Tumgik
bbtx73 · 4 years
Text
CÔ ĐƠN, có vị gì?
Có một lần, tôi sực tỉnh giấc, nhìn ngoài trời nhá nhem tối, cứ tưởng đã quá giờ đi làm (Tôi là tuýp người dậy rất sớm). Lồm cồm bò dậy, đánh răng rửa mặt, đến khi nhìn đồng hồ mới là 7.30 tối ngày hôm trước ( thực sự còn chưa qua ngày mới nữa).
Lúc đó mới chợt tỉnh ngộ, hoá ra do quá mệt, tôi thiếp đi lúc nào không hay, khái niệm thời gian đảo lộn hết. Chỉ còn lại tôi và bóng đêm tĩnh mịch làm bạn với nhau. Gia đình hay bạn bè không ở cạnh.
Lúc đó tôi mới thấm thía câu hỏi:
- Cái giá của sự trưởng thành là gì?
Đó là chúng ta phải tập làm quen với sự cô đơn này.
Cô đơn có nghĩa là một mình. Tức là bạn sẽ phải làm tất cả mọi việc một mình, theo đúng nghĩa đen. Ăn một mình. Ngủ một mình. Đi xem phim một mình. Bạn tận hưởng mọi khoảnh khắc của cuộc sống một mình.
Nhưng tại sao có một số người, họ không trải nghiệm cảm giác của bản thân một mình, ấy vậy mà họ vẫn cô đơn? Không, đó không phải là cô đơn nữa, mà đó là cô độc. Họ lạc lõng trong chính thế giới của họ. Giữa dòng người tấp nập hối hả ngược xuôi, giữa những tiếng hân hoan chúc tụng của đồng nghiệp, giữa những tiếng hoan hô của những người hâm mộ, họ, cá thể duy nhất, chới với và cô độc.
Chỉ nên cô đơn thôi, nhưng đừng cô độc.
Tôi có một cô bạn. Dạo trước, cô ấy hụt hẫng, trăn trở khi mới bước qua một mối quan hệ. Bữa nay gặp lại, thấy cô say sưa kể về những dự định của bản thân, về những điều đã gặt hái được. Tôi hiểu bạn tôi đã xây dựng cho mình được một "chiến thuyền" để đương đầu với những "cơn bão".
Nỗi cô đơn chính là con dao hai lưỡi. Nó có thể nhấn chìm ta trong cơn tuyệt vọng, nhưng cũng có thể tôi luyện tinh thần và ý chí. Cô bạn tôi, có lẽ đã ngộ được chân lí này, dùng chính thời gian cô đơn của bản thân, để trau dồi, rèn giũa, "mài ngọc" cho thật sáng.
Nếu ví cuộc đời như mặt biển xanh, thì những điều bất ngờ là những cơn sóng, đôi khi hiền hoà nhưng lắm lúc hung bạo. Khoảng thời gian cô đơn này sẽ chẳng hề vô nghĩa nếu như bạn đã trở thành một vị thuyền trưởng với kinh nghiệm và đầy đủ hành trang cho một chuyến ra khơi xa.
Chua. Cay. Mặn. Ngọt.
Vị của cuộc sống.
Tôi chẳng hề muốn chọn CÔ ĐƠN. Nhưng tôi có thể chọn HẠNH PHÚC.
*Sắp đến Quốc tế thiếu nhi, viết đôi dòng dành tặng cho những đứa trẻ đã lớn
28.05.2020
0 notes
bbtx73 · 4 years
Text
CÓ CÔ BÉ NGỒI ĂN TÀO PHỚ BÊN HIÊN NHÀ
- Aiiii .... tào phớ...ớ... không? Aiiiii ..... tào phớ...ớ... không?
- Chú ơi, cho con 1 bát
- Hai ngàn nha con
- Dạ!
.
.
.
Bưng bát tào phớ sữa đậu nành trên tay, tôi lại nhớ về kỷ niệm những ngày hè xưa cũ. Hè nắng chói chang, nắng như đổ lửa, nằm trong nhà, đang liu diu ngủ trưa cũng phải bật dậy, ba chân bốn cẳng chạy ra cổng í ới chú bán tào phớ dạo. Chả biết tự lúc nào, TÀO PHỚ, đã trở thành một thức quà vặt không thể thiếu trong những ngày hè oi ả. Có lẽ chăng nó xuất hiện trên những trang giấy ấu thơ, hay trong những giấc mơ trưa hè, hay trong một tâm hồn ẩm thực cháy bỏng, hay chỉ đơn thuần là, trong miền ký ức dịu ngọt với nội.
