Tumgik
minhhieu711 · 1 year
Text
Kiếp sau ngay trong kiếp này, sẽ ra sao?
Tumblr media
Công nghệ của Thế giới chúng ta đã và đang tiến bộ từng ngày, đến giai đoạn này, nền văn minh nhân loại đang phát triển mỗi giây và càng ngày càng nhanh hơn nữa. Hai mươi năm trước nói về xe điện tự lái, trí thông minh nhân tạo hay chỉnh sửa gen người, tất cả đều nghe như một bản thảo của nhà văn H. G. Wells; nhưng đến bây giờ thì chúng ta còn đang phải học cách để sống chung và sử dụng các công nghệ đó hiệu quả. Bước tiến kinh người của khoa học kỹ thuật giải quyết những vấn đề cũ và cũng mở ra những câu hỏi mới cho loài người. Hôm nay, tôi xin mạn phép đưa ra 1 vấn đề cho các bạn cùng suy tư. Các bạn biết đấy, nếu có kiếp sau thật, mỗi người chúng ta đều sẽ có 1 cuộc đời mới với 1 nhân dạng mới và những ký ức, tính cách mới (đa phần những ý tưởng trong các tài liệu đều chỉ ra như vậy). Nhưng sẽ thế nào nếu chúng ta có 1 cơ thể sinh học mới, với nguyên si những kiến thức, kinh nghiệm, ký ức ở ngay trong kiếp sống này?
Một ý tưởng tôi tìm thấy trong những trang sách và về mặt công nghệ thì có vẻ không quá khó để chúng ta có thể thực hiện được (trong tương lai gần), tôi gọi nó là mô hình Hậu Kiếp – After Life và nó hoạt động với việc tách một bản thể con người làm 2 phần để giải quyết như sau:
Phần thể xác: với sự giúp đỡ của nhân bản vô tính và công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, mỗi một người khi xuất hiện những vấn đề tuổi già, bệnh tật hay thương tật vĩnh viễn có thể chọn lựa nhân bản vô tính chính mình với những chỉnh sửa phù hợp (không còn máu khó đông, không còn mất chi hay các bệnh hiếm về gen biến mất).
Phần linh hồn: phần này khá phức tạp, nếu bỏ qua câu hỏi tôn giáo rằng linh hồn có thực hay không và cấu tạo từ gì, ta chỉ nên tập trung vào phần não bộ – yếu tố cấu thành nên mọi nhận thức của 1 con người. Bạn hãy thử tưởng tượng ta có thể sao lưu toàn bộ ký ức, kinh nghiệm, học vấn và cảm xúc (khi ta yêu, khi ta làm tình, khi ta có con) thành dạng dữ liệu thông tin và chuyển lên một máy chủ nào đó, giống như 1 bản backup vậy và ta có thể loại bỏ những dữ liệu không mong muốn như (mất người thân, bị phản bội).
Từ 2 phần đó, ta tạo ra 1 bản thể mới của ta, 1 cơ thể trẻ trung, dồi dào sự sống hơn, sau đó chuyển toàn bộ nhận thức (backup) vào cơ thể đó và sản phẩm chính là một phiên bản mới của ta.
Tumblr media
Về công nghệ, tôi tin là chẳng cần nhiều thời gian nữa chúng ta sẽ có đầy đủ công cụ để thực hiện mô hình Hậu Kiếp. Tuy nhiên, làm được không có nghĩa là nên làm, vì mô hình này sẽ phơi bày nhiều vấn đề về đạo đức, lòng tin và cả những hệ lụy xã hội.
Ví dụ như: ta có thể tạo ra 1 bản thể của ta khi còn đang sống như vậy, thì cái bản thể đó có còn là ta nữa không, và nếu ta không muốn nó nữa thì sao, người giải quyết nó có coi là giết người? Rồi thì một ta của năm 20 tuổi với toàn bộ kiến thức và tiền bạc (tất nhiên rồi) của ta năm 70 tuổi là một nan đề khác với vấn đề dân số Thế giới, tại sao phải có con khi ta có thể tái nhân bản ta mỗi khi ta già, ai cần con cái để chăm sóc và truyền lại gen cơ chứ? Mọi tổn thương dù là bên ngoài hay bên trong đều dễ dàng giải quyết với mỗi lần tái bản, Wolverine cũng không có năng lực như vậy vì ta đã bất tử như các vị thần, ta còn điều gì để sợ hãi trên đời và cũng còn điều gì để mong muốn trên đời…
Các bạn thấy đấy công nghệ của hiện nay đã mở ra con đường để nhân loại chạm đến đỉnh Olympia nếu muốn, nhưng ngồi lên cái ngai vàng đấy còn ý nghĩa gì nữa nếu phần nhân tính của chúng ta không còn. Một cỗ máy được tái tạo hết lần này đến lần khác với 1 bản backup có thể lưu trữ đến vạn năm là hình ảnh của con người nếu đi theo mô hình Hậu Kiếp. Chúng ta là nhân loại, chúng ta phát triển và đi đến ngày hôm nay vì chúng ta nhỏ yếu và yểu mệnh (so với trời đất), chúng ta chỉ có 1 cuộc đời để sửa sai và cố gắng, vậy nên chúng ta mới đáng quý. Kiếp sau có gì đáng sợ nếu ta đã sống trọn kiếp này, cần gì hứa hẹn lai sinh tái kiến nếu kiếp này đã hết lòng vì nhau… Dù vậy, chẳng có ai dám khẳng định sẽ sống cả đời không hối hận và luyến tiếc, nhưng chúng ta nên hiểu, cái chúng ta nuối tiếc thực sự là khoảng thời gian đã mất, không phải cơ hội sửa sai ở kiếp sau. Rồi đây chúng ta sẽ lại làm chủ được không gian và thời gian như đã làm chủ với chính cơ thể sinh học của mình thôi, nhưng công nghệ không phải câu trả lời cho những vấn đề hiện sinh của nhân loại, chúng ta phải nhận thức sâu sắc là chúng ta chỉ có 1 cuộc đời và hữu hạn cơ hội bên người thân, khi đó, ta mới thực sự là chính ta trong cuộc đời ngắn ngủi của ta!!!
Minh Hiếu
12/06/2023
4 notes · View notes
minhhieu711 · 1 year
Text
Giả thuyết Gai-a và sự tồn vong của nhân loại
Mỗi sáng thức dậy, nếu chúng ta bật các phương tiện thông tin đại chúng như truyền hình, báo chí hoặc internet, rất dễ nhận ra là một tội ác táng tận lương tâm nào đó đã xảy ra và đang được tường thuật lại. Tôi không rõ là do tốc độ phát triển công nghệ nên những thông tin đó được cập nhật nhanh và nhiều hơn, hay là thực sự đạo đức của nhân loại đang suy đồi nhanh hơn cách đây 20 năm?
Ví dụ như nước Mỹ nhé, cứ gặp vấn đề gì đó trong cuộc sống là thường mấy đối tượng (đại từ nhân xưng khi các báo đưa tin về chúng) nghĩ ngay đến mua 1 khẩu súng (hoặc nhiều khẩu) và tìm đến 1 trường học nào đó để phát tiết. Người bình thường thực sự cảm thấy khó hiểu với diễn biến tâm lý và động cơ thúc đẩy phạm tội của những đối tượng này phải không? Ví dụ gần hơn, Việt Nam thì sao, thỉnh thoảng lại thấy con người ta tước đoạt sinh mệnh của nhau chỉ vì 1 cái nhìn đểu, do mời rượu không uống, hay bị bắn một ít nước tưới cây của hàng xóm vào người… Nghe cứ cảm giác như con người bây giờ căm thù nhau lắm và chỉ đợi có 1 lý do dù rất nhỏ để thanh trừng vậy. (Đạo diễn nghĩ ra series phim Thanh trừng – The Purge chắc cũng lấy ý tưởng từ đây!!!). Nhưng kết quả của hiện tượng này là gì, đó là giảm số lượng dân cư đang sống.
Một hiện tượng khác là sự sụt giảm tỷ lệ sinh trên bình diện quốc gia, càng là quốc gia phát triển thì sụt giảm càng nhanh hơn, đây là hậu quả của nhiều yếu tố xen kẽ, từ mức sống cao, dân trí cao dẫn đến mục tiêu nuôi dưỡng trẻ con tập trung vào chất hơn là lượng. Một nguyên nhân khác là tâm lý ngại kết hôn của giới trẻ, phải phân bổ thời gian cho công việc và gia đình hay những áp lực khi làm cha mẹ là một sự thách thức vị nhân sinh với chủ nghĩa khoái lạc đã ăn sâu bén rễ trong tâm thức nhiều công dân trẻ của các quốc gia. Và kết quả của hiện tượng này cũng khiến lượng dân cư mới sinh sụt giảm mạnh.
Trên bình diện địa chính trị, sự kiện nào đáng để ta lưu tâm về khả năng sụt giảm dân số số lượng lớn. Trong thần thoại Hi Lạp, nữ thần đất mẹ Gai-a vì quá mệt mỏi với gánh nặng của lượng con người đông đảo trên lưng, bà đã đề xuất với thần Zeus để tạo ra 1 thiên tai, nhân họa nào đó để giúp bà bớt nặng, và chúng ta đã có cuộc chiến thành Troy nổi tiếng cổ kim chỉ khởi nguồn từ 1 quả táo cho người đẹp nhất. Và thời hiện đại, chúng ta không cần táo và chàng Paris đẹp trai nữa nhưng chiến tranh thì không thời nào thiếu cả. Từ đấy, sinh ra đã ít dần mà chết đi lại đang nhiều hơn, loài người bị gì vậy?
