Tumgik
lichsuvasukien · 7 months
Text
BẢN ĐỒ DẪN QUA CUỘC NAM TIẾN CỦA DÂN TỘC VIỆT-NAM
(Bài viết từ năm 1941 nên nhiều địa danh đã không còn phù hợp, nhưng tôi vẫn sẽ cố gắng trích dẫn nguyên văn để thể hiện sự tôn trọng đến tác giả)
1) Năm 1067, vua Lý Thánh Tông đánh nước Lâm Ấp. Chế Củ bị bắt xin dâng 3 châu để chuộc tội, là Địa Lý, Ma Linh và Bố Chính, gồm cả quận Nhật Nam tức là Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ.
2) Năm 1307, vua Trần Anh Tông nhận 2 châu Ô và Lý của Chế Mân dâng làm lễ cưới Huyền Trân công chúa, bèn đổi tên là Thuận Châu và Hóa Châu, tức tỉnh Thừa Thiên bây giờ.
3) Năm 1402, Hồ Quý Ly sai Đỗ Mẫn đánh nước Chiêm Thành. Vua nước ấy là Ba Đích dâng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam). Quý Ly lại bắt phải dâng đất Cổ Lũy, gồm lại đặt thành 4 châu, tức phía bắc đất Quảng Ngãi bây giờ.
4) Nam 1470, vua Lê Thánh Tông đánh Trà Toàn ở thành Đồ Bàn (Vijaya) và cửa Thị Nại (tỉnh Bình Định), gồm cả Đồ Bàn, Đai Chiêm và Cổ Lũy, lập thêm đạo Quảng Nam.
5) Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng đánh Chiêm Thành, lấy đất lập ra phủ Phú Yên, có 2 huyện Đồng Xuân và Tuyên Hóa (phía nam tỉnh Bình Định bây giờ).
6) Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần đánh Chiêm Thành, lấy tỉnh “Kauthara”, tức tỉnh Khánh Hòa bây giờ.
7) Năm 1697, chúa Nguyễn Phúc Chu đánh lấy đất Phan Rang và Phan Lý, gồm hai phủ Yên Phúc và Hòa Đa. Thế là nước Chiêm Thành từ đó mất hẳn!
8 ) Nước Qua Oa ngày trước (Biên Hòa, Bình Thuận bây giờ) nhập vào bản đồ Việt Nam năm 1759 đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Trước gọi là Thủy Xá và Hỏa Xá, thuộc xứ Thủy Chân Lạp.
9) Nước Tam Phật Tề ngày trước cũng bị thôn tính vào hồi chúa Nguyễn Phúc Khoát (vào khoảng mấy tỉnh Tân An, Mỹ Tho và Bến Tre bây giờ).
10) Nước Mãn Thích Da ngày trước cũng chung một số phận như 2 nước trên, vào hồi nước Việt Nam thôn tính xứ Thủy Chân Lạp (tức là một dải sông vào khoảng mấy tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh và Sa Đéc bây giờ).
11) Xứ Thủy Chân Lạp bị thôn tính vào khoảng năm 1759, sau lập ra 6 tỉnh Nam kỳ, do võ công chiến thắng của các đời chúa Nguyễn.
[Lược bỏ chú thích ABC vì không liên quan đến chủ đề chính]
------
- Nguồn sách: Trần Huy Bá (1941). “Việt Nam xưa đã thôn tính mấy nước?”. Tri Tân Tạp chí, số 15, tr. 3-5.
******
Nguồn bài: FB Đông Quách Tiên Sinh
Tumblr media
0 notes
lichsuvasukien · 11 months
Text
"DỞ NHƯ HẠCH” mà không hiểu “hạch” là gì?
Tumblr media
Ngày xưa, có người Chà và người Hạch qua Việt Nam sinh sống và làm việc. Người Chà là người đến từ Indonesia, trước đây được gọi là nước Nam Dương. Lấy địa danh Java (Chà Và) ở đây đặt cho họ. Cầu Chà Và là cầu, mà ngày xưa, có nhiều người Chà sinh sống. Còn người Hạch là người theo đạo Hồi đến từ Ả Rập.
Đặc điểm của nhóm người này là có nước da ngâm, tóc xoăn, cao to hơn người Kinh chúng ta, như trong ảnh. Nhóm người Chà và người Hạch, qua Việt Nam, chuyên thức đêm, giữ cửa, canh gác cho mấy hãng buôn lúc bấy giờ.
Dựa theo lời giải thích của cụ Vương Hồng Sển (1902-1996) (nhà văn hóa, học giả lớn miền Nam, được giới sử học và khảo cổ kính trọng): Cái tên hay danh tánh của người Hạch, thường đứng đầu bằng chữ Hadj. Cho nên, người Saigon gọi luôn là người Hạch. Chữ Hadj tiếng Ả Rập là hành hương. Bất cứ ai trong đời đã đến thánh địa Mecca, đều được phong tặng cho chữ Hadj ghép vào tên, và đây cũng là một vinh dự.
Nhóm người Chà và người Hạch, đến Việt Nam, chỉ để làm nghề gác dan (tiếng Pháp là gardien), mà không hề biết làm bất cứ ngành nghề nào khác. Cho nên "dở như Hạch" là xuất phát từ nhóm người Chà và người Hạch này ra.
Mình có nghe cha mẹ mình và những người lớn tuổi dùng từ lâu, nay rảnh rỗi mới truy tầm nguồn gốc và hiểu ra. Đúng là "dở như Hạch".
Tác giả: Trần Khắc Tường
0 notes
lichsuvasukien · 1 year
Text
TẢN MẠN VỀ 4 VỊ THẦN NHÂN BỊ C.H.Ặ.T ĐẦU MÀ KHÔNG CHẾT CỦA SỬ VIỆT
1. Phục Man tướng quân
Lý Phục Man vốn người làng Yên Sở, làm tướng phò dưới trướng vua Lý Nam Đế. Thuở thiếu thời, ông theo phò vua giúp nước, lập nhiều chiến công hiển hách, trấn áp cả vùng Đỗ Động - Đường Lâm xa xôi khó bề cai trị. Ông là người có tài thao lược, giúp vua Lý nhiều phen dẹp loạn binh đao, được vua vô cùng ưng ý gả con gái của mình là Công chúa Siêu cho Lý Phục Man.
Lý Nam Đế vô cùng chú trọng đến vấn đề biên cương của nhà nước non trẻ Vạn Xuân, ngài đã giao cho ông trọng trách canh giữ vùng biên giới Lâm Ấp (Chiêm Thành). Năm 545, nhà Lương sai Trần Bá Tiên sang xâm lược nước ta. Vạn Xuân thất thủ, tàng quân tan tác, Lý Nam Đế rút về Phú Thọ, danh tướng Phục Man lệnh cho binh lính cố thủ tại doanh trại, còn ông dẫn đầu một toán binh đi chi viện cho đế vương. Tuy nhiên quân Lâm Ấp lại lợi dụng thời cơ đêm khuya đánh úp, quân ta bị bất ngờ, cố hết sức đánh trả, một trận mưa gió máu tanh náo loạn một vùng trời như xé toạc màn đêm đen. Lý Phục Man bị chúng chém cho đầu lìa khỏi cổ, ông bình tâm lắp lại đầu lên thân mình rồi thúc ngựa chạy về cố hương. Ông cứ đi mãi cho đến khi gặp một bà lão bán hàng nước ngoài cổng làng Yên Sở.
Ông cất tiếng hỏi hỏi: Này bà lão, người không có đầu có thể sống được không? Đầu ta bây giờ đã lìa khỏi cổ, bà có cách nào giúp ta gắng đầu lại để tiếp tục đánh giặc được không?
Bà lão thốt lên: Ông là người cõi nào vậy, đứt đầu thì chết chớ sống làm sao được, mà có sống thì ăn uống thế nào, thức ăn có xuống được bao tử không?
Lý Phục Man nghe đến đoạn này, biết số mình đã tận, bỏ chạy vào rừng đến bên bờ sông thì đầu từ tay rơi xuống đất, người thì thì gục trên lưng ngựa lúc đó ông mới thực sự c.h.ế.t.
Dân làng Yên Sở ngày nay truyền tay nhau rằng chính vạt rừng đằng sau đình Yên Sở là nơi chôn ngọc cốt của ông. Mộ phần của Lý Phục Man nằm dưới đáy đầm sen rộng tỏa hương thơm ngát giữa rừng. Người ta cấm dân làng đến đấy kiếm cành cây và hái quả, tất cả đều phải bán để cúng vào đình.
2. Định quốc công Nguyễn Bặc
Đinh Điền, Trịnh Tú, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, tứ trụ của triều đình phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, triều đại nhà Đinh. Từ những cậu bé chăn trâu của vùng núi Hoa Lư, Ninh Bình, thấy đất nước lâm cảnh lầm than, bèn dấy binh khởi nghĩa mà làm nên việc lớn.
Tôi lớn lên ở xứ núi đá vôi quanh năm cằn cỗi này, từ xa xưa đã truyền tụng một câu chuyện về sự hy sinh cao cả của ngài Nguyễn Bặc sau cái chết của vua Đinh. Khi xưa, lúc cơ nghiệp của nhà Đinh rơi vào tay ngoại tộc, ông, vì lòng tận trung của mình đã đem quân dấy binh chống Lê Hoàn, vị Hoàng Đế mới được Dương Hậu lập làm vua. Thân là bề tôi, phải một phụ vua việc xã tắc, ấy mà khi thấy vận nước lâm nguy, Lê Hoàn lại chớp lấy thời cơ thâu tóm hết quyền lực về tay mình.
Nguyễn Bặc cùng Đinh Điền, Trịnh Tú, Phạm Hạp đem quân đi đánh Lê Hoàn, trong lần tử chiến cuối cùng, ông đã bị lưỡi gươm của Lê Hoàn chém vào cổ, đầu lủng lẳng trên thân. Thấy vậy, ông bèn thúc ngựa chạy thẳng về Tràng An.
Ngựa ông chỉ dừng lại khi đã gặp một bà lão đang quẩy gánh hàng nước dưới một gốc cây thị, ông xuống ngựa, xin cụ bà một ngụm nước chè. Sau khi điềm tĩnh uống hết chén nước, ông nhắm mắt và hóa dưới tán cây. Đó cũng chính là cây thị ra 2 loại quả ở Phủ Khống, gắn liền với sự tích:
“Tuẫn tiết theo vua bảy danh thần
Lòng trung vì nghĩa tiếc gì thân
Khói hương nghi ngút đền Phủ Khống
Ngàn năm con cháu mãi tri ân
Cây thị ngàn xưa vẫn trổ hoa
Đá cổ linh thiêng gốc thị già
Cho hai loại quả hương ngào ngạt
Quả to đãi khách, bé dâng trà”
3. Hoàng tử Lý Nhật Quang
Lý Nhật Quang là con trai của vua Lý Thái Tổ và mẹ là Linh Hiển Hoàng Hậu. Nổi tiếng thông minh hơn người, 8 tuổi đã biết vịnh thơ phú, 10 tuổi tinh thông kinh sử.
Ông là người dẹp loạn nội bộ Chiêm Thành và tạo mối bang giao hòa hữu với Đại Việt. Ông cai trị châu Nghệ An 16 năm, xây dựng nơi này từ một bể nghèo nàn biến loạn thành cơ sở kinh tế, văn hóa của nước ta, làm chỗ dựa cho Thăng Long và triều đại nhà Lý. Ông trừng trị kẻ gian, khen thưởng người lành, khai khẩn đất hoang, chiêu mộ lưu dân, bọn vô lại phải im hơi, người dân về với ông để được an cư lập nghiệp.
Thần phả đền Quả Sơn viết rằng Lý Nhật Quang hy sinh trong trận chiến với quân giặc, bị chém ngang cổ nhưng đầu không lìa, chạy về đến núi Quả thì ngựa quỵ xuống, ông thác xuống ngày 17 tháng 8 năm 1057.
Vua Lý Thái Tông thương tiếc vô vàn, phong ông từ tước Hầu lên Tước Vương. Nhân dân suy tôn Lý Nhật Quang là "Thượng thượng thượng Đẳng thần"
Tại Nghệ An có hơn 50 ngôi đền lớn nhỏ nhang khói nghi ngút quang năm cho ông, với người dân xứ này, ông đã không chết đi, mà đã hóa thánh và về với cõi bất tử giữa bao tầng mây cao.
“Hiển hách thần linh, hương khói miếu đền lưu vạn đại,
Lừng danh tông tộc, núi sông ghi nhớ đến nghìn năm.”
4. Đoàn Thượng tướng quân
Đoàn Thượng là một vị tướng dưới thời vua Lý Cao Tông, đây là khoảng thời gian rối ren của đất nước, Lý suy Trần thịnh, triều đình chia thành nhiều phe cánh khác nhau.
Năm 1228, trong một trận đánh ở Hưng Yên, điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ mưu hại, giả vờ hòa hoãn rồi cho Nguyễn Nộn từ Bắc Giang mang quân tới đánh úp ông. Bị chém đứt đầu, ông còn quay lại dọa cho quân địch một phen hoảng hồn, tướng nhà Trần bạt vía bỏ chạy. Đầu ông rơi tại Bần Yên Nhân, còn thân ông quất ngựa chạy Đông tiến về quê hương Cẩm Giàng, Hải Dương. Dân gian từ đây mới có câu: đầu Bần, thân Mao.
Hai nơi này đều có đền thờ ông. Hằng năm, đến ngày 11-4, các đền hoặc đình làng thờ ông làm Thành hoàng đều mở hội, tổ chức tế lễ trọng thể để tri ân đến bậc trung thần của triều Lý.
Sau khi qua đời, nhân dân thờ ông làm Phúc thần với danh hiệu Đông Hải Đại Vương.
Dù có c.h.ế.t cũng nhất định phải chết trên mảnh đất quê hương, sử Việt đã ghi chép lại không ít khúc tráng ca hào hùng về những tấm lòng của bậc trung thần trượng nghĩa, dù cho đã trả qua ngàn năm sương gió của thời cuộc, những câu chuyện về họ cũng như chính bản thân họ, đã hóa thân thành hồn thiêng sông núi, mãi mãi không bao giờ bị lãng quên.
- Téc iu nước -
Nguồn Duy Anh
1 note · View note
lichsuvasukien · 2 years
Text
THẢM KỊCH HOÀNG GIA LÀO
Thảm kịch xảy đến với Hoàng gia Vương quốc Lào là chuyện còn ít ai được biết.
Hàng chục năm trôi qua, chính quyền Lào không đưa ra được một câu trả lời thỏa đáng về sự biến mất của vua Savang Vatthana.
Lào - nạn nhân thua thiệt trong Cuộc chiến Đông Dương
Trong cuộc chiến tranh giữa Mỹ - Việt Nam, đúng nghĩa hơn là chiến tranh Đông Dương, Lào đã cho Hà Nội xây dựng tuyến đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam trên lãnh thổ Lào, vẫn được gọi là 'Đường mòn Hồ Chí Minh'.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa đã trực tiếp mở chiến dịch 'Lam Sơn 719' đánh thẳng sang Lào từ Quảng Trị. Mỹ cũng đã tiến hành 550.000 phi vụ tấn công trên lãnh thổ Lào, trung bình cứ 8 phút có một phi vụ rải boom, nã tên lửa trong suốt 9 năm.
Chừng 260 triệu trái boom đã dội xuống đất Lào, nhiều hơn dân số của nước này (6,4 triệu/2015). Lào là đất nước hứng chịu boom đạn nặng nề nhất thế giới so với số dân.
Bắc Việt Nam đã thành công trong việc sử dụng Lào như một chiếc khiên chắn đạn cho VNDCCH, để hậu phương miền Bắc không bị hứng chịu toàn bộ gánh nặng của cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai.
Nội chiến ở Lào giữa quân đội Hoàng gia được người Hmong ủng hộ chống lại Pathet Lào và quân đội Bắc Việt kéo dài từ tháng 11/1953 tới năm 1973, dài hơn chiến tranh Việt Nam. Một triệu người Lào đã bị giết, tương tự cứ 6 người thì có một bị thiệt mạng.
Sau chiến tranh 69.000 người Hmong phải chạy từ Lào sang Thái Lan tỵ nạn rồi một số họ được Hoa Kỳ nhận.
Đóng góp của Lào về sức người, sức của cho Bắc Việt Nam chiến thắng không thể phủ nhận.
Nền quân chủ 622 năm bị truy trốc tận gốc
Nằm cạnh những đế chế hùng mạnh trên bán đảo Đông Dương, Lào luôn giữ một thái độ khiêm nhường.
Ở Lào đạo Phật được mến chuộng, người dân vẫn tôn thờ ngai vàng, coi biểu tượng của Vua ứng với thần linh và họ nợ Đức Vua lòng trung thành.
Khôn ngoan là xoá bỏ vĩnh viễn biểu tượng tinh thần đó. Những người Cộng sản nghĩ thế, họ quen với cái gọi là 'chuyên chính vô sản' hơn công việc xây dựng đất nước.
Trong nhiều năm, số phận của vua Savang Vatthana, Thái tử kế vị SayVongsavang, cùng Hoàng hậu Khamphoui là đề tài của những tin đồn trái ngược nhau. Một viên chức Lào cho hay rằng, gia đình Hoàng gia sống trong một biệt thự nhỏ, bao quanh là vườn hoa xinh xắn.
Vào ngày 2/5/1978, Thái tử nối dõi ngai vàng Vương quốc Lào qua đời, nạn nhân của lòng hiếu thảo. Cơm và muối theo khẩu phần khốn khổ cho một người tù không đủ nuôi sống cả hai.
Tự coi mình chịu trách nhiệm về sự hy sinh của con trai, vua Savang Vatthana buông xuôi.
Ngày 13/5/1978, ông nằm trên giường, nói ''Tôi ngủ đây'' và trăn trối ''Tôi hiến dâng linh hồn, giọt máu và thân thể của tôi cho mảnh đất mầu mỡ, tươi đẹp của đất nước Lào và có thể cho tất cả dân tộc Lào''.
Ông thở nặng nhọc và ra đi. Ông mất 11 ngày sau cái chết của con.
Vài giờ sau khi ông mất, ba người nấu bếp đào một hố chôn ông không nghi lễ, ảm đạm, thương tâm như mai táng Thái tử Say Vongsavang không lâu trước đó. Họ không được khóc thành tiếng. Lính áp tải vội về ăn cơm tối.
Mộ phần của vua nằm dưới chân cây Kok Leuang (cây đa vàng), khoảng 100m về phía bắc Trại tù số 1, ở rìa con suối Houy Nor Kok trên bản đồ địa phương. Vua an táng đầu hướng về phía Bắc. Con trai ông nằm quay đầu về phía Nam, chôn không xa Tổng tư lệnh cuối cùng Quân lực Hoàng gia Lào, tướng BounPone Makthepharak. Không có bia mộ nào được phép đặt trước nơi an nghỉ cuối cùng của họ.
Hoàng hậu KhamPhoui chịu thân phận tù đầy cũng không được dự phút khâm liệm cả chồng và con trai. Mà chữ khâm liệm cũng xa vời, họ chỉ ném xác những người đại diện cuối cùng Hoàng gia Lào xuống những hố nông đào vội.
Hai năm sau, bà vẫn không biết là chồng và con đã ra đi. Nhân chứng nhìn thấy bà lần cuối không còn nhận ra Hoàng hậu của nước Lào. Tóc bạc trắng và đôi mắt buồn rầu, bà nhai trầu cả ngày để chìm vào quên lãng. Ánh mắt đó cuối cùng cũng tắt vào ngày 12/12/1981. Mộ của bà nằm cách khoảng một km nơi chồng an táng và cũng không có bia.
Phạm Cao Phong (Paris, Pháp)
0 notes
lichsuvasukien · 2 years
Text
30 năm nữa VN mới đuổi kịp Mông Cổ
1. Tôi hỏi 100 người, thì đến 97 người bảo: Mông Cổ ấy à? nghèo lắm hả?
Sai. Khái niệm về một nước Mông Cổ nghèo khó ngự trị trong đầu óc dân Việt Nam từ xa thời cùng phe XHCN. Nhà văn Tô Đức Chiêu bảo tôi: "Tao đã đi Mỹ, Ai Cập, Ả rập xê út, Nga và Đông Âu, không kể châu Á như Tàu, Thái... Tức là gần hết thế giới, nhưng khi đi Mông Cổ, mới thấy mình khám phá ra một thế giới mới, nếu có dịp, tao đi 2 -3 lần nữa".
Tôi thấy thế nên cũng đú theo, đi Mông Cổ một chuyến.
Mở ngoặc ngay là, khi anh (du lịch) đến đâu, anh phải tự vấn ta đến đấy để làm gì, muốn biết gì. Nói chung là nên đi phượt. Tôi có bài học kinh nghiệm về việc này, có 1 cậu trẻ đi cùng đến thảo nguyên Mông Cổ, cậu thốt lên chán nản: Ơ, đâu cũng như đâu, mênh mông cả, chả thấy cái gì. Vấn đề là cái gì?
Sau chuyến đi Mông Cổ, tôi rút ra kết luận, 30 năm nữa (hoặc hơn) không biết Việt Nam mình có đuổi kịp Mông Cổ hay không?
Mông Cổ diện tích gấp hơn 6 lần nước Việt Nam, dân số hơn 3 triệu người (bằng 1/2 Hà Nội). Mà 1/2 dân số ở thủ đô Ulan Bato. Hãy tưởng tượng hơn 1 triệu người ở rải rác trên lãnh thổ gấp 6 lần Việt Nam.
Mông Cổ có đặc biệt là có biên giới với Nga và Trung Quốc. Họ bị kẹp giữa 2 nước lớn, nên phải chọn 1, lịch sử đã chứng tỏ họ chọn đúng, chọn nước Nga để tránh nước Tàu kẻ thù. Chính chính phủ Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch khuất phục trước chính phủ Stalin, mà công nhận Mông Cổ độc lập. Chuyện này chính phủ Mao cay cú ra mặt, công khai gọi Mông Cổ là Ngoại Mông, còn phần lãnh thổ Mông Cổ bị mất từ thời Nguyên triều, thì TQ gọi là Nội Mông (họ vẫn nhận đó là nước họ). Cấp độ cay cú ăn thua và nhòm ngó còn hơn một bậc so với Việt. Người TQ chưa gọi Quảng Đông là Nội Việt, mặc dù vẫn dùng từ Việt gọi Quảng, Việt ngữ là tiếng Quảng, họ chưa gọi Việt Nam là Ngoại Việt. Nói thế để biết mức độ nguy hiểm chênh vênh của con ngựa Mông Cổ trước con sói Trung Quốc.
Ở Mông Cổ, tôi được nghe câu chuyện tiếu lâm. Một người Mông Cổ gặp một người Nhật. Người Nhật cám ơn người Mông, vì bài học của Nguyên triều, nên nước Nhật quyết định không chiếm Trung Quốc nữa. Nếu chiếm nó, có lẽ nước Nhật đã thành Trung Quốc rồi. Đó là một câu chuyện tiếu lâm cay đắng mà không thể cười.
Ân oán giang hồ với người Tàu thì rất nhiều. Chỉ kể 1 chuyện. Các công ty xây dựng ở Ulan Bato, và nói chung các công ty khác cần nhân công, thì đều thuê nhân công TQ, vì người TQ sinh sôi như cỏ dại, ở đâu họ cũng mò đến. Nên các công ty có quy định, chỉ được thuê dưới 6 tháng, mà trong 1 năm không được thuê quá 1 lần. Nên người làm thuê phải đi về TQ ngay. Cảnh sát Ulan Bato rất dễ dãi với người Việt sinh sống ở thủ đô của họ, hình như có 7000 người, còn riêng người TQ thì phải thống kê rất cụ thể. Người bạn Mông Cổ nói với tôi: Việc lớn nhất của cảnh sát là đuổi người Trung Quốc hết hạn cư trú. Đúng vậy, họ không có tình trạng kẹt xe, không có tệ nạn nhiều, việc chính là không để lọt một cái trứng tu hú. Chuyện này 30 hay 50 năm nữa, Việt Nam cóc làm được, mà cũng chả làm.
2.
Nhìn trên phim ảnh, thấy thảo nguyên là những dải đất trùng điệp, cây cỏ lưa thưa, nếu chỉ có thế, chưa biết gì về thảo nguyên Mông Cổ cả. Hồi tôi đi tầm tháng 7 dương lịch, là tháng đã hết cỏ rậm. Cỏ rậm thì đến ống chân, đến đầu gối, còn khi chuẩn bị vào đông, cỏ bị đám gia súc gặm gần hết. Chỉ còn cỏ thấp và cỏ tái sinh.
Nói từ "cỏ" với người Việt, cũng không ổn. Cỏ của Việt Nam là thứ chả để làm gì. Điều này lỗi ở các nhà làm ngôn ngữ khoa học, địa lý. Đáng lý nên dùng từ "thảo mộc thân mềm" hay cái gì đó khác với "cỏ". Cúi nhìn xuống, hàng trăm hàng nghìn loài cây gọi là cỏ rất khác nhau, riêng hình lá cũng thiên hình vạn trạng. Nếu vò vài cái lá rồi đưa lên mũi, sẽ thấy nhiều mùi vị rất khác. Mùi thơm thoang thoảng, mùi hắc, mùi nồng... Thực sự đó là một thế giới cây thuốc và loại cây như rau thơm ở VN, chứ không phải cây cỏ thông thường. Gia súc Mông Cổ từ hàng nghìn năm nay ăn thứ cỏ đó. Sau khi đi thảo nguyên, tôi mới lý giải được việc ở Mông Cổ, người ta ăn rất ít rau, ăn rất nhiều thịt, ngay cả người Việt ở xứ ăn rau, đến Mông Cổ ăn toàn thịt, mà tiêu hóa bình thường, không bị táo bón. Bởi vì lũ gia súc ăn thứ cỏ thiên nhiên hoang dã bổ béo thơm lừng như hàng nghìn năm nay nó vẫn ăn. Không như gia súc ở nơi nuôi công nghiệp.
Mông Cổ ngày nay vẫn du mục và người ta tự hào vì nếp sống du mục này. Ông Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông -Việt nói tiếng Việt sõi như người Việt, bảo tôi, rất may là thảm họa tập thể hóa, định canh định cư xảy ra rất nhanh, rồi thảo nguyên lại có sức sống quay lại nếp xưa.
Nếu ai đã đọc Tô-tem sói, của một nhà văn Trung Quốc (quyển này vang dội một thời trên văn đàn TQ) thì biết thảo nguyên Nội Mông đã bị tàn phá kinh khủng như thế nào. Họ dồn nén dân du mục vào hợp tác, triệt phá cách sinh hoạt truyền thống, mang hàng sư đoàn quân đội bắn sói. Sói là vật thờ của người Nội Mông, khi người chết, người ta kéo xác cha mẹ để ra một chỗ cho sói ăn. Người TQ Mao-ít bắn sói, thế là thỏ làm giặc, lại giết thỏ, lạc vào cái vòng quẩn, rồi đưa người Hán đến sinh sống, khiến thảo nguyên Nội Mông bị tiêu diệt. Trong quyển sách ấy, tác giả cũng nói, nhìn sang Ngoại Mông xanh tươi mà tiếc...
Nhìn thảo nguyên thì mênh mông, nhưng hoang dã hàng trăm thứ thú hoang vẫn ngày đêm sinh sống, tuân thủ cân bằng sinh thái của nó. Người Mông Cổ ngày nay có xe ô tô tải, có điện thoại di động, kéo theo cái nhà, và đàn gia súc, đi lang bạt trên thảo nguyên theo nhu cầu của gia súc. Thảo nguyên mênh mông, mình nhìn đâu cũng như đâu, nhưng chúng tôi đã được một chú bé 12 tuổi đưa từ thị trấn, đi xuyên 25 km đến đúng chỗ lều của bố mẹ chú bé. Hôm đi thảo nguyên, chúng tôi được đón tiếp Chủ tịch huyện đến chơi, cũng vì biết có khách Việt. Ông nói huyện ông có gần 80 hộ, diện tích huyện, khi đó làm phép so sánh, gần bằng tỉnh Hưng Yên cộng với Thái Bình. Chủ tịch huyện biết cả 80 hộ luôn. Quy định của họ chăn thả không giới hạn, nên có lúc có hộ gia đình chăn thả ở huyện khác (miễn là đăng ký vẫn ở huyện này). Chủ tịch người Đảng Dân chủ, alo gọi đồng chí Bí thư huyện ủy Đảng Nhân dân (đảng cộng sản cũ) thì đồng chí đang chăn ngựa, bèn cưỡi ngựa về. Bí thư huyện ủy đảng nào cũng làm nông dân cả và chả chức vụ gì, cười hề hề đúng là ông chăn ngựa. Riêng chuyện này, 50 năm nữa Việt Nam có theo kịp không?
3.
Người Mông Cổ có một niềm hãnh diện đã mất, đó là đã từng bá chủ thế giới, và còn một niềm kiêu hãnh vẫn còn, đó là sữa ngựa.
Thế giới văn minh và ở các nước phát triển có chỉ tiêu bao nhiêu lít sữa bò cho đầu người, thứ sữa đó người Mông Cổ chỉ làm lương khô, làm nguyên liệu chế biến, vì họ uống sữa ngựa. Hình như chỉ Mông Cổ dùng sữa ngựa làm thực phẩm chính yếu. Nó là nguồn gốc sức mạnh của các chiến binh từ xưa, và khiến người MC cao lớn.
Ngựa là gia súc chủ yếu ở thảo nguyên. Một hộ thường có vài trăm đến vài ngàn ngựa, thêm cừu và dê. Bao giờ cừu cũng đi kèm dê. Mùa đông cừu nằm trên giữ ấm cho dê moi cỏ chia nhau. Không có cừu dê chết rét, không có dê cừu chết đói. Kiểu chăn thả thiên nhiên ấy khác xa nông trại hiện đại. Kiểu vắt sữa ngựa cũng khác vắt sữa bò. Vì khi vắt sữa, luôn luôn có con ngựa con đứng cạnh. Người MC tôn thờ ngựa vì cả đức tính này, không buông tuồng vô cảm như bò, cứ vắt là ra sữa bất kể thế nào. Sữa ngựa làm bia, làm thức uống, nên con ngựa là đầu cơ nghiệp. Bò chỉ là loại thêm. Bò MC (Mông Cổ) lông dài như voi mamut. Bây giờ cũng thoái giống, người MC buồn vì bò lông ngắn, còn gì là bò nữa.
Gia súc nuôi, thịt là thứ phẩm. Chính phẩm là lấy lông và da. Len MC đắt kinh khủng. Hình như hàng lông da là chủ lực xuất khẩu.
Cái lều Mông Cổ thật sự là một thứ thú vị. Cứ nói "lều" thì khó hình dung, đến mới thấy đó là cái biệt thự giữa thảo nguyên. Bây giờ lều có nhiều loại, từ 300 đến 30.000 đô Mỹ. Người TQ quá khôn, họ làm lều bán cho người Mông Cổ.
Trong cái lều Mông, tài nhất là cái bếp ở chính tâm nhà, tâm vòng tròn. Chất đốt bằng phân gia súc, thông hơi làm nhiệm vụ trụ chống giữa. Vào lều không nhận ra có bếp.