Tào phớ bây giờ lên giá rồi, chả còn là bát tào phớ hai ngàn thưở xưa. Bát rẻ nhất cỡ mười ngàn, cũng được biến tấu đa dạng hơn: tào phớ trân châu đường đen, tào phớ thập cẩm, tào phớ thạch trân châu, tào phớ caramel, tào phớ socola ... đủ mọi loại thức ăn kèm mà người bán có thể sáng tạo và thêm vào. Nhưng chẳng biết tại sao, có thể do khẩu vị, hoặc do tôi là một người yêu những nếp xưa cũ, bát tào phớ trắng ngần pha đường có thêm chút gừng luôn là thứ hấp dẫn tôi nhất. Và có chăng, sau này là tào phớ sữa đậu, không thêm bất kỳ loại thức ăn kèm nào.
… Chìa hai ngàn cho chú bán tào phớ, tôi hí hửng đứng nhìn chú lách cách lấy một chiếc bát sứ trên giá gỗ được đóng chắc chắn đằng sau xe. Chiếc bát sứ trắng men xanh ánh lên trong nắng được đặt ngay ngắn trên nắp thùng tào phớ. Bằng đôi tay ảo thuật điêu luyện, chú rút ra miếng hớt được mài nhẵn bằng lon bia, thoăn thoắt hớt nhẹ những miếng tào phớ trong thùng vào bát, chan nước đường, thêm tí đá bào. Và ta da! Trong mắt con nhóc là tôi lúc đó, chỉ có bát tào phớ trắng ngần, đựng trong bát sứ men xanh ... đang mời gọi, mời gọi.
Hàng hiên trước nhà rung rinh nắng.
Những lát tào phớ mỏng như cánh ve sầu đan vào nhau như những cánh hoa hồng được ướp “mật ngọt”. Để chưng được thứ nước đường vừa thơm vừa ngọt dịu đó thì phải rất kì công. Thông thường, những hàng tào phớ dạo sẽ chỉ chưng nước đường từ hỗn hợp đường và nước theo một tỷ lệ nhất định. Cách chưng nước đường của nội thì khác. Nội dùng đường nâu, chưng lên, thêm vài lát gừng đã đập dập, đun liu riu lửa. Và phần hấp dẫn nhất, đối với tôi, là khi đợi nước đường đã nguội, rưới nước đường vào bát tào phớ, thả vài ba bông hoa nhài, thêm một xíu đá, là có ngay một bát tào phớ ngọt ngon với hương hoa nhài thơm thoang thoảng, đánh thức cả khứu giác lẫn vị giác của con nhóc "hảo ngọt" là tôi thưở đó.
Tôi còn nhớ như in, ngày đó, để có thể ăn được nhiều tào phớ hơn, thì toàn bộ hai ngàn tôi sẽ dùng để mua tào phớ, và sẽ mè nheo nội chưng nước đường cho mình; thế nên, thay vì một bát thì tôi đã có hai, có thể chia "hẳn" một tô cho thằng em trai cũng háu đói không kém! Chứ sao, nếu phải lấy một tô chia đôi cho cu cậu thì phần tào phớ ăn chẳng bõ chút nào!
Những lát tào phớ như những cánh hoa mỏng manh, mà tôi, người được nếm trải và tận hưởng trọn vẹn vẻ "tươi đẹp" của "bông hoa" đó cũng nhẹ nhàng và rón rén, khám phá dần dần vẻ đẹp của tào phớ theo từng lớp hoa. Từng miếng tào phớ được tôi xắn nhẹ, hoà quyện với vị nước đường ướp hương hoa, tan trong miệng. Sự dịu ngọt và thanh mát đó đã khơi gợi tình yêu trong tôi với món tào phớ dung dị mà ngọt lịm này ....
Sau này, khi đi học xa nhà, cũng như khi quyết định trở về quê nhà để làm việc, hương vị của bát tào phớ nước đường thưở ấu thơ luôn luôn hiện hữu, không ngừng thôi thúc tôi khắc khoải kiếm tìm. Đó vừa là niềm yêu thích, cũng là nỗi nhớ nhung về những tháng ngày thơ bé.
