Tumgik
muahexanhla204 · 4 months
Text
THE 8 SHOW
Tumblr media
Tôi không biết phải gọi ký hiệu màu đỏ trên Poster của bộ phim là số 8 hay dấu vô cực vì dù có chọn thế nào cũng trở nên chính xác. Tám nhân vật tương ứng với số tầng mà họ chọn lựa khi bắt đầu cuộc chơi. Con số đó cũng là cái tên mới của họ trong thế giới giả lập này. Họ quyết định không hỏi sâu gì về nhau vì ai cũng mang trên mình một quá khứ đầy sẹo. Họ đồng thời cũng không muốn dính dáng gì nhiều đến nhau bởi cuộc chơi này là những trò chơi vô cảm bất tận mà mỗi người đều muốn quên đi.
BẢN SAO CỦA SQUID GAME?
Khán giả khó tránh khỏi đặt lên bàn cân giữa The 8 Show và một bộ phim đình đám thuộc thể loại sinh tồn của Hàn Quốc trước đó – Squid Game. Từ trailer mở đầu đã cho thấy dáng dấp của Squid Game đâu đó, tuy nhiên cuộc chơi giữa hai bộ phim hoàn toàn khác nhau. Squid Game thiên về kỹ năng sinh tồn, The 8 Show nặng về tâm lý nhân vật, mô tả những đấu tranh nội tại của mỗi người. Mặt khác, trong khi Squid Game đưa ra một luật lệ bắt buộc người chơi phải tuân theo (nếu không, sẽ bị quản trò giết), The 8 Show đơn giản cho phép người chơi được sống theo cách mà họ mong muốn chỉ cần họ không vượt quá khuôn khổ (nếu không, chỉ bị phạt trừ tiền). Tính dân chủ được đề cao trong tinh thần của The 8 Show. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra tất cả những đau đớn ở thế giới giả lập đó không phải do những người tạo lập gây ra, mà đều bắt nguồn từ chính quyết định của cộng đồng nhỏ gồm 8 con người này.
Tumblr media
Viễn cảnh diễn ra khi tuỳ mỗi tầng lầu mà từng nhân vật ở sẽ được trả tiền cho từng phút mà họ tồn tại trong trò chơi. Số tầng càng cao thì số tiền nhận được càng lớn. Độ chênh lệch khủng khiếp. Tầng 1 kiếm được 10,000 Won mỗi phút; Tầng 3 nhận gấp 3 lần; 130,000 Won cho tầng 6; Tầng 7 – 210,000 Won và tầng cao nhất - 340,000 Won (gấp 34 lần số tiền của tầng 1). Khi người chơi nhận ra điều này, họ bị sốc nặng, cảm thấy bất mãn và nãy sinh lòng đố kỵ.
SỐ PHẬN CON NGƯỜI ĐÃ ĐƯỢC ĐỊNH ĐOẠT?
Tumblr media
Những người “sinh ra” ở tầng lớp trên, không chỉ hưởng thụ nguồn thu nhập cao ngất ngưỡng mà nơi ở của họ cũng được mặc định rộng rãi không kém. Một lần, cả bọn cùng nhau lên phòng của Tầng 8 và họ mở to mắt, mồm há hốc. Tầm nhìn căn phòng với nhiều dãy ô kính hình chữ nhật được lắp đầy một mặt tường nhìn ra mảng cây xanh có thể là công viên, một cây cầu bắt qua hai thành phố với nhiều toà nhà cao tầng, xa xa là những dãy núi nhấp nhô và tia nắng lấp lánh.
Tumblr media
Khung cảnh đó khiến Tầng 1 buồn nôn và thở dốc như lên cơn hen suyển, anh ta phải chạy ra ngoài để nạp oxy vào dù căn phòng còn tràn ngập không khí hơn bên ngoài. Anh ta có lý do cho điều đó vì căn phòng của anh nằm tít phía dưới. Diện tích không chỉ nhỏ hơn (tôi đoán chỉ bằng 1/34 diện tích căn phòng của Tầng 8 - dựa theo tỉ lệ tiền nhận được tương ứng), mà độ cao trần nhà còn thấp tè chỉ vừa đụng đầu người, có một ô cửa nhà xíu xiu ở chính giữa mà cũng không nhìn ra được đâu do bị một mảng tường che mất hai phần ba tầm nhìn.