Người nông dân du mục cũng có vấn đề nan giải, đó là sinh ra và nuôi dạy trẻ. Du mục xa trung tâm thị trấn, nên nếu đẻ bất thường thì cấp cứu rất khó. Khi con 6 tuổi, phải cho nó đi học, thì nhà mất 1 người thường là mẹ hay chị lớn phải đưa lên thị trấn làm 1 cái lều ở nuôi con 1-2 năm mới yên tâm gửi con học nội trú. Ở các thị trấn thị tứ cứ thấy các cụm lều, đó là những người đi nuôi con học. Vì vậy, mà nhà nghèo hoặc quan điểm cũ chỉ cần đọc chữ, trẻ thất học.
Hình như chính việc hiếm người mà du mục có truyền thống quý người. Phụ nữ đẻ con là quý, con ai không quan trọng. Mấy ông Mông Cổ bảo, cộng đồng du mục có lệ, khách quý cao tuổi thì chủ nhà mời đầu dê. Thịt con dê, cái đầu là quý nhất. Còn khách trẻ và trung niên thì chủ nhà bảo con gái sưởi ấm cả đêm. Tôi không ở qua đêm ở thảo nguyên, nhưng nghe kể lại, các nhà văn Trần Nhương, Tô Đức Chiêu, Thúy Toàn có ngủ đêm thảo nguyên và được coi là khách quý trung niên. Vấn đề là các bác ấy có chịu đựng được mùi mồ hôi người ăn thịt cừu, uống sữa ngựa và 3 tuần mới tắm không thôi.
Người MC rất có ý thức giữ gìn môi trường thảo nguyên. Tôi khá ngạc nhiên. Mọi người picnic thu dọn rác tống lên xe về bãi rác ngoại ô vứt. Họ nói tivi có nhiệm vụ quan trọng nhất là tuyên truyền giữ sạch thảo nguyên. Và việc này chỉ có từ khi cách mạng dân chủ đa đảng. Người lái xe dẫn chúng tôi mặc dù xe chật, kiên quyết mang bao tải rác trên xe để về đến bãi rác ngoại ô.
Ở Ulan Bator, anh là công chức, lập tức được cấp 0,99 ha ở ngoại ô làm nhà nghỉ. Cuối tuần, chiều thứ 6, lũ lượt xe rời thủ đô ra ngoại ô. Thứ 7, Chủ nhật thủ đô vắng thênh thang. Tối CN, lại rồng rắn về thành phố. Nếu không phát động giữ thảo nguyên thì chả mấy chốc thảo nguyên nghìn đời thành bãi rác. Và họ đã làm được rất tốt. Tương tự thảo nguyên của họ là rừng là biển của người Việt, than ôi, chúng ta đã cư xử như là tự phá hủy cơ thể! Đuổi kịp Mông Cổ ư? Không bao giờ!
4.
Định nói nhiều chuyện khác, nhưng nhiều bạn hỏi đi du lịch Mông Cổ, nên tôi nói chủ đề này trước.
Các công ty du lịch VN cũng có tua MC, nhưng ít. Mùa đi là mùa xuân và hè, tốt nhất tháng 5-6 nhiều lễ hội, có nhiều cái để xem. Tháng 8 bắt đầu rét không đi thảo nguyên được. Đêm xuống 0 độ. Chênh lệch ngày đêm 10-20 độ. Tôi đi tháng 7, ban ngày 25-30 độ, đêm 5 độ. 8 giờ mới bắt đầu tối.
Tôi chọn cách tự đi. Mua vé khoảng 800 đô. Chú ý là không bao giờ nên chọn tuyến bay quá cảnh qua Bắc Kinh. Sự ty tiện nhỏ nhen của người TQ thể hiện ở cấp độ thể diện quốc gia, họ hành người đi Mông Cổ chết thôi. Nhiều người bị hành truyền kinh nghiệm rồi. Điều này tôi chưa bị nhưng tin. Ai đi từ Quảng Châu về HN sẽ thấy, khu đợi tàu ra máy bay đi HN bị nhét xuống dưới khoang ra cùng với bay nội địa của họ, cửa HN lẫn với Bắc Kinh, Thượng Hải, Thành Đô, Trùng Khánh...
Đi Mông Cổ từ VN thì nên bay quá cảnh qua Hàn Quốc. Khách sạn Ulan Bator cũng có nhiều loại như Hà Nội, có điều ít lựa chọn, giá đại khái như phố cổ.
Ulan Bator nhiều ô tô phân khúc rẻ. Đại khái như Lào, Cam. Ô tô cũ mới phong phú. Ô tô cũ của Nga, mới của Nhật, Hàn là chính. Người Việt ở Ulan Bator hầu như làm một nghề sửa chữa ô tô. Tôi có sơ bộ tìm hiểu, các hiệu sửa chữa ô tô đều đứng tên người MC. Họ không mặn mà mở rộng đầu tư nước ngoài, trái ngược với VN. Vì tôi đoán họ khôn ngoan, điều kiện người ít, không vội vàng tiến lên theo kiểu VN, TQ. Nhiều người Nhật, Hàn đến đầu tư chủ yếu làm công nghiệp thuộc da và lông thú, sản xuất len.
Hồi tôi đi MC cách đây 3 năm, cũng thấy có khách tua được công ty du lịch dẫn đi xem thảo nguyên, xem sinh hoạt du mục, ở nhà lều... Dĩ nhiên không thể bằng mình lọ mọ tự đi, cũng là may mắn có nhiều người giúp, gõ cửa ông nhà văn Dastseven, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông-Việt, ông ấy chỉ dẫn cho đi...
Ẩm thực Mông Cổ đơn giản kinh khủng. Thịt con gì cũng chặt to cỡ cái mũ, cho vào nồi đại tướng, thêm qua quýt củ quả gì đó. Rồi được phát một con dao. Xin mời. Nước thì húp soàn soạt. Đại khái truyền thống như vậy. Món này rẻ như rau muống VN. Ngày nay thì siêu thị cũng đầy thực phẩm, hàng hóa. Khách sạn nhà hàng gì cũng có. Mức chi tiêu ở Mông cổ dĩ nhiên đắt đỏ hơn Hà Nội.
Mông Cổ không vội và không hào hứng hội nhập với các nước mà chỉ chọn lọc mấy nước truyền thống. Hàng tiêu dùng chủ yếu là Nhật, Hàn. Hàng TQ từ phía bắc TQ thì là hàng cao cấp. Nên ví dụ quần áo túi ví trang sức... Thanh niên mặc bình thường, cũng thấy toàn hàng hiệu, loại mà ở VN phải người rất giàu mới dùng.
Trung tâm thủ đô Ulan Bator nay là quảng trường Sukhe Bator, ngày xưa có mộ ông này, lãnh tụ cách mạng khai sinh nước CHDCND Mông Cổ từ thập niên 20, đại khái ông ấy như Hồ Chí Minh VN. Sau cuộc cách mạng dân chủ 199x, thì người ta mang mộ ông ấy về quê chôn, không để ở giữa thủ đô nữa, còn lại bức tượng oai hùng mà thôi. Vẫn kính trọng như cũ, chỉ không để mộ to tướng ở giữa thủ đô.
Khi tôi đến, còn tàn tích vài bệ tượng Lê Nin. Nói chung tượng lãnh tụ vô sản bỏ hết. Nhưng họ vẫn để bức tượng bán thân Hồ Chí Minh ở khuôn viên trường phổ thông liên cấp mang tên HCM. Đây là một loại trường chuyên hàng đỉnh của thủ đô như Am, Chu của HN. Buồn cười là các lãnh tụ lật đổ chế độ cộng sản MC phần lớn xuất thân từ đây. Tổng thống đầu tiên của chế độ đa đảng là học sinh xuất sắc trường HCM, 2 thủ tướng sau cũng là học sinh trường này.
Hồi Liên Xô sắp sụp, thì người Mông Cổ đã tự giải quyết. Đảng nhân dân cách mạng phải lên truyền hình tự nhận lỗi về những sai lầm rập khuôn mô hình Liên Xô. Nói chung cuộc chuyển chế độ của họ êm không gay cấn...
Ở Mông Cổ, tôn giáo chính là Thiền phái Mật tông Tây Tạng. Phật giáo bắt rễ vào cùng thời vào VN, nhưng là nhánh Tiểu thừa Ấn, sau chuyển Mật tông Tây Tạng. Chùa ở Ulan Bator thờ giáo chủ Đạt lai Lạt ma thứ 14, trưng ảnh vị ấy rất to và trang trọng. Đó là vị Lạt ma đang lưu vong mà Bắc Kinh coi là kẻ tử thù. Nếu chỉ du lịch đi qua ngắm cảnh mà không để ý thì không thấy sự khác biệt sâu sắc này, dẫn đến xã hội và nền chính trị Mông Cổ khác Việt Nam và khác các nước Phật giáo khác (Lào, Cam...) gần ta, khác một trời một vực.
Riêng vấn đề này, VN không còn đặt vấn đề đuổi kịp nữa, vì hai nước đang ở hai hệ quy chiếu khác...
5.
(Tôi định kết thúc câu chuyện Mông Cổ ở kỳ 4, nhưng rất bất ngờ là thông tin về Mông Cổ lại ít như vậy, chắc là bài tôi viết cũng có chút bổ ích, nên kể thêm 2-3 kỳ nữa).
Mông Cổ nổi tiếng về ngựa, nhưng ít ai biết về con chó Mông Cổ và số phận bi phẫn của chó Mông Cổ.
Hiện nay, người du mục nào cũng nuôi chó, và giống chó đúng Mông Cổ. (Dĩ nhiên nó không phải chó gốc, phần sau sẽ nói). Loại này với chủ rất hiền từ, với khách không mời thì vô cùng dữ. Chúng tôi đi thảo nguyên bằng ô tô, nhưng đi qua đất của chủ chó, lập tức bị con chó xông ra nhe nanh xù lông sủa dữ dội. Đuổi theo cắn ô tô, cứ như cái ô tô có thể ngoạm được. Nhà trên thảo nguyên chỉ phân cách sở hữu (tạm) đất bằng một vết lõm dùng cuốc thành rãnh rất nông, mắt thường còn khó biết, nhưng nếu ô tô đi qua vạch phân giới ấy là con chó dừng lại.
Người đi thảo nguyên với tôi là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, kể rằng: Ngày xưa, ngay cả thời Thành Cát Tư Hãn xâm lược châu Âu, có quy định mang chó Mông Cổ đi theo, và kiểm kê từng con một. Để đảm bảo không sổng con nào ở ngoài Mông Cổ. Tuy nhiên, lịch sử trớ trêu, người Mông Cổ đã chiếm và làm vua Trung Quốc, nên mất giống chó gốc vào tay Trung Quốc. Con chó bây giờ gọi là "Ngao Tây Tạng", chính là con chó gốc Mông Cổ.
Mông Cổ làm chủ Trung Nguyên, lập ra nhà Nguyên, vẫn có truyền thống bảo vệ con chó Mông Cổ. Nhưng cũng đến ngày nhà Nguyên cáo chung. Chúng ta đọc lịch sử, chỉ biết nhà Nguyên thất bại, nhưng không biết rằng, triều đình Nguyên với người gốc Mông Cổ không hề ở lại Trung Quốc, mà rút toàn bộ về Mông Cổ. Giới tinh hoa quý tộc Nguyên gốc Mông có ý thức không ở lại Trung Quốc. Họ về Mông Cổ. Và một số ít lên Tây Tạng. Vì sao lại lên Tây Tạng? Vì khi đó Tây Tạng không/chưa bị Hán hóa, là một quốc gia độc lập. Tây Tạng là quê hương Phật giáo truyền sang Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn đã có lời thề, sẽ chiếm toàn thế giới, trừ (Ấn độ, Tây Tạng) quê hương Phật Giáo. Như vậy một bộ phận quý tộc Mông Cổ lên Tây Tạng, mang theo con chó Mông Cổ.
Theo ông Hàn lâm KHXH Mông Cổ, cho đến trước năm 1970, con chó Mông Cổ (Ngao Tây Tạng) còn vài trăm con trên lãnh thổ Mông Cổ. Chủ yếu ở vùng thảo nguyên xa. Người TQ có chiêu bài thu mua chó, bao nhiêu cũng mua, giá cao ngất ngưởng. Nhà nước dùng mọi cách cũng không giữ lại được. Khoa học kỹ thuật Mông Cổ khi đó lại lạc hậu. Nên cho đến năm 199x, chó Mông Cổ (Ngao Tây Tạng) chính gốc bị mất hết. Ngày nay, các con chó thảo nguyên trông dáng như Ngao Tây Tạng, không to bằng, là loại đã bị lai tạp cả.
Số phận con chó Mông Cổ cũng bi hùng chìm nổi như chính người Mông Cổ vậy.
6.
Các vua Hùng đã có công dựng nước... Mông Cổ.
Điều này tưởng như nói đùa chơi, mà là sự thật.
Khi tôi nói về lịch sử vua Hùng, ông Dashtseven, Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ- Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Mông Cổ, chăm chú một cách khác thường. Ông hỏi: Sao lại có tên "Hùng"? Tôi thuật lại các giả thiết khác nhau về tên gọi vua Hùng, trong đó có giả thuyết của ông Trần Quốc Vượng, nhà sử học số 1 của Việt Nam. Ông Vượng cho rằng, cộng đồng dân cư Việt đã gọi người đứng đầu là Khun hay Hun gì đó, khi có chữ Hán, người ta dùng chữ Hùng để ghi lại mà thôi. (Có giả thuyết họ Hùng và các giả thuyết khác). Ông Dashtsevan nói ngay: Tôi ủng hộ cách lý giải của ông Trần Quốc Vượng. (Vì các lý giải trong lịch sử Mông Cổ)
Người Mông Cổ cổ đại gọi người đứng đầu bộ tộc là Hung (hay Hun). Hung là vua, không cần gọi "vua Hung". Khoảng tương tự trước thời Tần ở TQ, có một Hung đã thống nhất các bộ lạc trên lãnh thổ mà trung tâm là Mông Cổ bây giờ, tạo thành một nước rộng lớn, phía bắc ôm trọn hồ Bai Can, phía nam giáp với Bắc Kinh. Nước Mông Cổ cổ đại ấy rất hùng mạnh, nhiều lần đánh bại các nhà nước thuộc Chu (TQ) và đánh Tần, khiến nhà Tần phải xây Vạn lý trường thành để ngăn cản. Cho đến giữa thời Hán, khoảng 100-150 trước Công nguyên, nhà Hán đã có lần đánh bại được nước Mông Cổ đó, từ đó dẫn đến thời kỳ suy yếu của nhà nước Mông Cổ hùng mạnh. Trong sử sách của người Trung Quốc, vương quốc đó được gọi là "Hung Nô". Hung Nô là tên gọi miệt thị trong sử TQ sau nhà Hán để gọi quân đội và các bộ tộc mà Hung đứng đầu. Sau này, sách TQ gọi các vua của Hung Nô là các Thiền Vu, cũng là một cách phiên âm mà sau này người Mông Cổ phải chấp nhận, miễn cưỡng và không thích, cũng như rất ghét tên gọi Hung Nô, ý của nhà Hán là "Hung nô lệ", cái nước mà họ đã bắt làm nô dịch.
Nhìn lại Việt Nam ta, cái tên An Nam do triều đại TQ và Pháp dùng để chỉ một phương Nam an bài, bị nô dịch, thì người Việt Nam nào thích không? Tuy nhiên, lịch sử có giai đoạn An Nam, kể từ thời An Nam đô hộ phủ đến An Nam thuộc Pháp, thì vẫn là sự thật, cũng như người Mông Cổ còn lại dấu vết của vương quốc Hung Nô.
Đế quốc Hung Nô suy tàn, cho đến thế kỷ 13 có một người Mông Cổ vĩ đại đã lập lại đế quốc của họ rộng gần hết thế giới. Đó là Tringit Khan, người Việt gọi theo chữ Hán là Thành Cát Tư Hãn. Đây lại là câu chuyện khác.
Có một giả thuyết được nhiều người tin theo, đó là một bộ phận Hung Nô đã đánh dẹp sang tận châu Âu, hình thành cộng đồng dân tộc Hungari. Nhưng cũng có nhiều người phản bác. Tuy vậy, các cuộc chinh chiến của quân Hung Nô (chưa phải thời Tringit Khan) cũng để lại các chiến binh rải rác khắp châu Âu, mầm mống gen của họ còn đó, kể cả Thổ Nhĩ Kỳ, là một sự thật khó chối cãi.
Như vậy, có một mẫu số chung thời cổ đại, nhiều bộ tộc gọi người đứng đầu của mình là Hung/Hun/Khun... (Hiện nay, một số dân tộc thiểu số ở VN vẫn gọi là Khun). Nếu ông Xukhe Bator dạy quân dân, cũng có thể nói: "Các Hung đã có công dựng nước Hung vĩ đại, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy phần còn lại này".
Tôi hỏi ông Dashtsevan: Các anh có lịch sử rất khúc khuỷu, có lúc mạnh chế ngự thế giới, có lúc suy tàn, vậy các anh dạy học sinh và tuyên truyền lịch sử như thế nào?
Ông Dashtsevan nói: "Sự thật. Chúng tôi ủng hộ quan điểm tham mưu với nhà nước phải nói sự thật và chỉ có sự thật, có tranh luận thì cũng thuần học thuật, đừng mang chính trị áp vào. Sự thật sẽ là bài học lớn. Điều này thời chính quyền của Đảng Nhân dân cách mạng thì cũng có khó khăn, nhưng dưới thời đa đảng thì thuận lợi". Rất bất ngờ, ông chia sẻ quan điểm với tôi, đất nước của các vua Hùng của người Việt không chỉ bó hẹp ở Phong Châu và Đồng bằng sông Hồng, mà nó là phạm vi gần trùng với nước Nam Việt, còn lớn hơn nước Nam Việt của Triệu Đà. Bởi vì khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa, là khôi phục nước Nam Việt và đất của vua Hùng. Chỉ có điều đó mới phù hợp với chính sử về gốc tích các vua Hùng (bây giờ thì việc Hai Bà chiếm 65 thành ở Nam TQ, có đền thờ khắp Quảng Đông, Quảng Tây đã nhiều người biết).
Nói sự thật, điều đó với việc tuyên truyền lịch sử ở Việt Nam còn đi sau Mông Cổ, còn đuổi mệt mới kịp...
7.
Người Mông ở Việt Nam (và các nước khác) là một bộ phận dân Mông Cổ đã thiên di. Điều đó là khẳng định của ông Dashtsevan. Ông đã nghiên cứu vấn đề này, đến cộng đồng Mông ở khắp các nước Đông Nam Á (Lào, Thái, Miama, Malaysia, Indonesia). Riêng ở Việt Nam, theo nguyện vọng của ông, tôi đã dẫn ông lên Bắc Hà để quan sát người Mông Bắc Hà.
Trong các tài liệu chính thức phổ biến ở Việt Nam, thì người Mông có nguồn gốc ở Nam Trung Quốc, di cư đến VN khoảng trên dưới 300 năm, có bộ phận chỉ 100-150 năm, và ý kiến nguồn gốc Mông Cổ là lần đầu tiên tôi nghe từ ông Dashtseven, một người nghiên cứu khoa học xã hội Mông Cổ.
Ông Dashtseven khảo cứu về truyền thuyết nguồn gốc di cư, có cộng đồng dân cư nói rõ đi từ thảo nguyên Mông Cổ, có bộ phận không nói rõ, nhưng đều nhận từ thời gian gần (mấy trăm năm) là từ miền cao nguyên Tây Tạng.
Lịch sử văn hóa Mông Cổ gắn chặt với Tây Tạng. Hiện nay, chữ của người Mông Cổ chính là bộ chữ truyền thống Tây Tạng, trông như giun nhưng viết từ trên xuống. Khi cách mạng dân chủ thành công, người Mông Cổ bỏ bộ chữ Xlavo của Nga, dùng chữ truyền thống của mình. Chữ Tây Tạng truyền theo con đường truyền đạo Phật. Tương tự như các giáo sĩ Bồ làm chữ quốc ngữ cho người Việt. Các thiền sư Tây Tạng đã mang chữ của họ cho người Mông cổ trung đại. Và khi người Mông Cổ làm chủ Hoa Hạ, nô dịch người Hán, họ có mối liên hệ quan trọng với người Tây Tạng. Khi nhà Nguyên thất bại, bộ phận dân cư không phải quý tộc và quan lại đã ở lại vùng chân núi Tây Tạng. Đó là bộ phận dân cư của các bộ tộc nghèo, nhiều bộ tộc khác với các bộ tộc theo Tringit Khan làm vua ở triều đình. Và họ tiếp tục chạy nữa, sau triều Tống, đến triều Thanh chinh phục Tây Tạng, họ vẫn chạy. Họ di cư đến vùng đất mới sau thì phải chọn chỗ trên cao như Việt Nam, chứ không phải đâu cũng ở cao. Ở Lào, người Mông ở thấp.
Quá trình du mục thảo nguyên chuyển đến du mục trên các triền núi, người Mông bắt buộc phải thay đổi nhiều tập quán, nhưng giữ lại tập tục du mục, trang phục và ứng xử với ngựa. Ở Bảo tàng dân tộc tại Mông Cổ, có thể tìm thấy các bộ trang phục na ná người Mông Việt Nam. Tại sao chỉ có người Mông ở trên núi cheo leo vẫn gắn bó với con ngựa như thế? Khi đến Bắc Hà, ông Dashtseven chú ý tìm hiểu các từ ngữ liên quan đến ngựa, và thấy nó có nhiều tương đồng với người Mông Cổ. Người Việt gắn bó với con gà, con lợn, thì đực, cái, động tác của chúng đều có từ riêng, nhưng với ngựa thì không như vậy. Còn người Mông thì khác, ngựa đực, cái, động đực, chạy, phi... đều có từ riêng cả.
Ở Mông Cổ, con dê thịt ra quý nhất cái đầu, con ngựa thì quý nhất bộ ruột. Người Mông Việt Nam làm thắng cố không có bộ ruột thì coi như không thành. Họ đem những hoa quả thuốc thang ở vùng nhiệt đới cho vào món ruột, làm nên món đặc biệt của người Mông.
Thời xưa làm báo, tôi đã đọc văn bản của Văn phòng chính phủ hướng dẫn các báo gọi chính thức người Mông là "Mông", không phải H'mong như người Pháp gọi, vì người Mông tự gọi mình như thế (tuyệt nhiên không nên gọi là Mèo, vì đó cũng là cách gọi miệt thị có từ thời Pháp thuộc). Người Mông Cổ tự gọi mình là "Môn-gô". Từ "Mông" là một từ Mongo đã Việt Hóa (có nước gọi là Môn). Cho đến nay, có lẽ nước ta cũng nên không gọi tên nước người ta theo kiểu Hán là Mông Cổ nữa. Cứ nên gọi là Mongo thì có khó gì.
Thực ra, hầu như nước nào lân cận đường chinh phạt của Tringit Khan đều có chuyện cộng đồng người gốc Mongo. Nhân có cơ duyên đi Mông Cổ, gặp ông Dashtseven được biết nhiều chuyện, viết nên để hầu bạn FB một lần.
Mông Cổ có 1 người như ông Dashtseven, ở đâu có người Mông là đến để nghiên cứu, để điền dã. Người Việt mình có ai như thế không ạ?
8.
Khi bắt đầu viết về Mông Cổ, tôi không ngờ câu chuyện lại kéo dài đến 8 kỳ. Chính bạn đọc FB đã khiến tôi có hứng thú. Vì người Việt ít thông tin về đất nước đó, nhưng cái chính là đất nước và con người Mông Cổ thực sự hấp dẫn.
Khi đến Mông Cổ, nhiều nơi có treo bản đồ Mông Cổ thế kỷ 13. Buồn cười là các bản đồ này chỉ na ná nhau mà không hoàn toàn giống nhau, bao gồm hết Trung Á, châu Âu, toàn bộ miền Địa Trung Hải, cả Đông Á, chỉ trừ Ấn Độ, Nhật Bản và Tây Tạng. Bởi vì vó ngựa Tringit Khan thổi qua Âu Á quá nhanh, quá nhiều, để lại cho hậu thế nhiều cách nhìn khác nhau. Có nơi, bản đồ có bao gồm Việt Nam ngày nay, nhưng có nơi lại chừa Việt Nam, coi như không có chuyện đã chiếm Việt Nam. Họ giải thích: Quân Mông Cổ đã đến đó, nhưng khí hậu không hợp, nên rút về. Ai chứ tôi thì thấy giải thích đó thỏa đáng.
Lịch sử Mông Cổ có trang hào hùng thế kỷ 13, nhưng cũng có trang bi thảm thế kỷ 17-18-19. Nhà Thanh làm vua Trung Quốc, sau khi đã thống trị Mông Cổ. Thời nhà Thanh, Trung Quốc đúng là bao gồm hết đất Mông Cổ và Tây Tạng. Cách mạng Tân hợi 1911 lật đổ Thanh triều, sau đó chuyển chính quyền sang Quốc dân đảng, có một thời kỳ tạo cơ hội độc lập cho Mông Cổ, nhưng phải đến 1922, dưới cái ô của Liên Xô, sau khi đã có Xukhe Bator chiến đấu với Hồng quân Liên Xô, thì Mông Cổ mới giành được độc lập một phần, nay là lãnh thổ hiện tại. Còn một phần gọi là Nội Mông đành nằm lại Trung Quốc.
Đến khi kết thúc chiến tranh thế giới thứ 2, lần nữa Mông Cổ có cơ hội lấy lại Nội Mông, nhưng không thể xảy ra, cũng vì cuộc mặc cả vì lợi ích các nước lớn. Liên Xô chỉ vì lợi ích của họ, lấy Nội Mông làm thứ mặc cả với Trung Quốc, chứ không kiên quyết lấy lại Nội Mông. Sự kiện này khiến cho xảy ra một số cái chết của lãnh đạo nhà nước Mông Cổ, cho đến nay vẫn là một nghi vấn lớn. Lãnh đạo Mông Cổ thời kỳ trước năm 1960 không hoàn toàn theo chủ nghĩa Stalin, các chủ trương tập thể hóa làm không đến nơi đến chốn, có phần hời hợt. Troibanxan là lãnh đạo nhà nước thời kỳ 194x, 195x còn là người có đầu óc độc lập dân tộc, chỉ coi Mông Cổ là nước liên kết với Liên Xô. Cái chết của ông vẫn còn là nghi vấn. Chỉ đến Xedenban 1960, nước Mông Cổ mới hoàn toàn theo mô hình Liên Xô. Tuy nhiên, ngay từ những năm 193x, khi Liên Xô những người Staninit thanh trừng nhau đẫm máu, Mông Cổ không bị lún sâu vào các mâu thuẫn xã hội kiểu Liên Xô hay kiểu cải cách ru��ng đất ở Việt Nam. Nên vào đầu những năm 199x, khi có làn sóng dân chủ, những người cộng sản đã công khai nhận lỗi lầm và chịu thất bại trước lực lượng dân chủ. Và thảo nguyên của họ nhanh c hóng sống lại nếp sống hàng nghìn năm (chỉ có bị gián đoạn 70 năm).
Khi tôi vào bảo tàng Mông cổ thời hiện đại, còn những bức ảnh một người cầm loa trước cuộc biểu tình lớn ở thủ đô Ulan Bato, đó là người trở thành vị tổng thống dân chủ đa đảng đầu tiên của Mông Cổ. Người Mông Cổ sống ngàn năm với đàn gia súc, và họ học tính cách của các con vật của thảo nguyên. Nếu có cuộc tranh giành, thì con yếu quay đầu để đầu hàng trước, ít khi xảy ra tỷ thí đổ máu. Lực lượng trí thức tinh hoa là những người cầm đầu cuộc cách mạng dân chủ. Khi tôi đến Trường phổ thông liên cấp Hồ Chí Minh, mọi người đều hãnh diện vì trường sản sinh ra các lãnh đạo nhà nước thời kỳ dân chủ, và họ cũng khoái chí vì đã mang tên Hồ Chí Minh. Trong hiểu biết của nhiều người Mông Cổ, Hồ Chí Minh là lãnh tụ đã giành độc lập cho Việt Nam năm 1945, còn chuyện Người là cộng sản thì dĩ nhiên như vậy, cũng như Sukhe Bator của họ thôi. Sukhe Bator đã lập nước Mông Cổ thập kỷ 20, khuyết điểm của Đảng Nhân dân cách mạng sau năm 1960 không thể đổ tại Sukhe Bator được.
Cái nhìn của những người ban Mông Cổ về lịch sử cận đại khiến tôi rất suy nghĩ. Bao giờ nước Việt Nam tiến đến thực tế như của họ, quan điểm như của họ?
Nguyễn Xuân Hưng
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Park Chung Hee: Công và tội
Tumblr media
Như nhiều nhà nghiên cứu đã bình luận suốt nhiều thập niên qua, Park Chung Hee là người có ý chí sắt đá, vượt định kiến, có tầm nhìn xa, có kế sách duy kinh tế cực đoan. Suốt cuộc đời, Park Chung Hee hết lòng với khát vọng thoát nghèo của Hàn quốc.
Ông dám hy sinh lợi ích cá nhân và đã gương mẫu chịu đói khổ cùng với dân chúng Hàn Quốc lúc mới cầm quyền. Bất chấp sự can ngăn của cả bên trong và bên ngoài, ông đã thực hiện bằng được đường cao tốc Gyeongbu nối giữa Seoul – Busan, mở đường cho những dự án kinh tế tầm cỡ khác.
Ông quyết đoán trong mọi chính sách kinh tế – xã hội, làm cho Hàn Quốc hóa rồng chỉ trong một thời gian ngắn. Tấm gương đạo đức của Park thực ra là sáng chói nhưng lâu nay lại thường bị lu mờ trước những chính sách chuyên chế thời ông.
Với 18 năm cầm quyền, mở đầu bằng đảo chính và kết thúc bằng bị ám sát, Park Chung Hee là tổng thống được nhiều người ngưỡng mộ và đồng thời là nhà độc tài số một của Hàn Quốc bị căm ghét.
* “Chúng ta cần một nhà lãnh đạo mạnh”
Vốn dĩ, kỳ vọng tối thiểu của cuộc Nổi dậy Tháng Tư của giới sinh viên khi lật đổ chính quyền Rhee Syng Man năm 1960 là tạo ra một xã hội ít ra phải có khả năng cung cấp cơm ăn áo mặc cho người dân.
Hàn Quốc thời hậu chiến vào buổi ấy vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Lạm phát gia tăng, giá gạo đội lên 60% còn dầu tăng 23% chỉ trong vòng bốn tháng, từ tháng 12/1960 đến tháng 4/1961. Số người thất nghiệp lên đến khoảng 2,5 triệu người. Tỉ lệ tội phạm tăng gấp đôi.
Không những vậy, những cuộc đụng độ giữa các phe nhóm tả hữu lẫn cảnh sát thường xuyên xảy ra, trong khi chính quyền hiện thời gần như không giải quyết triệt để được vấn đề nào.
