Tumgik
mintteaneee · 9 months
Text
Nghệ thuật đây rồi, sao nữa?
Mấy ngày nay, mình đi triển lãm và có một điều mình nhận thấy là cụm từ "nghệ sĩ" trong con mắt của những người vẽ hay có chuyên môn vẽ, rất ít liên quan đến sáng tạo.
Mình thấy, đối với họ, người nghệ sỹ không chỉ theo định nghĩa "người sáng tác" (creator) mà còn là "người thông thạo" (virtuoso), một người thợ lành nghề với chất liệu sáng tác.
Chất liệu, là thứ mà đa phần được quan tâm, bởi vì sáng tạo và "chất" nghệ thuật vốn dĩ đã là một thứ hiển nhiên. Cái câu hỏi "bức tranh này nghĩa là gì" "họa sỹ đang cố gắng truyền tải điều gì" hay "nó có giá trị gì trong con mắt người thưởng thức" hầu như không được bàn tới, mà thay vào đó là, đây là chất liệu gì, vẽ bằng gì, sáng tác bằng kỹ thuật gì, sơn nước có tính cách ra sao, sơn dầu có tính cách ra sao. Không có nghĩa rằng câu hỏi về bản chất sáng tạo và giá trị của nghệ thuật không quan trọng, mà chỉ là nó hầu như không được nhắc đến.
Theo đó, họa sĩ cũng được nhắc đến song song với chất liệu mà họ gắn bó hoặc được biết đến, như họa sĩ sơn dầu, họa sĩ sơn mài. Một điều nhỏ bé thế thôi mà mình cũng không nhận ra được qua hàng giờ đọc báo, xem phim. Đương nhiên nếu phạm vi được nới rộng, có lẽ cụm từ "họa sĩ Việt Nam" cũng sẽ được dùng trong bối cảnh quốc tế cần có sự phân định quốc tịch, hoặc những cụm từ khác được sử dụng trong bối cảnh phù hợp. Chỉ là, trước vế "họa sĩ tài hoa/đại tài/cô đơn", "họa sĩ có ảnh hưởng/tạo nền tảng/tiên phong" là vế "họa sĩ + chất liệu và cách họ thuần thục/chơi với chất liệu đó".
Ngoài ra, khi thưởng lãm, tuy có những khuyết điểm quá rõ ràng ở một bức tranh nào đó do họa sĩ không chuyên sáng tác, thì vẫn có cả những ưu điểm. Dưới lăng kính của người chiêm ngắm, những khuyết điểm đó thật sự không đáng kể. Không phải họ phủ nhận những khuyết điểm đó, mà là họ nhận thức được điều đó, nhưng không để nó ảnh hưởng nhiều đến cách nhìn nhận đối với toàn bộ tác phẩm và tác giả. Tuy nhiên cũng cần loại trừ trường hợp cố gượng ép một lỗi lầm thành một phong cách, điểm nhấn theo "dụng ý" của họa sĩ.
Thực tế/ thực tại là tổng hòa của những điều tích cực, tốt đẹp, xấu xa và tiêu cực. Tổng hòa, hỗn tạp từ nhiều thành tố, không phải mỗi điều tiêu cực là "thực tế". Trong hành trình sáng tác và khám phá cái tôi của người nghệ sĩ, đôi khi điều thực tế không nhất thiết phải là điều tiêu cực như trong câu "Bớt ảo tưởng và Sống thực tế tí đi!", và thực tế trong con mắt của nghệ sĩ có khi lại nằm trong chính những ý định và tơ tưởng mộng mơ của mình.
0 notes
mintteaneee · 9 months
Text
Tumblr media
Một trong những quãng thời gian tự thấy mình thật thú vị do được mặc và phối những món đồ mình yêu thích.
Tôi thích sự lòe loẹt trong hỗn tạp những họa tiết, cảm tưởng mình là một người lãng du đầy ảo mộng với tinh thần tự do thuần khiết.
Nghệ thuật là nơi an trú mang lại cảm giác như chính mình được trở thành con người tự do. Nhưng đâu đó trên đường đi, tôi đã lạc mất chính mình qua những lý lẽ và lời nói dối về những điều mình nên làm.
Tôi đã chối bỏ nghệ thuật. Và giờ tôi lại khao khát nó hơn bao giờ hết.
1 note · View note