PHÂN CÔNG XÃ HỘI HAY BỐC LỘT GIAI CẤP?
Tumblr media
Ban đầu, mọi người trong “xã hội nhỏ” đều an phận với mức thu nhập mà họ kiếm được. Vấn đề nãy sinh khi họ nhận ra có cách thức tích trữ thời gian để tồn tại trong trò chơi bằng nhiều cách khác nhau. Ban đầu họ chạy bộ lên xuống cầu thang. Anh chàng tầng 1 bị tật ở chân nên gặp khó khăn dùng thang bộ đã xung phong nhận túi phân và nước tiểu của mọi người để ở phòng mình thông qua một cái thang máy nhỏ duy nhất nối 8 căn phòng với nhau. Đấy là cách bộ phim mô tả loài người tạo ra phân công lao động - một guồng máy xoay vòng bất tận, những ai trật "đường ray" sẽ bị xã hội đào thải không thương xót.
Thế rồi một hôm, dù họ có chạy tiêu tốn bao nhiêu lít mồ hôi đi chăng nữa thì thời gian cũng không tăng lên được bao nhiêu. Họ nhận ra rằng những người quan sát qua camera đã thấy chán với trò thể chất trẻ con của họ và bàn với nhau cách thức khác để nuông chiều những người này. Từ đây, tính người của họ bắt đầu bị thách thức thông qua những trò chơi tàn ác như thời kì diệt chủng của Polpot hay Holocaust, như cách tầng 4 tâm sự: khi bước vào trò chơi này, cô đã quên mình là một con người, như thế mới có thể sống được và kiếm tiền.
Giai cấp cũng bắt đầu được hình thành.
Tumblr media
Phân đoạn khiến tôi sởn gai óc chính ngay lúc cô nàng Tầng 8 thủ dâm trong khi nhìn lên màng hình chiếu cảnh 7 người tầng dưới bị tra tấn từ thể xác đến tinh thần, đau đớn của đồng loại mang lại khoái cảm cho cô.
Ngoài ra, Tầng 8 còn ra lệnh cho đồng bọn nẹp mắt các tầng dưới không cho họ nhắm lại trong nhiều ngày liền, dưới cổ bố trí sẵn một thau nước để nếu người nào gục thiếp ngủ đi sẽ bị sặc nước ngay lập tức. Ngày này qua ngày nọ mất ngủ sẽ khiến người ta suy kiệt và điên loạn, người mạnh mẽ nhất như Tầng 2 cũng trở nên yếu đuối van xin tha mạng.
“Chúng ta đã đổ mồ hôi, đổ máu. Bị đánh, bị đấm, bị đâm rồi bị chích điện. Xúi giục, lừa dối, phản bội, cướp đoạt. Đi lừa rồi bị lừa . Có lẽ chúng ta đã làm gần hết những chuyện con người có thể làm với con người rồi.” – Tầng 8 thừa nhận.
NHỮNG PHÁT SÚNG CỦA CÁCH MẠNG
Tumblr media
Sẽ là thiếu sót nếu không đề cập đến những cuộc cách mạng, đó là dấu chấm hết cho một giai đoạn và cũng bắt đầu một giai đoạn. Người ta hay bảo nhau: đừng dồn con chó đến chân tường vì nó sẽ cắn bạn. Kẻ thống trị thực hiện áp bức để cai trị; kẻ bị trị ngoan ngoãn tuân theo cho đến khi bị dồn đến ngõ cụt.
Những tầng bên dưới đã thực hiện ba lần cuộc nỗi loạn như vậy trong bộ phim. Kẻ bị trị trở thành kẻ thống trị. Chúng ta hay trách móc những người nắm trong tay quyền lực; thế nhưng có chắc rằng khi đứng ở vị trí của họ ta sẽ làm khác không?