Trong tình cảnh ấy, tuy không một trí thức Hàn Quốc nào công khai tỏ ra ủng hộ ý tưởng về một chế độ độc tài kiểu Trung Quốc, song họ bắt đầu đưa ra những diễn ngôn về một nhà lãnh đạo mạnh.
Chẳng hạn, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng Chang Chun Ha đã cho rằng cần phải tiến hành tái thiết đất nước dưới một nhà lãnh đạo mạnh và một nền dân chủ được hướng dẫn, trong bài báo mang tên Chỉ có sự chăm chỉ mới cứu vớt được Hàn Quốc. Ông kêu gọi một nhà lãnh đạo chính trị có đạo đức, người có thể dẫn dắt nhân dân trên con đường gầy dựng quốc gia.
Trên tờ Sasanggye số ra tháng 4/1961, ở bài báo mang tựa đề Làm thế nào để xây dựng một dân tộc mới?, có viết: nguyên nhân cốt lõi của nỗi thống khổ mà người dân Hàn Quốc đang phải gánh chịu chính là do tính nhược tiểu của dân tộc, và cách duy nhất để thay đổi điều ấy là phải có một cuộc cách mạng nhân dân từ dưới lên để gầy dựng lại quốc gia.
Quả thực, cuộc cách mạng ấy đã xảy ra.
Rủi thay, nó không đến từ nhân dân, mà từ một nhà độc tài khét tiếng. Đó chính là tướng Park Chung Hee, người mà về sau đã cai trị Hàn Quốc trong suốt 18 năm ròng, trước khi bị ám sát bởi một người thân cận.
Nhà lãnh đạo mạnh đã xuất hiện
Cuộc đảo chính của Park Chung Hee ngày 16/5/1961, dẫu xóa sạch dấu vết của nền dân chủ tự do còn đang thai nghén, song đã đem lại cho Hàn Quốc một nhà lãnh đạo mạnh đúng như trông đợi của nhiều người.
Bản Sáu Cam kết của Phe Đảo chính ghi rằng mục tiêu của cuộc đảo chính là:
Chống cộng sản
Tăng cường hợp tác quốc tế
Chống tham nhũng
Tái thiết kinh tế
Thống nhất quốc gia
Trao quyền cho chính phủ dân sự
Tính chính danh của chế độ Park Chung Hee ban đầu gây nhiều tranh cãi, bởi họ ngần ngừ không chịu trao trả quyền hành cho chính phủ dân sự như đã hứa. Thế nhưng, theo thời gian, Park Chung Hee đã chiếm được chỗ đứng vững vàng trong lòng công chúng nhờ những thành tựu kinh tế trong thời kỳ cai trị của ông, thấy rõ qua chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1967.
Trong cuốn tự truyện của mình, Park Chung Hee viết: Tôi muốn nhấn mạnh, liên tục nhấn mạnh, rằng yếu tố then chốt của cuộc Cách mạng Quân đội ngày 16 tháng 5 là nhằm dấy lên một cuộc cách mạng công nghiệp ở Hàn Quốc… Tôi phải nhấn mạnh lần nữa rằng nếu nền kinh tế không hồi phục, sẽ không có những thành quả như chiến thắng chủ nghĩa cộng sản hay giữ được độc lập.
* Công trạng
* Đưa đất nước thoát nghèo
Hầu hết các nhà lãnh đạo quá duy ý chí đều thất bại. Nhưng về điều này thì Park Chung Hee lại thành công. Về sau người ta thừa nhận rằng, Park Chung Hee đã làm đúng như lời ông nói.
Tuyên bố trước 20.000 sinh viên Đại học Quốc gia Seoul, ông nói: Toàn dân Hàn Quốc phải thắt lưng buộc bụng trong vòng 5 năm, phải cắn răng làm việc nếu muốn được sống còn. Trong vòng 10 năm, chúng ta tạo được một nền kinh tế đứng đầu ở Đông Á, và sau 20 năm, chúng ta sẽ trở thành cường quốc kinh tế trên thế giới. Chúng ta sẽ bắt thế giới phải ngưỡng mộ chúng ta. Hôm nay, có thể một số đồng bào bất đồng ý kiến với tôi. Nhưng xin những đồng bào ấy hiểu cho rằng Tổ quốc quan trọng hơn quyền lợi cá nhân. Tôi không muốn mị dân. Tôi sẽ cương quyết ban hành một hính sách khắc khổ. Tôi sẽ bắn bất cứ kẻ nào ăn cắp của công dù chỉ một đồng. Tôi sẵn lòng chết cho lý tưởng đã đề ra.
Quả vậy, trong suốt bốn nhiệm kỳ làm tổng thống của Park, nền kinh tế Hàn Quốc đã tăng trưởng ngoạn mục, trung bình 10% mỗi năm, theo số liệu của World Bank.
Quá trình công nghiệp hóa của Hàn Quốc được tiến hành từ năm 1961 đến năm 1991. Trong ba thập niên đó, Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn, lại bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trở thành một trong những nước công nghiệp mới (NICs) hùng mạnh nhất về mặt kinh tế của thế giới thứ ba. Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn là tấm gương nổi bật nhất về phát triển kinh tế dài hạn thành công.
* Rèn luyện cho người dân tinh thần tiết kiệm và chăm chỉ
Park Chung Hee điển hình là một Tổng thống liêm khiết. Cá nhân ông liêm khiết tuyệt đối và đối với thuộc cấp ông cũng không để họ có cơ hội mất liêm chính. Dưới thời Park Chung Hee, tiết kiệm là quốc sách.
Từ năm 1962, chính sách toàn quốc thắt lưng buộc bụng được áp dụng từ Tổng thống đến dân chúng, và Park Chung Hee gương mẫu thực hiện. Trong nhiều bài diễn văn, ông đã nhắc đi nhắc lại: Mỗi xu ngoại tệ là một giọt máu.
Kế hoạch phát triển kinh tế thời Park Chung Hee đi theo mô hình tăng trưởng dựa vào xuất khẩu nhờ giá thành thấp. Chi phí sản xuất được cố tình hạ thấp đến mức tối thiểu. Để người lao động có thể sống với mức lương thấp, chính quyền đã áp dụng biện pháp giữ giá những sản phẩm nông nghiệp ở mức rất thấp.
Cuối thập niên 70, công nghiệp Hàn Quốc đã sản xuất được máy thu hình màu, nhưng chỉ để xuất khẩu, trong nước dùng TV trắng đen. Người dân Hàn quốc vốn cần cù, dưới sức ép của tổng thống trở nên cần cù hơn.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, Allen Patric, đại diện công ty Ford Motor ở Seoul, đã nói với ký giả Boyd Gibbons: “Tôi đã làm việc ở Brasil, Mexico và châu Âu , nhưng không ở đâu tôi thấy người dân làm việc siêng năng như người Hàn Quốc. Ngay người Nhật cũng trở thành lười nếu so sánh với họ”.
* Lấy doanh nghiệp mạnh làm chỗ dựa cho đất nước
Nền công nghiệp phát triển thần tốc dưới thời Park cùng với sự xuất hiện của các chaebol (các tập đoàn kinh doanh hàng đầu) và chính sách xuất khẩu chính là đòn bẩy giúp nền kinh tế Hàn Quốc trở nên thịnh vượng hơn bao giờ hết.
Việc Park Chung Hee ký kết hiệp ước bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào những năm 1965 cũng đem lại cho Hàn Quốc nhiều mối lợi. Sau năm 1971, Nhật Bản là quốc gia đổ nhiều tiền nhất vào Hàn Quốc, hơn cả Mỹ.
Nhờ vào nguồn trợ cấp 364 triệu USD của Nhật Bản, chính quyền Park Chung Hee đã sử dụng số tiền này để thành lập doanh nghiệp sản xuất thép POSCO (hiện đang là một trong những nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới) và xây dựng tuyến đường cao tốc huyết mạch Gyeongbu nối liền Hàn Quốc từ Bắc chí Nam.
* Tội đồ
* Đàn áp người lao động
Giờ đây, khi nhắc về kỷ nguyên Park Chung Hee, người ta dường như chỉ thấy những dấu ấn vàng son. Ít ai biết rằng dưới chế độ độc tài ấy, người dân Hàn Quốc đã phải trải qua không ít cơn thống khổ, từ người giàu cho tới người nghèo, từ giới trí thức cho tới giới công nhân, từ chính khách cho tới thường dân.
Park hết mình với phát triển kinh tế và không chấp nhận bất kỳ sự hoài nghi nào từ bất kỳ ai. Chính quyền tạo điều kiện và khuyến khích các nhà tư bản sử dụng nhân công giá rẻ. Công nhân làm việc như khổ sai, nhưng sống kham khổ. Hàng tuần mỗi người dân đều phải nhịn ăn một bữa, không hút thuốc ngoại nhập, không uống cà phê.
Thời gian lao động kéo dài đến 12-14 tiếng mỗi ngày. Điều kiện lao động tồi tệ, lương rất thấp. Những phản kháng tự phát của công nhân, nông dân hoặc của dân nghèo thành thị đòi hỏi cải thiện điều kiện sống đều bị chính quyền thời đó đàn áp không thương tiếc. Các quyền dân chủ cơ bản, như quyền tự do hội họp, tự do lập hội, tự do bày tỏ ý kiến… đều bị chà đạp
Mặc dù hiệu suất kinh tế của Hàn Quốc tăng cao dưới sự lãnh đạo của Park, nhưng giá cả cũng tăng theo. Buổi đầu, mhiều người Hàn Quốc đã làm việc bền bỉ với mức lương thấp, sẵn sàng chấp nhận những khó khăn vì hy vọng về tương lai tươi sáng hơn và tự hào về sự tiến bộ của đất nước.
Tuy nhiên, thời gian cứ trôi qua và điều kiện làm việc cứ tệ thêm, một số người lao động đã cố gắng thành lập các liên hiệp để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng chính quyền Park Chung Hee chỉ cho phép các hiệp hội lao động do nhà nước bảo trợ, còn các tổ chức độc lập bị đàn áp thẳng tay.
Trong suốt những năm 1970, giới công nhân liên tục đình công và biểu tình nhằm phản đối điều kiện lao động khắc nghiệt. Trước tình trạng ấy, chính quyền Park đã mạnh tay trấn áp khiến các cuộc phản kháng bùng nổ thành bạo lực.
* Tước đoạt tài sản và sự tự do của các doanh nhân
Trong Kế hoạch 5 năm đầu tiên, Park Chung Hee áp đặt chính sách kiểm soát hành chính đối với mọi nhóm doanh nghiệp nhằm loại bỏ mọi thách thức khả dĩ đến từ giới doanh nhân.
Theo đó, Hội đồng Tái thiết Quốc gia Tối cao (Supreme Council for National Reconstruction – SCNR) đã bắt giữ 51 doanh nhân giàu có với cáo buộc rằng họ phạm tội trục lợi bất hợp pháp và do đó tịch thu tài sản của họ, dựa trên sắc lệnh Giải pháp Đặc biệt để Kiểm soát việc Trục lợi Bất hợp pháp ban hành sau khi đảo chính thành công, vào 28/5/1961.
Hơn một tháng sau họ mới được thả ra, chỉ sau khi họ ký một thỏa thuận tuyên bố rằng: Tôi sẽ hiến tặng tất cả tài sản của tôi khi chính phủ yêu cầu dùng đến để xây dựng quốc gia.
Trên thực tế, cả con đường làm ăn lẫn sinh mạng của các doanh nhân này hoàn toàn phụ thuộc vào việc hợp tác với SCNR, và phải phù hợp với quan điểm phụng sự quốc gia của Park.
Bên cạnh việc buộc tội các doanh nhân để cưỡng ép lòng trung thành của họ, Park còn tiến hành quốc hữu hóa năm ngân hàng lớn và tuyên bố cải cách hệ thống tiền tệ, nhờ đó dễ dàng áp đặt các phương pháp kiểm soát của chính quyền lên các thiết chế chủ chốt của nền kinh tế.
* Đẩy người dân ra chiến trường Việt Nam
Để có được những thành tựu kinh tế mà đến nay vẫn nhiều người ngưỡng vọng, bên cạnh các kế hoạch 5 năm chủ yếu dựa trên việc làm ăn với các chaebol và chiến lược phát triển công nghiệp thần tốc, còn phải kể tới đóng góp không nhỏ của việc đưa quân sang tham chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam những năm 1960.
Rõ ràng, việc triển khai quân đội Hàn Quốc sang Việt Nam là một trong những chiến lược chủ chốt của Park Chung Hee. Quyết định này không chỉ nhằm bảo đảm Mỹ sẽ ngó lơ kiểu cai trị độc tài của chế độ Park, mà còn giúp tối đa hóa các cơ hội kinh tế và an ninh từ Mỹ.
Theo chính trị gia Se Jin Kim, nguồn thu từ cuộc chiến lên đến hơn 380 triệu USD vào cuối năm 1968, chiếm 16% trong tổng số nguồn quỹ nước ngoài và 2,8% GNP của Hàn Quốc, đóng góp rất lớn trong việc dự trữ ngoại tệ.
Dẫu chính quyền Hàn Quốc luôn tuyên bố rằng việc đưa quân đội vào Việt Nam là một hành động yêu nước nhằm chống lại sự bành trướng của cộng sản, song nhiều nhà quan sát đã gọi lực lượng quân đội Hàn Quốc ở Việt Nam là lính đánh thuê.
Tính tới khi Hàn Quốc rút quân khỏi Việt Nam vào năm 1973, có tổng cộng hơn 300.000 binh lính nước này đã bị đẩy sang chiến trường Việt Nam, trong đó khoảng 5.000 người đã bỏ mạng, trong khi tiền lại đổ về túi chính phủ.
Làn sóng phản đối quyết định đưa quân đội Hàn Quốc tham chiến đã bùng lên từ cuối năm 1965. Một loạt các cuộc biểu tình phản chiến của sinh viên nổ ra, nhằm phản đối chế độ Park Chung Hee đã đem sinh mệnh người dân ra đánh đổi lấy sự phát triển về kinh tế.
* Triệt tiêu các phe đối lập bằng cách đặt mình lên trên hiến pháp
Mặc dù Park Chung Hee chính là người đã đặt nền móng cho sự thành công về kinh tế của Hàn Quốc, nhưng tự do hóa nền chính trị và dân chủ hóa lại là vấn đề khác.
Được thành lập vào tháng 6 năm 1961 ngay sau cuộc đảo chính, Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (Korean Central Intelligence Agency – KCIA) đã được trao quyền hành vượt xa hơn hẳn CIA của Mỹ.
Một trong những nhiệm vụ đầu tiên của KCIA là sàng lọc 41.000 nhân viên chính phủ, cho ra gần 3.000 người bị coi là tham nhũng và phản cách mạng. Trong vòng ba năm, KCIA đã thành lập một mạng lưới rộng khắp cả trong nước lẫn nước ngoài. Chính tổ chức này đã trở thành biểu tượng cho sự đàn áp tinh vi và có hệ thống của Park.
Ngoài ra, Luật An ninh Quốc gia được Park tăng cường và áp dụng triệt để. Theo đó, các đảng chính trị đã bị trừng trị với cáo buộc khuyến khích và ca ngợi chủ nghĩa cộng sản và chống đối nhà nước.
Không chỉ mỗi KCIA tham gia vào việc đàn áp giới xã hội dân sự, mà chính Hội đồng Tái thiết Quốc gia (SCNR) của Park Chung Hee cũng nhanh chóng tiến hành công cuộc thanh lọc chính trị trong bộ máy.
Vào ngày 22/5/1961, tròn một tuần sau cuộc đảo chính, SCNR bắt đầu nhổ cỏ tận gốc bằng cách bắt giữ 2.100 người bị tình nghi là gián điệp Cộng sản. Hai tháng sau, có tới 6.900 công chức bị bãi nhiệm trong một cuộc thanh trừng.
Nghiêm trọng hơn, SCNR còn cấm hơn 4.000 chính khách không được hoạt động chính trị trong vòng sáu năm theo bộ luật thanh lọc chính trị ban hành từ tháng 3 năm 1962.
Sở dĩ những biện pháp cực đoan này có thể thực hiện được vì SCNR đã tự trao cho nó quyền lực tối cao khi có quyền xóa bỏ hiến pháp nếu hiến pháp mâu thuẫn với Luật về các Biện pháp Đặc biệt nhằm Tái thiết Quốc gia, một bộ luật được ban hành ngay sau khi đảo chính.
* Tham vọng độc tài trọn đời
Trong cuốn Con đường cho Đất nước Chúng ta: Ý thức hệ về Tái thiết Xã hội, Park khẳng định rằng cuộc cách mạng quân sự là cần thiết để thiết lập một nền dân chủ thật sự, tự do tại Hàn Quốc – chứ chắc chắn không phải để thành lập một nền độc tài và chủ nghĩa độc tài toàn trị mới.
Thế nhưng, Park Chung Hee lại sửa đổi hiến pháp vào năm 1969 để cho phép bản thân có thể ứng cử tới nhiệm kỳ thứ ba, bất chấp những cuộc biểu tình chống chính phủ của các nhóm sinh viên và các chính trị gia phe đối lập.
Vào thời điểm đầu những năm 1970, tăng trưởng kinh tế – thứ vốn tạo nên tính chính danh cho Park Chung Hee xưa nay – bắt đầu chững lại, khiến Park lo ngại rằng bản thân khó lòng tiếp tục giữ ghế nếu hiến pháp giới hạn chỉ ba nhiệm kỳ.
Bởi vậy, ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức tổng thống, Park Chung Hee ban bố tình trạng khẩn cấp do tình hình quốc tế chứa nhiều hiểm họa.
Giờ đây, để dọn đường cho tham vọng độc tài của mình, Park lại một lần nữa tiến hành cuộc chính biến về mặt lập pháp: ông giải tán Quốc hội và thay thế nó bằng một nội các khẩn cấp, đình chỉ bản hiến pháp hiện tại, cấm tất cả hoạt động của các đảng phái chính trị, đồng thời siết chặt không gian tự do dân sự.
Hiến pháp mới – Hiến pháp Yusin (유신헌법 / Hiến pháp Hữu sinh) – ra đời tháng 10/1972 đã cho phép bầu cử tổng thống gián tiếp và bãi bỏ giới hạn nhiệm kỳ. Ngoài ra, Tổng thống được trao quyền chỉ định một phần ba số thành viên của cơ quan lập pháp. Do đó, quyền lực chính trị gần như tập trung hoàn toàn trong tay Park Chung Hee (và đây cũng là lý do khiến nền chính trị Hàn Quốc thời kỳ này được gọi là độc tài cá nhân).
* Đàn áp giới trí thức
Trớ trêu thay, trong những khoảnh khắc đen tối dưới thời Hiến pháp Hữu sinh lại xuất hiện nhiều cuộc phản kháng hơn bao giờ hết.
Bản Hiến pháp Yusin vẽ ra một tương lai khắc nghiệt, đẩy các nhóm trong xã hội dân sự Hàn Quốc vào trong một tình cảnh chưa từng thấy, khiến họ cảm thấy buộc phải chống lại.
Chiến dịch Một triệu chữ ký để Thay đổi Hiến pháp khởi động vào tháng 12/1973 đã đặt ra một thách thức lớn cho chế độ độc tài. Thông qua các tuyên bố và chiến dịch, các tổ chức xã hội dân sự đòi hỏi đình chỉ bản hiến pháp Yusin, khôi phục Quốc hội, bãi bỏ các biện pháp khẩn cấp của Tổng thống, thả các tù nhân chính trị, bảo đảm tự do báo chí, và kêu gọi sự độc lập của ngành tư pháp.
Trong bối cảnh đó, Park đã ban bố sắc lệnh khẩn cấp đầu tiên của mình vào tháng 1/1974 nhằm cấm mọi chiến dịch phản đối hiến pháp. Biện pháp khắc nghiệt nhất phải kể đến là Sắc lệnh Khẩn cấp Số Chín, ban hành tháng 5/1975, quy định rằng các hoạt động chỉ trích Hiến pháp Yusin hoặc đăng đàn phê phán Yusin trên báo đều có thể bị phạt tù.
Kết quả là những vụ bắt bớ tùy tiện ở khắp nơi.
Lee Myung Bak (thứ tư từ trái sang) – tổng thống trong thời kỳ 2008-2013 của Hàn Quốc, thời trẻ từng bị bắt giam ba tháng trong một cuộc biểu tình chống chính quyền Park.
Nhưng giờ đây, giới trí thức không còn đơn độc đấu tranh như cái thời chống chính quyền Rhee Syng Man nữa. Theo thời gian, ngày càng có nhiều thành phần trong xã hội dân sự Hàn Quốc bắt đầu thể hiện sự bất mãn của họ với chế độ độc tài.
* Kết luận
Bên bàn tiệc bữa tối ngày 26/10/1979, một cuộc tranh cãi nảy lửa đã nổ ra khi Kim Jae Kyu, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc (KCIA), bị chỉ trích nặng nề vì đã không giải quyết được các cuộc biểu tình.
Kim Jae Kyu xông ra khỏi phòng và quay lại sau vài phút với một khẩu súng lục trong túi và kết liễu cuộc đời nhà độc tài.
Về sau, trong phiên tòa luận tội, Kim khẳng định rằng ông giết Tổng thống Park hòng chấm dứt chế độ độc tài và đưa Hàn Quốc quay lại nền dân chủ.
Cái chết của Park Chung Hee đã mang lại một kết thúc đột ngột cho 18 năm thống trị quân sự, cũng là cái kết thảm khốc của một nhà lãnh đạo dẫu cai trị như một nhà độc tài nhưng đã đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, dấu chấm hết này đã mở ra cho nhiều người Hàn Quốc một niềm hy vọng khấp khởi về đất nước dân chủ tự do trong tương lai.
Mẫu hình lãnh tụ kiểu Park Chung Hee ngày nay có thể không còn phù hợp. Nhưng phẩm cách của một nhà cầm quyền liêm khiết, phấn đấu cho sự phồn vinh của đất nước bằng mọi giá, là điều mà các chính khách đương thời không thể không suy ngẫm, học hỏi.
Giờ đây, có khá nhiều người Việt Nam vẫn bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với kỷ nguyên Park Chung Hee, thậm chí trông đợi một nhà lãnh đạo tài năng như ông xuất hiện trên đất nước mình.
Thế nhưng, trong tư cách công dân của một quốc gia, có lẽ không ít người sẽ băn khoăn rằng liệu ta có sẵn sàng đánh đổi sinh mạng của mình trong một cuộc chiến tranh ở đâu đó xa xôi như một tay lính đánh thuê để mang lại nguồn thu ngoại tệ cho đất nước; liệu có muốn dâng hiến toàn bộ tài sản khi vị tổng thống nói rằng quốc gia đang cần; hay liệu có cam chịu sống trong cảnh bị đàn áp cả về thể xác lẫn tinh thần như hàng triệu người Hàn Quốc đã chịu hay không?
--
thongtinhanquoc.com
Nguồn tham khảo: Korea Times, Luatkhoa
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
Mừng quốc khánh 2 tháng 9
-----
Theo tường thuật của nhà báo Hồng Hà, ông Nguyễn Hữu Đang đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính phủ lâm thời, chủ tịch Chính phủ đọc Tuyên ngôn độc lập, các thành viên Chính phủ tuyên thệ, ông Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Bộ Nội vụ giãi bày tình hình trong nước và nhiệm vụ của Chính phủ, ông Trần Huy Liệu tường trình vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại, ông Nguyễn Lương Bằng đại biểu của Tổng bộ thuật qua lại cuộc tranh đấu của Việt Minh để mưu giải phóng cho dân tộc.
Sân khấu được làm vội vã từ gỗ và được trang hoàng bằng lớp vải trang trí trắng và đỏ, do đó cho phép hầu hết khán thính giả có thể thấy được những vị lãnh đạo của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng sự của mình đã cố gắng truyền trực tiếp bản Tuyên ngôn độc lập đến mọi miền Tổ quốc nhưng các vấn đề kỹ thuật lúc đó cũng còn hạn chế, phong cách nói tiếng Việt của chủ tịch Hồ Chí Minh đầy tự tin và mạnh mẽ.
Bản tuyên ngôn độc lập có độ dài vừa đủ. Ngày mùng 2 tháng 9 năm đó, nhiều gia đình đã dọn dẹp nhà cửa và chuẩn bị đốt pháo để ăn mừng buổi lễ.
Từ Phủ Toàn quyền, Jean Sainteny, viên chức cao cấp của nước Pháp Tự do (Free French)–nước Pháp sau khi được giải phóng khỏi Phát-xít Đức đã có mặt ở Hà Nội, đã quan sát hàng chục ngàn người Việt Nam đi thành từng hàng băng qua đại lộ Brière-de-l’Isle để tiến vào quảng trường. Jean Sainteny ngạc nhiên trước sự tham gia công khai của giới Công giáo và sửng sốt trước sự trật tự của đám đông, không có bất kì hành vi gây rối nào. Không ai có cử chỉ thù địch đối với Jean Sainteny hay đối với tòa nhà phủ Toàn quyền.
Vấn đề an ninh cũng được suy xét đáng kể, với đội quân danh dự của Quân Giải phóng đảm bảo không ai trong số khán thính giả có thể tới gần khán đài trong phạm vi 20 mét, những công nhân và sinh viên có vũ trang cũng được xếp đặt tại mọi góc của mấy khu vườn, và một đơn vị tự vệ cảnh giác trước bất kì sự quấy rối nào từ hướng Thành Hà Nội nơi quân Pháp vẫn còn bị Nhật giam giữ. Trước cuộc mít-tinh, lính Nhật ở khu đất thuộc Phủ Toàn quyền đã thiết lập mấy khẩu súng máy chĩa về quảng trường, làm những nhà tổ chức phải dựng lên một bức màn người gồm những dân quân tự vệ.
Mặc dù chương trình được mong đợi bắt đầu vào đúng 2 giờ chiều, nhưng xe hơi chở các thành viên trong nội các Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã đến trễ hai mươi lăm phút khi phải đi xuyên qua các đám đông. Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫn đầu những người còn lại bước nhanh lên khán đài, điều làm ngạc nhiên nhiều người đứng xem vì trong khi hầu hết các đồng sự của ông trên khán đài đều mặc đồ vest Tây và thắt cravate, nhưng Hồ Chí Minh cố ý chọn mặc bộ đồ kaki phai màu với cổ cao và mang đôi dép cao su trắng.
Sau lễ chào cờ và hát quốc ca, ông Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Nội vụ, bước tới micrô giới thiệu Hồ Chí Minh, người được chào mừng bằng những tiếng hô vang dội được sắp xếp trước, "Độc lập! Độc lập!" Hồ Chí Minh vẫy tay trước khán thính giả trong vài phút, đoạn nâng hai bàn tay lên để kêu mọi người im lặng. Bằng giọng đặc trưng, Hồ Chí Minh bắt đầu đọc Tuyên ngôn Độc lập.Đọc đến giữa chừng, chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi: "Tôi nói, Đồng bào có nghe rõ không?" và đám đông đồng thanh hô vang "Rõ!".
Trong buổi lễ này, thông qua bản Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh cũng đã kêu gọi các nước Đồng minh ủng hộ nền độc lập chân chính do nhân dân Việt Nam vừa tự tay giành được thông qua Cách mạng tháng Tám. Ông tuyên bố rằng Chính phủ lâm thời đã huỷ bỏ hết mọi hiệp ước do Pháp kí trong quan hệ với Việt Nam và bãi bỏ hết mọi đặc quyền của người Pháp, và cảnh báo rằng người Việt "kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp". Kết thúc bài phát biểu của mình, Hồ Chí Minh giới thiệu từng bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời với quần chúng nhân dân và tất cả đều làm lễ tuyên thệ nhậm chức.
Võ Nguyên Giáp khi đó bước tới và đọc một diễn văn dài đầy vẻ nghiêm trang để tô điểm thêm cho bản Tuyên ngôn.
Sau đó, Trần Huy Liệu, bộ trưởng bộ thông tin và tuyên truyền, báo cáo trước khán thính giả về buổi lễ thoái vị của Bảo Đại ở Huế ba ngày trước đó, và rồi trao thanh kiếm hoàng gia và ấn cho Hồ Chí Minh. Là một người có khả năng ăn nói thiên bẩm, Trần Huy Liệu dường như đã làm cho đám đông cười ồ lên và vỗ tay khi mô tả sự cáo chung của chế độ quân chủ.
Đại diện cho Tổng bộ Việt Minh là Nguyễn Lương Bằng sau đó nói ngắn gọn về nhu cầu cần thống nhất và đấu tranh, phát biểu thẳng thừng rằng đánh Pháp là chuyện cần thiết.
Buổi lễ kết thúc bằng việc đoàn người có tổ chức ở quảng trường sau đó diễu hành ra phố, giải tán ở hồ Hoàn Kiếm, và gia nhập vào bầu không khí vui chung cho đến giờ giới nghiêm.
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Mavrodi
Đầu tư Lừa đảo siêu lãi suất:...
Lừa đảo siêu lãi suất: “Mặt dày” Sergei Mavrodi
Tumblr media
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sergei Mavrodi đã thực hiện mô hình MMM siêu lừa đảo với khoảng 2-5 triệu nhà đầu tư Nga, gây thiệt hại lên tới 1,5 tỷ USD, tương đương 100 tỷ USD hiện tại. Sau một thời gian ngồi tù, đầu năm 2011 Mavrodi đã chào hàng phiên bản mới MMM-2011.
Lừa đảo siêu lãi suất: Madoff và mô hình Ponzi (Kỳ 1)
Siêu lừa đảo MMM
Đầu những năm 90, lợi dụng tình hình biến động ở Liên Xô trước đây, Sergei Mavrodi đã thực hiện một trong những vụ lừa đảo lớn nhất lịch sử nhân loại. Với cái đầu của một cựu toán học gia, năm 1989, Mavrodi đã thành lập Công ty MMM (các ký tự đầu của câu tiếng Nga mang nghĩa “Chúng ta có thể làm nhiều việc”) chuyên nhập khẩu máy tính và thiết bị văn phòng. MMM làm ăn thất bại.
Đến năm 1994, Mavrodi chuyển MMM thành mô hình kim tự tháp Ponzi huy động vốn từ nhà đầu tư tư nhân với cam kết siêu lợi nhuận hàng năm lên tới 1.000%. Cổ phiếu MMM do công ty tự định giá nên Mavrodi hoàn toàn thao túng giá bán với mức tăng hàng ngàn phần trăm mỗi năm, khiến nhà đầu tư tin rằng cổ phiếu MMM an toàn và siêu lợi nhuận.
Thêm vào đó, Mavrodi thực hiện chiến lược quảng cáo dội bom trên các phương tiện phát thanh-truyền hình quốc gia. Tiền bạc ào ạt đổ về, lúc cao điểm Mavrodi thu được hàng triệu USD mỗi ngày từ việc bán cổ phiếu, nhiều đến mức ông ta phải “phát minh” đơn vị đo lường mới: 1 phòng đầy tiền, 2 phòng đầy tiền…
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sergei Mavrodi đã thực hiện mô hình MMM siêu lừa đảo với khoảng 2-5 triệu nhà đầu tư Nga
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, Sergei Mavrodi đã thực hiện mô hình MMM siêu lừa đảo với khoảng 2-5 triệu nhà đầu tư Nga
Mavrodi thực hiện vòng quay Ponzi kinh điển: lấy tiền của người sau trả lãi cho người trước, chiếm đoạt số dư. Mavrodi tính trước hậu quả nên đã cam kết hậu tạ những nhà đầu tư có máu mặt nhằm tranh thủ sự ủng hộ của họ và năm 1994 đã tranh được một ghế trong Duma quốc gia (Hạ viện Nga).