Tumblr media
Khoảng những năm 1970, nhà hóa học James Lovelock được đồng phát triển với nhà vi sinh vật học Lynn Margulis đã đưa ra giả thuyết Gai-a, lấy tên từ nữ thần đất trong thần thoại Hi Lạp, Gai-a cũng có thể hiểu là Trái Đất của chúng ta. Giả thuyết này đề xuất rằng các sinh vật tương tác với môi trường xung quanh vô cơ của chúng trên Trái Đất để tạo ra một sự tự kết hợp tổng hợp, hệ thống phức tạp này giúp duy trì các điều kiện sống trên hành tinh. Sự tự kết hợp tổng hợp này có thể gọi là chọn lọc tuần tự, gần giống chọn lọc tự nhiên, hàm nghĩa rằng những biến đổi sinh học gây mất ổn định những điều kiện hỗ trợ sự sống sẽ không tồn tại lâu, trong khi những biến đổi có tính khuyến khích sự ổn định có nhiều khả năng hơn trong việc tồn tại và củng cố những điều kiện hỗ trợ sự sống.
Hơi khó hiểu nhỉ? Để tôi thử đưa một số luận điểm để cho thấy sự liên kết giữa giả thuyết này với hoàn cảnh sống của chúng ta hiện nay. Theo lý thuyết sự phát triển của loài, số lượng cá thể của các giống loài khác nhau đều sẽ tăng lên đến một mức giới hạn và sau đó sẽ ổn định hoặc giảm xuống. Tuy thuộc vào khả năng tương thích của giống loài đó với hoàn cảnh môi sinh, bầy đàn, thiên địch, giống loài đó sẽ tự điều tiết tổng số lượng cá thể để liên kết với môi trường tạo thành chuỗi thức ăn (rất phù hợp với lý thuyết Gai-a). Thế nhưng, con người chúng ta từ khi bắt đầu cuộc cách mạng nông nghiệp, dân số không ngừng sinh sôi và lấn chiếm hết toàn bộ môi trường sống tự nhiên của các giống loài khác. Chúng ta trở thành kỷ nhân sinh, một thời kỳ sẽ thành chứng tích cho sự tuyệt chủng của vô số loài để củng cố địa vị của duy nhất 1 loài. Chúng ta trở thành yếu tố bất ổn định nhất với Trái Đất hiện nay chứ không phải bất kỳ giống loài nào khác. Nhưng tự nhiên có để chúng ta phát triển theo con đường đấy mãi hay không? Chúng ta sẽ hủy diệt Trái Đất để phát triển như tằm ăn lá dâu sau đó chạy đến 1 hành tinh khác hay sẽ phải chịu sự điều chỉnh của quy luật tự nhiên?
Tôi chắc là đến đây các bạn đã có sự mường tượng và liên kết nhất định giữa giả thuyết Gai-a và những luận điểm tôi đưa ra. Chúng ta cho rằng mình đứng ở đỉnh của Thế giới, trên muôn loài và có khi sánh vai với các vị thần, nhưng quy luật tự nhiên sẽ không ngừng gây áp lực cho giống loài của chúng ta trên con đường phía trước, 8 rồi 9 rồi 10 tỷ người, những con số đấy có thể chỉ là dự báo một cách toán học của những nhà phân tích dân số, nếu điểm giới hạn số lượng cá thể của loài chúng ta đến sớm hơn thì sao?
1 note · View note
minhhieu711 · 1 year
Text
Cô đơn mới là trạng thái vĩnh hằng của kiếp người!
Tumblr media
Bạn biết đấy, con người là một sinh vật sống có quần thể, có cộng đồng. Ngay khi dấn thân vào cuộc đời sau khi thoát khỏi núm ti của mẹ, tất cả những điều ta được dạy và cả những kinh nghiệm cuộc đời chỉ cho ta thấy rằng việc hòa đồng với xã hội là cần thiết để duy trì một cuộc sống lành mạnh cả về thể chất và tinh thần. Nhưng có thật như thế không?
Chúng ta là những cá thể riêng biệt dù ở trong cùng 1 tập thể, có người hướng ngoại, có người hướng nội, cũng có cả những người lai giữa 2 thành phần trên, đấy là tôi còn chưa liệt kê nhiều mẫu hình có một ít cái này, một ít cái kia và biến hóa theo hoàn cảnh nữa đấy. Bạn và tôi hãy cùng công nhận, mỗi chúng ta mang một bản sắc riêng, không thể kiếm được ai có cùng tất cả những đặc điểm cấu tạo nên ngoại hình và tính cách của ta được. Vì vậy, việc sống trong một cộng đồng buộc con người phải trưng ra, thổi phồng những phẩm chất mà xã hội coi trọng như quảng giao, hoạt ngôn, vui tính… và giấu biến những phần tính cách không phù hợp để trưng diện. Điều đó dẫn đến đâu, một xã hội đầy rẫy những cái tôi tổn thương, vá víu và gào thét được công nhận trong câm lặng. Nhưng vấn đề là, tại sao ta lại cần được xã hội công nhận, hay chính ta chưa công nhận chính mình?
Cùng tua lại quá khứ 1 chút nhé, chúng ta ra đời đa phần là một mình, cũng có người có anh chị em sinh đôi, sinh ba đấy nhưng thì sao chứ, ngoài khoảng không gian chật hẹp trong bụng mẹ thì ta có chung cái gì nào? Lỗ mũi ta hít thở sự sống khác nhau, đôi mắt ta nhìn đời khác nhau và vận mệnh của mỗi người là con đường chẳng ai chỉ cho nhau mà đi được. Chúng ta đã làm bạn với sự cô đơn từ khi sinh ra và chúng ta sẽ còn ở bên người bạn đó đến khi lâm chung, dù là kẻ ăn mày khố rách áo ôm hay bậc quân vương tam cung lục viện, ai khi nhắm mắt xuôi tay chẳng phải 1 mình đi con đường xuống hoàng tuyền. Vậy cớ gì ta phải sợ cô đơn?
Có người sẽ nói, ta không được lựa chọn khởi đầu hay kết thúc nhưng không ai phải chọn việc sống cả quá trình một mình cả. Tôi không nói đến việc độc thân, ngay cả những người có gia đình, chồng vợ con cái đuề huề vẫn có khi cảm nhận chân thực sự cô đơn vuốt ve đôi má và áp tai lên lồng ngực của mình cơ mà. Một sự thật khác ta phải công nhận là chẳng có mối quan hệ nào sẽ bên ta mãi mãi, bố mẹ, anh chị em, vợ chồng hay cả con cái, làm gì có ai tay nắm tay từ sáng đến chiều.
Nếu ta bỏ qua sự phản đối của người đời và ngồi lại với cô đơn thì ta được gì? Ta có thời gian để chả làm quái gì mà ta không thích. Bạn thích ngủ, cứ ngủ; bạn thích ăn, cứ ăn; bạn thích ngồi yên nghe hơi thở chạy qua từng tế bào và thủ thỉ chuyện trò với những tổn thương của bản thân trong quá khứ từ hồi mới bỏ tã, thách đứa nào cản được! Khi bạn cô đơn và chọn cho mình một chốn để cô đơn, bạn sẽ không bị những âm thanh trần thế liên tục dội vào màng nhĩ để khơi dậy những ham muốn công nghiệp, bạn không bị bóp méo nhận thức vì những định kiến của xã hội ngoài kia truyền vào các giác quan của bạn. Bạn chẳng còn gì ngoài chính mình! Có thể sau khi đối diện và trở nên đồng cảm với cô đơn, bạn sẽ bước ra cuộc đời lần nữa với chả có thay đổi quái gì? Bạn vẫn sẽ yêu thầm cô bạn cùng lớp đến mê muội, vẫn ăn những thứ mà mẹ bạn coi là không tốt cho sức khỏe, và có khi chả bỏ được thói quen xấu nào. Nhưng bạn sẽ hiểu một cách chân thực và thẳng thắn với bản tâm của mình là mình thực sự muốn như thế, chứ không phải bị ảnh hưởng chủ động hoặc bị động bởi bất kỳ yếu tố nào ngoài bản thân bạn. Còn nếu bạn quyết định từ bỏ tất cả lối sống trước kia, cũng đến từ sâu thẳm tự ngã của bạn mong muốn thế.
Vậy đấy, Phật Thích Ca cũng bước vào con đường tu hành đầy cô đơn rồi mới ngộ ra những giáo lý để cứu vớt chúng sinh, Einstein đi tìm cô đơn để thấu hiểu sự vận hành vi mô của thế giới vật chất, Hemingway cũng chẳng nhận được Nobel văn học nếu ông cứ chìm đắm trong sự tầm thường của đám đông. Cô đơn là vĩnh hằng, cô đơn là không thể tránh khỏi, vậy thì sợ gì, ngại gì mà không làm quen dần và tận hưởng những gì mình có thể làm khi cô đơn!
1 note · View note
minhhieu711 · 1 year
Text
Hai mươi năm sau – Thiết huyết đan tâm
Tumblr media
Câu chuyện mở ra khi thời đại của Hồng y Richelieu đã là dĩ vãng, một thời đại mới dưới tay Mazarin – người tình của nữ hoàng đang diễn ra, nước Pháp rối ren hơn và 4 chàng lãng tử của chúng ta đều thay đổi ít nhiều. D’Artagnan vẫn là anh trung úy ngự lâm như 20 năm trước, vẫn sống trong cảnh túng thiếu một cách phóng khoáng và vẫn tận tụy cống hiến với kỳ vọng đến cái chức đại úy ngự lâm quân. Athos êm ấm với tước vị cũ Bá tước De la Fère, thứ cứu rỗi anh suốt ngần đấy năm là một cậu con trai anh vô tình có sau 1 đêm đóng giả thầy tu. Porthos trở thành ngài Du Vallon De Bracieux De Pierrefonds, sống cô đơn trong cảnh sung túc và thèm khát thêm 1 điều nhỏ nhoi là cái danh Nam tước đề trước cái tên dài dằng dặc của mình. Aramis, tu viện trưởng d’Herblay ban ngày và hiệp sĩ d’Herblay ban đêm, chưa bao giờ buông bỏ cái đam mê với đàn bà và vì đàn bà mà phải nhúng tay vào không ít biến động chính trị của thời cuộc.