Cháu vẽ tuổi thơ
Vào trang giấy trắng,
Ấu thơ bên bà,
Ôi sao đẹp quá!
Hà Nội, 20.05.2020
BBTX73
Category: Văn trần thuật
1 note · View note
bbtx73 · 4 years
Text
NGƯỜI CON GÁI TA THƯƠNG
Đợt này dịch bệnh nguy hiểm, nghỉ Tết mãi chưa biết bao giờ đi học lại, tôi cứ ở nhà riết, bị ba la hoài:
⁃ con gái con đứa kì cục, ngày nào cũng ngủ đến khi mặt trời banh càng trên ngọn cây mới thấy nó dậy!!!
Ba la thì la vậy thôi, chứ tôi biết ba thương tôi lắm nè. Ai biểu tui là con gái duy nhất cơ. Ầy, các bạn đừng nghĩ tui được cưng chiều, trong cái nhà này, giá trị của tui là thấp nhất đó.
Theo thứ tự từ dưới đếm lên thì: tui - Anh Lạc- má tui. Trước đây thì tui đứng thứ hai, nhưng từ ngày tui lên thành phố học đại học, ở nhà ba sợ má buồn mới rước về nhà một chú mèo. Má cưng ả ta lắm, đặt tên là Anh Lạc, theo nhân vật trong cái bộ phim cung đấu nào đó đình đám trên mạng xã hội. Thôi thì, phận tui lúc nào chả đứng bét, có thêm một ả mèo thì cũng vẫn xếp chót bảng mà thôi. Điều này cũng không khiến tui buồn phiền cho lắm, chỉ là đôi lúc .... haizzz ....
Nhà tui có 3 người, à không phải, 3 người và Anh Lạc. Ba thương má nhất nhà, tui thì thương má hơn ba. Còn má thì, má thương ba, thương Anh Lạc, thương tui, nhưng má còn giàu tình thương người.
Má tui là một người phụ nữ bé nhỏ, da ngăm ngăm, giọng nói nhỏ nhẹ, dễ nghe và một đôi mắt sáng biết cười. Đời má trước những năm 30 tuổi là những bão giông.
Năm 20 tuổi, má cưới chồng. Theo lời má kể thì hồi đó, má đang đi làm công nhân nhà máy dệt, bỗng dưng nhà điện về quê gấp. Tưởng có chuyện gì nghiêm trọng, má hối hả bắt xe về quê. Tuần sau má cưới. Má bảo: thời đó má cũng chả nghĩ gì. Chỉ thấy mình cũng qua tuổi cưới chồng đã lâu, nhà người ta lại từng có ơn. Vậy má gật đầu.
Ngày đưa dâu, trời thả cơn mưa nhẹ. Con đường ngoài làng ngập đầy bùn, xe đón dâu không vào tận cổng nhà được. Má phải cuốc bộ một quãng đường dài.
Đêm tân hôn, nằm cạnh chú rể say khướt, má mất ngủ. Trước đây má chưa từng yêu ai, cũng chả biết cái cảm giác được yêu là như thế nào. Má là chị cả trong nhà, dưới có đàn em. Quanh năm suốt tháng phụ giúp thu vén việc đồng áng, kiếm bữa no. Năm 18 tuổi, má theo chân dì lên thành phố làm công nhân dệt. Má hay đùa bảo: hồi đó chả hiểu sao má gan vậy, thân con gái một mình giữa thành phố hào hoa. Có lẽ do má chả đẹp, chả anh nào ngó ngàng tới. Làm được bao nhiêu tiền, má gửi về quê hết. Vậy nên, theo ngôn ngữ bây giờ, má bảo má "ba không": không tiền, không sắc, không gia thế. Do vậy, má chả có gì để người ta lừa.
Cuộc sống hôn nhân sau khi cưới chồng trôi qua đầy chật vật, bởi má mang danh "gà mái không biết đẻ". Cưới nhau 4 năm, má không có con. Làm được bao nhiêu tiền, má đều đưa người ta cắt thuốc nam để uống. Thuốc nam đắng chát bao nhiêu thì nước mắt và nỗi lòng má đắng cay bấy nhiêu. Nỗi tủi hờn má cũng chỉ dám giữ trong lòng. Tết cũng chả dám về ngoại, sợ ngoại buồn, ngoại xót, ngoại lo nghĩ.