Tumblr media
Năm 1995, Mavrodi bị bãi bỏ quyền miễn trừ Quốc hội. 2 năm sau Mavrodi tuyên bố MMM phá sản và lẩn trốn cho tới năm 2003 mới bị bắt.
Mavrodi đã khiến hàng triệu người Nga mất sạch tiền dành dụm cả đời. Theo các ước tính từ nhiều nguồn khác nhau, vụ lừa đảo này đã lôi kéo 2-5 triệu nhà đầu tư, trong đó có cả những người nổi tiếng, với số tiền thiệt hại lên tới 100 tỷ USD (tính theo thời giá hiện tại) và khoảng 50 trường hợp nạn nhân tự tử.
“Câu chuyện thành công” của MMM lúc đó đã kích thích hàng loạt công ty tương tự mọc lên ở Nga như nấm sau mưa với lãi suất cam kết có lúc được đẩy lên tới tận cung Trăng: 30.000%, tác hại theo đó nhân lên. Năm 2003, Mavrodi bị bắt và buộc tội sử dụng hộ chiếu giả, chịu án 13 tháng tù giam.
Trong lúc ngồi tù, Mavrodi bị điều tra về các vụ trốn thuế, gian lận. Các phiên tòa bắt đầu vào tháng 3-2006. Đến tháng 4-2007, tòa án ở Mátxcơva tuyên án Mavrodi 4 năm rưỡi tù giam, phạt tiền 10.000 ruble (390USD), buộc Mavrodi phải trả hơn 20 triệu ruble (777.000USD) bồi thường thiệt hại vật chất theo 600 đơn kiện của nạn nhân. Án phạt này chẳng thấm vào đâu so với tội ác ông ta gây ra nhưng Mavrodi vẫn một mực nói rằng mình vô tội.
“Cáo già” trở lại
Sergei Mavrodi bị kết án tù năm 2007.
Sergei Mavrodi bị kết án tù năm 2007.
Gần đây, Mavrodi tăng cường tần suất khuấy động dư luận bằng những phát ngôn gây sốc. Đầu năm 2011, Mavrodi tuyên bố một cách ngông cuồng: “Tôi muốn phá hủy hệ thống tài chính toàn thế giới”.
Năm nay 55 tuổi, Mavrodi đánh dấu sự kiện “tái xuất giang hồ” bằng việc tiết lộ dự án mới, gọi là MMM phiên bản 2011. MMM-2011 được cập nhật cho hợp xu hướng thời đại internet, sẽ áp dụng hệ thống thanh toán trực tuyến WebMoney cho phép nhà đầu tư mua các loại vé có vai trò như cổ phiếu nhưng không có giá trị thực. Trước mắt, Mavrodi cam kết trả lãi cho nhà đầu tư 20-30%/tháng.
Mavrodi đã tỏ ra rất hợp thời khi khoác cho dự án mới cái tên “mạng xã hội tài chính”. Phiên bản nâng cấp MMM-2011 dựa hoàn toàn vào internet nhằm lôi cuốn sự tham gia của giới trẻ nghiện công nghệ.
Tháng 5-2011, Mavrodi tung ra một đoạn video gởi tới Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đề nghị cứu nền kinh tế yếu ớt của Belarus bằng cách phát động một mô hình kim tự tháp mới.
Mavrodi mạnh miệng quảng cáo bản thân: “Nếu cho phép mô hình MMM tại Belarus, tôi sẽ chặn đứng lạm phát và sự mất giá của nội tệ trong vòng 1 hoặc 2 tháng. Tôi đã làm được như thế hồi năm 1994 khi tình hình ở Nga còn tệ hơn Belarus hiện giờ.”
Mavrodi cũng gợi ý chính quyền Belarus nên phát hành trái phiếu chính phủ ngắn hạn, tương tự loại GKO của Nga phát hành năm 1993 để lấp thâm hụt ngân sách. Mavrodi không quên nhắn kèm bí kíp huy động: “Hãy thông báo lợi tức 100%/tháng”.
Dù đã biết Mavrodi là kẻ lừa đảo nhưng không ít nạn nhân vẫn tiếp tục chìm đắm trong những lời hoa ngôn xảo ngữ của Mavrodi rằng MMM là mô hình siêu việt, bị sụp đổ bởi chính quyền Nga trù dập nhằm chiếm đoạt tài sản của ông ta.
Cuộc khảo sát nhanh do đài phát thanh Ekho Moskvy thực hiện ngay sau khi Mavrodi chào hàng phiên bản MMM-2011 đã cho thấy kết quả đáng giật mình: khoảng 25% người Nga sẵn sàng đâm đầu vào mạng lưới MMM-2011.
“Cáo già” Mavrodi đã trở lại, nguy cơ tác hại gấp trăm lần, là một bài toán nhức óc đối với nhà chức trách Nga. Không chỉ với Nga, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính, suy thoái, lạm phát, nợ công như những cơn sóng dữ dồn dập đổ ụp lên các quốc gia trên toàn thế giới, khiến người dân mất niềm tin, dẫn tới những cuộc xung đột mà mới nhất là phong trào “Chiếm Phố Wall” đang lan từ Hoa Kỳ sang nhiều nước khác đòi hỏi những sự cải tổ kinh tế.
Và tình hình nhạy cảm này là môi trường rất thích hợp cho những truyền nhân Ponzi giở trò. Dư luận Nga đang chờ nhà chức trách ra tay mạnh hơn để bảo vệ tài sản, thậm chí là sinh mạng người dân thoát khỏi những trò lừa đảo Ponzi.
“Cáo già” Mavrodi đã trở lại, nguy cơ tác hại gấp trăm lần, là một bài toán nhức óc đối với nhà chức trách Nga.
“Cáo già” Mavrodi đã trở lại, nguy cơ tác hại gấp trăm lần, là một bài toán nhức óc đối với nhà chức trách Nga.
Nguồn: BẢO TRÚC
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
Vị vua có 142 đứa con, nhiều nhất sử Việt
Vua Minh Mạng triều Nguyễn có rất nhiều vợ, ông nổi tiếng với phương thuốc giúp một đêm có thể làm 5 bà mang thai.
Theo Nguyễn Phúc Tộc thế phả, vua Minh Mạng sinh năm 1791, tên Nguyễn Phúc Đảm và là con thứ tư của Gia Long. Ông lên ngôi năm 1820 - vị vua thứ 2 của triều Nguyễn được miêu tả là thông minh, hiếu học, giỏi cưỡi ngựa, bắn cung, rất chăm lo việc triều chính.
Trong cuốn Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn do ông Nguyễn Viết Kế biên soạn có viết, khi nghỉ ngơi vua có 5 bà vợ hầu hạ. "Một bà vấn thuốc têm trầu, bà quạt, bà đấm bóp, người ru và một để sai vặt. Mỗi bà một canh, hết 5 canh thì danh sách các bà được chuyển giao cho Tôn Nhơn phủ giữ để tiện theo dõi việc khai hoa nở nhụy của họ".
Danh sách này thống kê, vua Minh Mạng đã ăn nằm với 43 phi tần, sinh hạ được 142 người con. Trong đó có 78 hoàng nam, 64 hoàng nữ. Ông cũng là vị vua có nhiều phi tần và đông con nhất trong số 13 vua triều Nguyễn.
Vua Minh Mạng là người được hưởng nhiều vui thú nhất trong các vua Nguyễn ở chốn phòng the. Số phi tần ăn nằm với vua có con là 43 người, song theo nhiều tài liệu trong cung vua có đến 500-600 người. Vợ ông phần lớn là con gái miền Nam.
Hai vương phi được sủng ái nhất là Hiền phi Ngô Thị Chính và bà Lệ Tân Nguyễn Gia Thị. Hiền phi sinh được 4 hoàng tử, 2 công chúa còn Nguyễn Gia Thị sinh được 7 hoàng tử và 3 công chúa. Hai bà thường xung đột nhau, Ngô Thị Chính cậy mình được vua yêu mến thường đánh ghen các bà khác. Vua Minh Mạng cũng nhiều lần đau đầu vì khó xử.
Theo một số sách, lúc lên ngôi năm 29 tuổi, vua Minh Mạng yếu về đường sinh dục do hưởng thụ sớm. Ông khi đó ra lệnh cho các quan ngự y phải giúp mình lấy lại sức khỏe.
Họ làm ra thang thuốc bổ ngâm rượu để vua dùng hằng ngày có tên Minh Mạng thang gồm 20 bài (có tài liệu ghi 24 bài). Trong đó, 2 bài nổi tiếng nhất là "nhất dạ lục giao sinh ngũ tử" (một đêm quan hệ 6 lần, sinh 5 con trai) và "nhất dạ ngũ giao sinh tứ tử" (một đêm quan hệ 5 lần, sinh 4 con trai).
Hiệu nghiệm thuốc rõ rệt, vua Minh Mạng vì thế có đến hơn trăm người con. Thuốc cũng giúp vua thêm trí tuệ, minh mẫn để xử lý việc triều chính hằng ngày.
Giống cha, nhiều người con của vua Minh Mạng cũng sinh hạ hàng chục con. Trong đó, Thiệu Trị kế ngôi có 64 người con, đặc biệt nhất là Thọ Xuân Vương Miên Định có đến 144 người con, hơn cả cha mình. Một người con khác của Minh Mạng là Miên Trinh có 114 con. Tuy nhiên, cháu nội ông sau này là vua Tự Đức có đến 300 bà nhưng không sinh được con.
Minh Mạng được xem là vị vua anh minh của triều Nguyễn. Dưới thời của ông kinh tế ổn định, đời sống của người dân có phần sung túc sau nhiều năm chiến tranh. Hồi đó lãnh thổ Việt Nam được mở rộng hơn bao giờ hết. Vua Minh Mạng cũng đưa ra hàng loạt cải cách trong bộ máy chính quyền, giáo dục, nông nghiệp...
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
Sài Gòn không ít lần bị dịch và người Sài Gòn mở lòng không chỉ trong dịch bệnh
Ảnh: Bác sĩ Albert Calmette đang tiêm chủng bệnh đậu mùa cho trẻ em Sài Gòn năm 1891 - Ảnh bởi Bảo tàng Pasteur
Khi y học thế giới chưa có vắc xin dịch tả, số người chết vì bệnh này tại Sài Gòn gia tăng nhanh chóng (5 ngày đầu tháng 3-1861, Nhà thương Chợ Quán ghi nhận 41/55 ca bệnh tử vong)...
Xưa nay đặc tính của người Sài Gòn là bao dung, cởi mở, chấp nhận người lưu dân tứ xứ. Tinh thần đó hiện nay đang được phản ánh qua sự giúp đỡ người nghèo khổ, gặp khó khăn về kinh tế, công ăn việc làm do dịch bệnh...
Giữa lúc Sài Gòn đang chống chọi với sự bùng phát của đại dịch COVID-19, từ Úc, TS Nguyễn Đức Hiệp chia sẻ với Tuổi Trẻ xoay quanh vấn đề nội lực, truyền thống văn hóa, tinh thần ứng phó với dịch bệnh của người Sài Gòn từ trên cơ sở những sử liệu...
TS Nguyễn Đức Hiệp là chuyên gia môi trường và di sản tại Úc. Nhưng với độc giả trong nước, ông được biết đến với bộ 4 cuốn biên khảo Sài Gòn Chợ Lớn (các tiểu tựa: Nửa cuối thế kỷ XIX, Thể thao và báo chí trước 1954, Qua những tài liệu quý trước 1945, Ký ức đô thị và con người) và mới nhất là cuốn Sài Gòn và Nam kỳ trong thời kỳ canh tân 1875 - 1925.
Sài Gòn và dịch bệnh thời Pháp thuộc
* Thưa ông, ngay từ những ngày đầu người Pháp đặt chân đến Sài Gòn, một trong những điều họ quan tâm đó là các bệnh truyền nhiễm...
- Đúng vậy. Ban đầu, hai bệnh gây sợ hãi cho người Pháp là sốt rét và dịch tả. Vào giữa thế kỷ 19, ông d’Ormay - một y sĩ hải quân Pháp - đã có nghiên cứu, báo cáo tỉ mỉ về dịch tả, sốt rét và kiết lị, lao phổi... lây lan tại Nam Kỳ.
Trước những tổn thất lớn lao mà dịch bệnh gây ra cho dân bản địa và người Pháp ở xứ thuộc địa, các bác sĩ Francois Laure, Albert Calmette, Alexandre Yersin đã đến Đông Dương để nghiên cứu và thiết lập các cơ sở giúp phòng và chống bệnh.
Tuy vào đầu thế kỷ 19 vắc xin bệnh đậu mùa đã được điều chế ở Anh, nhưng 50 năm sau đó, ở Sài - Gòn và Nam Kỳ, do thiếu thốn chăm sóc y tế nên dịch đậu mùa thường gia tăng vào tháng 3 hằng năm. Chỉ sau khi thành lập các cơ sở của Viện Pasteur ở Đông Dương thì người dân từ thành thị tới nông thôn Sài Gòn, Nam Kỳ mới có vắc xin chủng ngừa.
Bệnh viện Chợ Quán (nay là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM) là nơi tiếp nhận chữa trị bệnh truyền nhiễm đậu mùa. Những năm dịch bệnh bùng phát mạnh thì các bệnh nhân được cách ly điều trị ngoài phạm vi Sài Gòn như tại Vũng Tàu (với thường dân) và Thủ Dầu Một (với quân nhân).
* Khi y học thế giới chưa có vắc xin dịch tả, số người chết vì bệnh này tại Sài Gòn gia tăng nhanh chóng (5 ngày đầu tháng 3-1861, Nhà thương Chợ Quán ghi nhận 41/55 ca bệnh tử vong)... Có thể nhìn lại để thấy phải chăng đã có lúc các bác sĩ Pháp tại Nam Kỳ cũng đã rơi vào bế tắc giữa làn sóng dịch tả (choléra) năm 1861?
- Bệnh dịch tả đã làm chết nhiều người trong suốt thế kỷ 19 do lúc đó khoa học chưa biết nguyên nhân, cơ chế truyền nhiễm, cách phòng ngừa và chữa trị.
Bệnh dịch tả đã gây thiệt hại kinh tế và đình trệ các chương trình xây dựng trong chính sách thuộc địa. Dự án đào kinh nối rạch Ô Môn (bờ sông Hậu) qua đầu sông Cái Bè đổ ra vịnh Xiêm La do khởi xướng năm 1896 đã bị dở dang vì dân phu bị nhiễm bệnh dịch tả do uống nước ao phèn.
Chỉ sau khi phát hiện ra nguồn nước nhiễm khuẩn là nguyên nhân lây lan dịch tả thì người ta mới biết biện pháp cách ly không giải quyết được vấn đề, mà cần phải khử trùng nước.
Đến năm 1882, hệ thống cung cấp nước qua trạm và tháp nước ở quảng trường tháp nước (tại hồ Con Rùa ngày nay) cho thành phố Sài Gòn do kỹ sư Thévenet thực hiện được khánh thành. Người dân sử dụng nước từ nguồn máy bơm và tháp nước lấy từ giếng ngầm nên dịch tả không còn phát tác như trước.
* Người Sài Gòn cũng đã kinh qua nhiều đợt sóng lớn của các "bệnh nhiệt đới". Vậy, sử liệu có cho thấy những phẩm chất gì đặc biệt của người dân thành phố này trong việc sống chung và chống chọi với dịch bệnh?
- Từ lúc lưu dân đến Sài Gòn và miền Nam đã phải đối diện với các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, đậu mùa, dịch tả, kiết lị, lao phổi. Dịch bệnh gây tử vong cao trong cộng đồng, nhất là trẻ em. Vào giữa thế kỷ 19, khi người Pháp đến Đông Dương, họ cũng chịu tổn thất lớn bởi các dịch bệnh này.
Ngay sau khi đến Sài Gòn lập Viện Pasteur, bác sĩ Calmette đã thực hiện các chương trình tiêm chủng bệnh đậu mùa ở Sài Gòn. Sự đóng góp của Viện Pasteur trong việc nghiên cứu, sản xuất vắc xin càng ngày càng quan trọng đối với chăm sóc y tế, sức khỏe cộng đồng.
Năm 1927, ba viện Pasteur ở Sài Gòn, Nha Trang và Hà Nội đã sản xuất 36 triệu liều vắc xin (trong đó có 5 triệu liều vắc xin đậu mùa, 8 triệu liều vắc xin dịch tả) cho toàn Đông Dương, đủ tiêm cho 12 triệu dân. Đây là một kỷ lục.
Sự đóng góp của các viện Pasteur ở Đông Dương vào y khoa được biết nhiều nhất khi bác sĩ Alexandre Yersin tìm được vi khuẩn dịch hạch qua quá trình nghiên cứu tại Hong Kong và miền Nam Trung Quốc.
Sau khi thấy được thành tựu của y học mà Viện Pasteur đã nghiên cứu và bào chế vắc xin, dân chúng ở vùng Sài Gòn và Nam Kỳ đã tin tưởng tham gia tiêm chủng. Ngày nay còn lưu lại hình ảnh trẻ em Sài Gòn năm 1891 đứng vây quanh bác sĩ Calmette chờ tiêm chủng, hay cảnh người dân đủ mọi thành phần xếp hàng đông đảo trước nhà hội đồng xã Hạnh Thông (Gò Vấp, tỉnh Gia Định) để chờ tiêm chủng bệnh đậu mùa năm 1920...
Trong lĩnh vực y tế, người Sài Gòn có tinh thần tuân thủ và trách nhiệm đối với sức khỏe cộng đồng. Người ta cũng biết lo cho việc chung, như góp sức xây bệnh viện. Bệnh viện Chợ Quán, Bệnh viện Phụ sản Chợ Lớn... đều do phần lớn các nhà hảo tâm người Hoa, Việt và Pháp bỏ tiền và bảo trợ xây dựng.
Kiểu sống quần cư với mật độ dân số cao, tập quán giao thương tự phát, thói quen thích tụ tập và giao du trong cộng đồng đã được xem là nguyên do gây ra các đợt bùng phát dịch trong quá khứ. Nhưng văn hóa cộng đồng có tính "duy tình" như vậy cũng sinh ra các biểu hiện tương ái trong lúc nguy nan. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đây là vấn đề văn hóa cách sống của mỗi nước hay địa phương. Dĩ nhiên trong điều kiện sống giao lưu nhiều, quần cư mật độ cao sẽ là điều kiện phát tán virus nhanh chóng khi có đại dịch (nhất là như COVID-19 lây nhiễm qua đường không khí, giọt bắn lúc tiếp xúc gần).
Người Sài Gòn có tính thực tế cao. Những việc làm gì mang lại kết quả thì họ áp dụng. Họ tìm hiểu qua nhiều nguồn thông tin. Như trong đại dịch COVID-19, có thể thấy người Sài Gòn rất tuân thủ cách ly, tham gia phòng dịch và sẵn sàng tiêm chủng để mong đời sống trở lại bình thường. Hy sinh lợi nhỏ trước mắt để được tốt đẹp trong tương lai.
Xưa nay đặc tính của người Sài Gòn là bao dung, cởi mở, chấp nhận người lưu dân tứ xứ. Tinh thần đó hiện nay đang được phản ánh qua sự giúp đỡ người nghèo khổ, gặp khó khăn về kinh tế, công ăn việc làm. Họ làm tự phát và cũng không màng đến tăm tiếng. Không phải chỉ trong đại dịch mà họ làm việc này thường ngày.
* Ông vẫn tiếp tục với những biên khảo về Sài Gòn trong quá khứ? Dịch bệnh có tác động tới công việc của một nhà biên khảo?
- Vâng, tôi vẫn tiếp tục biên khảo về Sài Gòn nhưng chậm hơn so với các năm trước. Tôi đang biên khảo về đề tài "Sự hình thành và phát triển văn học và học thuật chữ quốc ngữ ở Sài Gòn và Nam Kỳ từ 1870 đến 1945".
Dịch bệnh hiện nay không có tác động đến công việc nghiên cứu của tôi, mặc dù có hơi cô đơn, ít tiếp xúc với bạn bè so với trước kia.
Theo NGUYỄN VĨNH NGUYÊN - Tuổi trẻ Online
#Ad69
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
1989 là thời điểm quan trọng đối với lịch sử Việt Nam từ sau ngày 30.4.1975. Tháng 12.1986, đường lối “đổi mới” do Đại hội lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam phát khởi đã tạo ra một bước ngoặt mà ba năm sau đó (Hội nghị Trung Ương 6, khóa VI, tháng 9.1989) đã chuyển hẳn nền kinh tế Việt Nam từ chế độ “quan liêu bao cấp” sang cơ chế thị trường, và đường lối đó vẫn được tiếp tục duy trì đến nay. Nhưng những người nghiên cứu đã tìm thấy một thời điểm trước đó cũng không kém phần quan trọng: đó là Hội nghị Trung ương 6, khóa IV, tháng 9-1979 (sau đó thể hiện bằng Chỉ thị 100 của Ban bí thư về khoán nông nghiệp và Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng về quản lý công nghiệp – cả hai đều xuất hiện vào năm 1981) cho phép phá vỡ một phần những ràng buộc khe khắt của mô hình cũ để “bung ra” sản xuất. Tính chất “đổi mới” thể hiện trong hai thời điểm ấy đã được những nhà nghiên cứu chú trọng đặc biệt đến khía cạnh kinh tế của chúng. Vấn đề đặt ra về phương diện lịch sử là phải giải thích ra sao về mối quan hệ của chúng, là xét xem cái lô gích phát triển từ thời điểm này sang thời điểm kia là gì. Trong khi đi tìm tài liệu tham khảo, tôi đã gặp hai cách trả lời dường như phổ biến – và hai cách trả lời ấy đều không thuần túy giới hạn trong những bàn luận kinh tế không thôi.
Đối với những nhà lý luận lấy nguồn cảm hứng từ sự giải thích chính thống của Đảng thì khoảng thời gian từ 1979 đến 1989 (đi qua 1986) là “ quá trình đổi mới tư duy” của Đảng về mặt kinh tế, cụ thể là hình thành ngày càng hoàn thiện luận điểm “phát triển kinh tế hàng hóa để đi lên chủ nghĩa xã hội”[1]. Cách giải thích này đã dựa vào tiền đề giáo khoa “cách mạng vô sản”: vận dụng một cách sáng tạo những nguyên lý khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin vào những hoàn cảnh cụ thể, và trong trường hợp mà chúng ta đang bàn luận, theo cách diễn tả của một tác giả Việt Nam, là “bắt chủ nghĩa tư bản phải phục vụ chủ nghĩa xã hội, bắt nhà tư bản phải cày trên mảnh đất vô sản” [2]. Nghĩa là thay vì thực hiện những nguyên lý trước đây gọi là “khoa học” như nắm vững chuyên chính vô sản để biến toàn bộ xã hội thành một công trường [3] thì ngày nay người ta vẫn có thể nắm vững chuyên chính vô sản – có thể nói nhè nhẹ mấy chữ này đi một chút [4] – để làm kinh tế tư bản chủ nghĩa, cũng một cách “khoa học” không kém gì. Tác dụng biện hộ về mặt ý thức hệ cho sự cầm quyền độc tôn của một đảng là điều quá hiển nhiên, nhưng đứng về mặt nghiên cứu thì sự đóng góp lại chẳng có gì đáng kể.
Đối với những bài viết của những nhà nghiên cứu độc lập thì tất nhiên những giới hạn trên không có. Nhưng rất tiếc, do không thừa hưởng được những công trình nghiêm chỉnh trước đó (vì chưa có) nên về tài liệu lẫn luận giải đã không tránh khỏi ít nhiều bị ảnh hưởng bởi xu hướng quan phương nói trên. Và điều này thì cũng chẳng có gì là khó hiểu: trong khi những công trình độc lập trong nước hoàn toàn hầu như con số không [5] thì giới nghiên cứu Việt Nam ở ngoài nước cũng chỉ mới bắt đầu lại khoảng vài ba năm nay, và những người thật sự quan tâm cũng lại thường là những giới có liên hệ trực tiếp đến “đổi mới” (những chuyên viên cải cách kinh tế, những người đầu tư, ngoại giao…). Tuy thế do truyền thống nghiên cứu khách quan (những người Mácxít trước thường gọi là “khách quan tư sản”) nên các vấn đề nêu ra là khá phong phú và thường có ý nghĩa gợi mở hơn là khép lại bằng những định kiến ý thức hệ [6], dù rằng trong quá trình trao đổi không phải là đã không có những gặp gỡ chung trong nhận định. Thí dụ như ý kiến cho rằng rõ ràng là từ 1989, Việt Nam đã chuyển hẳn sang kinh tế thị trường một cách đồng bộ, “trọn gói”, và như vậy cũng giả định đã có sự tiến triển liên tục về mặt thừa kế những yếu tố “kinh nghiệm” giữa cái giả định bắt đầu và cái giả định kết thúc. Và thí dụ như ý kiến (đi ngược lại với quan phương) cho rằng “thời kỳ quá độ” [7] ấy đã chấm dứt vào năm 1989 rồi và do đó những cải cách đã “vượt xa khỏi khuôn khổ đổi mới xã hội chủ nghĩa” [8]. Rõ rệt mấy chữ “kinh tế thị trường” ở đây, trong quan niệm của những chuyên viên ấy, chỉ có nghĩa là một cơ chế tổ chức sản xuất chung nhất, chẳng dính dáng gì đến cái gọi là “thị trường xã hội chủ nghĩa” hay “theo định hướng xã hội chủ nghĩa” cả!
Tuy vậy sự nhất trí ấy không phải là nhiều lắm, bởi vì liền sau đó thì hàng loạt những câu hỏi cũng được đặt ra, đặc biệt những câu hỏi xoay quanh mối quan hệ giữa “đổi mới kinh tế” với “đổi mới chính trị” chẳng hạn:
– Thực chất của những cải cách thời “bung ra” 1979 là gì? Đó có thể gọi được là công việc “vừa làm vừa rút kinh nghiệm” dẫn đến kết quả cho Đại hội VI 1986 (và cả cho hôm nay) hay không [9] khi mà vào những năm đầu của thập kỷ 80, trong khi những “kinh nghiệm” thực tế đã khá đầy đủ để từ bỏ nhanh chóng mô hình cũ thì chiều hướng chính trị lúc ấy lại vẫn loay hoay trong bảo thủ [10] làm cho một dân tộc không kém năng động phí phạm đi mất 10 năm chậm trễ [11].
– Cuộc cải cách 1986 tuy có quan trọng thật nhưng quan trọng như thế nào khi mà “hoạt động của nền kinh tế Việt Nam lúc bấy giờ vẫn không chứng minh được cải cách” – “một thứ thị trường không đồng nghĩa với thị trường thực sự và có hiệu quả” [12]– và như thế “động lực của các cải cách năm 1986 là gì và tại sao nó vẫn được tiếp tục mặc dù có những kết quả không mấy gì làm phấn khởi” [13].
Những câu hỏi trên đây đáng chú ý là vì không phải chúng chỉ ra những khoảng tối trong lịch sử để người ta rọi sáng mà còn có vẻ như muốn đụng chạm đến bản thân cái phương pháp truy tầm lịch sử trong những cách thức nhìn nhận như đã nói trên nữa. Thí dụ như liệu người ta có thể tách rời vấn đề kinh tế ra, phân tích mọi khía cạnh rồi sau đó mới bàn luận đến những ý nghĩa chính trị hay văn hóa của nó như trong một số công trình [14] hay là ngược lại phải tìm hiểu những đổi mới kinh tế trong cái tổng thể mà những người chủ xướng đã đề xuất từ đầu? Vấn đề rõ rệt đã trở thành vấn đề tiếp cận quá trình đổi mới ở Việt Nam xét như một dự phóng toàn diện. Chúng tôi cho rằng phân tích các hiện tượng kinh tế theo tính chất riêng biệt của chúng trong mục đích phục vụ những cải cách kinh tế xét như những chính sách, biện pháp là hoàn toàn cần thiết. Nhưng đứng từ một cái nhìn lịch sử xét như những tổng thể thì bản thân vấn đề kinh tế không bao giờ đơn thuần là nó mà còn là cái định chế xã hội trên đó nó tồn tại và cũng là cái ý thức hệ biện minh cho sự tồn tại đó. Vì vậy nếu không đặt những cải cách ấy vào sự chuyển động của chế độ cộng sản và cái ý thức hệ mácxít của Đảng cộng sản Việt Nam thì người ta không thể nào hiểu được thực chất của những cải cách kinh tế ấy. Chúng ta đừng quên rằng những Nghị quyết mà chúng ta đã nhắc đến và sẽ còn nhắc đến (như Nghị quyết Trung ương 6, tháng 9-1979 hoặc Nghị quyết Đại hội VI, tháng 12-1986) vấn đề kinh tế tuy quan trọng nhưng không bao giờ đặt ra một cách riêng rẽ cả.
Phương pháp mà chúng tôi đề nghị sử dụng là phải tìm hiểu vấn đề đổi mới ở Việt như một ý thức hệ đổi mới của Đảng cộng sản Việt Nam trước những tình thế không thể không đổi mới. Những nhân tố chủ quan trong bản thân sự lãnh đạo của Đảng (học thuyết Mác-Lênin, cơ chế phê bình tự phê bình, truyền thống yêu nước, não trạng cách mạng vô sản, tổ chức tập trung dân chủ…) sẽ được quan tâm đồng thời với những nhân tố khách quan thúc đẩy sự chuyển động trong Đảng (những đổi thay của thế giới, tác động của “phe” xã hội chủ nghĩa, sự phản ứng của dân chúng, sự phân hóa trong Đảng…), tất cả sẽ dẫn đến việc tìm hiểu sự tác động qua lại hết sức phức tạp của những nhân tố ấy, cuối cùng dẫn đến việc giải đáp cho những câu hỏi mà chúng tôi cho là cực kỳ quan trọng sau đây: động lực thật sự của những người lãnh đạo là gì khi họ chấp nhận cuộc chơi mệnh danh là “đổi mới”, trong chừng mực nào họ có thái độ “lắng nghe” cuộc sống và trong chừng mực nào họ phải phóng theo ngọn lao mà họ đã ném ra không cưỡng lại được? Xoay quanh hai thời điểm 1979 và 1986 để phân tích, chúng tôi hy vọng có thể tìm ra được câu trả lời cho vấn đề trên đây.