Tumblr media
Nhưng cuộc cách mạng thứ ba ở cuối phim không phải để lật đổ một tầng lầu cụ thể nào cả. Đó là cuộc cách mạng để giữ lại chút tính người còn sót lại. Khi Tầng 1 hấp hối, Tầng 3 vội v��ng chạy đến cửa thang máy nhấc điện thoại gào lên: "Tôi mua ngay thứ gì có thể kết thúc chương trình. Thứ gì đắt nhất ở đây? ... Khốn kiếppp" . Lập tức con số nhảy lên 1,440 giờ đồng hồ tương đương 60 ngày được cho không như thách thức tất cả rằng khi đưa ra lựa chọn đi vào đã không có ngày trở ra.
Không còn cách nào khác, Tầng ba đã bắn hạ tất cả camera để những người quan sát không thể theo dõi diễn biến nữa. Anh bịt mắt tất cả lại nhưng cũng không cứu được Tầng 1. Cánh cửa cuối cùng cũng chịu mở ra, tám tầng lầu được giải thoát. Tuy vậy, câu hỏi của Tầng ba vẫn chưa được ai giải đáp...
"Thứ gì là đắt nhất ở đây?".
Dù là gì tôi nghĩ họ đã mua được nó nhưng không phải bằng tiền, đó là chút ấm áp trong trái tim - chút tình thương còn sót.
MỘT CÁI KẾT "TRÔI QUÁ"
Tumblr media
Bộ phim đã phản ảnh một lối sống vô cảm của con người hiện đại với sự bùng nổ của mạng xã hội. Cuộc sống nằm gọn trên cái màn hình điện thoại, như những ô kính trong phòng mỗi tầng lầu dù đẹp hay tồi tệ thế nào cũng chỉ là tấm đèn led vô nghĩa.
Bộ phim cũng châm biến nỗi ám ảnh của thế hệ trẻ Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung nói chung về nền công nghiệp giải trí, thứ đã phát triển vượt bậc đưa một số người đến đỉnh cao danh vọng nhưng cũng đồng thời nhốt họ trong cái nhà tù tai tiếng đó.
Tumblr media
Dạo quanh nhiều diễn đàn tôi bắt gặp phần lớn các bình luận thất vọng về một cái kết nhàm chán của bộ phim. Điều đó không khó hiểu vì bộ phim khơi dậy quá nhiều sự bực tức, bất mãn của người xem, khiến họ xót xa khi chứng kiến những bạo lực của những kẻ thống trị mà kết phim chưa đem lại một cán cân công lý như mong đợi, nhưng cuộc sống vốn là như vậy.
“Dù chúng ta nỗ lực sống tốt, liệu có tạo ra khác biệt không?” - Tầng ba đã nhận ra điều đó.
Tumblr media
KHỔ ĐAU LÀ HẠNH PHÚC?
Cuối cùng khi trò chơi chấm dứt, đáng lẽ hạnh phúc sẽ mỉm cười nhưng ánh mắt Tầng 3 lại cho thấy sự trống trải. Anh ta dù trong túi có một khoản tiền kết xù vẫn chọn sống trong một căn phòng tồi tàn, chật hẹp và cũng có một cửa sổ y hệt như căn phòng số 3 ám ảnh đó. Anh đã cố gắng chịu đựng tất cả tủi nhục để lấy số tiền mà anh không dám mơ tưởng tới đó, nhưng khi cằm trên tay rồi anh lại cảm thấy thật vô nghĩa.
Tám người bọn họ tuy đã tự do vẫn thật sự không muốn gặp lại nhau ngoại trừ tại một ngày đám tang mà Tầng 3 tổ chức cho Tầng 1. Anh làm vậy vì sự thương cảm hay chỉ là một hành động mang tính hình thức nhằm giải phóng họ khỏi sực mặc cảm tội lỗi? 
Tumblr media Tumblr media
Không hiểu sao tôi lại có cảm giác cái thế giới đớn đau mà họ vừa may mắn trốn ra lại là nơi mà họ cảm thấy được yêu thương và sống có ý nghĩa nhất. Ngay cả bó hoa kính viếng của Tầng 6 (một tên côn đồ) dường như cũng thay mặt sự hiện diện cho nỗi buồn và sự ân hận của anh ta. Cảm giác như Tầng 6 cũng đang nhớ về tám người bọn họ...