A.Dumas đã chỉ cho tôi thấy con người nào cũng có thể thay đổi, dù là 4 người bạn tuyệt vời chúng ta. Đứng trước quyền lực, danh lợi và cả đàn bà, đã có lúc 4 thanh gươm đã chĩa vào nhau, tôi thầm thấy may mắn vì nếu tôi đọc quyển sách này vào nhiều năm trước khi tôi mới đọc xong ba chàng lính ngự lâm thì tôi sẽ buồn, vì tôi không hiểu nổi và không muốn hiểu cái gì đã phá hỏng những nhân cách này. Còn bây giờ thì tôi chỉ có mong chờ, xem A.Dumas sẽ đưa tôi và các anh đi đến đâu. Hóa ra, 4 thanh kiếm với chất sắt tốt, chế tác kỳ công dù có vứt vào cảnh ô trọc thế nào, những vết bùn nhơ và rác rưởi có phủ lên chúng và làm chúng tầm thường như những thanh công cụ nhà nông, thì ngay khi thời cuộc cần đến chúng, khi chúng được va vào nhau, sự rung động cộng hưởng sẽ đánh bay tất cả và chúng sẽ lại sáng chói dưới ánh mặt trời. Đọc kiếm hiệp hay có câu này “Kiếm là quân tử trong binh khí”, thật cũng chẳng sai!
Con rắn độc Milady đã chết, mụ vẫn còn để lại một hạt giống tàn ác trên đời. Nó đã nảy mầm thành một cơn báo thù cuồng nộ, nhưng lại thiếu đi cái hiểm độc của bà mẹ, có lẽ nó là sự khác biệt bản chất của cái ác khi xuất hiện ở những giới tính khác nhau. Mordaunt đã có thiên thời – địa lợi – nhân hòa nhưng cũng không giết nổi 4 chàng lính ngự lâm của chúng ta, âu cũng là do tác giả vẫn còn yêu thích các chàng. Cá nhân tôi chưa thấy Mordaunt ấn tượng hơn mẹ của hắn, thề có quỷ thần 2 vai chứng giám, tôi chưa thấy nữ phản diện nào đặc sắc hơn Milady De Winter trong cuộc đời đọc sách của mình.
Hài lòng và hứng thú, tôi đã gom đủ cảm xúc để sớm bắt đầu đoạn kết của bộ 3 tác phẩm này trong thời gian tới! Cái gì đến thì nó phải đến thôi, và tôi tin là chuyện gì xảy ra ở phần cuối đã khá rõ ràng rồi, các anh hùng của chúng ta đã gom đủ các kỳ công như Hercules, đã đứng ở đỉnh cao đời người (theo góc nhìn của mỗi người) và đã có cả người kế tục: Tử tước De Bargelone, vậy còn thiếu gì để các anh sống mãi?
Chúng ta hãy cùng chờ xem…
Hiếu Nguyễn
03/01/2023.
Nguồn: https://hieunguyen711.wordpress.com/2023/01/03/hai-muoi-nam-sau-van-thiet-huyet-dan-tam/
4 notes · View notes
minhhieu711 · 2 years
Text
Đàn ông, ai cũng nên đọc The God Father!
Tumblr media
Một trong những tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại, dưới ngòi bút của Mario Puzo, The God Father (Cha đỡ đầu – Bố già) không chỉ là một câu chuyện về giới Mafia của Mỹ những năm 50 – 60 thế kỷ trước, nó là bức tranh nhiều màu về con đường trở thành đàn ông, trở thành biểu tượng của nam tính. Tom Hank từng nói: The God Father là câu trả lời cho mọi câu hỏi trên đời! Không thừa, không thiếu, đầy đủ trong cả 1 quyển sách. Cá nhân tôi cho rằng, nam giới thì rất nên nên đọc The God Father, ngoài ra, cần đọc lại ít nhất mỗi thập kỷ 1 lần, để thấy kinh nghiệm bản thân tăng dần sau mỗi giai đoạn sẽ giúp cho việc nắm bắt tâm lý nhân vật lên 1 tầm cao mới.
Don Vito Corleone – The God Father, ông tự đặt cái họ Corleone cho mình để nhắc ông nhớ về ngôi làng ở Sicily nơi ông sinh ra, và ông đã tự tay biến cái tên đó trở thành một huyền thoại về quyền lực tột đỉnh đời người.
Khoan nói về cách ông kiếm tiền, tiền không có sạch sẽ hay dơ bẩn, tiền chỉ là tiền, nó sẽ mãi mãi được người đời tôn thờ miễn là nền văn minh hiện tại không tiêu tan. Cách ông sai khiến đồng tiền làm việc cho mình mới là điều đáng học hỏi. Trước tiên, đồng tiền ta làm ra phải để chăm sóc cho gia đình, “Một thằng đàn ông mãi mãi không thể thành đàn ông nếu không biết chăm lo cho gia đình – Vito Corleone”. Sau nữa, đồng tiền nên được sử dụng để giữ những người ta thân thiết ở gần quanh ta, đôi khi là cả kẻ thù nữa, kẻ sau thì nên ở gần hơn kẻ trước. Câu chuyện về người thám hiểm Bắc Cực với lượng đồ ăn gấp đôi mình cần của ông luôn làm tôi nhớ mãi. Cuối cùng, đồng tiền mới dành cho bản thân.
Ông từ chối sử dụng bạo lực nếu không phải phương cách cuối cùng để xử lý vấn đề. Ông luôn thích đàm phán: “Ta sẽ cho nó một thỏa thuận không thể từ chối được – Vito Corleone”. Thỏa mãn cơn căm giận nhất thời bằng cách cho đối thủ 1 phát súng vào đầu, đơn giản quá, nhưng hậu quả có thể đến ngay tức thời, hoặc kéo dài về sau, nó hủy hoại đối thủ thì ít, hủy hoại chúng ta thì nhiều. Nếu cứ để cơn nóng giận làm chủ bản thân thì tốt nhất nên vứt mẹ cái đầu đi, mọi việc còn lại cứ để quả tim lo. Một trái tim nóng + một cái đầu lạnh = Don Corleone.
Don Corleone tin tưởng vào thực lực bản thân, các thuộc hạ dưới quyền và mối quan hệ bạn hữu. Nhưng ông cũng là người rất tin vào số mệnh, ai sinh ra có số của người đấy, chẳng thể nào thay đổi được, ta sinh ra để thành God Father, nhưng bất kỳ ai, đều có thể rèn luyện bản thân để giữ được tâm thế vững vàng trước mọi biến cố cuộc đời, dù người đó không có quyền lực như ông.
Kể cả đến lúc nhắm mắt, ông cũng có thể thốt lên: Ôi, cuộc đời thật đẹp quá! Ông châm biếm cả thần chết ư, ai chả biết tay ông nhúng chàm sâu đến thế nào và số người chết dưới tay ông đang nhăm nhe để được cấu xé ông dưới 18 tầng địa ngục. Không, tôi tin là ông yêu đời và lạc quan thật, ông giữ tâm trạng vững vàng đấy kể cả khi lưỡi hái tử thần kề vào cổ. Tôi như thấy ông đang kẻ cả với lão đầu lâu xương chéo: “Từ từ đã nào, cho ta nhìn thấy con cháu ta lần nữa đã, rồi thì ta sẽ đi với ông, Don Corleone không quên ơn của lão đâu”. Không cần phải vội! Đàn ông phải là như thế, cuộc đời ta chắc chắn nhiều sai lầm, nhưng ta chỉ nhìn về phía trước, chết đếch phải là hết, vậy thì cứ bình tĩnh sống nốt số năm ở dương gian, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc chiến mới ở dưới kia.
Tumblr media
Don Micheal Corleone, The God Father đời 2. Anh sinh ra khi gia đình đã vững vàng, nền tảng của cả cơ đồ đã quá chắc chắn để đảm bảo một cuộc đời ăn sung mặc sướng, ăn học đầy đủ, thích gì làm nấy, hứng chí thì lao vào quân đội bán mạng cho cái quốc gia vớ vẩn mà anh tin. Trong mắt nhiều người, anh chỉ là loại Nhị Thế Tổ, chẳng hơn tí nào!
Thế nhưng, khi gia đình có biến cố, anh không trở nên điên cuồng như Sonny, không gãy gục như Fredo, anh đem sự tức giận dồn vào lồng ngực, bất chấp cái má đang đau đớn mà suy nghĩ thấu đáo về hoàn cảnh bấy giờ. Bố già đã thực sự ảnh hưởng đến anh quá nhiều, dù anh cố tình phủ nhận việc đó. Anh hiểu rằng gia đình đang trong cơn bão lửa, bố già – trụ chống trời đã ngã xuống, anh yêu ông và gia đình này dù anh không giỏi thể hiện, và anh sẵn sàng hy sinh sự tự do, tình yêu, cả sự trong sạch của mình để bảo vệ nó. Ai chả muốn làm người tốt, nhưng đứng trước ngã ba cuộc đời, lựa chọn giữa việc khăng khăng duy trì sự chính trực của bản thân, hay nhúng chàm để cứu những người thương yêu nhất, lựa chọn rất khó nhưng đàn ông thì rõ ràng nên biết cách chọn rồi. Vứt mẹ cái Đại nghĩa diệt Thân đi!