Giấc mộng vàng và đà trượt của cuộc chiến tranh
Việc chấm dứt chiến tranh năm 1975 đối với những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam là bước đột biến chưa từng có trong lịch sử để đất nước chuyển hẳn sang một trang mới hoàn toàn. Không phải vì Việt Nam đã thống nhất, độc lập để phát triển (điều này đã quá muộn) mà là độc lập, thống nhất để phát triển một cách vô cùng rực rỡ dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản với học thuyết Mác-Lênin vạn năng: Việt Nam sẽ mau chóng trở thành một quốc gia hiện đại, hùng cường, văn minh không những giữ được vai trò làm “tiền đồn” cho phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á mà còn là hình mẫu về phát triển hết sức hài hòa tốt đẹp để các nước thứ ba noi gương nữa [15]. Và bí quyết của sự thành công đó cũng được các nhà lãnh đạo Đảng nói ra nhiều lần, ngay cả trong những ngày chưa chấm dứt chiến tranh [16], bằng công thức: Đảng lãnh đạo với chủ nghĩa Mác-Lênin, cộng với chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, cộng với khoa học kỹ thuật hiện đại (sẽ học tập của thế giới). Đại hội Đảng lần thứ IV (tháng 12-1976) đã mở ra triển vọng ấy trong khí thế chiến thắng “ngất trời” và lòng tin mãnh liệt vào tương lai (ông Lê Duẩn thường dự đoán trong khoảng 15 năm thôi).
Chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến cái không khí ấy bởi vì tất cả đường lối “cách mạng” của Việt Nam trong thời kỳ mới sẽ được đặt trên cơ sở đó, trong một thời gian khá dài [17]. Về mặt đối ngoại, Đảng sẽ tiếp tục chủ trương “độc lập tự chủ” của mình, không những tranh thủ những thuận lợi của “bạn bè” để xây dựng mà còn phất cao ngọn cờ cộng sản chân chính đế chống lại mọi thứ chủ nghĩa xét lại, từ tả sang hữu, lôi cuốn Đông Dương vào một khối thân hữu chặt chẽ với Việt Nam, làm bàn đạp phát triển phong trào chống đế quốc ở Đông Nam Á. Còn về mặt xây dựng trong nước thì cái khí thế chiến thắng đã biểu hiện ở chỗ áp dụng trên cả đất nước đã thống nhất cái mô hình nửa Stalinit, nửa Maoit đã từng áp dụng ở miền Bắc sau 1954, lý do: đó là một mô hình đã được thử thách trong chiến tranh, đã tạo ra được “tính ưu việt và sức mạnh của chủ nghĩa xã hội”, “đã từng làm cho miền Bắc giữ được nhiệm vụ quyết định đối với sự phát triển của toàn bộ phong trào cách mạng ở Việt Nam” [18].
Trong chừng mực nào những ý tưởng trên đây là thực tế và trong chừng mực nào chúng tỏ ra quá “tếu” thì không phải đợi những người viết sử sau này thẩm định mà chỉ vài năm sau đó thôi mọi việc cũng đã bắt đầu lộ rõ. Bởi vì cũng chỉ một vài năm sau đó, tất cả những gì được hình dung ra một cách vô cùng tươi đẹp, hào hứng thì đều phát triển theo chiều hướng ngược lại, chẳng những không có đủ gạo ăn, thuốc uống mà còn đưa đất nước vào tình trạng tồi tệ cùng cực trên tất cả mọi phương diện. Tất nhiên những người lãnh đạo trong những trường hợp như thế bao giờ cũng tìm cách giải thích để biện minh cho lấy được sự lãnh đạo “tài tình” của mình. Nhưng điều đó đã chứng tỏ là không đúng và về sau chính họ cũng phải phần nào thừa nhận, bởi vì tất cả đã bị chi phối bởi cái não trạng đặc biệt do cuộc chiến thắng 1975 mang đến – ngạo mạn vì thắng lợi, say sưa với thắng lợi cho nên đã tự nâng mình lên quá xa vời cái tầm mà mình đang có. Thái độ ấy đã bị đánh trả trên tất cả các lĩnh vực.
Trước hết là về đường lối “cách mạng thế giới”. Ai cũng biết rằng trong chiến tranh, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn giữa sự giằng xé của các thế lực cộng sản quốc tế, đặc biệt về sau này với sự căng thẳng tột độ giữa Trung Quốc và Liên Xô: có lúc đã theo Liên Xô để chủ trương đường lối hòa bình (sau 1954), có lúc chống Liên Xô theo Trung Quốc để giải phóng miền Nam bằng bạo lực (sau 1960), có lúc hòa dịu lại với Liên Xô thì lại bắt đầu căng thẳng với Trung Quốc (sau Hiệp định Paris về Việt Nam). Tuy vậy do phải tập trung vào chiến tranh nên họ đã không đẩy những bất đồng đến chỗ rạn nứt. Nhưng khi đã thắng lợi rồi, tự tin quá mức vào uy tín cách mạng của mình [19], hy vọng sớm chiều có thể trở thành cường quốc, họ không cần phải theo đuổi chính sách cân bằng trên đây nữa. Với Hiệp ước hữu nghị 25 với Liên Xô (1978) mà tinh thần của nó là “hợp tác toàn diện”, Việt Nam đã ra mặt chống lại Trung Quốc. Kết quả của thái độ ấy như thế nào mọi người còn nhớ: muốn làm “tiền đồn” cho phe chủ nghĩa xã hội chống đế quốc, Việt Nam đã trở thành tiền đồn của phe Liên Xô để chống Trung Quốc, đưa đất nước vào một cuộc chiến tranh mới mà sự xâm lấn Kampuchia 1978 và nhân “bài học” của Trung Quốc ở biên giới phía Bắc 1979 là kết quả. Những sự việc không thuận lợi gì cho phát triển đó đã được những người lãnh đạo gọi là một “sứ mệnh lịch sử”, nhưng trong thực tế đó chỉ là cái đà trượt của một cuộc chiến tranh vừa nóng vừa lạnh mà các phe liên hệ chưa tìm ra được giải pháp căn bản để giải quyết đến nơi đến chốn. Vì thế tuy đã thắng lợi hoàn toàn (cưỡng lại nhiều lần sự sắp xếp của những cường quốc), Việt Nam vẫn còn phải trả giá cho sự thắng lợi ấy.
Cái đà trượt ấy nếu đã gây ra những điều kiện bất ổn cho xây dựng (bị cô lập hoàn toàn) thì ở trong nước cái mô hình xây dựng mệnh danh là “chủ nghĩa xã hội” cũng không hề mang lại được chút kết quả nào. Đó chỉ là con đẻ của chiến tranh, nó theo con đường ủng hộ cuộc chiến tranh ấy của “phe” xã hội chủ nghĩa mà du nhập vào Việt Nam, hết Stalin, Mao Trạch Đông rồi đến Brejnev. Khi đem cái mô hình ấy ra xây dựng, nó không chứng tỏ một tí gì là “ưu việt”. Thực hiện ở một đất nước nghèo nàn, lạc hậu, lại diễn ra trong điều kiện mà người dân luôn luôn phải thắt lưng buộc bụng hy sinh, nhiều lắm nó chỉ là một thứ sản xuất tự túc để thích ứng với chiến tranh, tất cả đều được “kế hoạch hóa” trên những gì mà “bầu bạn” đã viện trợ để tiếp tục cuộc chiến tranh ấy, nó không thể là một hình mẫu để thúc đẩy sự phát triển đưa xã hội vào thế giới hiện đại. Người ta thường nhắc đến Kim Ngọc, bí thư tỉnh Vĩnh Phú ở miền Bắc trước 1970 đã bị phê phán và trừng trị thích đáng vì đã dám qua mặt Trung ương cho phép “khoán chui” với lý do: “nếu cứ xây dựng chủ nghĩa xã hội kiểu này thì cháo cũng không có mà ăn”! Đối với những người lãnh đạo, thật ra không phải họ không thấy tính chất khó nuốt của cục xương gọi là “xây dựng chủ nghĩa xã hội” đó – ít nhất rất khó thuyết phục người dân hy sinh cho nó một cách dễ dàng như trong chiến tranh. Nhưng do lù mù lâu ngày trong cái đám lý luận sơ khai về cái “thiên đường hạ giới” gắn chặt với chiến tranh, lại nhờ nó mà lấy được chính quyền, không thể hình dung ra một con đường nào khác hay hơn, họ cứ phải bám vào đó, ngoài việc sơn cho nó những lớp sơn huyễn hoặc, họ còn thường xuyên khai thác lòng yêu nước của người dân để giúp nó thêm động lực .[20]
Khi được bê nguyên xi vào áp dụng ở miền Nam Việt Nam sau khi thắng lợi hoàn toàn, cái mô hình đó lập tức đã phát huy ngay sức mạnh tàn phá của nó đối với tất cả những thành quả mà miền Nam đã đạt được trong suốt quá trình công nghiệp hóa (dù còn ở bước đầu) và hiện đại hóa. Chỉ còn vài năm, bắt đầu là “tiếp quản” rồi sau đó là “cải tạo” tư sản ở thành phố, “hợp tác hóa” ở nông thôn, đời sống người dân đã bị đẩy lùi lại tình trạng trước đó khoảng vài ba chục năm, khốn khổ như chưa bao giờ đã xảy ra, dưới chế độ phong kiến, thực dân. Nền sản xuất hàng hóa mở rộng đã bị phá vụn thành những khu vực nhỏ bé, chiếm lĩnh bởi những cái gọi là “ngành” hay “lãnh thổ”; bất cứ cơ quan nào hay địa phương nào (kể cả xã, ấp) cũng có thể lập ra các hàng rào, trạm gác để chặn xe cộ lại xét hỏi, tịch thu, đánh thuế; còn nếu có gì gọi được là sản xuất thì cũng chỉ là những phong trào vận động ồ ạt người ta đi “lao động xã hội chủ nghĩa” (đắp mương, làm thủy lợi…) hoặc rủ nhau đi ra khỏi thành phố xin đất để làm rẫy kiểu “tự túc” như thời kháng chiến trong rừng, tốn không biết bao xăng nhớt, thì giờ mà kết quả chẳng đi đến đâu [21]. Còn những chương trình gọi là “kinh tế mới”, giãn dân về các miền nông thôn để sản xuất thì chỉ là việc “đem con bỏ chợ”, đày đọa con người qua mọi khổ sở, cuối cùng không chịu nổi nên đã nhếch nhác kéo nhau về lại thành phố, ngủ đường ngủ chợ sau khi đã tán gia bại sản. Trong khi nông thôn trở về nền kinh tế tự cung tự cấp (thiếu máy móc, phân, giống) dưới danh nghĩa “tập đoàn” thì thành thị lại bị biến thành một thứ nông thôn lạc hậu, đi đâu cũng thấy người ta phá các luống hoa để trồng rau, còn nhà cửa thì hầu hết đều bị biến thành những chuồng heo, chuồng gà, chuồng thỏ nồng nặc mùi cám, mùi phân. Các công sở, vốn là chỗ làm việc trang nghiêm, cũng đã biến thành một thứ chợ nho nhỏ: cả ngày người ta chỉ lo mua bán, cung cấp xăng dầu, nhu yếu phẩm (một tí gạo, một tí xà phòng, cá, thịt…). Là một cái vựa thóc, trong những năm tháng ấy, người dân miền Nam đã phải ăn độn với khoai lang, khoai mì và khủng khiếp nhất là với cái gọi là… bobo do Liên Xô viện trợ.
Từ sự phản ứng trong xã hội đến sự chuyển động trong Đảng
Sự phản ứng của xã hội đối với cái mô hình ấy là tất yếu: điều đó đã xảy ra từ lâu ở miền Bắc. Có điều gì cần nói thêm thì nên chú ý rằng cái phản ứng ấy đã diễn ra một cách khá đặc biệt mà chỉ có những người sống lâu năm trong chế độ cộng sản mới hiểu được: đó là thái độ hai mặt, bên ngoài thì vâng dạ, cảm ơn rối rít, nhưng trong lòng thì hoàn toàn nghĩ khác, trước mặt các “Anh”, các “Bác” thì ghi ghi chép chép tỏ vẻ “quán triệt” lắm nhưng về nhà thì lại làm ngược lại. Thái độ ấy thường bị xem là “tiêu cực”; nhưng đó chỉ là bước đầu – tất cả những thứ tệ hại khác như vô trách nhiệm, dối trá, báo cáo láo, trây lười… đều sẽ diễn ra tiếp theo. Thái độ ấy cũng tràn vào miền Nam sau 1975 một cách thật nhanh chóng: sau một thời ngắn ngủi “hồ hởi” đón chào “các anh”, đầu tiên người ta không biết làm gì hơn là “chà đồ nhôm” (“chôm đồ nhà” – nói lái – đem đi bán ăn dần), nhưng sau đó người ta cũng phải làm một cái gì đó để tồn tại (“chẳng lẽ lại lăn ra mà chết”). Và làm gì để tồn tại trong một khung cảnh cực kỳ khó khăn như vậy thì chỉ có Trời mới biết thôi. Nhờ hàng của gia đình ở nước ngoài gửi về? Xếp hàng mua giá chính thức đem ra bán lại cao hơn để lấy lời? Ăn cắp mọi thứ có thể ăn cắp được (điện, thuốc, xăng dầu, hóa chất…)? Trốn thuế? Buôn lậu? Tất cả đều có thể. Và tất cả đều diễn ra trong mối quan hệ giữa dân và nhà nước, giữa cái không chính thức và cái chính thức. Và nói theo ngôn ngữ kinh tế thì đó là mối quan hệ giữa thị trường và thị trường đen. Khi thị trường có gì khiếm khuyết thì thị trường đen sẽ bổ sung vào; nhưng vì ở Việt Nam, theo lý luận về chủ nghĩa xã hội, thị trường không được thừa nhận một cách hợp pháp cho nên trong thực tế nếu có gọi được là thị trường thì chỉ có thị trường đen. Một mặt nếu nó giúp người ta tìm ra được những thứ cần dùng với một giá cao mà chỉ có những người buôn lậu mới cung cấp được, nếu nó góp phần lưu thông hàng hóa giữa vùng này sang vùng khác, giữa nông thôn và thành thị, thì mặt khác nó cũng tạo ra một cung cách làm ăn đặc biệt, là việc đục khoét, moi móc tất cả những gì có thể moi móc được trong kho nhà nước, trong thương nghiệp và xí nghiệp quốc doanh để đưa ra bổ sung cho thị trường đen; tham gia lối làm ăn này không phải chỉ có những “con phe” mà còn bao gồm cả chính những cán bộ cách mạng ở trong guồng máy nhà nước nữa.
Có lẽ cũng nên dừng lại một chút ở một loại thị trường đen khá đặc biệt vào lúc bấy giờ: đó là thị trường vượt biển (một hình thức tổ chức vượt biên bằng thuyền, phổ biến hơn những hình thức khác). Muốn tham gia thị trường này người mua lẫn người bán phải có một số tiền khá lớn (tính bằng vàng). Cùng với những chi phí bỏ ra để đóng thuyền và chạy những giấy má để làm bộ hành nghề với chiếc thuyền ấy (chuyên chở, đánh cá), giá các suất vượt biên còn tùy thuộc rất nhiều vào chi phí mà những người tổ chức phải trả cho những viên chức liên hệ (quân đội, công an, ủy ban nhân dân…) gọi là để “mua bãi”. Cuộc mua bán khá tấp nập một thời nếu đã phá tan tành không biết bao sự nghiệp, cướp đi không biết bao sinh mạng thì nó cũng đã làm xuất hiện một lớp “nhà giàu mới” với những cuộc ăn chơi cực kỳ xa hoa (chủ yếu đãi đằng các quan chức) trong khung cảnh nhếch nhác chung của xã hội. Tại sao người ta lại bỏ xứ ra đi với những phương tiện mong manh, nguy hiểm như vậy? Có thể là vì lý do chính trị, là kinh tế, là thấy người ta đi cũng đi theo… nhưng với lý do nào đi nữa thì điều đó cũng là lời tố cáo không thể biện minh được đối với một chế độ thường hay khoe khoang về tính “ưu việt” của mình. Nhưng nó cũng chứng tỏ cái phản ứng của người dân lúc bấy giờ là tuyệt vọng đến như thế nào trước một chế độ mà họ hầu như không còn tin được vào sự đổi thay. Có thể nói đó mới chính là cái kết quả tổng hợp nhất giải thích sự thất bại của tham vọng “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội” của Đảng; góp phần làm thất bại tham vọng ấy gồm đủ tất cả những nhân tố, từ sự trả đũa của Mỹ và Trung Quốc về màn sau của cuộc chiến tranh đến sự ngạo mạn của những người chiến thắng cuộc chiến tranh ấy, từ sự phá sản trên thực tế không gì biện minh được của cái mô hình “chủ nghĩa xã hội” hoang tưởng đến những vùng vẫy đau đớn của những người dân bị trị, và về sau còn có sự suy thoái ngày càng táo tợn của chính cái guồng máy nhà nước thống trị nữa.
Những sự tệ hại nói trên đã tác động gì đến hàng ngũ những người lãnh đạo vào những năm tháng ấy khiến họ phải quyết định điều chỉnh đường lối? Về mặt này nếu ai có được những kinh nghiệm trực tiếp thì đều thấy rằng, ngoại trừ một số dường như chìm đắm trong những cơn mộng du, phần đông những đảng viên có liên hệ với thực tế đều bất mãn trước những gì xảy ra – ít nhất thì những cảnh tượng ấy cũng đã đi ngược lại với những gì mà họ đã ý thức rõ ràng khi vào Đảng. Nhưng guồng máy tổ chức của Đảng không được lập ra để đề ra những thay đổi kịp thời trước những đòi hỏi thực tế: sự tồn tại của guồng máy là để thực hiện những nguyện vọng lâu dài, bền vững của nhân dân và điều này thì chỉ có được khi nhân dân biết nghe theo Đảng để “tiến lên” chủ nghĩa xã hội. Căn cứ vào đó, Đảng phải có nhiệm vụ “uốn nắn” lại những gì tự phát, giáo dục lại những gì lệch hướng trong nhân dân và cả trong đảng viên cán bộ. Guồng máy cầm quyền vì thế cũng phải được tổ chức một cách thật chặt chẽ để có thể thực hiện nhanh chóng câu “nhất hô bá ứng” trong lãnh đạo và chỉ đạo. Tuy thế nếu căn cứ vào lý thuyết mà hình dung guồng máy ấy như một cái gì đó thật sít sao, ăn khớp răm rắp như cái máy cái kéo theo hàng loạt những máy con thì lại là điều không thực tế. Bởi vì cái guồng máy ấy đã chứa trong bản thân nó những mâu thuẫn không bao giờ có thể giải quyết được.
Trước hết là mâu thuẫn giữa lý thuyết và thực hành. Trong lý luận về phát triển, chúng ta nên chú ý đến tính chất đặc biệt trong chủ nghĩa Mác, coi sự tăng trường kinh tế là quan trọng nhất, chỉ có giải quyết được một cách có hiệu quả thì mới có cơ sở để tạo nên những biến đổi trên mặt thượng tầng và ý thức. Tuy thế, với sự phát triển của Lênin đối với những nước chưa phát triển thì chính trị chính là khâu then chốt để xây dựng kinh tế: việc xây dựng ấy lại tỏ ra bất khả thi xét về lâu dài vì những biện pháp tập trung quá đáng, biểu hiện thành việc nhà nước khống chế toàn bộ đời sống kinh tế đã quay lại hủy diệt mọi động cơ phát triển. Chủ nghĩa tập thể ở đây, cùng đi chung với nó là sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất đã không thích hợp cho sự phát triển trong điều kiện xã hội đã vượt qua thời kỳ cách mạng để xây dựng trong hòa bình. Để duy trì được cuộc sống một cách tự nhiên, toàn bộ xã hội (kể cả trong Đảng), luôn luôn phải tìm cách leo lách để chống lại.
Một mâu thuẫn khác có ý nghĩa khá nghiêm trọng là mâu thuẫn giữa tập trung và dân chủ. Dân chủ là thừa nhận sự khác nhau của nhiều khuynh hướng, nhưng khi đã tập trung rồi thì những khác nhau ấy phải được giữ kín trong sự “bảo lưu”, không được truyền bá, không được nói ra. Điều đó nếu thích hợp với những hoạt động quân sự, cách mạng, chiến tranh thì lại hoàn toàn không mang đến hiệu quả trong những hoạt động kinh tế, văn hóa. Các tìm tòi về mặt khoa học và tư tưởng nếu không được tự do bộc lộ thì sẽ không tạo ra được không khí sáng tạo kích thích sự đổi mới liên tục. Do vậy các địa phương, cơ sở, các ngành nghề muốn có được những hậu quả tối thiểu trong hoạt động, trong khi bên ngoài vẫn làm ra vẻ tuân phục bên trên, trong thực tế đã phải tìm cách làm ngược lại, làm khác đi để tháo gỡ những khó khăn do cơ chế mệnh lệnh hành chính gò bó họ.
Những mâu thuẫn trên đây cho chúng ta thấy cái cơ chế tập trung đặc biệt cộng sản đã chứa trong bản thân những nhân tố làm vô hiệu hóa tính thống nhất của nó một cách dai dẳng: thay vì được bộc lộ ra ngoài để giải quyết nhanh chóng thì chúng lại luồn sâu vào trong làm cho nội bộ ngày càng ruỗng nát nhưng bên ngoài thì vẫn nguyên vẹn. Trong những trường hợp khủng hoảng thì những mâu thuẫn nội tại ấy sẽ tìm cách phá vỡ phần nào cái vỏ xơ cứng và bộc lộ ra bằng những hình thức mà người ta gọi là “xé rào”, “vô kỷ luật”, rất thường gặp trong cách nói năng, viết lách hoặc hành động không chịu theo những khuôn phép đã quy định. Thông thường những hành vi và lời nói như thế bao giờ cũng bị “phê phán”, trấn áp, nhưng sau đó thể nào cũng sẽ được đưa vào Nghị quyết mới, một phần nào đó và dưới một hình thức nào đó với tư cách là “tư duy của tập thể Đảng”. Cuộc vận động cải cách trong chế độ cộng sản vì thế bao giờ cũng chậm chạp và mang tính chất đấu tranh nội bộ rất gay gắt, nhiều khi đẫm máu.
Những hiện tượng xé rào
Vào thời điểm 1979, chúng ta thấy cơ chế trên đây đã bị quy định bởi một số tiền đề khách quan sau đây:
– Chính sách trả đũa của Mỹ đã gây cho Việt Nam những khó khăn trầm trọng, nhưng xét về tác động thay đổi thì lại không có gì đáng kể – dù sao Mỹ cũng tàn phá không thương tiếc Việt Nam và đã thất bại về sự tàn phá đó. Những người Việt Nam sang Mỹ hoàn toàn có lý do để phất cao ngọn cờ “chống cộng” nhưng đối với suy nghĩ chung của người trong nước thì những người Việt Nam ấy đã trở nên những con người của quá khứ – họ cũng chỉ là sản phẩm thất bại của Mỹ. Hành động có ý nghĩa của những người trong nước (được Mỹ cổ vũ) là vượt biên, nhưng chúng ta đã biết, đó chỉ là những hành động tuyệt vọng, mặt khác nó tạo ra một tâm lý xì hơi, một lối thoát ở ngoài cho những khó khăn bên trong.
– Cuộc chiến tranh với Trung Quốc cũng có một tác động tương tự. Tuy có tác động phân hóa hàng ngũ Đảng, nhưng đặt vào truyền thống chống Bắc phương của người Việt Nam thì vẫn được xã hội tán đồng. Xét về một mặt khác, điều đó cũng lại là một kích thích mới cho những canh tân tư tưởng và văn hóa. Nương theo đường lối chống “bành trướng Bắc kinh”, những trí thức và văn nghệ sĩ đã đặt vấn đề chống chủ nghĩa Mao ở Việt Nam, hệ tư tưởng này đã đè nặng lên đời sống tinh thần của Việt Nam từ lâu, nay nhân có chiến tranh với Trung quốc, đã có dịp bùng ra [22].
– Việc Việt Nam ngả hẳn sang phía Liên Xô, trong bối cảnh ấy, đã có tác dụng thuận lợi cho xu hướng cải cách: trong sự giới hạn về tư duy lúc bấy giờ, dù sao chủ nghĩa xã hội thực hiện theo kiểu Liên Xô vẫn cởi mở hơn [23] và điều đó đã giả định một thứ mô hình “chủ nghĩa xã hội” chân chính nào đó mà người ta có thể “vận dụng”, noi theo. Có hiểu điều này chúng ta mới hiểu được cái hướng cải cách bấy giờ ở Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi cái mà người ta gọi là những “điều chỉnh” hoặc những “cải cách xã hội chủ nghĩa”. Và đây chính là hợp điểm để các xu hướng khác nhau trong Đảng tạo ra được Nghị quyết tháng 9-1979.
Tất nhiên, như chúng ta đã biết, để có được quyết định công khai ấy, trong Đảng và xã hội đã diễn ra không ngừng những hoạt động tạo áp lực ngày càng mạnh mẽ mà chúng ta có thể kê ra một số hiện tượng đáng lưu ý như sau:
Về mặt kinh tế: Cùng với phản ứng tiêu cực của toàn bộ xã hội (lãn công, ăn cắp…) các hành động chống lại đường lối chung (kiểu Kim Ngọc ở Vĩnh Phú hồi thời còn chiến tranh) vẫn tiếp tục. Những gì xảy ra ở miền Nam đã biểu hiện được thành một phong trào có quy mô lớn, diễn ra công khai và được những người lãnh đạo địa phương ủng hộ lúc khởi đầu. Nhiều người đã viết về đề tài này, ở đây chúng tôi chỉ dẫn ra một số thí dụ được ông Nguyễn văn Linh, Bí thư thành ủy lúc bấy giờ xác nhận:
“… đầu năm 1979 (tôi nhấn mạnh, LP) đã xuất hiện một số mô hình tháo gỡ trong một số cơ sở sản xuất công nghiệp như Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dược phẩm 2-9, Nhà máy bia Sài Gòn, Xí nghiệp Dược thú y, Xí nghiệp dệt Thành công, Phong phú, Phước Long, Thắng Lợi, Dệt Đay 13, Xí nghiệp cơ khí Caric, Silico, Vinappo, Sinco, v.v… Điển hình là Công ty bột giặt miền Nam đã tổ chức lại sản xuất, liên kết với nhiều tỉnh miền Tây và miền Trung khai thác nguyên liệu, trao đổi thành phẩm, xây dựng phương án sản xuất ngoài kế hoạch, pháp lệnh, nâng cao được thu nhập cho công nhân bằng áp dụng lương khoán, lương sản phẩm,vận dụng các chế độ thưởng linh hoạt hơn, giải quyết cho công nhân thêm cho nhiều mặt hàng ngoài 10 mặt hàng cung cấp theo định lượng, giải quyết bữa ăn…” [24].
Qua sự trình bày trên, người ta thấy nội dung “tháo gỡ” về mặt kinh tế đã mang ý nghĩa chống tập trung quá đáng theo mô hình “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” áp đặt vào miền Nam: đó chính là phản ứng tự nhiên của sản xuất muốn mở rộng, giao lưu, không chấp nhận đường lối bắt mọi thứ phải tập trung vào nhà nước. Đây chính là những cựa quậy ban đầu để dần dần tiến tới đòi quyền tự trị cho cơ sở được phát triển về sau. Chủ trương “tháo gỡ” này bắt đầu từ thành phố Hồ Chí Minh đã mang ý nghĩa đặc biệt: nó xuất phát từ trung tâm kinh tế, văn hóa của một miền đất đã có truyền thống lâu năm về tiếp cận với những biến chuyển nhanh chóng của thế giới, đã từng một thời hội nhập với thế giới để phát triển.
Về mặt tư tưởng, nếp sống: Đồng thời với việc chống áp đặt kinh tế cũng đã xuất hiện xu hướng của những người tham gia cách mạng ở miền Nam, chống lại sự xâm nhập của lề lối quản lý mang từ miền Bắc vào đối với những vùng gọi là “mới giải phóng”. Vào lúc bấy giờ, đây là một hiện tượng đáng chú ý, đặc biệt với lệnh giải tán Trung ương cục R và sau đó không kèn không trống khai tử cái gọi là “Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam”. Tuy mang màu sắc “Bắc Nam” (vốn là vấn đề ngày càng tỏ ra giả tạo), nhưng bấy giờ ý nghĩa chính trị và tâm lý của sự phản ứng mang ý nghĩa văn hoá rõ rệt. Các hiện tượng sau đây có lẽ sẽ không bao giờ xóa được khỏi ký ức con người vào cái thời cực kỳ đen tối ấy: cùng với việc đi truy lùng, tịch thu (và cả phá phách) những thứ gọi là “chiến lợi phẩm”, người ta bắt đầu tiến hành những chiến dịch cải tạo rầm rộ như chặn đường cắt tóc, cắt quần thanh niên, chặn đường rút xăng trong xe gắn máy (để gọi là chống nguồn tiêu thụ xăng nhà nước), (có nơi) bắt xe đạp phải mang biển số, nhập kinh thánh vào hàng sách “đồi trụy và phản động” cần phải tịch thu… Tất cả đều nhân danh cho một cái gì đó gọi là “cách mạng”, “lành mạnh”, “tiến bộ” những mọi thứ đều tỏ ra kỳ quái đến chỗ khó tưởng tượng được.
Những người cầm bút ở miền Nam lúc bấy giờ (phần đông đều là những thành phần tham gia cách mạng “tại chỗ”) đã bày tỏ sự bất bình một cách công khai và gay gắt trong các cuộc họp hoặc trên báo chí. Nguyễn Trọng Văn (lúc bấy giờ ở Hội Trí thức yêu nước) đã phát biểu thẳng thừng rằng những hành vi trịch thượng, ngu dốt của những cán bộ luôn luôn gồng lập trường lên để dạy dỗ người khác đó chính là một thứ chuyên chính gọi là “chuyên chính vô học”. Tạp chí Đứng dậy của Nguyễn Ngọc Lan đã để hẵn một số đặc biệt [25] đả kích thái độ chụp mũ bừa bãi trong những cuốn sách, bài báo gọi là “phê phán văn hóa thực dân mới” nhưng nhìn đâu cũng thấy những “tàn dư” của “Mỹ Ngụy”, cố ý bôi nhọ cả một miền đất đã không ngừng biết giữ phẩm giá của mình trong những hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện tượng cán bộ Đảng biến chất, xa rời thực tế, xa rời nhân dân, đẩy đất nước vào nghèo khổ, lạc hậu cũng đã được báo Tin Sáng của Ngô Công Đức vạch ra trong mấy số [26]. Đó không phải là sự phê phán nhằm những sự kiện rời rạc mà còn muốn báo động với xã hội hiện tượng suy thoái của một đảng cách mạng khi bắt đầu nắm được chính quyền.