Cách cô em gái Tầng 4 nhìn người chị Tầng 6 lần cuối, ánh mắt nhìn xuống của Tầng 3 hay nét dịu dàng lần đầu Tầng 2 chịu bộc lộ khi âm nhạc vang lên thật buồn. Tôi thấy hình ảnh này thật giống buổi chia tay cuối cấp 3, mọi người cũng buồn như vậy, những lời động viên, hỏi thăm và rồi đường ai nấy đi.
Dù có nỗ lực đến đâu, cuộc sống sẽ đảm bảo không ai có thể tìm thấy đường quay trở lại.
Nhân Trần
23/05/2024
4 notes · View notes
muahexanhla204 · 4 months
Text
POOR THINGS
Tumblr media
Những sinh vật tội nghiệp.
Câu chuyện kể về một người phụ nữ tên Victoria Blessing (Emma Stone) tự đằm mình xuống một dòng sông trong tuyệt vọng. Giáo sư Godwin Baxter (Willem Dafoe) người vô tình hay cố ý đã tìm thấy được xác của nàng và đem về nhà. Godwin như vớ được vàng khi nhận ra cái bụng to tướng của nàng trương phình không phải vì no nước mà nàng đang mang thai, và một cách thần kỳ đứa bé trong bụng vẫn còn sống (được đặt tên là Bella Baxter). Ông bèn thực hiện ý tưởng điên rồ mà chắc không một người bình thường nào có thể nghĩ ra: ghép não của đứa con vào cơ thể của người mẹ. Và như vậy, ông đã hồi sinh một mạng sống... nhưng tôi tự hỏi: ông đã cứu ai? Người mẹ hay đứa trẻ?
Trước khi được biết đến là bộ phim nặng đô , Poor things đã nổi tiếng như một tác phẩm văn học vô cùng lập dị của tác gia người Scotland, Alasdair Gray. Đặt bối cảnh ở thời kì Victoria - người trị vì Vương quốc Anh từ năm 1837 đến năm 1901, vai trò người phụ nữ lúc này theo quan sát của Triết gia John Ruskin (1865) chẳng khác nào cái bóng của đàn ông.
“Sức mạnh của đàn ông được xem là tích cực, tiến bộ và sử dụng mặc nhiên như vũ khí tự vệ. Đàn ông phù hợp với vai trò người thực thi, sáng tạo, khai phóng và bảo vệ. Trí tuệ của anh ta cốt để suy luận và phát minh; năng lượng của phái mạnh tạo ra chiến tranh và thống trị... Nhưng sức mạnh của người phụ nữ là để bị thống trị, không phải để chiến đấu; và trí tuệ của cô ấy không phải dành cho sáng tạo hay phát minh mà là để vâng lời; cô ấy được phép thông minh nhưng không phải để phát triển bản thân, mà để hi sinh bản thân vì chồng mình”, Ruskin nhận định. 
VICTORIA BLESSING
Tumblr media
Victoria Blessing đã không thể chịu đựng nỗi bầu không khí ngột ngạt trong một xã hội như vậy. Cô ấy bước đến một ngõ cụt cuộc đời hay “đã đạt tới ranh giới” như cách Godwin giải thích cho Bella Baxter khi cô bé nhắc về gốc gác của mình. “Họ đã chết trong một vụ sạc lỡ ở Nam Mỹ. Họ đã chạm tới những ranh giới của bản thân, và họ đã trả giá.”
Lúc đấy là ông đang nói dối Bella, nhưng thật sự đã có những “cái hố” như vậy xung quanh dinh thự cô từng sống mà chỉ bản thân cô nhìn thấy được. Và cô đã ngã vào một cái hố đen như thế và chết chìm trong đó.
“Nhưng đó là con đường sống duy nhất, Bella ạ”. Đôi lúc để được nhìn thấy, con người ta buộc phải tìm cách biến mất đi.