Don Micheal đã hiểu ra việc xã hội vận hành như thế nào, anh đi con đường xưa kia cha anh đã đi, nếu chỉ có 1 mình có lẽ anh đã vứt bỏ tất cả mà đi theo Kei, nhưng với máu mủ ruột già, anh chọn đứng lên, cáng đáng công việc gia đình và trở thành The God Father. Thân sinh ra làm đàn ông, chúng ta hoàn toàn có quyền chọn lựa cách sống của mình, trốn chạy cũng được, né tránh cũng được, nhưng nếu  đã đặt những lợi ích bản thân lên cao hơn niềm hạnh phúc của những người thương yêu, hãy bỏ cái danh từ đàn ông đi.
Hiếu Minh.
4 notes · View notes
minhhieu711 · 2 years
Text
Omertà – Luật Im Lặng!
Tumblr media
“Omertà: Luật danh dự của người Sicily, nghiêm cấm tố giác hành động phạm tội của những người có liên quan (Từ điển Oxford).”
Chẳng có ai viết về Mafia hay như Mario Puzo, chân thực, sắc sảo, tràn đầy những âm mưu, quỷ kế, nhưng không thiếu tình người.
Một thế giới rộng lớn, đen tối, loạn lạc, và tất cả đều vận hành dưới một bộ luật tối cao, Omertà, bộ luật của sự câm lặng, làm thinh, không hé răng với bất kỳ một ai, đặc biệt là giới công quyền về những điều đã được mắt thấy tai nghe khi sống trong thế giới này. Nền tảng của Omertà phải đến từ sâu thẳm trong những mối liên kết máu thịt, những người Sicily nói riêng và giới Mafia nói chung đều hiểu, chỉ có những người thân trong gia đình là những người được học và thực hành Omertà triệt để nhất.
Điều gì sẽ xảy ra khi Omertà bị phá vỡ, chúng ta còn tin được ai nữa khi chính máu mủ ruột già lại phản bội ta…
Tập truyện cuối cùng của Mario Puzo bắt đầu bằng cái chết của ông trùm quyền lực nhất đương thời – Raymonde Aprile, ông hoàng bóng đêm, giáo chủ của những tên tội phạm. Chi tiết này khá giống với vụ ám sát Don Corleone trong truyện Bố Già, nhưng khác ở đây là ông trùm không thoát nạn.
Cả 3 đứa con đẻ của Don Aprile đều có cuộc sống của những người “đàng hoàng”, không một chút dính dáng đến người cha đáng sợ của mình. Những đứa con này sẽ mãi mãi không biết gì về ông, nếu không xảy ra biến cố gia đình lớn lao kia.
Có lẽ không cần nói nhiều đến cốt truyện, Luật Im Lặng là hơi thở cuối cùng của Mario Puzo vào thế giới hiện đại, nơi không còn thích hợp cho những Mafia của chế độ cũ, của những luật lệ đáng được tôn trọng. Thế giới mới chỉ cần Tiền! 
Tổ chức chống tội phạm lớn nhất nước Mỹ, FBI đã tìm ra một công cụ tuyệt vời để càn quét, tiêu diệt tất cả những gia đình Mafia quyền lực của nước Mỹ. Cũng không phải một kế sách gì mới, chỉ một chiêu phản gián có từ thời Tam Quốc, nhưng được các công bộc của nhân dân sử dụng rất hiệu quả. Omertà cũng có thể bị phá vỡ trước những ngón tay của luật pháp, miễn là biết nắm vào đâu và tạo ra một sức ép lớn bao nhiêu.
Nhân vật nữ trong Omertà được khắc hoạ sắc sảo và có tính cách nổi bật hơn nhiều so với cánh đàn ông.
– Nicole: cô con gái luật sư của ông trùm, độc lập, tư duy sắc bén, phản biện nhanh nhạy, ương bướng nhưng không quá cứng nhắc. Nàng dám ngủ với cả kẻ thù chỉ để làm nguội đi sự nghi ngờ của hắn, nhằm đạt được mục đích trả thù cho cha. Nàng đúng là một Mafioso đích thực.
– Rosie: người yêu và vợ tương lai của con nuôi nhà Aprile, một con cái điển hình, ham mê nhục dục, thích đắm mình trong xa hoa, nhưng cuối cùng cũng vì tình yêu mà bỏ cả thành thị, em cùng chàng vế chốn thôn quê. Nhưng trước khi rửa tay chậu vàng, nàng vẫn kịp góp công xin tiết đôi song sinh sát thủ (cả 2 đều “được” ngủ với nàng). Nàng cũng Mafioso chả kém.
Tumblr media
Omertà đã bị phá vỡ, nhưng chính nghĩa chưa thắng được hung tàn, nó chỉ đổi lốt và tiến hoá để thích nghi cho một cuộc sống mới.
“Đạo cao một thước, Ma cao một trượng”.
Hiếu Minh
2 notes · View notes
minhhieu711 · 2 years
Text
Người đẹp say ngủ – Tiếng nấc nghẹn của một linh hồn già nua!
Yasunari Kawabata, tác giả của quyển sách này đã thật xứng đáng khi đoạt giải Nobel Văn học vào năm 1968. Sau khi đọc xong trang cuối cùng,  tôi mất 15 phút để trấn tĩnh với 1 điếu thuốc lá trên tay.
Tumblr media
Đã bao giờ bạn cảm giác thấy cơ thể vật lý và linh hồn của mình không hoàn toàn đồng bộ với nhau chưa?
Đã bao giờ các bạn cảm thấy rõ rệt ảnh hưởng của thời gian tác động lên bản thân cả trong lẫn ngoài hay chưa?
Đã bao giờ khi mà cảm giác thèm muốn tình dục dâng trào như núi lửa nhưng cơ thể lại không đáp lại bằng những tín hiệu vật lý tương ứng?
Tất cả những điều đó đã xảy ra với nhân vật chính của chúng ta, một ông già gần đất xa trời, vừa goá vợ, đang mòn mỏi đợi ngày đến lượt mình đi xuống cõi hoàng tuyền xa xăm.
Ban đầu có lẽ vì tò mò, ông già của chúng ta đã nghe lời bạn và mò đến ngôi nhà của “những người đẹp say ngủ” và thử trải nghiệm dịch vụ độc nhất vô nhị của họ. Bốn đêm với năm cô gái đẹp, mỗi cô một vẻ nhưng điểm chung đều là xinh đẹp đến thổn thức, còn trinh nguyên như hoa đào đầu mùa và ngủ mê mệt như chưa bao giờ biết tỉnh. Nằm bên cạnh những người đàn bà này cả đêm, bao nhiêu đàn ông có thể đè nén được dục vọng như con thú hoang của thời tiền sử, nhưng tiếc thay, nhân vật chính của chúng ta chính là dạng “lực bất tòng tâm”. Ông chẳng thể làm gì khác ngoài dùng họ như những hoài niệm, như những tấm gương, cho ông thấy ông đã già thế nào, tuổi trẻ của họ thì đẹp đẽ ra sao, thời gian thật khắc nghiệt quá.
Loại dịch vụ này thật sự cực đoan và gây khó chịu cho khách hàng đến vô ngần, đấy là cảm xúc của tôi vào nửa đầu quyển sách.
Tuy nhiên, bỏ qua những cảm giác không được giải toả của một người đàn ông đang còn tuổi trẻ, đặt bản thân vào nhân vật chính (một thói quen khó bỏ của tôi mỗi khi đọc sách), việc mất hoàn toàn năng lực tình dục và buộc bản thân phải có một giấc ngủ vô cùng trong sáng với những tạo vật đẹp đẽ nhất của đất trời, nó đã bộc lộ hoàn toàn tâm tính đằng sau của dục vọng.
Những hoài niệm về mối tình đầu ngây thơ trong sáng, cảm giác khi mà những dục vọng được khám phá cơ thể lẫn nhau và bản năng giống đực chưa làm mờ đi những cảm xúc nguyên thuỷ nhất.
Những nuối tiếc rằng ta đã sống một đời chưa đủ, dù có ngủ với bao nhiêu đàn bà lúc trẻ, dục vọng của ta đâu có nguội ở tuổi lão niên, nhưng dù ta có ham muốn như biển lửa, ta làm gì còn sức.
Rồi thì sự tò mò về đối tác lại dâng lên, họ là ai, những cô gái trinh xinh đẹp sẵn sàng để người ta đánh thuốc mê và nhét vào giường của một ông già này là ai? Đến cuối quyển sách, tác giả cũng không giải thích thêm một điều nào về mối nghi vấn này. Họ xuất hiện như thiên thần hạ xuống phàm gian và sáng hôm sau biến mất nhanh như cái kết của một câu chuyện cổ tích. Xung quanh họ là những tấm màn bí ẩn mà nhân vật chính chắc chỉ được trả lời ở kiếp sau.
Ông già của chúng ta còn có một suy nghĩ khác thường, ông so sánh họ với những vị Phật, những người sẵn sàng dùng cả tấm thân mình để làm cho chúng sinh giác ngộ. Điều này với nhiều người quá nặng về hình thức và chuẩn mực hình ảnh của Đức Phật trong mắt thế nhân chắc chắn sẽ lên án kịch liệt. Nhưng với nhân vật chính, suy nghĩ thế nào là quyền của ông, và Phật tâm chủng tử đã được các cô gái này gieo rắc vào tâm hồn của ông, thế là đủ.