"Phụ nữ hơn nhau là ở tấm chồng".
Cái chú từng được má gọi là chồng bỏ bê má, chả trách chả mắng. Má ở trong nhà như người dưng nước lã. Má chồng thì chì chiết, luôn tìm cớ la má. Má biểu: nếu ngày đó má không biết kiếm tiền, sức lực bằng năm bằng mười người khác, thì có lẽ má đã bị đuổi đi từ lâu rồi.
Nhà là nơi để về mỗi khi mỏi mệt, ấy vậy mà trong những năm tháng đó, cứ đi trên đường về nhà, má lại ứa nước mắt. Má thấy lạc lõng quá, cô đơn quá. Đường về nhà ôi sao xa thật xa.
Ngày má biết chồng cặp bồ, má bình tĩnh đến lạ. Ở với nhau lâu như vậy, bảo không thương là không đúng, bảo không có tí tình cảm nào là không đúng. Vợ chồng ở với nhau là chữ nghĩa, chữ tình, là trách nhiệm với nhau.
Người dưng hoá người thương, rồi lại trở về là người dưng.
Tất cả mọi tiền bạc kiếm được má gửi hết cho má chồng, chỉ xin chút ít làm lộ trình đi đường.
Má không về ngoại, cũng chẳng lên thành phố. Lúc đó má biểu, bước chân cứ đi vô định, chỉ muốn bỏ đi thật xa, rời xa hoàn toàn cái nơi cất chứa toàn kỉ niệm buồn buồn tủi tủi đó. Má sợ. Má đau lòng. Má khóc. Nhưng chí ít lúc đó má chả còn phải chịu trách nhiệm cho bất kì chuyện gì nữa, má được một mình.
Có những nơi má đến, dừng chân một thời gian thì lại bỏ đi. Công việc má làm lúc đó thường là chân phụ quán, đứng bếp. Chủ thuê sẽ bao ăn, bao ở, như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí. Cứ làm được một thời gian thì má xin nghỉ. Má biểu: má sợ cảm giác thân thuộc. Má sợ phải gắn bó với một thứ gì đó.
Bước chân cứ đi vô định, cho tới một ngày má tới nơi đây.
Lúc đó, trong tay đã tích góp được chút vốn liếng, má quyết định mở một sạp gạo nho nhỏ. Ba tháng đầu tiên, sạp gạo của má vắng khách. Khách hàng tiềm năng của má không dễ dàng bỏ đi những thói mua xưa cũ để thử mua của một hàng mới, hoặc đơn giản, má chẳng bày chiêu trò gì để hút khách, hoặc đơn giản chỉ là, trong mắt họ, má là người xa lạ.
Thi thoảng kể lại chuyện này, má hay cười bảo: “May mà lúc đó tau bán gạo, còn có thể lấy ra ăn cơm trừ bữa. Chứ không chắc lúc đó tau chết đói rồi”.
Má thi thoảng hay đem gạo đi tặng những nhà nghèo quanh vùng, hoặc có khi tặng cho trường học để làm quà tặng cho những em học sinh nghèo vượt khó. Từ xưa đã vậy, và nay vẫn thế. Đó như một thói quen, một phước phận mà má chỉ nghĩ đơn giản là, mình có dư thì mình cho người cần.
Lần đầu má gặp ba, lúc đó má đang đi chở gạo. Bánh xe kẹt vào hố, má không tài nào kéo ra được. Cái xe bị kẹt bánh, 50kg gạo và một bà cô già trùm kín mít, chình ình giữa đường - ba đã gặp má như thế đấy.
Lần gặp gỡ đầu tiên của hai người cũng khá kỳ ngộ. Xe đang bị kẹt bánh, thấy từ xa có một nam tử hán đại trượng phu rê xe đi tới, má chưa kịp cất tiếng nhờ, thì đã thấy phóng cái rẹt qua trước mặt. Cảm giác lúc đó má từng mô tả là gì ấy nhỉ? À, chưng hửng đến sợ!