GODWIN BAXTER
Tumblr media
Thoạt nhìn, cách Giáo sư Godwin nuôi nấng Bella khiến người ta cảm thấy an tâm vì cô thừa hưởng cuộc sống giàu sang, người hầu kẻ hạ xung quanh, được cha thương yêu chiều chuộng. Tuy nhiên, tình yêu của ông lại bắt đầu khiến cô nàng ngột ngạt như chính người mẹ quá cố của mình. Như cái cách ông đã vô thức trở thành bản sao cha của ông, người đã thực hiện những thí nghiệm tàn bạo khiến gương mặt ông biến dạng và bị xã hội khiếp sợ. 
Khi đem nàng Blessing về nhà, cơ thể của cô còn đâu đó dấu vết của sự sống, theo mô tả “vẫn chưa cứng, không lạnh, không có mạch nhưng có vài dòng điện để giữ nàng còn sống", nhưng ông đã từ chối cứu sống vì ông thực sự tôn trọng nàng. Ông cân nhắc việc cứu sống có đem lại hạnh phúc cho nàng không khi điều cuối cùng mà nàng mong muốn là cái chết. Và xã hội ngày ấy không cho phép điều đó, đặc biệt là một đất nước Cơ Đốc giáo, tự tử được xem là tội phạm hoặc điên khùng. Ông không cho mình cái quyền quyết định số phận của Bella.
Tuy nhiên, tại sao ông phải phức tạp hoá câu chuyện khi tách não đứa bé còn chưa sơ sinh để nhét vào hộp sọ một người đàn bà trưởng thành, vì đơn giản ông chỉ cần đế mặc người mẹ được toại nguyện và cứu đứa trẻ thôi. Ông tôn trọng quyết định của người mẹ nhưng đã từ chối sự lên tiếng của đứa bé.
Đây là một ví dụ điển hình về việc cơ thể người phụ nữ bị sử dụng và khai thác, ngay cả khi họ đã chết đi. Khi tuỳ ý sử dụng cơ thể của cô Victoria, Godwin cũng đã phủ nhận phẩm giá cuối cùng của cô ấy trong cái chết.
BELLA BAXTER
Tumblr media
Bella Baxter là hiện thân cho một cuộc cách mạng nữ quyền nói riêng và quyền làm người nói chung. Không phải ai cũng làm được điều đó khi nói về nó - truyền thống - ngay cả mẹ cô và ‘Chúa’ của cô. 
Thừa nhận sự phát triển của Bella qua lăng kính đạo đức có thể gây tranh cãi nhưng ít nhất cô có thể tự đưa ra quyết định đối với cuộc đời mình. Hầu hết các tình huống khi đã tích luỹ đủ khả năng ngôn ngữ, Bella đều cố gắng đưa ra những quan điểm để tranh luận và thuyết phục McCandles cũng như Cha cô về một vấn đề gì đó. Bắt đầu từ việc nhịn ăn phản đối cách McCandles cấm nàng thủ dâm với lý do “việc đấy là bất lịch sự trong một xã hội hiện đại”. Kể ca khi bị cảm giác bức xúc lấn át do muốn bỏ trốn theo tên Luật sư quỷ quyệt Duncan Wedderburn , Bella vẫn thông báo với Cha chính xác thời điểm mà cô sẽ xách va-li đi như một lời tuyên chiến.
Nàng thách thức kỳ vọng của đàn ông và phóng thích bản thân khỏi những trói buộc đạo đức về tình dục mà xã hội áp đặt lên phụ nữ. Sự kiêu hãnh không thể khuất phục của nàng khiến họ bộc lộ sự yếu đuối trong tâm hồn. Việc con mồi trở thành kẻ đi săn làm họ đảo điên. Họ thà trở thành nạn nhân của chính bản thân mình còn hơn chấp nhận con người thật của Bella.
“Godwin đã cử một con quỹ cái đáng sợ đến thế giới này. Ác quỹ cuộn mình trong một thân hình quyến rũ mà không thể nào thoã mãn được nó; một tâm trí mà có thể xẻ con người ta theo từng muỗi khâu một như một con búp bê giẻ rách…” – Duncan lấp liếm – “Cô ta đã huỷ hại tôi hoàn toàn”.