Phật ở nơi nao;
Giữa chốn đồng không mông quạnh cỏ cây tàn tạ, một ngọn cỏ xanh non là Phật;
Giữa đêm tuyết im lìm không tiếng động, một chậu than hồng là Phật;
Giữa sông bể mênh mông vô bờ, một chiếc thuyền con là Phật;
Giữa sắc màu đan xen rối rắm, đơn sơ là Phật;
Giữa ngày tháng loạn lạc huyên náo, bình an là Phật;
(Bạch Lạc Mai)…
Vậy với Eguchi – Nhân vật chính của chúng ta, những người đẹp say ngủ này, chính là Phật.
Minh Hiếu
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Tùy duyên – Tùy hỷ – Tùy ngộ – Tùy an
Tumblr media
“Quán tâm tự tại, hoan hỷ tùy duyên”
Quán tự tại là một danh tự của Đức Quán Thế Âm, hàm nghĩa: chỉ cần chúng ta biết quán chiếu bản thân, nhận biết rõ ràng bản tâm của chính mình, thì ngay cái giây phút đó, chúng ta sẽ chạm đến bờ của tự tại. Đây cũng là yếu chỉ tu tập của Thiền môn, nhằm xoá trừ những rào cản, vướng mắc của tâm hồn, đạt đến cái “Tâm bất nhị” – Pháp Ngã như nhất.
Khi ta sinh ra, chúng ta vốn chưa nhận biết rằng bản thân mình và Thế giới có gì khác biệt với nhau, đây là lúc chúng ta đạt được sự Vô Ngã mà cũng hoàn toàn Vô Tâm với cảnh giới kỳ diệu đó – Nhìn núi là núi, nhìn sông là sông.
Lớn lên, chúng ta tiếp xúc với nhiều luồng tư tưởng, văn hoá, như cây hấp thụ dinh dưỡng từ đất đai nơi được trồng, chúng ta bắt đầu hình thành cái Hữu Ngã. Mặt khác, chúng ta cũng không nhận ra được rằng chúng ta đang xa rời dần cái bến bờ của Đạo, đắm chìm vào hồng trần cuồn cuộn, để mặc bản thân cho thế gian dày vò, chúng ta vẫn Vô Tâm – Nhìn núi không còn là núi, nhìn sông không còn là sông.
Người tu hành, chính là từ trong biển khổ núi tham, dùng đại nghị lực để vượt qua mọi chướng ngại, tìm lại cái Vô Ngã của bản thân khi lần đầu tiên được nhìn thấy cuộc đời. Họ cũng quán chiếu sâu sắc rằng bản thân và Thế giới không tách bạch mà hoàn toàn là một – họ tìm lại được cái “Tâm bất nhị”, để thấy được tất cả chúng ta đều hoàn toàn tự do, tự tại, thứ duy nhất trói buộc chúng ta là cái Tâm sai lệch của chính mình. Hiểu ra rồi thì ta mới thực sự là “Hữu Tâm” – Nhìn núi lại là núi, nhìn sông lại là sông.
youtube
Khi đó, ta cũng chẳng còn chấp nhất vào việc phải giải thoát hay không, có đến được Niết bàn Cực lạc hay không nữa. Nơi Sa Bà cũng là Bỉ Ngạn, đất đau thương cũng nở hoa hồng. Khi đó ta hoàn toàn an nhiên, tự do, tự tại, đó mới là hoan hỷ lớn nhất của đời người có thể đạt đến.
Minh Hiếu
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Tuổi thơ dữ dội – Dòng máu Lạc Hồng biết sôi từ trong trứng nước.
Bạn gái tôi cho rằng tôi không yêu nước…
Vì tôi có những tư tưởng theo lối hoài nghi một cách bình thản, thực tế đến mức phũ phàng về quốc gia, dân tộc. Tôi đôi lúc cũng tự hỏi bản thân mình có yêu nước không, và Phùng Quán là người khẳng định với tôi rằng tôi có!
Tumblr media
Một cuốn sách chưa tới nghìn trang mà chứa đựng biết bao nhân vật, biết bao cảm xúc hào hùng, bi thương về một thơì kháng chiến chống Pháp của dân tộc Việt Nam. Việc đánh giặc không phải chỉ là của người lớn, mà chính các em thiếu niên trinh sát của Trung đoàn Trần Cao Vân cũng là những mắt xích quan trọng cho con đường giành độc lập dân tộc.
Tuổi thơ dữ dội – Là kết tinh của máu và nước mắt, kẻ chai lỳ bao nhiêu đọc cuốn sách này cũng sẽ thấy lửa nóng căng tràn trong lồng ngực và hơi cay tuôn trào nơi khoé mắt.
Bản thân tôi như bị phơi bày trần trụi về cảm xúc trước cuộc đời của các nhân vật chính, các anh hùng tuổi trẻ, chính họ là những người khẳng định cho tôi, tôi là người Việt Nam, tôi sẽ biết phẫn nộ, bi thương khi chiến tranh lần nữa nổ ra ở Tổ quốc tôi và cho tôi thấy nếu một ngày dân tộc cần tôi, tôi sẽ làm gì…
Tôi đã phẫn nộ với cái chết của Quỳnh “Sơn ca” , con trai của phó Tổng trấn Trung Kỳ, vì gia đình quay lưng với quốc gia, em vỡ tim mà chết và được chôn ở chiến khu.
Tôi đã đau thương trước cái chết của Vịnh “Sưa”, em trần truồng, nằm trên nóc kho đạn của địch, đánh dấu cho các anh lính bên mình bắn phá nơi tiếp tế vũ khí cho giặc.
Tôi đã vui mừng khi thấy Lượm, cậu Việt Minh nhà nòi lăn lộn, trưởng thành bằng sự mưu trí và tinh ranh, em cống hiến cho quốc gia bằng những trò phá phách của một kẻ lang bạt kỳ hồ, em thống lĩnh cả một bầy trẻ con đường phố khi ở trong tù, những đứa trẻ sinh ra đã biết làm trò” hai ngón”, hướng chúng đến với con đường cách mạng.
Tôi đã căm hận trước sự hy sinh của Mừng, em bị cha nuôi Việt gian lừa đẩy đến cảnh bị cả chiến khu nghi ngờ, và em đã rửa sạch thanh danh bằng chính máu của em. Em chết, mang theo cùng cả một trung đội giặc… Câu nói cuối cùng của em với vị chỉ huy, có lẽ là câu nói tôi nhớ nhất truyện: “Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!”
Tumblr media
Yêu nước là gì ư?
Tôi có yêu nước không ư? Bạn có yêu nước không ư?
Hãy đọc Tuổi thơ dữ dội và tự trả lời những câu hỏi này cho bản thân mình!
Hiếu Minh
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Spanglish, một Adam Sandler đẹp và đúng!!!
Như mọi diễn viên khác trên đời, Adam Sandler có những lúc chọn đúng phim, có những lúc không. Ngoài những tác phẩm như Click, The Longest Yard, Anger Management như đĩa Gan ngỗng vỗ béo tuyệt ngon, anh cũng mang lại cho chúng ta những đĩa Đậu hũ thối như Jack & Jill, Blended…
Tumblr media
Tại sao tôi lại nói đến ẩm thực nhiều như vậy kể từ đầu câu chuyện nhỉ, à tôi muốn dẫn dắt các bạn đến với một bộ phim tuyệt hay của Adam, nơi mà anh đóng vai một đầu bếp 4 sao rất thành công.
Tumblr media
Và như một làn gió mới, Flor Moreno (Paz Vega), một bà mẹ đơn thân người Mexico, trên con đường tìm đến tự do và dân chủ, đã ghé chân đến ngôi nhà của Adam để làm giúp việc.
Cô như một người hoàn toàn đối nghịch với vợ của anh, một bà mẹ tràn đầy lòng nhân hậu và cảm thông, không che giấu ngọn lửa ấm áp trong lòng cũng như kiên quyết bảo vệ những giá trị riêng của bản thân. Cô có vẻ đẹp đầy nhựa sống, có lửa, có mây, có cả Thiên Đường và có cả Địa Ngục.
Flor từ chối học Tiếng Anh dù đã sống 5 năm ở Mỹ, vì lý do muốn bảo vệ những nét văn hóa của nơi cô sinh ra, cô sợ mình và con gái vì chạy theo những giá trị mới mà trở nên hòa tan vào cái Cộng đồng đầy những con người quen với sự giả dối phù phiếm này.
Tumblr media
Tôi không thể nói rằng Adam và Flor sinh ra là dành cho nhau, không phải vì Adam đang có vợ và Flor là người giúp việc của anh đâu. Họ là 2 linh hồn cùng nhìn về một hướng, hai bông hoa trên cùng một thảm cỏ và là đôi bạn tâm giao hòa nhịp như nước chảy mây trôi mà chúng ta đều mong muốn có được trong đời. Khi họ ở bên nhau, mọi cảm xúc dồn nén trong cuộc sống thường ngày như được phơi ra để làm nguyên liệu thổi bùng lên niềm vui và tiếng cười. Nhưng họ không ngủ với nhau, cả hai đều biết là tình dục trong trường hợp này sẽ hủy hoại tất cả những tình cảm họ dành cho nhau, và cả gia đình mà hai người đang có. Một sự minh mẫn mà hiếm ai có thể giữ được khi đã đặt một tay lên trái cấm như thế.