Những phê phán trên đây đã gây nên những phản ứng quyết liệt trong giới quan chức có nhiệm vụ gác cổng về mặt tư tưởng cho Đảng; tất cả đều đã bị kết án gay gắt như: “phản động”, “chống đảng một cách tinh vi” v.v…
Cũng về mặt văn hóa, vào lúc bấy giờ ở miền Bắc đã xảy ra hiện tượng chống chủ nghĩa Mao trong văn nghệ, mang tính lý luận mà ảnh hưởng của nó đã kéo dài mãi đến sau này. Khởi đầu là bài viết của Hoàng Ngọc Hiến đăng trên báo Văn nghệ [27] để tiếp ngay sau đó là Đề cương đề dẫn về sáng tác văn học do Nguyên Ngọc [28] trình bày tại Hội nghị đảng viên tổ chức tại Hà Nội vào tháng 6-1979, cả hai đều thống nhất với nhau trên lập luận cho rằng phải đưa việc phê phán chủ nghĩa Mao trong lĩnh vực chính trị sang văn nghệ, phê phán luận điểm “văn chương phục vụ chính trị”, từ đó trả lại cho văn nghệ chức năng riêng biệt của nó là sáng tạo ra một thế giới có cá tính và tự do. Tất nhiên các bài viết này, xuất hiện vào lúc bấy giờ, vẫn chưa dám vượt khỏi ngưỡng cửa của đường lối chính thống, nó chỉ nhân danh đường lối ấy để chấn chỉnh những cái quá thô bạo; tuy vậy khi xuất hiện, chúng cũng bị những người lãnh đạo cao cấp coi là một thứ “tà khí” cùng với những thứ tà khí trước đó, góp phần “phủ định những thành tựu văn học trong chiến tranh”, và “dao động ngay trên những nguyên tắc cơ bản của nền văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa” [29].
Hiện tượng bị đả kích ấy thật ra quy mô không lớn lắm, sự phê phán không mang tính trực diện như những gì đã xảy ra trước đó (Nhân văn Giai phẩm) và sau đó (văn nghệ đổi mới sau 1986), nhưng sở dĩ nó làm cho những người lãnh đạo tức giận là do những thứ lý luận đó đang muốn đưa văn nghệ ra khỏi cái thân phận làm cần vụ cho chính trị, hoặc toan tính không thừa nhận tính chất “tuyệt vời” trong cái hiện thực “xã hội chủ nghĩa” do đảng tạo ra. Cùng với kinh tế, văn nghệ cũng đã góp phần tạo ra những áp lực buộc những người lãnh đạo phải điều chỉnh lại đường lối.
Hội nghị Trung ương 6 (khóa IV, tháng 9-1979)
Nghị quyết này có phần nói hẳn về kinh tế mang tên Về phương hướng nhiệm vụ phát triển hàng công nghiệp tiêu dùng và công nghiệp địa phươngnhưng có một phần khác toàn diện hơn gọi là Tình hình nhiệm vụ cấp bách [30], qua đó người ta thấy nổi bật lên mấy quan điểm nhận thức:
– Việc đánh giá tình hình đã trở nên thực tế ; đà trượt của chiến tranh cũng đã được tính đến (mất viện trợ Mỹ, chiến tranh biên giới) cùng với những hậu quả gay gắt (nạn thất nghiệp, đời sống sút kém…). Tiềm năng của miền Nam do Mỹ để lại có lúc được cán bộ “hồ hởi” đón nhận như là một thứ chiến lợi phẩm dùng đó làm bàn đạp tiến nhanh thì nay đã được đánh giá lại sau một thời gian làm cho thất thoát, hư hỏng.
– Việc đánh giá những sai lầm chủ quan của lãnh đạo cũng được đề cập thẳng thắn hơn: từ bệnh duy ý chí, muốn đốt giai đoạn, bất chất quy luật đến sự suy thoái của cán bộ và phương pháp quản lý thiếu hiệu lực đều được nêu ra. So với trước đây, đó là một bước tiến lớn vì đã phần nào đỡ huênh hoang hơn, đỡ ngạo mạn hơn.
Chính từ những đánh giá trên đây mà những biện pháp đưa ra cũng tỏ ra thiết thực hơn. Cùng với tư thế “sẵn sàng chiến đầu bảo vệ Tổ quốc” (chiến tranh với Trung Quốc), việc chống các hiện tượng tiêu cực (ăn cắp, hối lộ, ức hiếp quần chúng) cũng được đặt biệt nhấn mạnh bên cạnh nội dung chính yếu về kinh tế với một số điểm căn bản sau đây:
– Tháo gỡ một số hạn chế trong các chính sách, chế độ quản lý để các khu vực quốc doanh, tập thể, lưu thông phân phối “bung ra” hoạt động. Nhưng việc “bung ra” ấy, theo Nghị quyết thì phải có kế hoạch, chứ không muốn làm gì thì làm. Thực chất đây chỉ là những biện pháp gỡ bí, cho phép các cơ sở sản xuất tự xoay xở tìm nguyên liệu, vật tư, thị trường, vốn liếng để chấm dứt tình trạng nhà máy bị đóng cửa, công nhân không có việc làm, sản xuất bế tắc, đời sống thấp kém vốn là những hiện tượng phổ biến vào lúc bấy giờ.
– Cho phép những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và tập thể hoạt động gọi là để “tận dụng” mọi khả năng về lao động, kỹ thuật, vốn liếng, có lợi cho sản xuất. Biện pháp này không mới nhưng nay nhắc lại cũng là để gỡ bí phần nào cho sự thất bại quá rõ rệt của khu vực quốc doanh trong việc đáp ứng các nhu cầu thiết thực của xã hội. Cần chú ý là về mặt lý luận, những biện pháp này chỉ được chấp nhận trong thời kỳ quá độ, chứ không phải là vĩnh viễn. Vì thế ngay trong khi thừa nhận sự cần thiết của các thành phần tư nhân thì cũng chỉ trong lĩnh vực sản xuất thôi, hơn nữa chỉ cho phép những xí nghiệp loại nhỏ, vừa hoạt động chứ không phải là tất cả. Đặc biệt tư thương thì phải xóa bỏ. Nói chung nếu để cho các thành phần tư nhân, cá thể (gọi là phi xã hội chủ nghĩa) lấn áp, xói mòn những thành phần quốc doanh, tập thể (gọi là xã hội chủ nghĩa) là sai lầm về quan điểm.
– Những biện pháp trên đây đều dựa trên quan điểm lý luận về thời kỳ quá độ là vận dụng các quan hệ thị trường để bổ sung cho kế hoạch nhưng không để cho thị trường chi phối sản xuất một cách “tự phát” như trong chủ nghĩa tư bản, vì thế khi nói đến thị trường thì phải phân biệt thị trường có kế hoạch với thị trường ngoài kế hoạch để sử dụng cái thứ hai “bổ sung” cho cái thứ nhất. Còn cái gọi là “thị trường có kế hoạch” thì chỉ có nghĩa là để cho các cơ sở sản xuất quốc doanh tự xoay xở, tự kinh doanh theo cách thức của thị trường, có hạch toán lời lỗ chứ không hoàn toàn là mặt bằng thụ động, tùy thuộc vào cơ chế “giao nộp cấp phát” như cũ. Thị trường có kế hoạch chỉ là một cách diễn tả về mặt lý luận mấy chữ “kinh doanh xã hội chủ nghĩa” thôi: nó chỉ dừng lại ở chỗ trao đổi hàng hóa chứ chưa phải được quan niệm rộng rãi như hiện nay, ngoài thị trường hàng hóa còn có thị trường vốn, lao động, kỹ thuật…
Nghị quyết còn đề cập nhiều vấn đề khác (ngoại thương, quốc phòng, làm chủ tập thể…) nhưng trọng điểm của nó vẫn là kinh tế mà nội dung cốt lõi là hợp pháp hóa bằng cách đặt ra những giới hạn mang tính nguyên tắc để những hành động ấy không tái diễn nữa, hoặc không vượt qua. Theo ngôn ngữ của guồng máy, người ta gọi đó là “lãnh đạo”, nhưng thực tế chỉ có nghĩa l�� sau khi chạy theo sự kiện người ta liền gò các sự kiện ấy vào những định hướng mang tính ý thức hệ và kỷ luật của tổ chức. Đúng như Nghị quyết đã khẳng định: đó chỉ là một thứ nhiệm vụ “cấp bách” đưa ra để đối phó với tình hình đã bị đẩy tới chân tường.
Ý nghĩa đó của Nghị quyết tháng 9-1979 sẽ bộc lộ rõ hơn khi chúng ta đặt nó vào toàn bộ đường lối của đảng từ Đại hội IV (tháng 12-1976) đến cuối Đại hội V (cuối năm 1985) mà những nội dung sau đây là rất nhất quán:
– Trước sau vẫn coi Liên Xô là chỗ dựa vững chắc về mọi phương diện, cho nên những thay đổi về lý luận ở Liên Xô đều được giới thiệu, học tập ở Việt Nam. Trong khi đó thì Trung Quốc vẫn bị coi là kẻ thù “trực tiếp” lúc nào cũng phải chuẩn bị để đối phó. Do việc chiếm đóng Kampuchia kéo dài, Việt Nam tiếp tục bị cô lập trên thế giới, nên dù được Liên Xô viện trợ, việc xây dựng trong nước vẫn tiếp tục bất lợi. Chỉ khi sau Đại hội VI một thời gian, mối quan hệ giữa Liên Xô với Trung Quốc trở nên hòa hoãn lại, Việt Nam chấp nhận rút quân khỏi Kampuchia thì mối quan hệ của Việt Nam với thế giới mới được cải thiện, có lợi cho xây dựng.
– Trong xây dựng, vẫn tiếp tục đi theo chiến lược đã vạch, dựa theo đường lối ngoại giao đã nói trên. Thân Liên Xô cho nên mọi chuyển động từ Liên Xô đều được giới thiệu, vì vậy mô hình Stalin cũng dần dà bị pha loãng bớt vào thời Brejnew; chống Trung Quốc nên việc chống chủ nghĩa Mao về mặt dân tộc (bành trướng) đã có ảnh hưởng gỡ bớt những phần khác của chủ nghĩa Mao đã xâm nhập vào Việt Nam trong thực tế. Tuy vậy, tất cả những thuộc tính của một thứ “chủ nghĩa xã hội” du nhập vào Việt Nam từ thời chiến tranh và bị cuộc chiến tranh khuôn nắn khá nặng nề thì vẫn giữ nguyên “truyền thống” của nó: ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, công hữu về tư liệu sản xuất, chủ nghĩa tập thể, tập trung dân chủ, não trạng vô sản bần cố nông, tư duy làng xã xa lạ hoàn toàn với những biến đổi của thế giới. Chính những thuộc tính mang tính hầu như “bản chất” của Đảng cộng sản Việt Nam đã giải thích việc mặc dù đã có Hội nghị tháng 9-1979 với những tháo gỡ nào đó, sau đó liên tục người ta vẫn đặt vấn đề đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa hoặc thúc đẩy phải hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp vào năm 1985.
– Về mặt ý thức hệ thì đường lối trên đây càng rõ ràng hơn. Mặc dù đã có không ngớt những cựa quậy trong giới văn nghệ sĩ (đặc biệt trong giới làm văn học) đòi nới lỏng vòng kiểm soát của Đảng đối với tư tưởng, mặc dù mô hình “chủ nghĩa xã hội” nửa Stalin nửa Mao đã bị sự cọ xát giữa Liên Xô Trung Quốc làm bớt đi tính cực đoan, nhưng những nguyên lý sơ khai về “chủ nghĩa xã hội” đối với Đảng cộng sản Việt Nam, nhất là áp dụng vào lĩnh vực chính trị và văn hóa trong nước thì vẫn không hề suy xuyển. Tất cả những nỗ lực tìm tòi trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, một phần nào triết học để làm cho những giáo điều cũ bớt thô thiển đi, mang được một phần nào hơi hướng mềm mỏng hơn, vẫn bị những người lãnh đạo liệt vào những thứ “xét lại”, “tư sản”, “tiểu tư sản” thù địch với hệ tư tưởng Mác-Lênin. Có thể thay đổi về cách làm kinh tế, có thể bắt tay cả với những kẻ thù về mặt chính trị, nhưng nhất quyết phải dập tắt từ trứng nước những xu hướng khác nhau nảy sinh trong nội bộ – truyền thống mang tính “quốc tế” này, những người lãnh đạo cộng sản Việt Nam không bao giờ quên.
Như vậy nếu đặt Nghị quyết tháng 9-1979 vào đường lối chung của Đại hội IV và V, chúng ta thấy những cái gọi là “đổi mới” ở đây chỉ có nghĩa lànhân nhượng chiến thuật, qua những nhân nhượng ấy, Đảng vẫn hy vọng bảo vệ được những nguyên lý gọi là “khoa học” của mình. Nhưng vấn đề không đơn giản. Những nhân nhượng ấy đưa ra trong tình thế mà sự khủng hoảng đã đi đến tột độ, tuy có “tháo gỡ” được cái ngòi nổ, nhưng lại không có tác dụng giữ nguyên được những nguyên lý ấy. Những mâu thuẫn căn bản trong guồng máy quản lý càng trở nên căng thẳng hơn: một bên là cái nhu cầu về hiện đại hóa của đất nước ngày càng trở nên bức bách, một bên là một quan niệm về tổ chức dựa trên một ý thức hệ ngày càng tỏ ra lạc hậu, lỗi thời. Những gì diễn ra sau Nghị quyết tháng 9-1979 cho mãi đến trước Đại hội VI tháng 12-1986 đã chứng minh cho điều đó.
Ai thắng ai?
Chúng tôi có nhắc đến cuốn Thành phố Hồ Chí Minh 10 năm của ông Nguyễn Văn Linh với đoạn ông ca ngợi hết sức cái mô hình “bung ra” năm 1979, với những bài học mà ông cho là sâu sắc giữa “cái mới và cái cũ”, giữa “tiến bộ và lạc hậu”, những bài học về “sức sống thường xuất hiện ở cơ sở”… và sau đó ông cũng đã ca ngợi hết mực Nghị quyết Trung ương 6 tháng 9-1979 tiếp đó là Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng năm 1981 về kế hoạch ba phần, trả lương khoán, lương sản phẩm trong xí nghiệp quốc doanh. Nhưng sau khi biểu dương như vậy trong chương “Phấn đấu giữ vững và phát triển vai trò trung tâm công nghiệp” của thành phố, thì khi sang chương gọi là “Cải tạo và tổ chức lại nền kinh tế”, ông đã làm cho người ta hết sức ngạc nhiên khi chính cái khoảng thời gian mà ông ca ngợi lại cũng là khoảng thời gian mà ông cho rằng “vì buông lỏng cải tạo” nên tình hình chủ nghĩa tư bản tự phát đã lan tràn thành những hiện tượng đáng lo ngại như sau:
Số hộ làm ăn phi pháp giàu lên khá nhanh, không phải từ sản xuất mà từ móc ngoặc, ăn cắp tài sản xã hội chủ nghĩa. Trong công nhân, cán bộ kỹ thuật và trong nông dân tập thể đều có hiện tượng chân ngoài dài hơn chân trong. Trong thương nghiệp xã hội chủ nghĩa có tệ nạn tuồn hàng cho tư thương, xu hướng chạy theo lợi nhuận, tranh mua tranh bán không phục vụ tốt sản xuất và đời sống… [31].
Qua đoạn trích dẫn trên, chúng ta thấy tính chất dữ dội đến như thế nào của cái mà ông Linh gọi là “chủ nghĩa tư bản tự phát”; đó không phải chỉ là những hành vi móc ngoặc trong giới tư thương (đối tượng của cải tạo xã hội chủ nghĩa) mà còn là cung cách “kinh doanh” của các giám đốc quốc doanh (cơ sở chủ đạo của nền kinh tế quốc dân), và cách thức nâng cao đời sống của thành phần “tiên tiến” của xã hội mới (công nhân, nông dân tập thể…). Như vậy vấn đề ở đây không còn là quyền sở hữu (công cộng hay không công cộng) mà chỉ là phương thức hoạt động, và trong cách đặt vấn đề của những người lãnh đạo Đảng thì lý tưởng nhất vẫn là làm sao “bung ra” mà vẫn là xã hội chủ nghĩa, vẫn cho thị trường hoạt động nhưng vẫn xỏ mũi nó được như con ngựa bị khống chế bởi anh nài. Lý thì như vậy nhưng thực tế thì lại không phải như thế: hễ cải tạo thì sẽ đưa chủ nghĩa xã hội vào bế tắc mà bung ra (mượn những phương pháp tư bản chủ nghĩa) thì sớm muốn chủ nghĩa xã hội cũng sẽ không còn là chủ nghĩa xã hội nữa. Và đó chính là cái nan giải trầm kha của mọi ý hướng cải cách kinh tế vẫn còn nằm trong vòng giới hạn gọi là “cải cách xã hội chủ nghĩa”. Chính vì đã phải nhân nhượng nhưng không muốn nhân nhượng nhiều hơn cho nên những người lãnh đạo Đảng mới liên tục, sau Nghị quyết tháng 9-1979, đưa ra những đợt “điều chỉnh” để gò các sự kiện vào những phạm trù ý thức hệ, không cho những sự kiện ấy đi sai đường.
Người ta không quên được rằng chỉ sau Nghị quyết tháng 9-1979 một thời gian đã có rất nhiều đoàn thanh tra trung ương vào Sài Gòn xem người ta “bung ra” như thế nào. Và hầu hết đều cho rằng tình hình đã bắt đầu lộn xộn vì đã có nhiều dấu hiệu lệch lạc trầm trọng đến nỗi có một cán bộ cao cấp khi vừa đặt chân xuống sân bay đã “ngửi thấy ngay mùi Nam Tư rồi”. Người ta hiểu câu nói có nghĩa là gì: là những cuộc kiểm điểm liên tục sẽ được tổ chức để “uốn nắn” lại – thí dụ như cuộc “làm việc” của Trung ương với Thành ủy vào 1980 và Nghị quyết 1 của Bộ Chính trị về Thành phố Hồ Chí Minh (1982) ở đó người ta nhắc đi nhắc lại không ngớt những câu lập trường cực kỳ quan trọng như:
“buông lơi chuyên chính vô sản trên mặt trận lưu thông phân phối” hoặc “công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thương nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp và nông nghiệp chưa được tiến hành tích cực, đúng mức” [32].
Một trong những quyết định thường được nhắc tới để chứng minh cho sự chuyển động về quản lý đối với quốc doanh là Quyết định 25/CP của Hội đồng Bộ trưởng ban hành tháng 1-1981. Nhưng sau đó hơn một năm (tháng 8-1982) Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Quyết định 146/HĐBT phê phán mạnh mẽ một số xí nghiệp
“do thiên vị lợi ích tập thể và cá nhân người lao động mà có phần coi nhẹ lợi ích của nhà nước, chạy theo sản xuất phụ hơn là sản xuất chính, coi trọng kế hoạch tự làm hơn là kế hoạch do nhà nước giao. Thậm chí có nơi còn xà xẻo vật tư do nhà nước cung ứng để đưa sang phần tự làm hoặc sản xuất phụ; có nơi do việc sản phẩm và tiền mặt không được quản lý tốt, cho nên có hiện tượng phân phối nội bộ quá nhiều và tọa chi quá lớn” [33].
Xu hướng “mánh mung” qua mặt sự kiểm soát của Trung ương nhân danh các lợi ích cục bộ, địa phương ở đây đã xuất phát từ chính những cơ quan nhà nước, coi như là sự đối phó của nhà nước với nhà nước, chứ không phải là ở nơi nào khác. Và những hiện tượng ấy cũng không còn có thể coi là “đặc sản” của miền Nam nữa: mặc dù đã bị chặn đứng ngay từ lúc mới manh nha, xu hướng đã ngày càng lan ra cả nước.
Vì thế sự phê phán của Trưng ương đối với hiện tượng như trên ngày càng trở nên gay gắt, thí dụ như trong Hội nghị Trung ương khóa V, tháng 6-1983. Với Hội nghị này, người ta không còn đả kích sự bung ra quá trớn nữa, không còn nói đến sự tự phát của chủ nghĩa tư bản nữa mà đã nói đến cái mất của chủ nghĩa xã hội, ngay tự cái nền móng tư tưởng của nó: đó chính là cái xu hướng chạy theo lợi ích kinh tế thuần túy mà “coi nhẹ hẳn vai trò của tư tưởng, của chính trị”, kết quả có thể
“được về kinh tế, nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất toàn thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên, nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải, nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người” [34].
Không có gì rõ ràng hơn những nhận định mang tính “báo động đỏ” nói trên của một người gác cổng tư tưởng cho Đảng: sự thành công làm người ta nô nức do sự nhân nhượng về chiến thuật đối với chủ nghĩa tư bản mà có, sự nhân nhượng ấy không những đã thay đổi được trong chừng mực nào đó cái mô hình gọi là “quan liêu bao cấp” trì trệ mà còn tích lũy tiềm năng để phá hủy đến tận nền tảng cái động lực làm nên chủ nghĩa xã hội nữa. Cái hậu quả của sự bung ra về kinh tế, mặt dù chưa phải triệt để như sau này, nhưng cũng đã có tác dụng về chính trị và văn hóa hết sức hiển nhiên: đó là sự phủ định hết sức tự nhiên (ngoài cả dự liệu và trong ý thức) đối với một thứ triết lý quản lý đời sống hoàn toàn xa rời thực tế.
Không ít nhà lý luận quan phương đã tỏ ra bồn chồn hơn vì dường như xung quanh họ đã bắt đầu có những vết đất lở dưới chân khi họ thấy những điều mà họ gọi là “sai lầm, lệch lạc” chống lại mãi mà vẫn không đè bẹp được chúng:
Điều đáng phàn nàn không phải là ở sự xuất hiện những lệch lạc, những sai lầm, vì trong những chuyển biến cách mạng không dễ gì tránh khỏi dao động, khuyết điểm; có sai thì sửa, có lao chao thì rút kinh nghiệm để vững bước đi tới. Điều đáng phàn nàn là tình hình không ổn định bị kéo dài, do sự buông lỏng đấu tranh. Không phải lần đầu tiên trong văn nghệ xuất hiện những khuynh hướng sai lầm, trong đội ngũ có dao động. Đã có những lúc nghiêm trọng như những năm 1956-1958; nhưng một khi có ý kiến của bộ phận lãnh đạo cao nhất của đảng, cuộc đấu tranh theo đó được tiến hành, đời sống văn nghệ mau chóng trở lại trật tự của nó. Mấy năm vừa qua tình hình không diễn ra như thế. Mặc dù đã có ý kiến lãnh đạo của lãnh đạo cao nhất của đảng, nhưng lệch lạc không được uốn nắn nghiêm túc, tình trạng mơ hồ, lởn vởn kéo dài. Ở văn học hiện tượng dao động xuất hiện trước tiên ở bộ phận lãnh đạo và trong lý luận phê bình. Nhân danh đổi mới, vươn tới những đỉnh cao, một số anh em có khuynh hướng phủ định những thành tựu văn học trong chiến tranh. Một số tác phẩm có vẻ triết lý “uyên thâm” nhưng mơ hồ về phương hướng nhuốm màu vị ngán ngẩm tiểu tư sản cũng xuất hiện. Tình hình tương tự cũng đã xảy ra ở các ngành nghệ thuật, tuy mức độ ở mỗi ngành không giống nhau [35].
Tính dai đẳng, khó “uốn nắn”, quy mô mở rộng đến nhiều lĩnh vực, nhiều hình thức – đặc biệt là hình thức tiếu lâm đen, xuất hiện trên đường phố, chợ búa, riêng tư, truyền nhau rỉ tai trong cơ quan, châm chích, trêu chọc sự ngu dốt, gàn bướng, ngạo mạn của tầng lớp lãnh đạo tham quyền cố vị [36] – đã chứng minh cho sự phá sản hầu như toàn diện của cái mô hình “truyền thống” về chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã ra công xây dựng thành một thứ lý tưởng trong suốt một thời gian dài.
Rõ ràng là những nhân nhượng chiến thuật về kinh tế bung ra cuối cùng đã không mang lại những kết quả theo những định hướng của Đảng, trái lại chúng đã tạo ra những điều kiện thực tế để chính trị và văn hóa phát triển sức mạnh phê phán đặc biệt của mình. Đến cuối năm 1985, đất nước một lần lại rơi vào một khủng hoảng trầm trọng không kém gì năm 1979, chỉ có khác là lần này không có cuộc chiến tranh với Trung Quốc. Trước tình hình ấy, mọi sự tháo gỡ dường như không mang đến kết quả gì, vì nói như những người nghiên cứu, trong giới hạn của những tiền đề “cải cách” cũ, mọi cái cần làm thì người ta đã làm hết rồi và số phận của những cải cách ấy theo một nghĩa nào đó cũng không sáng sủa hơn những thí nghiệm đã có trước đó trên thế giới [37]. Cuộc cải cách giá, lương tiền, đem ra thực hiện (Nghị quyết Trung ương 8, khóa V, tháng 6-1985), xuất phát từ ý định xóa bỏ đến tận gốc cơ chế quan liêu bao cấp để chuyển sang hạch toán kinh tế một cách triệt để (bỏ chế độ hai giá, chấm dứt bù lỗ, tăng giá, tăng lương, đổi tiền) [38], nhưng áp dụng không tính toán hết mọi mặt vào một nền kinh tế vốn đang yếu kém, nợ nần, mất cân đối, nó đã đưa nền kinh tế ấy vào “tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy” [39]. Những sự kiện tệ hại ấy đã đóng vai trò gì cho cuộc “đổi mới” trong Đại hội VI của đảng vào tháng 12-1986?
Tumblr media
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
HỎA GIÁO BA TƯ
Khi nghiên cứu tôn giáo Tây Phương, người ta sẽ nhận thấy có rất nhiều tôn giáo khác nhau nhưng đều thờ một vị Thiên Chúa Duy Nhất (The Only God). Những tôn giáo này xuất hiện tại nhiều nơi khác nhau và trong những thời điểm khác nhau, có thể cách nhau nhiều thế kỷ, nhưng những tôn giáo xuất hiện trước đều có những ảnh hưởng không nhiều thì ít đến giáo lý của những tôn giáo xuất hiện sau. Do đó, khi nghiên cứu về đạo Hồi chẳng hạn, chúng ta không thể bỏ qua ảnh hưởng của Do Thái Giáo và Ki Tô Giáo là những đạo Thiên Chúa đã có trước nó nhiều thế kỷ.
Hỏa Giáo Ba Tư (Zoroastrianism) cũng là một đạo Thiên Chúa xuất hiện từ một ngàn năm trước Công Nguyên và bị Hồi Giáo tiêu diệt vào thế kỷ 10 sau Công Nguyên. Như vậy, Hỏa Giáo đã có trước Ki Tô Giáo cả ngàn năm và có thể đã xuất hiện trước hoặc cùng thời với Do Thái Giáo. Qua hai ngàn năm tồn tại, Hỏa Giáo đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong cả ba đạo Thiên Chúa là Do Thái, Ki Tô và Hồi. Vì Hỏa Giáo đã bị suy tàn hơn 10 thế kỷ qua nên ít có ai quan tâm đến nó, nhưng đối với các nhà chuyên nghiên cứu về tôn giáo thì Hỏa Giáo vẫn có một chỗ đứng quan trọng trong lịch sử các đạo thờ Chúa. Việc tìm hiểu những điều sơ lược về Hỏa Giáo Ba Tư thiết tưởng cũng là một điều cần thiết và bổ ích để giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các đạo Chúa hiện nay.
Ảnh hưởng rõ rệt nhất của Hỏa Giáo Ba Tư đối với các đạo thờ Chúa (Do Thái, Ki Tô, Hồi) là ý niệm về Thiên Thần. Tất cả các tên thiên thần quen thuộc như Mi-ca-e (Michel, Micheal) Gabriel, Raphael và ý niệm về các thiên thần hộ mạng (guardian angels) đều là những sản phẩm của Hỏa Giáo Ba Tư. Những ý niệm về thiên thần xuất hiện lần đầu tiên tại Ba Tư (nay là Iran) vào khoảng năm 1000 TCN, khi nước này phát triển một tôn giáo gọi là Zoroastrianism. Tôn giáo này mang tên của vị sáng lập là Zarathrusta, phiên âm sang tiếng Hy Lạp là Zoroaster. Các học giả tôn giáo hiện nay tin rằng Zoroaster là một người có thật, sinh khoảng năm 1000 TCN hoặc sớm hơn và có thể cùng thời với Moses tức khoảng 1250 TCN.
Có một điều rõ rệt nhất là lịch sử Ba Tư đã xác nhận đạo Hỏa Giáo đã từng là quốc giáo của nước này từ thế kỷ 6 TCN đến thế kỷ 7 sau Công Nguyên, tức ròng rã trong 13 thế kỷ! Vào cuối thế kỷ 7, nước Ba Tư bị quân Hồi Giáo Ả Rập xâm chiếm và toàn dân bị cưỡng bách theo đạo Hồi.
Người Trung Quốc gọi đạo Zoroastrianism là Hỏa Giáo, hoặc Thánh Hỏa Giáo, vì trong đền thờ Zoroastrianism, người ta chỉ đốt một ngọn lửa duy nhất đặt trên một cái khay ở bàn thờ để mọi tín đồ tập trung tư tưởng khi cầu nguyện Thượng Đế. Vì vậy, người ta gọi đền thờ của tôn giáo này là "Đền thờ lửa" (The Fire Temple). Sự thật, Hỏa Giáo không thờ lửa và cũng không thờ ai ngoài một Thiên Chúa Duy Nhất mà thôi. Ngôn ngữ Ba Tư gọi vị Thiên Chúa Duy Nhất là Ahura Mazda hoặc gọi là Đấng Toàn Năng (Ormazd). Khi giáo chủ Zoroaster giảng đạo thì cả nước Ba Tư lúc đó đang theo Đa Thần Giáo (Paganism). Zoroaster giảng đạo rất hấp dẫn nên được đa số quần chúng tin theo, nhưng khi Zoroaster yêu cầu họ chỉ thờ một Thiên Chúa duy nhất thì nhiều người lại cảm thấy e ngại vì họ không thể bỏ các vị thần của họ được. Dần dần, các tín đồ Hỏa Giáo biến các vị thần của Đa Thần Giáo thành các thiên thần. Họ mượn tiếng Hy Lạp ANGELUS, có nghĩa là "kẻ được Thiên Chúa sai đến" (One who was sent by God) để gọi các vị thần này. Về sau, Angelus được chuyển sang Anh Ngữ thành Angels. Lâu dần, các thiên thần được hiểu là các Thiên Sứ (Messengers) được Thiên Chúa sai xuống thế gian để thực hiện một sứ mạng nào đó. Trong khi đó, các ác thần của Đa Thần Giáo đều biến thành quỉ (demons).
Người Hỏa Giáo Ba Tư biến đổi các vị thần của Đa Thần Giáo bằng cách thêm hai cánh cho các vị thần mà họ mến chuộng như Vata, Vayu, Mithra v.v... và thêm đuôi cho các thần hung ác. Những biến đổi này đều xảy ra khoảng thế kỷ 10 TCN. Đến thế kỷ 6 TCN, Hỏa Giáo biến thành quốc giáo của Ba Tư, những ý niệm về Thiên Thần và Ma quỉ đã trở thành những tín điều của tôn giáo này.
Năm 597 TCN, Ba Tư chiếm xứ Judah (tức Do Thái) và năm 539 TCN Ba Tư chiếm toàn vùng Trung Đông trong đó có Babylon, tức Iraq ngày nay.