“Vậy tôi đã biết cô ta là ai rồi, ông Baxter ạ. Dân Do Thái gọi cô ta là Eva và Delilah; người Hy Lạp sẽ nhớ về cô ấy là nàng Helen thành Troy; hay Cleopatra với người La Mã; hoặc Salome với người Ki-tô giáo. Con quỹ cái sẽ phá huỷ danh dự và sự nam tính của những người đàn ông cao quý, mạnh mẽ nhất.” Một đoạn rất hay xin được trích dẫn trong nguyên tác của bộ phim. 
NHỮNG SINH VẬT ĐÁNG THƯƠNG 
Tumblr media
Suy cho tận cùng, góc nhìn của đạo diễn vẫn cho thấy đâu đó một số nét đáng yêu của các nhân vật. Nhìn nhận con người với những khuyết điểm có thể cải thiện và tính vị tha là hai thái độ xuyên suốt trong toàn bộ phim.
Họ đều là những sinh vật đáng thương như cái tựa đề “Poor things” vậy. Họ có những hạn chế nhưng nếu bạn cho phép trái tim và trí óc của mình mở mang hơn thì bạn sẽ thấy được họ đáng thương thế nào…
Loài người là cách chúng ta gọi bản thân mình. “Một đống nội tạng không có tia sáng tự bộ não hay được bơm máu từ một quả tim chỉ là một khay thịt ăn trưa Chủ Nhật của gã đồ tể” - Godwin rao rảo như thế trong lớp học của mình - “Ai có thể phân biệt người và thú, nếu có sự phân biệt ở đây”.
Bộ phim, không thể bàn cải, chính là một tác phẩm nghệ thuật phức tạp và có thể được suy diễn nhiều cách khác nhau tuỳ vào cách bạn chọn xem nó như thế nào.
Nhân Trần 
17/05/2024
1 note · View note
muahexanhla204 · 5 months
Text
Tumblr media
Thú thật, trong một thời gian khá dài, tôi đã đứng từ xa ngắm nhìn cái poster Schindler’s list trôi bồng bềnh trên bảng danh sách phim Netflix của mình, và chưa bao giờ cho phép mình dừng lại ngắm nhìn quá ba giây bởi nó thuộc thể loại phim đen trắng. 
Bộ phim khơi gợi trong tôi câu hỏi về nguồn gốc chiến tranh và ý nghĩa của sự tồn tại.  Ban đầu, có lẽ cuộc chiến chỉ nằm trong đầu Adolf Hitler - một ý tưởng vừa tượng hình trong não bộ như một cơn gió thu nhẹ chỉ đủ sức làm lay động những chiếc lá vàng sắp lìa cành. Sau đó vào một ngày tháng 9 năm 1939, chẳng biết một con bướm nào đã vỗ đôi cánh để rồi tiếp sức cho cơn gió bé nhỏ kia trở thành một cơn cuồng phong quét sạch mọi nẻo đường nó đi qua. Khi đó, sinh mạng của con người Do Thái chỉ nằm vỏn vẹn một dòng duy nhất trên những danh sách mà đội quân SS thống kê để cai trị và chà đạp.
Tumblr media
Mở màng với gam màu nắng chiều vàng ấm cúng nhưng vô cùng buồn bã trong một căn phòng nhỏ, nơi các sắc màu vẫn còn hiện diện đầy đủ trên gương mặt các thành viên của một gia đình Do Thái tiêu biểu ở Ba Lan. Có lẽ đấy là buổi chiều cuối cùng trước khi người Đức tuyên bố chiến thắng và họ biết buổi lễ Sabbath này không thể kéo dài mãi. Hai ngọn nến lập loè trên bàn là linh hồn của buổi lễ. Các cảnh sau đó vẫn còn màu sắc nâu vàng nhưng không còn sự hiện diện của đại gia đình Do Thái nọ. Kết thúc khi nến đã tan chảy chỉ còn lại hai ngọn tim đèn yếu ớt mở ra trường đoạn trắng đen của bộ phim, báo động một thời kỳ đen tối chính thức bắt đầu. Màu sắc lúc này như một tấm ảnh đã bị một đàn muỗi vằn khát máu bu kín, hút sạch chỉ để lại một màu đen trắng của tan tác và mùi tanh của sợ hãi. 