Sau này mỗi khi được ai hỏi, làm cách nào hai người quen nhau, má đều mô tả cái cảnh bánh xe của ba lướt qua mặt má trong mấy tích tắc như cảnh phim quay chậm của Bollywood, kèm theo sau đó, chắc chắn sẽ là giọng phân bua của ba: Tui sau đó có quay lại giúp đỡ bà mà!
Ba là bác sỹ, hơn má một tuổi. Là anh cả trong nhà, dưới có chú Ba và cô Út. Ba được nội cho lên thành phố học lấy bằng bác sỹ, nhưng ba lại không chọn ở lại làm cho các bệnh viên trên thành phố, mà chỉ một lòng mong mỏi về quê, đem công sức giúp đỡ bà con nơi quê nhà. Hàng xóm láng giềng bảo ba hâm, ba dở, khi từ bỏ thành phố phồn hoa về quê nghèo làm bác sỹ. Ý nghĩ của ba thì chỉ đơn giản là: Nơi quê nhà cần ba thì ba về! Ở quê nhà ba sẽ làm được nhiều việc có ích hơn.
Hôm đó ba đang hối hả thăm bệnh cho một bệnh nhi nhỏ tuổi. Ba đi lướt qua má trong 3 giây tích tắc của cuộc đời. Chính vì 3 giây tích tắc đó mà sau này con đường ba theo đuổi má gập ghềnh trắc trở vô cùng.
Sau cái lần "hạnh ngộ" đầy tréo ngoe đó, ba với má còn gặp nhau thêm mấy bận. Má nhận ra ba là cái "thằng cha" phớt lờ má dạo nào, còn ba thì chẳng biết mình bị ghét do hôm đó má trùm kín mít. Ba bị thu hút bởi dáng vẻ nhanh nhẹn, tánh thẳng thắn và giàu tình cảm của má. Tình cảm của hai người như trò chơi cút bắt, ba đuổi theo, má né tránh. Không biết bao nhiêu lần ba bị má từ chối, từ nhẹ nhàng đến phũ phàng, từ tránh né đến nói thẳng. Nhưng chẳng hiểu sao, với một trái tim "chân không mỏi, chí không sờn", ba vẫn theo đuổi má. Có lẽ theo ba, mọi chuyện đều có nguyên do của nó, hoặc là, ba thương má chân thành nên khó lòng từ bỏ, hoặc đơn giản chỉ là, ba tin má cũng thương ba.
Cuộc sống chưa bao giờ là dễ dàng với bất kì ai, với má cũng vậy. Ngày ba đến nhà gõ cửa lần thứ nghìn có lẻ, má lấy hết dũng cảm, giãi bày hết cuộc đời của má, và chốt lại một câu "chúng ta không hợp nhau".
Cứ ngỡ rằng ba sẽ quay gót bỏ đi hoặc dè bỉu chê bai má, nhưng không, ba tui vẫn đứng đó. Ừ, dĩ nhiên là vẫn đứng đó, để sau này còn cưới má tui, rồi mới sanh ra tui; để giờ đây còn có người ngồi kể chuyện cho các bạn nghe chứ.
Trong một lần hiếm hoi, ba đã bộc bạch tâm sự rằng: người con gái đứng trước ba năm đó, dưới hiên nhà mình, đã không hề cầu xin lòng thương hại từ ba, mà kiên quyết khước từ nếu như tình cảm đó khó có thể dành cho mình. Chính sự chân thành, thẳng thắn và nghị lực của má mới là điều khiến ba rung động. Vậy thì hà cớ gì ba lại từ bỏ người con gái ba thương!
Chính sự chân thành, yêu thương của ba khiến má cảm động.
Và cũng chính sự chân thành thương yêu nhau của ba và má đã thuyết phục được nội.
Năm năm sau khi cưới, tui chào đời. Có lẽ v��i ba và má, hạnh phúc bình dị vậy thôi. Hạnh phúc tuy đến muộn, nhưng lại đẹp như bông hoa quỳnh lặng lẽ nở trong đêm.
Ngày mai hết giãn cách xã hội rồi, cũng đã tới lúc tui quay lại trường học, tiếp tục nốt hành trang còn dang dở của đời mình, đi tìm đáp án của riêng mình. Như đáp án của cuộc đời má là ba.
*Bài được đăng lần đầu trên app wecare vào ngày 7/5/2020
Category: Truyện ngắn
1 note · View note