Tôi cũng sẽ không nói rằng trong tương lai của cái vũ trụ ấy, họ có đến với nhau hay không, vì như kính hoa thủy nguyệt, không ai trong 2 người dám bước tới để đang tâm phá vỡ cái điều đẹp đẽ đó bằng ràng buộc của một mối quan hệ nam nữ.
Và họ chia ly, mỗi người lại quay về với con đường và bổn phận của riêng mình, trong tim luôn có một căn phòng nhỏ lưu giữ những điều đẹp đẽ khi bên nhau, nhưng chỉ thế mà thôi…
Adam đóng một người chồng, một người bạn hết chỗ chê, nhân vật ông chồng không phải bê từ anh trong đời vào thì khó mà đóng hay như vậy được, nhưng một lần nữa, ánh sáng của cô giúp việc lại lấn át cả anh rồi. Flor (Paz Vega) chính là hiện thân của nàng Carmen xứ sở Bò Tót, có thể lôi kéo đầy đàn ông vây xung quanh chỉ nhờ 1 tiếng thở dài, và đuổi tất cả đi cũng chỉ cần 1 cái xua tay… Chỉ cần nàng muốn hay không mà thôi!
Minh Hiếu
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Thiếu nữ đánh cờ vây – Vây người, vây mình, vây cả tình…
Tumblr media
Nhân vật nữ chính của chúng ta, cô gái Mãn Châu ngây thơ, giản dị nhưng cũng có những góc cạnh riêng mình, một người thích suy tư và vô hình chung khế hợp với môn cờ vây. Cô chẳng may bước ra khỏi thế giới bàn cờ để bước vào cuộc tình kỳ diệu với 2 chàng sinh viên (cả hai đều có ham muốn chiếm hữu đến điên cuồng và yêu bản thân bệnh hoạn). Cái lãnh địa, nơi mà lý trí và tính toán ít còn tác dụng như thế giới cũ của cô, đã làm cô thất vọng và thực sự khốn đốn.
Còn về nhân vật nam chính, một sĩ quan người Nhật trẻ trung, bỏ gia đình, bỏ đất nước để đến ban phát cái tham vọng bá quyền và tư tưởng samurai lên một quốc gia khác. Anh cũng là một người trẻ tuổi đơn giản, lớn lên với những tư tưởng cực tả, nhưng đến khi tham dự trực tiếp vào cuộc chiến tranh xâm lược quốc gia khác, khi đã nếm cả máu và nước mắt thì con tim giản đơn mới bắt đầu nhen nhóm những cái nhìn khác biệt về con người và dân tộc.
Hai người khác giới tính, khác dân tộc, đối đầu với nhau qua một bàn cờ. Những trận cờ của họ chắc không kịch tính và đánh đố tư duy như ” Trân Lung kỳ cục” của Tiêu Dao tử, đây cũng không phải là sự cạnh tranh của hai ý thức hệ dân tộc, mà đó là sự tâm tình quay quanh những con cờ bằng sứ, đưa tình gửi ý vào những vật vô tri.
Tumblr media
Chương kết phải gọi là đỉnh cao nhất của cả cuốn sách, nơi xung đột cả về hoàn cảnh lẫn tâm tính của hai nhân vật chính được đẩy lên đến cực điểm và Sơn Táp cũng đã cho cả hai một kết thúc trọn vẹn (ít nhất là trong hoàn cảnh hiện tại của họ).
Với chàng trai người nhật, anh đã làm theo lời dạy của mẹ anh cho đến phút cuối cùng: “Nếu phải lựa chọn giữa cái chết và sự hèn nhát, hãy luôn chọn cái chết, con ạ”. Làm một việc ác với người ta yêu, để cho họ được hạnh phúc và giải thoát, có lẽ là tâm từ bi lớn nhất mà anh có thể dành cho họ.
Ta không vào địa ngục, thì ai vào địa ngục
ĐỊA TẠNG VƯƠNG BỒ TÁT – KINH ĐỊA TẠNG.
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Trí tuệ là vẻ đẹp tuyệt vời nhất!
Tumblr media
“Sapiosexual”, là một định nghĩa mới xuất hiện vào đầu thế kỷ 21, với tiền tố là Sapien – Thông Minh trong tiếng Latin. Từ này có nghĩa là “một xu hướng tình dục hấp dẫn bởi những cá nhân có trí thông minh cao”. Nghe thật kiêu ngạo và giả dối nhỉ?
Thôi đi các bạn trẻ, chúng ta đã tiến hoá cả vạn năm nhưng những cái tàn dư trong bộ gen của chúng ta luôn điều hướng ta đến những con đực và con cái có những hình thái mà nhiều nhà khoa học đã chứng minh là thích hợp cho giống nòi sinh tồn tiếp. Nam phải vai năm thước rộng, thân mười thước cao, râu hùm, hàm én, mày ngài (ở thời hiện đại thì thêm cái khoản ví dày). Nữ thì sao, ngực nở, hông to, hồng diện, trường túc…. Nói chung là tất cả những đặc điểm thu hút ta là những dấu hiệu về một đối tác hoàn hảo để truyền tông tiếp đại, đảm bảo cho đời sau những điều tốt nhất của bộ gen lẫn nhau. Ấy thế mà con người thời nay lại khăng khăng là mình bị hấp dẫn và muốn lên giường với một bộ não nhiều nếp nhăn, lạ thật.
Vâng, thế giới càng tiến bộ, càng văn minh thì chuyện kỳ lạ đâu đâu chẳng có. Dễ hiểu thôi, kiến thức của chúng ta gấp trăm lần tổ tiên ta ngày xưa, mỗi đứa trẻ tốt nghiệp cấp 3 loại khá ở thời kỳ hiện đại có xuyên không về thời xưa đủ để chiếm ngôi trạng nguyên của cả 1 triều đại chứ chẳng bỡn. Và tiêu chuẩn về trí não của người kết đôi với chúng ta sẽ tăng dần theo chính trải nghiệm của chúng ta, mây tầng nào gặp mây tầng ấy thôi. Làm sao ta có thể chịu đựng được việc hẹn hò với một con người mà ngay chỉ việc đọc hiểu những thứ ghi trên menu của quán cũng là khó khăn, hay chỉ biết đáp “Em không biết, em không hiểu” trong mọi cuộc đối thoại của cả hai (trừ trường hợp anh/em ấy không thích bạn tí nào và đang chán gần chết).
Sự ảnh hưởng của “Sapiosexual” hiện hữu từ rất sớm từ buổi mình minh trong cuộc đời chúng ta, khởi nguồn từ những cảm xúc ngưỡng mộ, yêu quý với những người thân lớn tuổi có nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm, luôn nâng đỡ ta trên bước đường đời. Ta khó chịu vì họ luôn đúng nhưng không thể ngừng yêu thương và mong muốn trở thành người giống họ. Đến khi đi học, thiên hướng này cũng diễn hoá thành sự yêu quý, và đôi khi là ảo tưởng tình dục với những người giáo viên thông tuệ của chúng ta (Anh em đàn ông ở Việt Nam chắc chắn không quên được cô giáo Thảo).
Tumblr media
Cái trí tuệ mà tôi đang nói tới không phải là độ sâu của kiến thức hay độ cao của bằng cấp, nó là tổng hợp của tất cả các khía cạnh cấu thành nên trí não của một con người. Vợ tôi, đầu tiên tôi phải công nhận là cô ấy rất đẹp, nhưng cái điều làm tôi mê mải nhất ở cô ấy là khả năng cảm thụ âm nhạc tuyệt vời, một tâm hồn thấu cảm cao với cảm xúc của mọi người và khả năng làm chủ tâm trạng tốt gấp 10 lần tôi. Cô ấy chẳng thích đọc sách chút nào (sách làm em buồn ngủ!) nhưng lại rất tôn trọng sở thích này của tôi. Và chúng tôi tâm sự rất nhiều, cô ấy hoàn toàn cởi mở và không ngại tranh luận về bất kỳ chủ đề nào, kể cả những “củ khoai nóng” tôi ném về phía cô ấy cũng không làm cô ấy lúng túng bao giờ. Thú vị nhất là khi hai vợ chồng cùng test IQ và cô ấy còn cao hơn tôi đến 10 điểm (cô ấy tự hào lắm mà không biết tôi còn tự hào hơn).
Nhìn chung, khái niệm “Sapiosexual” đang ngày càng được nhiều người ủng hộ, một phần là bởi nó đi ngược lại với thói quen hẹn hò chóng vánh hay những buổi “tình một đêm” chớp nhoáng mà giới trẻ hiện nay đang tích cực hưởng ứng (nhất là ở Á Đông). Với ý nghĩa sâu xa rằng, một mối quan hệ cần dựa trên những đặc điểm tính cách lâu bền và thực chất, thay vì chỉ là những suy nghĩ nông cạn và sáo rỗng, chúng ta có thể dễ dàng chọn lọc bạn tình phù hợp. Có thể việc trở thành một người “Sapiosexual” không đảm bảo chắc chắn cho bạn một mối quan hệ lâu dài, nhưng có một điều không thể bàn cãi rằng, bạn sẽ có cơ sở để xây dựng một mối quan hệ bền chặt tương tự như thế, nếu dựa trên mong muốn được tìm kiếm những nét tính cách đặc trưng phù hợp ở người bạn đời.
Minh Hiếu
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Hảo Nữ Trung Hoa – Thiếu bản lĩnh không đọc nổi 1/3.
Người Trung Quốc có một câu nói: ” Mọi gia đình đều có một quyển sách mà tốt nhất không nên đọc to lên”. Đây chính là một quyển sách như thế, thấm đẫm máu và nước mắt của phụ nữ Trung Hoa, đến mức việc lật giở từng trang cũng tiêu tốn của tôi nhiều sức lực và tâm lực.