Tumblr media
Nội dung phim kể về Oskar Schindler, một doanh nhân máu mặt thuộc đảng Đức Quốc xã, đã khéo léo nhận ra chiến tranh mang lại cơ hội sản xuất thương mại với chi phí nhân công vô cùng rẻ mạt. Với lợi thế sở hữu các mối quan hệ thân tín với giới chính trị, quân đội Đức, Oskar đã mua lại một xưởng sản xuất địa phương tại Krakow rồi tái thiết lại thành một đế chế sản xuất nồi và chảo phục cho quân đội. Khi vợ ông đến thăm, ông hồ hởi chia sẻ việc kinh doanh trong quá khứ là vô nghĩa khi so sánh với hiện tại. “Mỗi thương vụ anh đã từng thử giờ anh đã thấy rồi, không phải do anh thất bại”. “Nó luôn thiếu hụt một thứ gì đó”. “Dù anh biết nó là gì, anh cũng không thể tạo ra nó. Nó tạo ra sự khác biệt giữa thành công và thất bại”. Cô vợ ngây thơ thắc mắc: Là may mắn sao anh? Câu trả lời cáo già của Schindler khiến tôi sởn da gà: CHIẾN TRANH. 
Sáu triệu người dân Do Thái đã chết không kể đàn ông, đàn bà, người già, trẻ nhỏ hay em bé sơ sinh… Một số đã bị bắn khi đang đi trên đường, hoặc đang đẩy xe lao động cật lực, hay vừa ngồi xuống cột cọng dây giày. Một số bị tống vào lò hơi ngạt tập thể. Một số nấp dưới tủ chén. Một số dán mình dính vào gầm giường. Một số nín thở dưới hầm xí. Một số tháo chạy vào đường cống. Một số chỉ run cầm cập. Một số chỉ đứng nhìn vô định. Một số chỉ có tội già nua. Một số cứ nối tiếp nhau bước vào một cánh cửa mà không biết sẽ bị giết bằng thú vui tiêu khiển nào… Đau đớn nhất là lúc tôi tưởng tượng cảnh các cháu tôi bị bọn Pháp xít thảm sát, nước mắt tôi rớt lúc nào không hay.
Tumblr media
Quan chỉ huy SS - Amon Goth - đại diện cho tất cả sự ác độc của Đức Quốc Xã. Người hầu gái Goth đã tiết lộ cho khán giả thấy được sự tuyệt vọng của mình khi sống chung với một con quái vật đội lốt người. Cô đã chứng kiến nhiều vụ việc khi nòng súng của Goth nã vô tội vạ vào người dân Do Thái. Bất lực vì đã cố tìm hiểu lý do, nhưng cô không thể nào hiểu được. Những người bị bắn, “họ không ốm cũng không gầy”, “không làm chậm mà cũng không làm nhanh hơn bất kỳ ai”. “Càng chứng kiến Ngài Chỉ huy, tôi càng hiểu chẳng có nguyên tắc nào để có thể sống sót”.  Cô đã chấp nhận việc Goth sẽ bắn cô vào một ngày nào đó. Việc sống mà nơm nớp có người giết mình bất kỳ lúc nào thì chỉ là sự tồn tại của một bóng ma.
Phẫn nộ, uất hận, bàng hoàng, thẫn thờ là một mớ cảm xúc tôi trải qua khi bộ phim kết thúc. Nếu được định nghĩa lại từ “chiến tranh” trong từ điển, thì nó phải là địa ngục. Triết gia Jean Paul Sartre nổi tiếng của Pháp ở Thế kỷ XX đã từng suy nghĩ như vậy: Con người là địa ngục của nhau. Bạn ngẩm thử xem…
Tumblr media
Trong cái địa ngục đó, Oskar Schindler đã cầm ngọn đuốc rọi sáng màn đêm. Để giải cứu gần 1,200 người Do Thái, ông chiêu mộ họ dưới vỏ bọc thợ lành nghề cho xưởng sản xuất của mình. Với mỗi người được giải cứu, ông đã tiêu tốn một phần tài sản cá nhân. Và đến một lúc khi con số lên đến 1,200 người thì đó là tất cả tài sản mà ông có được; đến nỗi có một lần kế toán công ty, Itzhak Stern, phải vội vã đến hỏi Oskar xem ông ta có giấu mình bất kỳ một khoản tiền nào không vì với "độ hào phóng" như hiện tại thì có lẽ không bao lâu sẽ chẳng còn một xu trong tài khoản.
