Tumgik
#VĂN HÓA - CHÍNH TRỊ. La Fontaine : Chuyện chính trị &chuyện đời đằng sau lời thú vật
itsnothingbutluck · 7 months
Text
….Theo nhà văn Erik Orsenna, các câu chuyện ngụ ngôn của nhà văn thế kỷ 17 tiếp tục khiến ta « sửng sốt », bởi chúng còn hết sức thời sự. Tác giả tâm sự : trong các câu chuyện ngụ ngôn của mình, La Fontaine nói lên những gì ông suy ngẫm về cuộc đời, về chính trị. Hơn 60 con vật trong các chuyện ngụ ngôn đã trở thành những « tấm gương », bạn đồng hành với ông, nói thay cho ông. « Về nhiều khía cạnh, triều đình của ông Vua Mặt Trời (Louis XIV) », như đã được La Fontaine phác họa, rất giống với « các tập quán sinh hoạt chính trị » đương đại. Các câu chuyện ngụ ngôn cho phép ông thoát khỏi hệ thống kiểm duyệt đã « rất tinh vi » thời đó. Cần nhấn mạnh là, La Fontaine sống vào cái thời của Vua Mặt Trời, người vốn coi các nghệ sĩ chỉ là « những nhân công », những kẻ phục vụ ngai vàng. Trong khi đó, nhà viết truyện ngụ ngôn lại ái mộ Nicolas Fouquet – người đứng đầu ngân khố triều đình – vốn coi các nghệ sĩ như « bạn hữu ». Quan hệ giữa La Fontaine và ông Vua Mặt Trời rất khó khăn, bởi với Louis XIV, Nicolas Fouquet là địch thủ, còn La Fontaine vẫn tiếp tục trung thành và sẵn sàng bảo vệ ông, ngay cả khi viên đại thần bị vua kết án tù chung thân.
Theo tác giả cuốn « La Fontaine : Trường học cuộc đời », ngụ ngôn của La Fontaine rất hiện đại, « bởi lòng người không đổi thay, giống như âm nhạc… Chuỗi đời biến động trên nền những giai điệu vĩnh cửu, của cái chết, tình yêu, sự tham tàn, lòng ham muốn… Những thất tình, lục dục. Với mỗi thời có thể có thêm những biến tấu mới, nhưng lòng người, xét tận đáy, vẫn là động vật. Có những điều rất giản dị, như ta có cảm thấy lạnh hay không ? ta sẽ phải chết hay không ? ta là kẻ mạnh hay không ? ta lớn hay nhỏ ?… ». …Nguồn cảm hứng bất tận
Cũng trong số báo về La Fontaine, L’Obs giới thiệu quan điểm của diễn viên hài Pháp Fabrice Luchini, người trình diễn các tác phẩm La Fontaine từ hơn 40 năm nay. Ông Fabrice Luchini không hề quan tâm đến khía cạnh đạo lý của ngụ ngôn La Fontaine, cũng như cuộc đời của tác giả. Cái vĩ đại duy nhất đáng chú ý ở La Fontaine là nghệ thuật ngôn từ, vừa mộc mạc, vừa tinh tế, công phu.
Đối với ông, tác giả các câu chuyện ngụ ngôn thế kỷ 17 ấy chính là « nhà văn vĩ đại nhất của nước Pháp », là « thiên tài Pháp ở trạng thái tinh ròng ». Tuy nhiên, theo ông, La Fontaine không còn dễ hiểu với xã hội đương đại. Các câu chuyện đa tầng, phức tạp của ông cần được « diễn giải lại toàn bộ », kể cả đối với người lớn. Đây hoàn toàn không phải truyện kể cho nhi đồng.
Trong khi đó, nhà văn Fabrice Pliskin nhìn thấy trong kho tàng ngụ ngôn La Fontaine nguồn cảm hứng bất tận, mà bất kể ai cũng có thể sử dụng, từ những người theo tư tưởng cánh tả, cấp tiến, cách mạng, hay phản cách mạng. Bài « Nếu La Fontaine trở lại… » nói đến một La Fontaine lên án thẳng thừng « sự điên rồ » của con người, những kẻ khai thác thiên nhiên một cách tàn bạo trong câu chuyện « Triết nhân xứ Scythie » (Philosophe scythe). Hay ngụ ngôn « Người và rắn » (L’Homme et la Couleuvre), lên án người mới là kẻ vô ơn chứ không phải rắn….
0 notes