Tumblr media
Bối cảnh của cuốn sách thuộc về thế hệ những người lớn lên trong cuộc Cách mạng Văn hoá của Trung Quốc, bị vây quanh bởi sự điên cuồng, ngu dốt và truỵ lạc. Thời kỳ này, sự nhân văn và trí tuệ nếu không có định hướng chính trị “màu đỏ” đều sẽ bị đày về nông thôn để “cải tạo lại” và là nguồn cơn sinh ra những cảnh đời vô cùng nghiệt ngã. Những cung bậc đan xen trong cuốn sách này là khổ tâm, là dằn vặt, là kinh tởm, là thương hại nhưng cũng có cả sự ngưỡng mộ. Tôi không thể quên những câu chuyện về:
Tumblr media
Tôi hiểu tại sao tác giả Hân Nhiên phải rời bỏ quê hương và công việc yêu thích để viết nên cuốn sách này, vì bà bị thôi thúc phải viết để làm nơi ký thác cho những cảm xúc và suy nghĩ, nếu không viết ra, trái tim bà sẽ tràn ứ và vỡ tung ra.
Bỏ qua cái nhìn hằn gân máu lên một thời kỳ khủng hoảng của đất nước Trung Hoa, khi mà vị thế chính trị, nền tảng tư tưởng và gia đình quyết định cách cuộc đời đối xử với bạn, nguyên nhân của những cảnh đời này không chỉ đơn giản như thế. Nó còn đến từ tư tưởng trọng nam khinh nữ (Nho giáo) in sâu vào khối óc của người dân, sự nam tính độc hại của những người chồng, người cha, coi mình là người chủ có toàn quyền sinh sát với mọi thành viên giống cái.
Đàn ông giống như núi, phụ nữ giống như nước. Vì nước là khởi nguồn của sự sống và nó biến đổi hình dạng theo môi trường xung quanh. Giống như phụ nữ, nước cũng hiến mình hoàn toàn khi nó nuôi dưỡng sự sống. Tôi tin rằng, bất chấp việc cuốn sách này sẽ khó có thể được xuất bản nhiều lần nữa (vì những câu chuyện bôi xấu Đảng Cộng Sản Trung Quốc quá nhiều), đây vẫn là một tác phẩm tuyệt vời, một chìa khoá trời cho để cánh đàn ông có thể chạm đến tâm tư, cảm xúc của những người vợ, người mẹ, con gái của mình. Thấu hiểu là sức mạnh, không bao giờ là mềm yếu. Và tôi khuyến cáo, bạn phải can đảm và kiên trì khi đọc cuốn sách này, vì bạn sẽ run rẩy, trái tim bạn sẽ bị bóp nghẹt đến tận những trang cuối cùng.
Hiếu Minh
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Đoạn Lãng – Quyết phải khắc tên mình trên đời!
“Phá Chấp Hiệp Chánh Tà, Thần Quỷ Hỗn Độn Sinh.”
Khẩu quyết của bộ võ công kết tụ tinh hoa cả đời của y cũng đã thể hiện nhân sinh quan độc nhất vô nhị của phản diện cuối cùng (xứng đáng nhất đối với tôi) của Phong Vân. Tôi luôn cho rằng, Phong Vân nên dừng lại sau trận chiến giữa hai thần thoại và ma trung kỳ lân, để sau cuộc chiến, ma tiêu nhưng thần thoại cũng chôn vùi, yên nghỉ mới xứng đáng là cái kết hay nhất cho Phong Vân.
Tumblr media
“Việc mà Đoạn Lãng ta làm bất luận đúng sai quyết không có chuyện quay đầu! Nếu không thể làm thần cứu thế như Phong Vân ta sẽ làm ma diệt thế chứ quyết không đứng cùng hàng với lũ nhãi nhép vô danh tiểu tốt”. Câu nói của Đoạn Lãng với cha y khi đang bị kẻ thù đuổi giết thể hiện rất rõ tư tưởng của Đoạn Lãng, và là câu thoại hay nhất trong các nhân vật phản diện của Phong Vân. Đã bước lên con đường mình chọn thì y sẽ đi đến cùng, dẫm lên vạn xác người cũng không ghê răng, đối mặt với cả núi đao cũng không chùn bước.
Trước y những Hùng Bá, Tuyệt Vô Thần, Đế Thích Thiên không so với y được, sau y lại những Tuyệt Tâm, Thánh Vương, Đại Đương Gia, Đại Ma Thần cũng không dám nói là hơn được y. Đoạn Lãng độc ý cô hành, là ma kỳ lân duy nhất, là đối thủ truyền kiếp của Phong Vân, kẻ duy nhất khiến cho chủ nhân Tuyệt Thế Hảo Kiếm phải xuất sinh nhập tử 3 lần, còn Phong Trung chi thần bị đánh tan 7 phần hồn, chỉ còn 3 phần để giữ mạng
Nếu có ai dám nghi ngờ về thực lực của y và chép miệng coi y chỉ là 1 tên cắn thuốc, thì hãy nhớ, mưu kế và may mắn cũng là 1 phần của thực lực. Việc y lừa cả Đế Thích Thiên (kẻ sống 1.000 năm có lẻ) và lợi dụng cả Nhiếp Phong thành công chính là khả năng của y, y tính toán, y thực hiện và y đạt được, chẳng có gì bất công hết.
Sau này, khi Kiếm giới mở ra, tôi đã hy vọng có thể nhìn thấy một kiếm trì đỏ thẫm rộng vô tận, sâu vô biên và có một bóng hình tóc đỏ tung bay ngồi trên đảo giữa hồ. Đáng tiếc là Mã Vinh Thành làm gì còn nhớ đến y nữa.
Nếu dùng tử vi lý số để ví von về Đoạn Lãng, tôi không thể không gán cho y sao chủ mệnh Phá Quân hội họp với bè lũ Địa Không, Địa Kiếp đắc địa – đó là hình ảnh của một tên đầu đảng của phe phản diện, ương ngạnh, hung bạo, kiên cường, bất khuất, nhờ tài năng mà thu về dưới trướng đủ các thể loại si, mị, võng, lưỡng, một cường giả dù có lâm vào thế bí cũng không bao giờ đi làm trò trộm vặt, quyết phải tổ chức 1 băng cướp mà hoành hành cho nó bõ cái công phạm pháp, để được “khắc tên mình trên đời”.
Hiếu Minh.
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Nhân từ với quỷ dữ, đừng thử nếu bạn không phải là Chúa!
Tumblr media
Cái tiêu đề của quyển sách đã nêu bật được nội dung chính rồi. Các thân chủ của Stevenson khó có thể được xã hội dân chủ đánh giá là một con người lương thiện được nếu dựa vào những tội ác mà họ bị cáo buộc: Một chàng trai cố ý gây hoả hoạn để dẫn đến chết người, một người đàn ông đặt bom trên hành lang nhà bạn gái cũ, vô tình làm chết đứa cháu của cô ấy…
Chắc chắn rồi, chưa cần phải là bồi thẩm đoàn, chúng ta đều sẽ thấy những trường hợp này là những kẻ táng tận lương tâm, phải loại bỏ ngay khỏi xã hội bằng ghế điện (nếu còn được phép), một mũi thuốc độc là quá nhân từ với loài quỷ dữ!!! Thế nhưng khi đứng trước vành móng ngựa, chúng ta mới nhận ra bọn chúng còn là những người da màu nữa. Giữa lòng nước Mỹ mà những kẻ với gốc gác Châu Phi này dám phạm những tội tày đình đó ư, trước mũi tất cả những cơ quan công quyền, hành pháp toàn dân da trắng nữa, bọn mọi rợ này một là quá ngu xuẩn, hai là quá khinh thường trật tự xã hội của chúng ta rồi?
Voilà, nếu tôi là người Mỹ da trắng, tôi dám nghĩ như trên lắm, nhưng mà tôi cũng là người da màu (hơi ngả vàng trong mắt Mỹ trắng), nên tôi đọc tiếp và thấy hoá ra những con quỷ này vốn hoá hình ra từ những định kiến chủ quan của dân Mỹ trắng, những kẻ thượng đẳng này không tin là đồng loại cùng màu da của họ có thể gây ra những tội ác như trên và họ kiếm cho bằng được những cá nhân khác họ để gán tội (cứ như trong truyện tranh Conan, cứ đứa nào màu đen là thủ phạm vậy). Tất nhiên những bị cáo này không hoàn toàn vô tội, nhưng họ phạm những tội rất nhẹ trong quá khứ hoặc có liên quan đến vụ án, và “may mắn” có màu da phù hợp để gán thêm cho những trọng tội “tăm tối” hơn.
Hệ thống nào dù chặt chẽ và phức tạp đến đâu, nếu có yếu tố con người can thiệp vào, đều trở nên không hoàn hảo. Với những con người được xã hội đặt tay vào cán cân công lý lại có những tư tưởng bên trọng, bên khinh thì sự phán quyết không bao giờ là công bằng. Chính vì vậy, nữ thần công lý mới phải bị mù, không để định kiến che mờ mắt được.