Điều làm nên vẻ đẹp của bộ phim chính là xuất thân của Oskar - một tên Phát xít,  nhưng người xem có thể nói ngay trái tim ông không thuộc về một đảng cầm quyền nào cả.  Ông đã trao cho những người nô lệ Do Thái niềm tin vào nhân loại giữa lúc hỗn mang nhất. Phân cảnh Schindler hôn một phụ nữ Do Thái khi cô ta cầm trên tay cái bánh kem đến chúc mừng sinh nhật ông thật đẹp. Một nụ hôn như bản tuyên ngôn về tình yêu và bình đẳng. Nụ hôn cũng là lời chế nhạo đối với những kẻ nhân danh đủ thứ trên đời để có thể trưng trổ thứ quyền lực thô thiển. Nếu có một tôn giáo mà tôi theo đuổi, thì đó chính là thứ tôn giáo cho phép con người ta trao nhau những nụ hôn như thế. 
Tumblr media
Thật may mắn khi cuộc thanh trừng người Do Thái của Hitler đã chấm dứt, nhưng dường như cánh cửa địa ngục trần gian mà ông ta đã mở ra sẽ không bao giờ thực sự khép lại. Những sang chấn tâm thần, nỗi sợ hãi, sự ô nhục vẫn còn vương lại đâu đó sẽ được truyền lại bằng cách này hay cách khác cho các thế hệ tiếp theo như một màng sương không màu chứa đựng bên trong những bóng ma chực chờ đội mồ sống dậy. Một cách tự nhiên, nó sẽ  được điều chỉnh vào gene của con cái của những con bướm sống sót sau cuộc di cư vạn dặm, như Ocean Vuong đã viết trong cuốn tiểu thuyết của mình.
Định kiến là một bức tường dày. Cuộc chiến tranh nào cũng bắt đầu từ một ý nghĩ lệch lạc của một ai đó. Từ đó, máu và nước mắt sẽ tụ thành hồ và được chứa bên trong những bờ kênh tường dày kiên cố. 
Giữa muôn vàng cơ hội được sống như một ông hoàng, Oskar Schindler đã chọn cho mình một thế khó. Ông đã cầm đầu những công nhân Do Thái thoát ra cánh cổng địa ngục ở các trại tập trung.  
Tumblr media
Ai dám đứng lên cầm trên tay cây búa để đập nát định kiến của chính mình sẽ tạo nên phép màu nhân gian. Schindler đã làm được điều đó. Ông tự mua cho mình một tấm vé đến thiên đàng. Nhưng trước hết ông phải tự mình bước ra khỏi cái bậc cửa nơi ông đã đi vào (hay vô tình mở ra). Tự dưng tôi có cảm giác có lẽ ông đã nhận ra bên trên cánh cổng địa ngục đó ở phía bên này lại có một cái tên khác là “thiên đàng”. 
 Long hải, 08/05/2024
Nhân Trần
Tumblr media
P.S.
Trái ngược với các bài bình luận cho rằng trước khi "thức tỉnh" thì Schindler ban đầu chỉ là một tên tài phiệt Phát xít máu lạnh và trơ trẻn tự gán cho mình cái quyền thượng đẳng, tôi nhìn thấy một Oskar từ đầu bộ phim đã bị nuốt chửng bởi nỗi cô đơn và sự kinh tởm khi cố che dấu tính người để có thể tồn tại với thời cuộc. Tấm hình bên trên là khi ông đang ngồi tiệc tùng giữa giới tinh hoa tại Krakow, bạn nói xem ánh mắt đó có phải thuộc về một người đang tận hưởng say đắm không?
7 notes · View notes