng lồ bị nhánh liễu hoặc làn mây che khuất. Vị trí độc đáo của trăng trong tranh Nhật Bản bắt nguồn từ thần thoại cổ đại và tín ngưỡng Thần đạo, theo đó người Nhật cho rằng trên trời có ba vị thần là nữ thần mặt trời Amaterasu, nữ thần bão tố Susano-o và nữ thần mặt trăng Tsukuyomi, người cai trị ban đêm bằng sức mạnh vô biên. Do đó, người ta sẽ dễ dàng bắt gặp những bức tranh vẽ mặt trời và mặt trăng trong nhiều ngôi đền cổ ở Nhật Bản. Sau này, vào thời kỳ Kamakura (1185 - 1333), kịch Noh và vườn đá của Nhật Bản trở nên nổi tiếng. Nhiều người thường tổ chức các bữa tiệc ngắm trăng, uống rượu, làm thơ trong vườn nhà, khiến mặt trăng tiếp tục là chủ đề được yêu thích trong thi ca và hội họa.
Tumblr media
Đến thời kỳ Edo (1603 - 1868), trào lưu tranh khắc gỗ ukiyo-e trở nên phổ biến khắp Nhật Bản và được sản xuất hàng loạt để sẵn sàng phục vụ cho mọi người. Trong những năm 1860, sự phổ biến của ukiyo-e bắt đầu tràn sang phương Tây, tạo ra sức ảnh hưởng mạnh mẽ và hình thành xu hướng Japonisme (chủ nghĩa Nhật Bản) trong giới họa sĩ phương Tây thuộc trường phái Ấn tượng như Vincent van Gogh, Edgar Degas và Claude Monet.
Tumblr media
Utagawa Hiroshige được coi là bậc thầy vĩ đại cuối cùng của ukiyo-e. Ông chủ yếu được biết đến với những bức tranh miêu tả thiên nhiên với phong cách bình lặng, đầy cảm xúc. Tác phẩm của ông mang nhiều nét tả thực, sử dụng màu sắc tinh tế và nặng về diễn tả tâm trạng. Sương mù, mưa, tuyết và ánh trăng là những chủ đề nổi bật trong tranh của ông.
Tumblr media
Trong khi đó, các tác phẩm của Keisai Eisen lại chủ yếu tập trung vào bijin-ga (mỹ nhân họa) diễn tả những phụ nữ xinh đẹp trong thế giới lạc thú của nhà hát kabuki, kỹ nữ hạng sang và geisha của những khu lầu xanh. Có lẽ đó là lý do tại sao ông được coi là bậc thầy của Kỷ nguyên Bunsei "suy đồi", kéo dài khoảng từ năm 1818 đến năm 1830. Giữa khung cảnh đầy mê đắm đó, mặt trăng trong tranh Eisen hiện lên vẫn tròn đầy, viên mãn, sáng vằng vặc đầy bình thản.
Tumblr media
Toyohara Chikanobu, thường được biết đến với nghệ danh Yōshū Chikanobu, là một họa sĩ trong thời kỳ Minh Trị. Ông vốn là một quân nhân, nhưng tranh của ông lại tán dương tinh thần hưởng thụ lạc thú, với những tài tử giai nhân cùng ngắm trăng, ngắm tuyết, ngắm hoa anh đào, lá phong, ca hát, uống rượu và giải sầu trong thế giới nổi trôi, không quan tâm viễn cảnh đói nghèo sắp xảy đến, sôi nổi và vô tư. Có thể thấy, các tác phẩm của ông pha trộn cả những d���u ấn phương Tây, ghi lại thời kỳ hỗn loạn của Nhật Bản trước khi bước sang giai đoạn hiện đại của Minh Trị, khi mặt trăng không còn là một khối tròn vành vạnh mà trở thành một tầng ánh sáng mờ ảo dịu dàng.