Sau nhiều thế kỷ Ba Tư cai trị Trung Đông, trong đó có Do Thái và Babylon, Hỏa Giáo đã để lại nhiều dấu ấn sâu đậm trên giáo lý của Do Thái Giáo. Sau đó, qua trung gian của Do Thái Giáo, những ảnh hưởng của Hỏa Giáo Ba Tư đã xâm nhập Ki Tô Giáo và Hồi Giáo. Ngày nay, có rất nhiều điều chúng ta tưởng như những sản phẩm tự nhiên của Ki Tô Giáo hoặc Hồi Giáo nhưng thực ra nó đã được sáng tạo bởi Hỏa Giáo từ 1000 năm TCN.
Trước đây, các sách trong Bộ Kinh Thánh Cựu Ước thường được gán cho là của Maisen (Moses) thuộc thế kỷ 13 TCN nhưng theo các học giả chuyên về Thánh Kinh thì các giảo nghiệm khoa học xác nhận hầu hết các sách đó đều được viết trong khoảng thế kỷ 6-5 TCN. Do đó, Maisen không thể là tác giả và chính nhân vật Maisen cũng không có thật. Những phép lạ của Maisen như biến cây gậy thành con rắn và hóa phép cho biển Đỏ rẽ ra để dân Do Thái đi qua an toàn v.v... chỉ là những chuyện thần thoại. Kinh Thánh Cựu Ước của Do Thái hoặc đã được sáng tác hoặc được viết lại dưới thời Do Thái bị Ba Tư đô hộ trong thế kỷ 6-5 TCN. Tác giả Cựu Ước đã đem vào Kinh Thánh Do Thái những điều họ hấp thụ từ Hỏa Giáo Ba Tư:
- Sách Sáng Thế Ký được viết trong thế kỷ 6 TCN kể chuyện Adam và Eve bị Thiên thần đuổi ra khỏi vườn địa đàng.
- Sách Xuất Hành (Exodus 3:4) kể chuyện thiên thần của Chúa hiện ra với Maisen trong ngọn lửa.
Tất cả những sách của đạo Do Thái được viết trước thế kỷ 6 TCN đều không nói gì đến thiên thần. Điều đó chứng tỏ từ lúc nguyên thủy lập đạo, người Do Thái không có một ý niệm nào về thiên thần cả. Họ đã vay mượn ý niệm về thiên thần từ Hỏa Giáo trong thời gian Do Thái lệ thuộc Ba Tư vào các thế kỷ 6-5 TCN và sau đó đã truyền lại cho hai tôn giáo hậu sinh là Ki Tô Giáo và Hồi Giáo.
Ngoài những ý niệm về thiên thần và ma quỉ, Hỏa Giáo còn đem lại cho Do Thái Giáo nhiều tư tưởng thần học và nhiều giáo lý liên quan đến Ngày Tận Thế và cuộc sống đời sau. Quan niệm chủ yếu của Hỏa Giáo là trong vũ trụ này, mọi thứ đều có lưỡng cực. Đời sống tâm linh cũng có lưỡng cực, đó là Thiện và Ác. Con người được Thiên Chúa ban cho quyền tự do lựa chọn giữa thiện và ác nên con người phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Hỏa Giáo chủ trương không thờ ảnh tượng vì Thiên Chúa là đấng thiêng liêng vô hình. Mọi sự tạc tượng hoặc vẽ hình của Ngài được coi như một sự nhục mạ Thiên Chúa. Các đạo Do Thái, Hồi Giáo và Tin Lành đều chấp nhận quan niệm này của Hỏa Giáo. Riêng Công Giáo, Anh Giáo và Chính Thống Giáo vẫn thờ ảnh tượng mặc dầu việc này bị các tôn giáo khác lên án nghiêm khắc.
Nhiều học giả chuyên nghiên cứu tôn giáo cho rằng Zoroaster là người đầu tiên đưa ra thuyết Mạt Thế (Eschatology). Theo Zoroaster, mọi vật trong vũ trụ cuối cùng sẽ bị hủy diệt. Thế gian và loài người sẽ có ngày tận cùng gọi là Ngày Tận Thế (The Doomsday). Trong ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ xét xử công tội của tất cả mọi người, do đó ngày Tận Thế còn được gọi là Ngày Phán Xét Cuối Cùng (The Last Judgement).
Để có thể tham dự Phiên Xử Cuối Cùng của Chúa thì mọi người chết đều được sống lại. Zoroaster cho rằng khi chết thì thân xác con nguời bị phân hủy thành tro bụi nhưng linh hồn chìm đắm trong cõi vô thức như trong lúc ngủ. Đến Ngày Phán Xét Cuối Cùng, Thiên Chúa sẽ sai thiên thần thổi kèn (clarion) đánh thức linh hồn và xác kẻ chết sống lại hết. Tất cả mọi người đều tập trung ở một nơi để nghe Chúa phán xử.
Sau khi được xét xử, kẻ thiện lành được lên Thiên Đàng và kẻ ác bị đày xuống Hỏa Ngục. Chính Thuyết Mạt Thế đã đưa đến niềm tin vào Thiên Đàng và Hỏa Ngục.
Theo các giáo sư chuyên nghiên cứu Thánh Kinh James L. Lewis và Everlyn Dorothy Olivier, tác giả cuốn "Angels A to Z" thì các cách Cựu Ước của Do Thái được viết trong thế kỷ 3 TCN đã chịu ảnh hưởng sâu đậm các học thuyết của Zoroaster, nhất là Book of Daniel và Book of Enoch.
Tới thế kỷ 6 TCN, đế quốc Ba Tư cai trị Do Thái và toàn vùng Trung Đông đã đem học thuyết của Zoroaster đến với quần chúng nhân dân tại các nước này. Học thuyết của Zoroaster đã hòa nhập vào đạo Do Thái và trở nên một xương một thịt với đạo này. Sáu trăm năm sau, tức đến đời Gioan Baotixita và Jesus, người Do Thái không còn biết giáo lý nào là của Do Thái và giáo lý nào là của Ba Tư nữa.
Các giáo sư James Lewis và Everlyn Oliver chuyên nghiên cứu về tôn giáo đã viết: "Ba Tư chiếm Do Thái năm 597 TCN và cai trị nước này nhiều thế kỷ.
Do hậu quả của nhiều thế kỷ, Ba Tư cai trị Trung Đông nên nguời Do Thái đã chịu ảnh hưởng nhiều tư tưởng tôn giáo của Zoroaster, đặc biệt là học thuyết về sự đối kháng giữa thiện và ác, về thế giới lưỡng cực trong đó có cuộc chiến đấu giữa các thiên thần và ma quỉ. ( Angels A to Z, James Lewis & Everlyn Oliver. Visible Ink Press 1996, page 236)
Một trong những học thuyết của Zoroaster có ảnh hưởng mạnh nhất đối với Gioan Baotixita và Jesus là học thuyết về Ngày Tận Thế. Jesus cũng như Gioan luôn luôn kêu gọi mọi người chuẩn bị đón ngày tận thế sắp đến. Ngày tận thế cũng là ngày Nước Chúa Trị Đến (The Kingdom of God Comes). Những kẻ gian ác như đế quốc La Mã, bọn chính quyền bù nhìn Herod và bọn thầy tu đạo đức giả ở đền thánh Jerusalem sẽ bị Chúa trừng phạt. Cuộc sống thanh bình của toàn dân tự nhiên sẽ được thực hiện. Nhưng thực tế đã xác nhận những điều Gioan Baotixita và Jesus rao giảng về ngày tận thế đều sai. Cho nên sau khi Jesus chết, cả Jesus lẫn sư phụ đều bị gọi là "các tiên tri giả về ngày tận thế" (False apocalyptic prophets).
Truyền thuyết Ba Tư kể rằng: Một hôm Zoroaster leo lên núi cao thì gặp Thiên Chúa hiện ra trong tiếng sét và tia chớp. Chúa trao cho ông một bộ sách Luật, tiếng Ba Tư gọi là Zend Avesta. Tên Zoroaster của ông là một tên ghép: Zoro có nghĩa là con (son) và aster có nghĩa là vì sao. Vậy Zoroaster có nghĩa là Con của một Vì Sao (Son of Star). Nhiều người cho rằng Cựu Ước Do Thái được viết sau thế kỷ 6 TCN đã mô phỏng truyền thuyết về Zoroaster. Chẳng hạn như Maisen leo lên núi Sinai được Chúa hiện ra trong bụi gai có lửa cháy và Chúa trao cho Maisen bộ sách luật, tiếng Do Thái gọi là Torah.
Chúng ta đã biết Hỏa Giáo là quốc giáo của Ba Tư trong 13 thế kỷ (từ TK 6 TCN - TK 7 sau Công Nguyên). Đế quốc Ba Tư thống trị Trung Đông từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 TCN. Sau đó, từ năm 224 đến 634 sau Công Nguyên, đế quốc Ba Tư mang tên Sassanians lại thống trị Trung Đông một lần nữa. Điều đó cho thấy Ba Tư đã gieo rắc học thuyết của Zoroaster cùng khắp các nước Ả Rập qua nhiều thế kỷ. Do đó, hầu như đại đa số dân Ả Rập đều tin có Thiên Chúa, thiên đàng hỏa ngục, thiên thần và nhất là tin có ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng, mọi người chết sẽ sống lại v.v...
Ảnh hưởng của Hỏa Giáo hết sức lớn lao đối với các đạo Chúa (Do Thái, Ki Tô, Hồi) vì chính nó đã tạo nên những điểm tương đồng đặc thù của các đạo này.
Theo truyền thuyết Ba Tư thì Zoroaster bắt đầu đi giảng đạo vào năm 30 tuổi (Một ngàn năm sau, Jesus cũng bắt đầu giảng đạo ở tuổi 30). Năm 42 tuổi, Zoroaster thuyết phục Vua Ba Tư là Vishtaspa theo Hỏa Giáo. Nhờ đó, Hỏa Giáo đã được truyền bá khắp nước. Ông có vợ và nhiều con. Năm 77 tuổi, ông bị một đạo sĩ thuộc cấp giết chết.
Các đạo sĩ của Hỏa Giáo được gọi là Magus (số nhiều Magi) thường là những người trí thức, ham chuộng khoa học nhất là thiên văn học. Họ làm công việc thờ phượng nhưng không phải là những tu sĩ vì họ đều có gia đình. Họ thường lấy vợ là người có họ hàng gần.
Các tín đồ Hỏa Giáo tránh việc chôn người chết ở dưới đất hoặc thiêu xác người chết trên đống củi. Phương thức được Hỏa Giáo ưa chuộng nhất là điểu táng bằng cách đưa xác người chết lên tháp cao, gọi là "Tháp Yên Lặng" (Towers of Silence) để cho các ác điểu như quạ, diều hâu, kên kên đến rỉa thịt người chết.
Các đạo sĩ Hỏa Giáo Ba Tư nổi tiếng là những người thông thái nên người Do Thái thường gọi họ là "những người thông thái đến từ phương Đông" (the wise men from the East). Vào năm Jesus sinh ra đời có hiện tượng ba ngôi sao Mars, Saturn, Jupiter cùng nằm trên một đường thẳng với trái đất. Do đó, khi nhìn lên trời với mắt thường, người ta thấy ba sao hội tụ trở thành một ngôi sao rất lớn. Mọi người cho đó là một "sao lạ". Cũng trong lúc đó, tại Do Thái có ba đạo sĩ Hỏa Giáo Ba Tư thấy hiện tượng sao lạ đã ra những nơi trống trải để quan sát nghiên cứu.
Hỏa Giáo Ba Tư có những nghi lễ đơn giản và ít có những điều huyền hoặc nhảm nhí so với những nghi lễ của Công Giáo La Mã vì họ không có những cái gọi là "phép bí tích". Trước hết, Hỏa Giáo cũng như Do Thái Giáo và Hồi Giáo hoặc Tin Lành không thờ ảnh tượng nên đền thờ của họ gần như trống trơn. Chỉ có một bàn thờ duy nhất, trên đó có hai cái khay. Một cái khay có chân cao để bày 4 thứ:
- Trái cây tượng trưng cho các loài thảo mộc.
- Rượu nho tượng trưng cho con người.
- Sữa (loài vật) tượng trưng cho mọi loài vật.
- Nước tượng trưng cho các đại dương.
Một cái khay có chân thấp dùng để đốt một bó củi nhỏ và ít gỗ trầm hương. Đối với Hỏa Giáo, ngọn lửa tượng trưng cho Thiên Chúa, nguồn gốc của Sự Sống và Sự Sáng.
Vào cuối thế kỷ 7, Hồi Giáo Ả Rập chiếm Ba Tư và mọi người dân xứ này bị buộc phải bỏ đạo Hỏa Giáo để theo Hồi Giáo. Nhiều tín đồ Hỏa Giáo phải giữ đạo trong bí mật. Đến thế kỷ 9 và 10, chính quyền Hồi Giáo truy nã gắt gao những người Hỏa Giáo còn sót lại khiến cho các tín đồ Hỏa Giáo trung kiên phải bỏ chạy ra nước ngoài. Nhiều người thuộc giáo phái Manichaeanism của Hỏa Giáo trốn sang Trung Quốc và gây nhiều ảnh hưởng quan trọng tại nước này. Từ thế kỷ 9 người Trung Quốc đã biết đến tôn giáo của Ba Tư và gọi tôn giáo này là Hỏa Giáo hoặc Thánh Hỏa Giáo. Một số người Ba Tư thuộc giáo phái Mithraism trốn sang Âu Châu, còn lại số đông chạy sang Ấn Độ.
Mặc dầu bị Hồi Giáo đàn áp qua nhiều thế kỷ, hiện nay tại Ba Tư (tức Iran) vẫn còn khoảng 200.000 tín đồ Hỏa Giáo. Con cháu của những người Ba Tư tỵ nạn tôn giáo cách đây hơn một ngàn năm vẫn còn tồn tại ở Ấn Độ khoảng 150.000 người. Người Ấn Độ gọi họ là người Parsi do đọc trại tên nước Persia (Ba Tư) mà ra.
Hỏa Giáo Ba Tư coi như đã bị xóa tên khỏi danh sách các tôn giáo trên thế giới hiện nay nhưng rất nhiều giáo lý quan trọng của Hỏa Giáo Ba Tư như: chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, tin có Thiên Thần và Ma Quỉ, Thiên Đàng và Hỏa Ngục, Ngày tận thế, mọi người chết sẽ sống lại để hiện diện trong ngày Phán Xét Cuối Cùng...
--
Charlie Nguyễn
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
Bảo kiếm của Việt Vương Câu Tiễn không hề hoen gỉ sau hơn 2000 năm chôn cất.
Năm mươi năm trước, một bảo kiếm được tìm thấy trong một ngôi mộ ở Trung Quốc. Mặc dù đã hơn 2.000 tuổi, thanh kiếm của Việt Vương Câu Tiễn này không có một dấu vết của sự gỉ sét.
Lưỡi kiếm đã làm đứt tay một nhà khảo cổ học khi dùng ngón tay kiểm tra độ bén của nó, hầu như nó không bị thời gian tác động. Bên cạnh chất lượng kỳ lạ, tài nghệ thủ công cũng được thể hiện rất chi tiết trên thanh kiếm từ hàng nghìn năm trước. Thanh kiếm được xem như một kho báu ở Trung Quốc ngày nay, nó như một huyền thoại đối với người Trung Quốc cũng như thanh kiếm huyền thoại của vua Arthur ở phương Tây.
Năm 1965, các nhà khảo cổ học đang tiến hành một cuộc khảo sát ở tỉnh Hồ Bắc, chỉ 7 km ( 4cm) từ đống đổ nát của Tế Nam, kinh đô nhà Chu, họ phát hiện ra năm 50 ngôi mộ cổ. Trong quá trình khai quật lăng mộ, các nhà nghiên cứu đã khai quật được thanh kiếm của Câu Tiễn cùng với 2.000 hiện vật khác.
Khai quật kiếm của Câu Tiễn.
Theo trưởng nhóm khảo cổ chịu trách nhiệm về việc khai quật, nó đã được phát hiện trong một ngôi mộ, trong một hộp gỗ kín khí bên cạnh một bộ xương. Nhóm nghiên cứu đã kinh ngạc trước thanh kiếm bằng đồng hoàn toàn nguyên vẹn với bao kiếm được gỡ ra từ chiếc hộp. Khi thanh kiếm được rút ra khỏi vỏ, người ta thấy lưỡi kiếm không hề bị gỉ mặc dù bị chôn trong điều kiện ẩm trong hai thiên niên kỷ. Một thử nghiệm được các nhà khảo cổ học tiến hành cho thấy lưỡi kiếm có thể dễ dàng cắt một chồng hai mươi miếng giấy.
Thanh kiếm của Câu Tiễn là một trong những thanh kiếm sớm nhất được biết đến và là kiếm hai lưỡi sử dụng trong suốt 2.500 năm qua ở Trung Quốc. Kiếm hai lưỡi là một kiếm sớm nhất tại Trung Quốc và nó có sự liên kết chặt chẽ với thần thoại Trung Quốc. Trong dân gian Trung Quốc, nó được gọi là “Vương giả trong các loại binh khí” và là một trong bốn loại binh khí lớn cùng với côn, thương, và đao.
Kiếm của Câu Tiễn tương đối ngắn khi so sánh với các thanh kiếm lịch sử tương tự, nó là một thanh kiếm đồng với hàm lượng đồng cao, có thể uốn cong và rất khó gãy. Các cạnh được làm bằng thiếc sẽ cứng hơn và duy trì được độ sắc bén.
Ngoài ra còn có một lượng nhỏ chất sắt, chì và lưu huỳnh trong thanh kiếm, và nghiên cứu cho thấy có một lượng cao lưu huỳnh và hợp chất của lưu huỳnh và đồng, thứ làm cho thanh kiếm không bị gỉ. Hình thoi đen được khắc hai bên mặt của lưỡi kiếm, men màu xanh và màu lam bao lấy chuôi kiếm. Chuôi kiếm được bọc trong lụa và núm chuôi kiếm gồm 11 vòng tròn đồng tâm gộp lại. Thanh kiếm dài 55,7 cm (21,9 inch), bao gồm 8,4 cm (3,3 inch) cán kiếm, và lưỡi kiếm rộng 4,6 cm (1,8 inch). Nó nặng 875 gram (30,9 aoxơ).
Giải mã các dòng chữ.
Trên một mặt của lưỡi kiếm, hai cột văn bản gồm tám chữ, nằm gần chuôi kiếm, chúng là chữ viết thời Trung Quốc cổ đại. Chữ viết “鸟虫文” (nghĩa từng chữ là “điểu trùng văn”) được trang trí phức tạp với các nét xác định, và là một biến thể của chữ zhuan rất khó đọc. Phân tích ban đầu đã giải mã sáu trong tám ký tự. Ký tự “越王” (Việt Vương) và “自作用剑” (thanh kiếm sử dụng cho cá nhân). Hai chữ còn lại có khả năng là tên của nhà vua.
Từ khi vương triều sáng lập vào năm 510 TCN đến khi sụp đổ rơi vào tay nhà Chu vào năm 334 TCN, có chín vị vua trị vì nước Việt, gồm cả Câu Tiễn, Lộc Dĩnh, Bất Thọ, Chu Câu, và những người khác. Danh tính của vị vua sở hữu thanh kiếm làm dấy lên cuộc tranh luận của các nhà khảo cổ học và học giả ngôn ngữ Trung Quốc. Sau hơn hai tháng, các chuyên gia đi đến đồng thuận rằng chủ sở hữu ban đầu của thanh kiếm là Câu Tiễn (496-465 TCN), điều này làm cho thanh kiếm có tuổi lên đến 2.500 năm.
Câu Tiễn là một ông vua nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, người đã trị vì nước Việt trong thời Xuân Thu (771-476 TCN). Thời Xuân Thu nổi tiếng với các cuộc viễn chinh quân sự, những xung đột này dẫn đến vũ khí thời đó đã làm hoàn hảo vũ khí thời đó về độ bền và tính sát thương, được rèn trong cả năm và bền vững cả thế kỷ. Câu chuyện về Câu Tiễn và Phù Sai tranh giành quyền lực đã trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc. Mặc dù ban đầu vương quốc của Câu Tiễn bị nhà Ngô đánh bại, nhưng ông cũng đã dẫn dắt quân của mình chiến thắng trong 10 năm sau đó.
Tính chất độc đáo.
Bên cạnh giá trị lịch sử của nó, nhiều học giả tự hỏi làm thế nào mà thanh kiếm có thể không bị gỉ trong một môi trường ẩm ướt trong hơn 2.000 năm, và làm thế nào những trang trí tinh tế được chạm khắc vào thanh kiếm. Thanh kiếm của Câu Tiễn vẫn sắc bén như lúc nó mới được chế tác, không một gỉ sắt nào có thể được tìm thấy trên thân kiếm.
Các nhà phân tích đã phân tích những mảnh đồng cổ với hy vọng tìm kiếm ra một cách để tái tạo công nghệ chế tạo ra thanh kiếm này. Họ tìm ra rằng thanh kiếm không bị oxy hóa là do lớp …. bọc trên bề mặt thanh kiếm. Điều này, kết hợp với một vỏ bao kiếm vừa khít giúp cho thanh kiếm huyền thoại này bảo tồn được tình trạng nguyên sơ như vậy.
Những thử nghiệm cũng cho thấy rằng những thợ rèn kiếm trong vùng đất của nhà Ngô và Việt ở miền Nam Trung Quốc trong thời Xuân Thu đã đến một mức độ cao trong kỹ thuật luyện kim, hốc thể kết hợp các hợp kim không gỉ vào lưỡi kiếm, giúp chúng tồn tại qua thời gian mà không có tì vết. Thanh kiếm được Bảo tàng Cung điện Quốc gia tại Đài Bắc mượn, nơi nó được trưng bày cho đến hết năm 2011, cùng với các miếng đồng khác từ cuộc khai quật. Nó hiện đang thuộc sở hữu của Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc.
Thanh Phong, dịch từ Ancient Origins
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Chánh Tổng thời xưa
- Nguyên gọi chức danh là Cai Tổng , đến đời vua Đồng Khánh, quan Cao Hữu Sung tuần phủ Quảng Trị dâng sớ đổi tên chức Cai Tổng thành Chánh Tổng để tránh tên huý Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai là thân sinh của Hoàng Đế, nhà vua phê chuẩn và từ đó đổi thành chức danh Chánh Tổng.
- Chánh Tổng trước thời Pháp thuộc là một vị đứng đầu một Tổng, không nằm trong hệ thống quan lại của triều đình, hệ thống chính trị của Triều Đình chỉ phân bổ tới Phủ Huyện , do một viên quan Tri Phủ, Tri Huyện thay mặt triều đình cai trị, dưới huyện sẽ là Tổng , một Tổng sẽ có gồm vài làng x�� và người dân từ Tổng trở xuống sẽ được quyền tự trị, nên thường có câu phép vua thua lệ làng.
-Người dân sẽ tự bầu một vị Chánh Tổng để cai trị tại Tổng của mình sinh sống, vị này sẽ thay mặt quan Tri Huyện để trị an, giải quyết tranh chấp kiện tụng trong vùng, Chánh Tổng cũng thay mặt triều đình việc thu thuế tại địa phương, truyền đạt mệnh lệnh từ trung ương xuống địa phương thông qua Đình Làng, dưới vị Chánh Tổng sẽ có Lý Trưởng và Phó Lý đứng đầu các làng xã để giúp việc cho Chánh Tổng, và họ không thuộc hệ thống Cửu Phẩm Quan Giai của triều đình nên sẽ không có lương bổng, dân trong làng làm điều sai trái thì Chánh Tổng , Lý Trưởng cũng vạ lây, và Chánh Tổng , Lý Trưởng làm điều sai trái thì cả làng cũng vạ lây, người dân phải có trách nhiệm khi đã bầu lên người gián tiếp cai trị mình.
Tumblr media
- Hình ảnh : một vị Chánh Tổng của miền nam xưa
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
DU HỌC
...
Trong hình là 5 anh em trong dòng họ Choshu, một gia tộc cao quý và hùng mạnh ở Nhật đã lên đường du học Anh tại College London cách nay 156 năm.
Sau chuyến hải hành 135 ngày trốn đi trên tàu Jardine Matheson (mà ai tự ý xuất cảnh phải chịu tội tử hình), họ đã tới London năm 1863. (Việc bãi bỏ lệnh cấm xuất cảnh này chỉ xảy ra 3 năm sau đó)
Họ là nhóm sinh viên Nhật đầu tiên học ở châu Âu và sau khi trở về, họ đều trở thành những lãnh đạo hàng đầu của Nhật Bản đúng vào thời Minh Trị. Do Minh Trị khi đó là Nhật Hoàng rất trọng dụng họ. 5 người này đã làm gì sau khi về Nhật?
+Hirobumi Ito (伊藤博文- Y Đằng Bác Văn ) làm thủ tướng đầu tiên của Nhật, người cha của Hiến pháp Nhật Bản và có vai trò quan trọng trong việc thành lập Quốc hội Nhật.
+Kaoru Inoue thành bộ trưởng ngoại giao đầu tiên và được tôn vinh là 'người cha của nền ngoại giao Nhật.
+Yozo Yamao thành người sáng lập của ngành công nghệ và cơ khí Nhật Bản.
+Masaru Inoue lập ra ngành hỏa xa theo chuẩn Anh Quốc.
+Kinsuke Endo nắm ngành tài chính, tiền tệ.
5 anh em này đều là các võ sĩ đạo của dòng quý tộc Choshu có truyền thống chống ngoại bang. Sau khi triều đình Tokugawa ký hòa ước Kanagawa (1854), dòng họ này tự tổ chức kháng chiến chống quân Anh, Pháp, Mỹ và Hà Lan. Nhưng sau khi đánh nhau thì dòng họ này bị thua to vào năm 1864. Hoàng thân Nagato, đứng đầu gia tộc, phải đã ký hòa ước Shimonoseki, nộp tiền phạt trị giá 3 triệu usd.
Sự thất bại của dòng họ hẳn đã ảnh hưởng mạnh đến 5 chàng trai du học ở Anh này. Họ thấy đánh không lại được phương Tây thì phải học hỏi kẻ thù để kinh bang tế thế. Và họ đã mở đường cho làn sóng du học mạnh mẽ của thanh niên Nhật Bản sau này. Mà ngay cùng thời với họ có 19 thanh niên từ xứ Satsuma tức Kagoshima bây giờ cùng học tại College London. Đây chính là nguồn lực quan trọng giúp cho nước Nhật hùng cường như hiện nay.
Mình đã từng đi Kyushu, Nhật là nơi 5 thanh niên này được tài trợ để lên tàu đi du học và thăm tượng đài của các thanh niên Nhật đi du học đầu tiên tại thành phố Kagoshima. Tinh thần du học để canh tân đất nước của họ rất đáng khâm phục.
Ở Việt Nam tỷ lệ du học sinh ở lại nước sở tại sau khi kết thúc là 70%, chỉ 30% trở về. Đặc biệt trong chương trình tìm kiếm tài năng nước Úc hay còn gọi là Đường lên đỉnh Olympia thì chỉ có 1/19 người trở về.
--
Nguồn : fb Nguyễn Thị Bích Hậu.
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
IVAN IV – SA HOÀNG ĐẦU TIÊN CỦA NƯỚC NGA.
Ivan Vasilyevich, hay còn được biết đến với biệt danh Ivan Khủng Khiếp lấy từ phiên dịch tiếng Nga “Ivan Grozny”, từ Grozny trong tiếng Nga mang nghĩa khiến cho run sợ, hay kinh hoàng, nguy hiểm, ghê gớm… nhưng người Việt thường biết đến ông với danh hiệu Ivan bạo chúa, Ivan hung đế hay Ivan Lôi đế.
Trước thời Ivan IV, những người đứng đầu nước Nga chỉ mang danh hiệu đại công tước/đại hoàng tử. Ivan III (ông nội Ivan IV) là người khởi xướng dùng xưng hiệu Sa hoàng nhưng chưa phổ biến, đến thời Ivan IV thì danh hiệu được sử dụng chính thức. khi lên ngôi, Ivan IV không hài lòng với tước hiệu “đại công tước” nên đã tự phong mình là Sa hoàng, nhằm đưa vị thế của mình ngang hang với các vị vua nước Châu Âu, tuy nhiên Ivan không phải kẻ hữu thực vô danh, ông có công lớn đưa đất nước trở nên hùng mạnh nhưng đồng thời khiến nhiều người khiếp sự vì sự cai trị độc đoán và tàn bạo của ông, một phần do ông mắc chứng điên loạn sau một thời gian cai trị.
Danh hiệu sa hoàng (Czar) bắt nguồn từ danh hiệu “Caesar” của La Mã cổ đại để chỉ người đứng đầu. đến cuối TK 17 & 18, Peter đại đế đã bỏ danh hiệu sa hoàng và chuyển sang dung danh hiệu “hoàng đế”, cải cách các tước vị quý tộc nước Nga giống các nước phương Tây, nhưng người dân vẫn quen miệng với danh xưng “sa hoàng” thay vì dùng từ “hoàng đế”.
Ivan Vesilyevich (25/08/1530 – 18/03/1584), con trai trưởng của đại công tước Vasily III. Người cha qua đời khi Ivan 3 tuổi, lên ngôi trị vì nước Nga dưới sự nhiếp chính của mẹ ruột cho tới khi đủ tuổi trưởng thành. Nhưng lúc Ivan 8 tuổi thì người mẹ qua đời. Ivan cho rằng chính bọn Boyar trong triều đã ám sát bà. Boyar là chức quý tộc quyền lực nhất ở Nga thời đó. Sau khi mẹ qua đời, quãng thời thơ ấu của Ivan phải sống cầm tù trong hoàng cung, bị bỏ đói, bị bọn Boyar (thuộc nhà Shuisky) chế giẫu và tra tấn tinh thần, chính vì vậy mà Ivan rất căm ghét bọn Boyar.
Từ nhỏ Ivan là người thông minh, ông giả vờ khờ khạo và chờ đến thời của mình.
Năm 13 tuổi, ông cho mời hoàng thân Andre Shuisky đến tham vấn rồi cho bắt giam ông, ra lệnh xử tử rồi quăng xác cho mấy con chó săn gặm. cũng từ đó, Ivan dần dần có được quyền lực cai trị thực sự.
Khi Ivan 16, 17 tuổi, lúc này ông đã đủ tuổi để cai trị đất nước thật sự, Ivan tự phong mình là Sa hoàng. Cũng trong năm đó, ông kết hôn với Natalia Romanovna. Người vợ này đã xoa dịu bản tính Ivan và cũng là người mà ông yêu thương nhất, họ có với nhau 6 người con. Nhưng sau này chính cái chết của Natalia khiến cơn điên loạn của Ivan bộc phát và ngày càng trở nên tàn nhẫn. Ivan cho rằng chính các Boyar đã đầu độc giết vợ mình.
Trở lại thời kì những năm đầu cai trị của Ivan, ông đã chinh phạt mở rộng bờ cõi. Năm 1552, ông tấn công và đánh bại hãn quốc Kazan (một bộ tộc người Mông Cổ đã xâm lược Nga nhiều thế kỉ), đem lãnh thổ nước này sát nhập vào Nga. Năm 1556, ông thôn tính Astrakhan và tiêu diệt chơ nô lệ lớn nhất trên công Volga. Ông biến nước Nga thành quốc gia đa sắc tộc và đa tôn giáo.