Ngược lại, nếu có người hỏi tôi rằng, trong trường hợp những người da màu này thực sự có tội, liệu tôi có vì họ thuộc thành phần yếu thế trong xã hội mà nương tình hay không? Tôi sẽ nói là không và tôi tin rằng Công lý là cân bằng, kẻ nợ một mạng sống sẽ phải trả một mạng sống cho tạo hoá. Xin phép được trích dẫn một quan điểm về án tử hình từ một nhân vật trong sách của Mario Puzo như sau: “Bạn hãy thử tượng tượng rằng người thân yêu của bạn bị tước đi mạng sống, họ nằm dưới đất đen, không thở, không ăn, không được ôm bạn, không được nghe bạn kể những câu chuyện hàng ngày nữa. Còn kẻ thủ ác thì sao, nó ở trong tù đấy, nhưng nó vẫn sống, vẫn thở, vẫn nếm được đồ ăn ngon, vẫn được nghe nhạc và tập thể dục. Nếu bạn phản đối án tử hình, bạn là kẻ kiêu ngạo đến mức phỉ báng cả Thánh Thần. Nhân từ như Chúa Trời, mà ngài còn phải phân định ra đây là Thiên đường cho người tốt, kia là Địa ngục cho kẻ ác, bạn là ai mà dám cho mình quyền hơn cả Chúa?”.
Minh Hiếu
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Những Người Đàn Ông Không Có Đàn Bà – Không phải một danh từ riêng!
Giống như nhiều thanh niên lứa tuổi 8x – 9x, có lẽ tác phẩm văn học Nhật Bản thực sự đầu tiên được tiếp xúc đa phần là quyển Rừng Na Uy của Haruki Murakami. Năm tôi đọc quyển sách này có lẽ cũng trạc tuổi những nhân vật trong sách, với kinh nghiệm sống ít ỏi (đặc biệt là tình yêu), thật khó để hiểu hết những tầng ý nghĩa mà tác giả đã cài cắm.
Và khi tôi gần 30 tuổi, tôi lại đọc một tác phẩm khác của Murakami – Những người đàn ông không có đàn bà. Một tập truyện ngắn không cho ta một con dốc miên man xuống đáy cảm xúc như Rừng Na Uy, tác phẩm phẩm này là những cái hố mà Murakami tỉ mẩn đào lên để người đọc bước tới và lọt thỏm trong vũng sình lầy của những mặc tưởng trầm tư.
Tumblr media
Những nhân vật trong quyển sách này đều có những cách biểu lộ cảm xúc rất “bình tĩnh” trước biến cố về người yêu, người bạn đời của mình. Nhưng đó chỉ là cái bình tĩnh giả hiệu, là vẻ bình thản của con thiên nga trên mặt nước, trong khi phía dưới đang vũng vẫy cật lực để không chết chìm trong cảm xúc cá nhân. Đàn ông Nhật Bản có lẽ cũng khá giống đàn ông Việt Nam, định kiến giới khiến cho chúng ta không được phép hiện hình ra ngoài những tổn thương bên trong. Nếu nỗi đau đột ngột mất đi người thương yêu giống như trái tim bất ngờ bị vỡ tan ra thành nước và chảy ra khỏi cơ thể qua đôi mắt. Thì cái đau khi bị phản bội, bị lừa dối bởi người đàn bà ta đã yêu hết mực như một mũi tên xuyên vào trái tim từ đằng sau lưng, ta đành phải thở đều cho đỡ đau, tựa lưng vào tường để che đi vết thương và che đi cả cái tôi đang gào khóc.
Tôi buộc phải đặt sự liên tưởng lên giới kia, liệu họ sẽ xử sự thế nào nếu rơi vào hoàn cảnh của những người đàn ông này. Chúng ta đã có quá nhiều ví dụ trong lịch sử cũng như văn chương, từ trời Đông sang trời Tây, trừ phi bạn đột ngột qua đời, còn thì tốt nhất đừng đùa giỡn tình cảm với đàn bà, vì cái sự Hoạn Thư, sự tàn nhẫn trong việc báo thù ở đoạn cuối yêu thương là đặc sản mà nhân gian đã mặc định cho đàn bà toàn quyền đun nấu.
Tumblr media
“Trở thành những người đàn ông không có đàn bà đơn giản lắm. Đôi khi chỉ cần yêu sâu sắc một người và nàng biến đi đâu mất là xong.”
NHỮNG NGƯỜI ĐÀN ÔNG KHÔNG CÓ ĐÀN BÀ.
Minh Hiếu
1 note · View note
minhhieu711 · 2 years
Text
Tam Thể – Viễn tưởng hay Viễn kiến?
Tam Thể, không phải tên của một giống mèo đâu. Đây là bộ sách Khoa học Viễn tưởng của tác giả Trung Quốc Lưu Từ Hân, một đại tác phẩm đương đại rất nổi tiếng trong cộng đồng Scifi Việt Nam. Nội dung bộ sách là một cuộc đấu trí giữa nhân loại và một nền văn minh ngoài Trái Đất. Đừng nghĩ rằng đây là một tác phẩm dễ đọc, vì khối lượng kiến thức hàm chứa trong nó có khi còn khủng khiếp hơn nhiều một số quyển sách Non-Fiction về cùng đề tài. Bạn sẽ choáng ngợp với đủ mọi định luật vật lý, lượng tử, lý thuyết đa vũ trụ song song… mà tác giả bài binh bố trận trong quyển sách, mỗi khi bạn thả lỏng tư tưởng sẽ bị đánh úp ngay với mục đích làm bạn nhức não hết mức có thể.
Tôi không muốn nói nhiều đến nội dung cuốn sách nữa mà muốn nói đến một ý tưởng mà bộ sách nhen nhóm trong tôi. Các bạn đã bao giờ nghe đến nghịch lý Fermi chưa? Đơn giản, nghịch lý này gợi cho chúng ta một câu hỏi: “Người ngoài hành tinh có thật không, nếu có thì họ đang ở đâu rồi?”. Chúng ta, những cư dân của Địa Cầu, luôn đau đáu nhìn về vũ trụ ngoài kia, tự hỏi có nền văn minh nào khác như chúng ta hay không? Mỗi một sự nhảy vọt trong khoa học vũ trụ giúp chúng ta nhận ra mình vẫn đơn độc, có thể ta buồn đấy nhưng không khỏi tự hào vì chúng ta là độc nhất vô nhị! Nghịch lý Fermi nói với chúng ta rằng, chúng ta nên lo nhiều hơn là buồn hay vui đấy.
Tại sao ư? Vấn đề là thế này, có 2 trường hợp để trả lời cho câu hỏi ở trên. Trường hợp đầu tiên, nếu người ngoài hành tinh không có thật, nhưng chúng ta thì đang ở đây. Có nghĩa là chúng ta là nền văn minh đầu tiên trong toàn vũ trụ rộng lớn này đã đạt đến trình độ đủ để nhận thức về vị trí của mình trong cõi hư vô. Chúng ta cũng có thể là nền văn minh dẫn đầu, các nền văn minh khác có thể vẫn đang tập nói trong khi chúng ta đã bay lượn bét nhè rồi, quá tuyệt vời.
Tumblr media
Theo thang Kardashev (phương pháp đo sự phát triển của một nền văn minh), một hướng đi của văn minh gắn liền với việc sử dụng năng lượng và trong khả năng đo đếm thì có tối thiểu 3 mức nền văn minh như sau:
Loại I: Văn minh có khả năng khai thác và sử dụng tài nguyên năng lượng trong một hành tinh. Năng lượng của Trái Đất được tính là 1,74 × 1017 W (174 petawatt). Con số ban đầu mà Kardashev đưa ra là 4 × 1012 W, “gần với mức hiện nay trên Trái Đất” (hiện nay chỉ năm 1964).
Loại II: Văn minh có khả năng khai thác và sử dụng năng lượng tài nguyên năng lượng trong một ngôi sao. Năng lượng của mặt trời chúng ta là 3,86 × 1026 W. Con số Kardashev đưa ra cũng là 4 × 1026 W.
Loại III: Văn minh có khả năng khai thác và sử dụng năng lượng của một thiên hà. Ước chừng 4 × 1037 W. Vì các thiên hà có thể chênh lệnh rất nhiều về kích thước nên độ dao động của con số này rất rộng.
Nếu dùng năng lượng chứa trong một bom hạt nhân làm thước đo, Tsar Bomba, quả bom hạt nhân mạnh nhất từng được cho nổ có năng lượng nổ là 57 triệu tấn TNT. Trong khi đó một nền văn minh loại I sử dụng năng lượng tương đương 25 triệu tấn TNT mỗi giây, và sau mỗi 2,28 giây thì đạt tới năng lượng của Tsar Bomba. Một nền văn minh loại II sử dụng năng lượng tương đương 4 tỉ quả bom khinh khí mỗi giây. Loại ba lại gấp 100 tỉ lần loại II. Và thưa các bạn, nền văn minh của loài người chúng ta mới chỉ ở mức 0.73, còn chưa hoàn toàn trở thành nền văn minh bậc I.
Chúng ta hãy nên tin tưởng là ở Vũ trụ bao la ngoài kia, có những nền văn minh khác, kém hơn chúng ta cũng có mà phát triển hơn chúng ta cũng có. Thế nhưng việc chúng ta liên tục tìm cách liên lạc với họ có thực sự thông minh? Một kẻ đứng ở bậc thang cao hơn của sự tiến hóa sẽ đối xử thế nào với một kẻ đứng thấp hơn mình nếu bất ngờ gặp được ở Thế giới tự nhiên? Để trả lời câu hỏi này, các bạn hãy tự tìm hiểu lịch sử của Thế giới chúng ta, ở cái thời mà loài HomoSapiens đã khiến cho những tộc người kém phát triển hơn như Homo Neanderthal biến mất và bị đồng hóa thế nào. Chúng ta tốt nhất nên làm mọi cách để nền văn minh của mình tiến xa hơn và luôn trong tâm thế chuẩn bị của một người đi săn, đừng để rơi vào thế bị động của một con mồi!
Minh Hiếu
1 note · View note