Tumblr media
Utagawa Toyokuni II là học trò, con nuôi và sau đó là con rể của Toyokuni I. Cũng như người thầy của mình, phong cách của ông nổi bật với việc áp dụng sâu sắc kỹ thuật phối cảnh theo phong cách phương Tây, điều này được coi là một sự đổi mới trong giới nghệ thuật Nhật Bản. Tranh của ông táo bạo và gợi cảm hơn người đi trước, dù là tranh phong cảnh hay tranh nghệ sĩ kịch kabuki, tranh chiến binh hay tranh về những giai thoại trong truyền thuyết. Không e lệ và kín đáo, im lặng làm nền cho cảnh vật, mặt trăng trong bức tranh Trăng thu ở Tamagawa của ông tròn trịa và trắng nõn nà hòa cùng tuyết trên đỉnh núi, soi rõ bóng thuyền câu cá đêm trên dòng sông êm ả.
Tumblr media
Vào thế kỷ XVII, các họa sĩ lớn của Nhật Bản như Honami Kōetsu và Tawaraya Sotatsu đã thành lập trường Rinpa, dạy vẽ tranh theo phong cách truyền thống yamato-e thời Heian, với các yếu tố từ tranh thủy mặc Muromachi, tranh hoa và chim thời nhà Minh của Trung Quốc, cũng như trường phái Kanō thời Momoyama. Các họa sĩ Rinpa vẽ trên nhiều chất liệu khác nhau, từ những tấm bình phong, quạt và tranh cuộn, sách in khắc gỗ, đồ sơn mài, đồ gốm và áo kimono. Nhiều bức tranh Rinpa đã được vẽ trên cửa trượt và tường của những gia tộc quyền quý. Trường Rinpa cũng rất nổi tiếng với các bức tranh nửa vầng trăng. Các bức tranh nửa vầng trăng của trường Rinpa đã lan rộng khắp Nhật Bản, có thể được tìm thấy trên trang phục và nhiều mặt hàng thủ công thời Edo.
Tumblr media
Nhưng có lẽ loạt tranh ukiyo-e nổi tiếng nhất về mặt trăng là Trăm vẻ mặt trăng của danh họa Tsukioka Yoshitoshi, lấy cảm hứng từ 100 điển tích nổi tiếng của Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ, tất cả đều có sự xuất hiện của một vầng trăng tròn.
Tumblr media
Vào cuối thế kỷ XIX, sự ảnh hưởng của ukiyo-e ở Nhật Bản suy yếu dần khi đất nước này bước vào thời kỳ Minh Trị. Nghệ thuật mang phong cách phương Tây bắt đầu được phổ biến với sự xuất hiện của nhiều danh họa theo phong cách Ấn tượng và Hiện đại. Đến thế kỷ XX, dòng tranh ukiyo-e đã trải qua cuộc phục hưng khi được kết hợp với trường phái Ấn tượng và hình thành nên phong trào shin-hanga (tân bản họa).
Tumblr media
Mặc dù đã có nhiều biến động và thay đổi liên tục trong các phong trào nghệ thuật, nhưng ánh trăng chưa bao giờ mất đi trong các tác phẩm nghệ thuật Nhật Bản. Ánh trăng vẫn mang một vẻ đẹp truyền thống, nhưng đã dần có sự thích nghi với phong cách hiện đại. Ánh trăng cũng đã xuất hiện trong các phim anime và truyện tranh manga hiện đại, được vẽ rõ nét đằng sau những dải mây vần vũ hoặc những cánh hoa anh đào bay trong gió.
Tumblr media
Và khi các họa sĩ phương Tây khám phá ra hình tượng mặt trăng trong dòng tranh ukiyo-e, họ cũng đã mang đến một cái nhìn mới cho mặt trăng. Các bức tranh vẽ trăng đó không chỉ đơn thuần là trăng, mà chính là tâm tư, tình cảm của bao thế hệ họa sĩ Đông và Tây trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm.
0 notes