Cũng trong thời gian đầu trị vì, báo chí lần đầu tiên được in ở Nga.
Nhằm kỉ niệm cuộc chinh phạt Kazan thắng lợi, ông cho xây dựng thánh đường St.Basil ở Moscow. Truyền thuyết kể rằng, chính vì quá ấn tượng trước công trình kiến trúc này, ông đã ra lệnh chọc mù mắt các kiến trúc sư để họ không xây dựng được thứ nào đẹp đẻ hơn thế nữa.
Năm 1553, trong một lần bệnh nặng suýt chết, Ivan yêu cầu các Boyar phải lập đứa con trai trưởng của ông là Dmitry, vẫn chỉ là một đứa bé sơ sinh, làm người thừa kế và yêu cầu họ phải trung thành với con trai ông nếu không may ông qua đời. Tuy nhiên các Boyar không đồng ý, họ muốn người anh em họ của Ivan IV lên ngôi thừa kế và cầu mong Ivan chết. Nhưng Ivan đã khỏi bệnh và tất nhiên càng căm ghét và mất niềm tin vào các Boyar hơn, có rất nhiều quý tộc bị sát hại vì cơ sự này.
Cũng trong năm 1553, Ivan cùng con trai nhỏ đi du thuyền thì gặp sóng lớn bị lật, đứa con trai Dmitry bị văng khỏi tay bà vú rớt xuống sông và chết đuối khi mới 8 tháng tuổi.
Năm 1560, người vợ Anastasia bệnh nặng triền miên rồi qua đời, cái chết của người vợ khiến Ivan suy sụp hoàn toàn, ông cho rằng chính các Boyar đã đầu độc vợ ông như đã làm với mẹ ông.
Mùa đông năm 1564, Ivan rời bỏ Moscow khiến con dân bàng hoàng sững sốt, năm 1565, Ivan tuyên bố muốn thoái vị không chịu được sự lộng hành của bọn Boyar. Sau một hồi thương lượng thuyết phục, nhà vua đồng ý sẽ trở về ngai vàng nếu toàn dân đồng ý trao quyền hành vào tay ông thay vì để quyền lực của các Boyar nhiễu nhương. Và thế là Ivan có trong toàn quyến của chúa trời, muốn trừng phạt kẻ nào phật ý ông thì tùy thích.
Có quyền lực trong tay, năm 1565, Ivan thành lập Oprichnina, một khu vực thuộc quyền cai trị trực tiếp dưới tay sa hoàng và lực lượng quân hộ vệ Oprichniki, lực lượng này chỉ phụng sự duy nhất sa hoàng Ivan và đánh đuổi, thậm chí diệt trừ phần đảng nào mà Ivan cảm thấy đang manh nha chống lại ông.
Nếu khoảng thời gian đầu là một nước Nga được cai trị trong hòa bình và thịnh vượng phát triển, thì nửa thời gian cai trị về sau lại vấp phải nhiều thất bại và biến loạn, khiến Ivan vang danh với biệt hiệu Ivan khủng khiếp.
Việc ham muốn mở rộng thông thương đường biển về phía tây trên biển Baltic dẫn đến cuộc chiến với Thụy Điển, Lithuania, Ba Lan và các hiệp sĩ Teuton ở Litvonia. Cuộc chiến Livonia kéo dài 24 năm gây thiệt hại rất nhiều cho nền kinh tế và quân sự của nước Nga. Những đợt hạn hán và nạn đói diễn ra, các cuộc tấn công của Ba Lan-Lithuania, người Tatar nhiều lần xâm lược, rồi sự phong tỏa đường biển trên biển Baltic khiến nước Nga bị thụ lùi, lại thêm Bệnh dịch khiến hàng ngàn người chết.
Năm 1560, Một trong những cố vấn thân cận nhất của Ivan, hoàng thân Andrei Kurbsky đã bỏ trốn tới Lithuania, sau đó đem quân Lithuania tấn công vùng Velikiye Luki ở Nga. Chính sự phản bội này khiến Ivan đau đớn và thành lập nên lực lượng cận vệ Oprichniki (tên khó nhớ quá…).
Lực lượng này hoạt động trong 7 năm thì bị Ivan giải tán. Các cận vệ Oprichniki mặc đồ đen, cưỡi ngựa và mang gia huy hình một cái đầu chó bị chặt lìa với một cây chổi (biểu tượng lạ nhể :v ). Trong thời gian hoạt động, lực lượng Oprichniki đã gây nỗi kinh hoàng khủng khiếp lên khắp cả nước, dẹp sạch bạo loạn, tra tấn những người bị nghi là tạo phản, bắt người dân xung quân để chiến đấu trong cuộc chiến tranh Livonia, và sát hại hàng ngàn người, nổi tiếng nhất là cuộc thảm sát ở Novgorod.
Thành phố Novgorod từng là một thành phố giàu mạnh, năm 1570, khoảng 10.000 người chết vì bệnh dịch tại thành phố này. Các chàng trai thì bị bắt nhập ngũ để chiến đấu. Ivan nghi ngờ các gia đình giàu có ở Novgorod tính tẩu tán của cải tài sản trốn khỏi đất nước và âm thầm để đại công tước Lithuania cai trị thành phố, một cuộc tranh cãi diễn ra nảy lửa, Ivan hạ lệnh cho các Oprichiniki thảm sát cả thành phố Novgorod, ước đoán có khoảng 60.000 người bị giết hại. theo số liệu thống kê chính thức thì có khoảng 1.500 quý tộc bị giết, và ước tính số nạn nhân khoảng từ 2000 – 3000 người (vì nạn đói và bệnh dịch khiến dân số thành phố này có lẽ chưa vượt quá 20.000 – 30.000 người). và thành phố Novgorod không thể khôi phục trong hàng trăm năm
Năm 1572, do lực lượng vượt quá tầm kiểm soát, ivan đã cho giải tán.
Một trong những hành động khiến Ivan nổi danh tàn bạo chính là sự cố giết con trai mình, thái tử Ivan. Câu chuyện xảy ra vào năm 1581, Ivan đi qua cung thái tử thì bắt gặp cô con dâu đang mang thai nhưng lại ăn mặc khiếm nhã và hớ hênh, nên đã đánh cô con dâu này dẫn đến xảy thai. Bất bình trước chuyện này, thái tử Ivan và cha mình xảy ra một trận cãi vả kịch liệt, nóng giận và điện loạn, sa hoàng đã dùng cây gậy đánh vào thái tử bằng đầu nhọn, khiến thái tử tử vong. Sự kiện này được minh họa vào tranh với tựa đề “Ivan khủng khiếp giết chết con trai mình”. Cái chết của đứa con trai thừa kế khiến sa hoàng Ivan điên loạn, nhiều đêm nằm ác mộng và gào thét, và hệ quả là triều đại của Ivan IV lụn bại.
3 năm sau, Ivan IV qua đời vì con đau tim khi đang chơi cờ với cố vấn Bogdan Belsky. Trong một cuộc xét nghiệm mới đây, người ta tìm thấy trong cơ thể ông có một lượng thủy ngân lớn, giả thuyết cho rằng chính cố vấn Bogdan Belsky và Boris Godunov đã đầu độc ông. Dân gian có câu chuyện lưu truyền rằng, 3 ngày trước khi chết, Ivan IV đã cưỡng hiếp cô con dâu Irina, vợ của thái tử Feodor (con trai thứ 3), tiếng kêu của Irina vô tình khiến Belsky và Boris Godunov chú ý, lo sợ sẽ bị sa hoàng trừ khử, 2 viên cố vấn đã âm mưu giết hại ông. Ngoài ra, Boris Godunov chính là anh trai của Irina.
Sau khi Ivan chết, thái Feodor lên trị vì, nhưng vị sa hoàng này kém cỏi không thích chính trị và nhiều năm trị vì không có con cái thừa kế. sau khi vị sa hoàng này chết thì ngai vàng được trao lại cho ông anh rể là Boris Godunov (cái ông bị nghi là đầu độc Ivan IV). Nước Nga rơi vào thời kì hỗn độn, một người xuất hiện ở Ba Lan và tự xưng là hoàng tử Dmitry (con trai út của Ivan IV) để giành ngai vàng, vốn là một kẻ giả mạo do phía Ba Lan dựng lên. Rồi sau này tiếp tục có thêm 2 người mạo xưng hoàng tử Dmitry, và trải qua gia đoạn hỗn độn tranh giành quyền lực của 7 vị Boyar. Đến năm 1613, Mikhail Romanov lên ngôi sa hoàng, mở ra triều đại Romanov.
NHỮNG NGƯỜI VỢ CỦA IVAN IV :
Thấy cái này hay hay, một phần phản ảnh tính cách Ivan IV và vì sao ông sa hoàng bị gán cho cái mác bạo chúa, tùy theo tài liệu thì Ivan IV cưới 8 vợ, cũng có tài liệu nói Ivan cưới 7 vợ. mình giới thiệu hết 8 bà vậy :v
ANASTASIA ROMANOVNA ZAKHARYINA-YURIEVA (1530 – 1560)
(tên người Nga khó nhớ vật vã =)))
Anastasia là con gái của một quý tộc Boyar, trong vũ hội tuyển cô dâu, các thiếu nữ khắp nước tới cung điện để tham gia cuộc tuyển chọn, và Ivan đã chọn Anastasia.
Đây là người vợ mà Ivan quan tâm nhất và cũng là người gây ảnh hưởng đến tính cách của Ivan nhất. hai người có với nhau tổng cộng 6 người con, trong đó có 3 đứa con trai (Dmitry thì chết đuối lúc 8 tháng tuổi, Ivan bị cha mình giết trong một tai nạn, và cuối cùng là Feodor được thừa kế ngai vàng thì lại không tài năng).
Năm 1560, Anastasia qua đời. Ivan ngờ vực rằng chính các Boyar đã đầu độc giết hại vợ mình. Trong một cuộc xét nghiệm ngày nay, người ta phát hiện trong xương của bà chứa một lượng thủy ngân. Tuy nhiên đó vẫn chưa đủ xác minh rằng đó có đúng là một sự đầu độc hay không. Vì vào thời xưa, thủy ngân được dùng để chữa bệnh đồng thời cũng được dùng để giết người.
Ngoài ra, sa hoàng Mikhail Romanov chính là cháu nội của anh trai Anastasia.
MARIA TEMRYUKOVNA (1544 – 1569)
Là con gái của một hoàng thân người Hồi giáo. Theo câu truyện dân gian, người vợ đầu là Anastasia trước lúc lâm chung đã khuyên sa hoàng đừng cưới một người dị giáo về làm vợ, nhưng vì ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của cô gái hồi giáo này, Ivan đã cưới Maria vào năm 1561. Nhưng rồi Ivan vô cùng hối hận với quyết định của mình, người vợ thứ 2 không chịu hòa nhập với cuộc sống ở Moscow, và bị nhiều đại thần căm ghét, nhiều lời đồn rằng Maria là phù thủy và mê hoặc xúi giục Ivan thành lập lực lượng Oprichniki.
Năm 1569, Maria qua đời khi mới 25 tuổi, có tin đồn rằng chính Maria bị chính chồng mình đầu độc chết, cũng có tin đồn Ivan ngờ vực Maria bị kẻ khác hạ độc, kết quả rất nhiều người bị hành quyết và tra tấn vì cái chết của bà.
MARFA SOBAKINA (1552 – 1572)
Người vợ thứ 3 là con gái một thương nhân giàu có ở thành phố Novgorod. Trong cuộc tuyển chọn cô dâu chỉ còn lại 12 ứng viên mạnh nhất, Ivan đã chọn Marfa. Năm 1571, hôn lễ diễn ra, vài ngày trước đó thì Marfa đã có dấu hiệu mắc bệnh rồi qua đời ngay sau khi kết hôn được mấy ngày. Cái chết của bà khiến bệnh hoang tưởng điên loạn của Ivan ngày càng trầm trọng, làm Ivan nhớ lại cái chết của người vợ đ��u, nghi ngờ lại có kẻ đầu độc vợ mình lần nữa nên đã hạ lệnh giết nhiều đại thần bằng thuốc độc hoặc đóng cộc cho chết.
Có tin đồn cho rằng chính mẹ ruột Marfa đã đầu độc chính con gái mình.
ANNA KOLTOVSKAYA (???? – 1626).
Sau cái chết của người vợ thứ 3, Ivan lại tìm kiếm cô dâu mới cho mình. Nhưng theo luật của nhà thờ chính thống giáo Nga, “kết hôn lần thứ nhất là theo luật, lần thứ 2 là sự nhượng bộ, lần thứ 3 là vi phạm luật, lần thứ 4 là sự nghịch đạo, không khác gì động vật”.
Cuộc hôn nhân thứ 4 diễn ra vào năm 1572 và không được nhà thờ ban phước lành. Ivan thống thiết khẩn xin giáo hội, họ nhân nhương với điều kiện Ivan phải ăn năn sám hối. Nhưng Kết hôn được 2 năm Ivan chán ngấy bà vợ cằn cỗi không sinh được con, nên bắt bà này đi tu.
ANNA VASILCHIKOVA (???? - ????)
Rất ít thông tin về người vợ thứ 5 năm này, năm 1575, 2 người kết hôn và không được nhà thờ ban phước lành, nhưng được 2 năm thì lại bị Ivan tống vào tu viện. sau đó bà bị giết chết một cách dã man, có tin đồn rằng chính Ivan đã cho người ra tay giết chết bà.
VASILISA MELENTYEVA (???? - ????)
Trước khi trở thành vợ của Ivan IV, bà là một góa phụ của một vị giáo sĩ qua đời trong cuộc chiến Livonia. Bị rung động trước sắc đẹp của bà, Ivan cưới bà làm vợ vào năm 1579 (cũng không được nhà thờ ban phước lành), nhưng được vài tháng thì Ivan phát hiện vợ mình lên giường với một vị hoàng thân. Ivan bắt bà phải tận mắt chứng kiến cảnh người tình bị đóng cộc còn bà thì bị chôn sống.
MARIA DOLGORUKAYA (???? - ????)
Tài liệu không rõ ràng nên chưa xác định được xuất thân, có tài liệu bảo bà là người vợ thứ 5, cũng có tài liệu bảo là người thứ 7. Bà là hậu duệ của Yuri I – đại công tước của công quốc Kiev (ở TK 11-12), vì mang dòng cao quý nên bà được Ivan chọn làm vợ. nhưng được vài tháng thì Ivan phát hiện bà có tình nhân, cũng có thuyết khác cho rằng, trong đêm tân hôn Ivan phát hiện vợ mình không phải trinh nữ, và dù là tin đồn nào thì kết cục cũng là Ivan hạ lệnh dìm bà chết đuối.
MARIA NAGAYA (???? – 1608)
Người vợ cuối cùng của Ivan IV. Kết hôn vào năm 1581 (năm Ivan giết chết thái tử con trai mình), một năm sau bà hạ sinh một tiểu hoàng tử đặt tên Dmitry.
Năm 1584, Ivan IV qua đời. 2 mẹ con bị Boris Godunov trục xuất.
Năm 1591, đứa con trai Dmitry chết một cách bí ẩn, bà bị buộc tội sơ suất cẩu thả nên bị bắt vào tu viện sống, anh trai bị bắt giam vào tù.
Khi nghe tin một kẻ tự xưng là hoàng tử Dmitry rồi chiếm lấy ngai vàng. Năm 1605, bà được đưa đến Moscow và buộc phải thừa nhận đó là con trai mình để được thoát khỏi kiếp đày ải. năm 1606, vị sa hoàng giả mạo bị một thường dân manh động đâm chết, bà phủ nhận người đó là con trai mình. Năm 1608 thì bà qua đời.
---
Công Chúa Xứ Hoa - Tình Yêu, Máu và Nước Mắt
0 notes
lichsuvasukien · 3 years
Text
Tumblr media
Bác sĩ thần chết trong hàng ngũ I S
Sinh ở Palestine, tốt nghiệp Y khoa năm 2002 tại Iraq, Issam Abuanza là bác sĩ phẫu thuật tổng quát và đồng thời là bác sĩ nội tiết tại Bệnh viện al-Kindi, Baghdad. Đến năm 2007, Issam Abuanza cùng vợ là Sally và 2 đứa con được chính quyền Anh cho đi định cư ở Sheffield, Anh quốc. Năm 2009, Y sĩ đoàn Anh Quốc cấp cho Issam Abuanza giấy phép hành nghề chính thức. Trước đó, từ tháng 5-2007 đến tháng 7-2009, Issam Abuanza làm việc tại Bệnh viện Clwyd, miền Bắc xứ Wales và từ tháng 10-2012 đến tháng 8-2013, làm việc tại Bệnh viện Scarbourough, Anh quốc.
Trong thời gian này, Issam Abuanza bộc lộ khuynh hướng cực đoan bằng những lời lẽ trên trang Facebook cá nhân: “Ở đây bạn không có nhân phẩm bởi vì bác sĩ cũng là kẻ ăn xin. Ở đây bạn không có sự nghiệp vì chẳng ai cho bạn điều kiện để tiến bộ. Bây giờ cũng như trong tương lai, bạn và gia đình đừng nên trông chờ bất cứ một điều tốt đẹp gì…”. Theo ban giám đốc của cả 2 bệnh viện Clwyd và Scarbourough, Issam Abuanza là một bác sĩ có năng lực. Mọi cuộc kiểm tra khi tuyển dụng đều cho thấy ông ta không có biểu hiện bất thường nên chẳng ai nghĩ rằng Issam Abuanza sẽ chạy theo I S.
Cuối tháng 10-2013, Issam Abuanza thành lập một công ty mua bán quần áo trực tuyến mà thực chất là tạo vỏ bọc để liên lạc với tổ chức I S ở Syria. Ba tháng sau, lúc đã nhận được những hướng dẫn cụ thể, Issam Abuanza giải thể công ty, bỏ lại vợ con rồi đi Syria với danh nghĩa du lịch. (Năm 2015, khi biết Issam Abuanza trở thành “Bộ trưởng Y tế” của Nhà nước Hồi giáo tự xưng I S, Najla Abuanza, em ruột của Issam Abuanza nói với tờ Telegraph: “Anh trai tôi là mẫu người hiện đại. Tôi không hiểu vì sao anh ấy lại đi theo bọn khủng bố. Cha mẹ tôi không bao giờ tha thứ cho anh ấy. Gia đình đã dốc hết tiền bạc để nuôi anh ấy nên người mà giờ thì như thế này đây…”. Riêng Sally, vợ của Issam Abuanza đã chủ động ly hôn rồi lấy một người chồng khác).
Đến Syria, Issam Abuanza sống tại thị trấn Mayadin, phía đông Syria, nằm dưới quyền kiểm soát của I S. Với dân số hơn 60.000 người, Mayadin là nơi I S đặt nhiều cơ sở hậu cần quan trọng vì nó giáp với thành phố lớn nhất Syria là Raqqa, thời điểm ấy cũng thuộc quyền kiểm soát của I S. Khi Lực lượng dân quân người Kurd (SDK) dưới sự yểm trợ của liên quân Anh, Mỹ, Đan Mạch, phản công chiếm lại Raqqa, I S đã dự định chuyển thủ đô của Nhà nước Hồi giáo từ Raqqa về Mayadin. Tại Mayadin, với tư cách là bác sĩ phẫu thuật tổng quát, Issam Abuanza được I S bố trí làm việc tại Bệnh viện Alteb Alhadith trong thị trấn, và ca mổ lấy thận của một tù nhân người Kurd để ghép cho một tay súng I S bị thương vỡ thận đã khiến ông ta trở nên nổi tiếng.
Có lẽ vì thế nên đầu năm 2015, đích thân Abu Bakr al-Baghdadi, lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng I S, phong cho Issam Abuanza làm Bộ trưởng Bộ Y tế. Mohammad al-Khalid, người phát ngôn chính thức của I S tuyên bố trong một video clip, phát hành cũng vào đầu năm 2015, nói về việc bổ nhiệm Issam Abuanza: “Đã đến lúc Nhà nước Hồi giáo chứng minh cho thế giới biết rằng chúng tôi là một chính phủ chứ không phải là tổ chức khủng bố. Việc Issam Abuanza trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bình thường như các bộ trưởng khác…”. Tháng 3-2015, I S tuyển mộ được một nhóm bác sĩ người Syria, Jordan, Iraq khi họ đến Sudan trong một chương trình nghiên cứu. Giữa tháng 5, những bác sĩ này được gửi về Syria. Trên trang Fakebook cá nhân của mình, Issam Abuanza viết: “Một vài ngày trước, tôi rất buồn vì những bác sĩ chủ chốt của tôi ở Bệnh viện Alteb Alhadith đã bỏ chạy. Thế rồi đột nhiên tôi có được 11 bác sĩ khác từ Sudan. Bạn không thể hiểu là tôi hạnh phúc biết chừng nào…”.
Cũng như “Bộ trưởng Bộ Y tế” Issam Abuanza, dược sĩ Anwar Miah, quốc tịch Anh, đã từng có thời gian làm việc tại Bệnh viện Birmingham, nước Anh. Năm 2013, Miah bị dược sĩ đoàn Anh Quốc rút giấy phép hành nghề khi nơi này phát hiện từ năm 2011, Miah khai khống giờ làm việc tại một hiệu thuốc để được trả lương nhiều hơn. Thất nghiệp và bất mãn, tháng 9-2014, ông ta đến Syria gia nhập hàng ngũ I S rồi đổi tên thành Abu Obayda al-Britani. Mặc dù là dược sĩ nhưng được Issam Abuanza nhận làm trợ lý phẫu thuật và trực tiếp hướng dẫn “tay nghề”, Miah đã cùng Issam Abuanza thực hiện không dưới 90 ca mổ để lấy nội tạng của những tù nhân khỏe mạnh. Một số chiến binh thánh chiến I S khi bị Lực lượng dân quân người Kurd (SDF) bắt giữ, đã khai về hai nhân vật này như sau: “Họ - tức Issam Abuanza và Anwar Miah - khét tiếng trong việc mổ lấy gan và thận. Đôi khi họ cũng mổ lấy giác mạc với sự trợ giúp của một bác sĩ nhãn khoa người gốc Palestine…”. Một phần rất nhỏ trong số những bộ phận nội tạng ấy được dùng để ghép cho những tay súng I S vì Bệnh viện Alteb Alhadith không đủ trang thiết bị. Số còn lại được bảo quản rồi chuyển ra thị trường chợ đen, nơi 1 thùy gan có thể bán được 30.000USD, một quả thận 20.000USD. Tất cả số tiền này, Issam Abuanza dùng để duy trì hoạt động của bệnh viện, cũng như nuôi các thương binh I S.
Tháng 2-2016, thị trấn Mayadin bị không quân Mỹ ném bom dữ dội, “Bộ trưởng Y tế” Issam Abuanza và dược sĩ Anwar Miah dẫn theo 10 bác sĩ - trong đó có 1 người Jordan, 2 người Iraq và 7 người Syria cùng hơn 30 y tá, di tản đến Bệnh viện Pharmex ở thành phố Deir Ezzor, phía đông Syria. Đây cũng là một vị trí quan trọng vì có thể vượt biên giới vào Iraq, tới những vùng do I S kiểm soát, kéo dài đến tận thành phố Fallujah. Tại Bệnh viện Pharmex, ngoài việc mổ lấy nội tạng, Issam Abuanza và dược sĩ Anwar Miah còn tiến hành các thí nghiệm hóa học trên cơ thể tù nhân mà các hóa chất vẫn chưa được biết đến. Nhiều nhân chứng Syria cho biết họ nhìn thấy tù nhân bị tiêm thuốc vào người rồi đem ra phơi ngoài bãi cát giữa trưa nắng, hoặc dìm vào bồn nước lạnh ban đêm.
Đôi lúc “Bộ trưởng Y tế” còn giúp các jihadist, chiến binh thánh chiến tra tấn, hỏi cung tù nhân bằng cách “bào” da họ. Một nhân chứng nói với Tổ chức bảo vệ nhân quyền Syria: “Issam Abuanza chế ra một dụng cụ trông giống như cái lưỡi bào. Mỗi lúc được yêu cầu tham gia hỏi cung, ông ta dùng cái dụng cụ ấy kéo lên cánh tay, lưng hoặc mặt tù nhân rồi lấy ra những mảng da đầy máu”. Khi một phi công quân đội Jordan bị I S bắn rơi rồi bị thiêu sống, Issam Abuanza viết trên Facebook: “Họ đốt anh ta nhanh quá. Nếu là tôi, tôi sẽ làm rất chậm để có thể thấy anh ta chết thêm một lần nữa”. Lúc xảy ra vụ tấn công khủng bố của các phần tử I S vào tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Paris, Pháp, Issam Abuanza viết: “Ngợi ca đức Allah đã ban sức mạnh cho các jihadist thực hiện thành công việc này. Dưới tay ngài, chúng tôi sẽ giết tất cả bọn vô đạo, từ đàn ông đến đàn bà, trẻ con”. Theo một quan chức an ninh Anh quốc, Issam Abuanza là bác sĩ người Anh đầu tiên tham gia tổ chức I S, được đánh giá là “1 trong 4 nhân vật Beatles” (tên của một ban nhạc rock Anh quốc lừng danh thế giới), trong đó đứng đầu là John “thánh chiến”, người Anh, kẻ đã trực tiếp dùng dao chặt đầu 2 nhà báo Mỹ, El Shafee Elsheikh và Alexandra Koley, tất cả cũng là người Anh và cũng đã từng chặt đầu nhiều tù nhân người Syria, Iraq.
Cuối tháng 8-2017, khi quân đội Chính phủ Syria và Lực lượng dân quân người Kurd (SDK) tái chiếm thành phố Deir Ezzor, Miah dẫn vợ - người Syria và con gái 9 tháng tuổi chạy trốn trên một chiếc xe gắn máy. Bị SDK bắt giữ, thoạt đầu Miah nói mình là công dân Anh và đang tìm đường trở về Anh: “Tôi đã làm việc ở một bệnh viện tại Mayadin trong 4 năm. Ở đó tôi chỉ cứu chữa cho dân thường. Tôi không phải là mối nguy hiểm vì tôi không tham gia I S”. Vẫn theo Miah, ông ta từ Anh đến Syria để “làm công tác nhân đạo”, và: “Mẹ tôi là người Bangladesh nhưng tôi sinh đẻ tại Anh. Tôi có quốc tịch Anh và không có bất cứ một giấy tờ gì của Bangladesh. Tôi muốn được trở về Anh để tiếp tục làm việc và đóng thuế (?!)”. Về lý do bỏ chạy, Miah cho biết ông ta còn một đứa con nữa nhưng nó đã thất lạc khi thành phố Deir Ezzor bị ném bom, và ông ta đang cùng vợ đi tìm nó: “Nếu nước Anh muốn trừng phạt tôi vì tôi đã đến Syria thì họ hoàn toàn có quyền làm điều ấy nhưng chắc chắn là tôi không có vấn đề gì vì tôi chưa bao giờ giết hoặc làm tổn thương bất kỳ ai. Có thể trong số những bệnh nhân mà tôi đã cứu chữa, có kẻ là lính I S nhưng làm sao tôi biết vì họ mặc quần áo dân thường…”.
Tuy nhiên, dựa vào lời khai của các nhân chứng, SDK nhanh chóng nhận ra Miah là một trong những kẻ đáng sợ. Lập tức họ đưa ông ta vào một trại giam nằm gần thị xã Hajin, tỉnh Deir Ezzor, nơi SDK vừa chiếm lại từ tay I S. Và mặc dù một số tù nhân đã bị Abuanza và Miah mổ lấy thận nhưng may mắn còn sống, đứng ra tố cáo tội ác của Miah nhưng trước sau ông ta vẫn phủ nhận mọi chuyện, kể cả hồi đầu năm 2017, Abu Bakr al-Baghdadi, nhân vật lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo tự xưng, khi đến thăm Bệnh viện Alteb Alhadith ở thị trấn Mayadin và đã gặp Miah thì trong các buổi hỏi cung của SDK, Miah vẫn leo lẻo chối rằng ông ta không hề biết Abu Bakr al-Baghdadi là ai, cũng như chưa bao giờ tiếp xúc với nhân vật này.
Cho đến nay, các cơ quan chức năng Anh quốc chưa có ý kiến chính thức gì về việc Miah xin trở lại nước Anh. Nó cũng tương tự như trường hợp của bác sĩ Muhammad Saqib Raza, quốc tịch Anh, người đã làm việc tại một số bệnh viện của I S ở Syria trong 8 năm, và cũng bị SDK bắt giam khi lực lượng này tái chiếm tỉnh Deir Ezzor. Theo Muhammad Saqib Raza, ông đã bị IS lừa gạt bằng chiêu bài giúp đỡ nạn nhân chiến tranh. Bày tỏ nguyện vọng muốn được trở về Anh, Muhammad Saqib Raza nói: “Anh quốc là một trong những quốc gia hùng mạnh và giàu lòng từ tâm nhất thế giới nhưng tại sao nước Anh lại bỏ rơi tôi khi tôi cần đến họ nhất?”. Một quan chức cao cấp của SDK nói với tờ Telegraph: “Trong khi chúng tôi có đủ chứng cứ, chứng minh dược sĩ Anwar Miah là tội phạm chiến tranh qua những hành vi mổ lấy nội tạng tù nhân, tra tấn và thí nghiệm các chất hóa học trên cơ thể họ thì với bác sĩ Muhammad Saqib Raza, chúng tôi vẫn đang tiếp tục điều tra về những gì ông ta đã làm trong suốt 8 năm cộng tác với I S”.
Riêng về “Bộ trưởng Y tế” Issam Abuanza, sau ngày SDK chiếm lại tỉnh Deir Ezzor, thông tin tình báo cho biết ông ta hiện lẩn trốn trong những hang động chằng chịt ở phía đông làng Baghouz, thành trì cuối cùng của I S. Cùng ở với ông ta còn có ít nhất 4 bác sĩ khác. Trong một lời kêu gọi trên mạng xã hội, Issam Abuanza cho biết ông ta “rất cần các bác sĩ chuyên khoa, nhất là bác sĩ phẫu thuật mạch máu, phẫu thuật lồng ngực và bác sĩ gây mê hồi sức”. Vẫn theo lời một quan chức cấp cao của SDK, việc bắt sống hoặc tiêu diệt “Bộ trưởng Y tế” IS Issam Abuanza chỉ còn tính bằng ngày: “Issam Abuanza chẳng thể chạy đi đâu được nữa. Cách tốt nhất là ông ta nên nhanh chóng đầu hàng…”.
Nguồn: https://m.huffingtonpost.co.uk/.../nhs-doctor-issam...
https://www.thesun.co.uk/.../british-isis-medics-torture.../
https://www.bbc.com/news/uk-36362957
https://www.independent.co.uk/.../nhs-doctor-sheffield...
https://www.theguardian.com/.../sister-nhs-doctor-isis...
Theo Phan Vũ Hải Long
https://www.ibtimes.co.uk/practising-nhs-doctor-leaves...
https://www.walesonline.co.uk/.../doctor-who-worked-welsh...
https://www.dailymail.co.uk/.../NHS-treated-like-beggar...
#Ad69
0 notes