Text
Đánh giá kit lens SEL PZ 16-50mm trên body Sony NEX 5T
Bài viết này dành tặng cho Hada, người bạn đang sử dụng mỗi chiếc kit lens 16-50mm với Sony A6000. Tôi muốn khẳng định rằng, bạn không cần phải chạy theo cuộc đua "vũ trang" về thiết bị, bạn vẫn có thể có được những shot ảnh ưng ý và đừng vội nghe người ta mà bán đi chiếc kit lens của mình.
Tôi cũng giống như các bạn chơi ảnh khác, thường không mua kit lens đi kèm với body vì cho rằng chất lượng ảnh chụp từ kit lens không được tốt. Suy nghĩ đó phần nào có lý, bởi tôi đã từng sử dụng Nikon D80, Canon 650D, và Sony NEX F3 với kit lens, và lúc đó tôi hoàn toàn không hài lòng với những bức ảnh mình chụp được. Và những chiếc máy ảnh đó thường nằm yên trong tủ cho đến khi tôi bắt đầu yêu nhiếp ảnh khi chụp được những bức ảnh đời thường từ Galaxy Note 5.
Khi đã yêu nhiếp ảnh, đặc biệt là nhiếp ảnh đường phố, tôi tìm cơ hội để sử dụng nhiều loại máy ảnh khác nhau và từ đó có thể tìm ra chiếc máy ảnh phù hợp nhất với mình, gồm có:
Panasonic Lumix LX100 (máy point n' shoot, ống kính Leica với tiêu cự quy đổi 24-70mm f/1.7 -> 1/2.8)
Sony RX100 (cảm biến 1 inch)
Sony A6000 / Sony Nex-5T(cảm biến APSC với SEL 35mm F1.8, SEL 55-200mm, SEL PZ 18-105 f/4)
Sony A7 / Sony A7ii (cảm biến fullframe với FE 55mm f/1.8, FE 90mm f/2.8, FE 35mm f/2.0, Zeiss Batis 85mm F/1.8, FE 28mm F/2.0, Minolta 20mm f/2.8 và nhiều lens khác)
Nikon Coolpix A (cảm biến APSC 28mm f/2.8)
RX1R (máy point n' shoot fullframe với lens carl zeiss 35mm f/2.0).
Với số lượng máy ảnh khủng khiếp như vậy chỉ trong thời gian 8 tháng, và với tình yêu nhiếp ảnh càng lúc càng lên cao, kỹ năng nhiếp ảnh của tôi tiến bộ lên từng ngày, và đến giờ, tôi chợt nhận ra, những chiếc kit lens ngày xưa mà tôi đã vất xó thực sự vẫn có giá trị của nó, và nếu thực sự yêu chụp ảnh tôi vẫn có thể tạo ra những bức ảnh đẹp với kit lens.
Để chụp được những bức ảnh ăn ý, chúng ta không thể chỉ dựa vào máy ảnh và lens, mà còn nhiều yếu tố ảnh hưởng khác:
Kỹ năng chụp ảnh của bạn: khả năng lấy bố cục, máy ảnh cầm có chắc tay không, đo sáng, lấy nét, khả năng bắt kịp khoảnh khắc, sử dụng khẩu (appeture) hợp lý (chứ không phải cứ khẩu lớn thì có ảnh đẹp)
Ánh sáng, chất lượng ánh sáng tại thời điểm chụp
Câu chuyện mà bạn muốn truyền tải trong bức ảnh
Kỹ năng hậu kỳ của bạn (cái này quan trọng, hậu kỳ không chỉ có nghĩa là làm đẹp da, hay xóa chi tiết thừa, mà hậu kỳ còn giúp cho bạn làm nổi bật câu chuyện bạn muốn kể)
Chả thế mà nhiếp ảnh gia nối tiếng Chase Jarvis đã nói The Best Camera Is the One That’s With You (Chiếc máy ảnh tốt nhất là chiếc máy ảnh bạn đang mang bên mình). Quan trọng là khoảnh khắc, ý tưởng và kỹ năng chụp ảnh của bạn, sau đó mới nói đến thiết bị. Bạn có thể chụp được một bức ảnh tốt với máy point n' shoot hay iphone 2G nếu bạn có ý tưởng và kỹ năng tốt. Nhưng nếu bạn không có kỹ năng chụp ảnh, thì bạn có cầm trong tay máy DSLR fullframe hay medium format cũng khó lòng tạo ra những bức ảnh có hồn.
Quay trở lại với chiếc lens Kit SEL PZ 16-50mm mà tôi ghi ở tiêu đề, nó là chiếc lens đính kèm với những chiếc máy ảnh NEX, và cả Sony A6000/A6300. Chiếc lens này được đánh giá là chất ảnh trung bình, và người ta thường sẽ chọn lens khác thay vì dùng nó. Ngay cả tôi cũng đã từng khuyên nhiều người không nên mua hoặc sử dụng chiếc lens này. Nhưng hôm nay tôi sẽ review nó để chứng minh nhận định của mình và của nhiều người khác là sai. Và chiếc kit lens này thật sự giúp bạn có thể chụp được nhiều thể loại ảnh khác nhau với chất lượng không tồi tí nào.
Tôi sẽ không nói lại những điều mà bạn đã biết rõ như chiếc lens này chỉ nét ở tâm, phần rìa hơi soft, rằng mọi thứ chỉ tốt lên khi chụp ảnh ở f/5.6 trở lên. IQ (chất lượng ảnh) của lens này ở mức thấp, chỉ tương ứng với ảnh ở 9MPX, trong khi Sony A6000 giúp chụp được ảnh 24MPX, và Sony NEX 5T hỗ trợ ảnh 16MPX..v.v Rõ ràng chất lượng quang học của chiếc lens này không tốt bằng những lens khác nên giá nó rẻ, nếu muốn những chiếc lens chất lượng quang học tốt bạn phải bỏ ra gần 10 triệu hoặc vài chục triệu cơ nên bạn đừng hiểu nhầm rằng chỉ cần kit lens là đủ nhé. Nhưng nếu không có nhiều tiền, bạn vẫn có thể tạo ra những bức ảnh tốt chỉ với kit lens.
Để có bài viết này, tôi chỉ sử dụng Sony NEX-5T và kit lens trong vòng 1 ngày (3 tiếng từ 5 giờ chiều đến 7 giờ tối - trên đường đi, 30 phút buổi sáng (7 giờ), và vài bức ảnh chụp ở văn phòng làm việc). Chỉ trong chừng đó thời gian, tôi đã có khoảng 50 bức ảnh tốt, và tôi sẽ chọn một số trong đó để chia sẻ với các bạn.
Các bức ảnh tôi chụp bao gồm:
Ảnh chụp cảnh vào buổi sáng và buổi chiều (thiếu sáng),
Ảnh đời thường vào buổi tối trong điều kiện thiếu sáng và ánh sáng phức tạp
Ảnh chân dung (không flash, vào buổi sáng và chụp ở văn phòng trong điều kiện thiếu sáng)
Và một số ảnh khác
Tôi sử dụng Lightroom để hậu kỳ ảnh, và làm cho ảnh tốt hơn bằng cách chỉnh một chút về contrast, hoặc sharpen ảnh lên một chút, hoặc chuyển qua đen trắng. Tôi không biết sử dụng photoshop, nên hoàn toàn không dùng photoshop để chỉnh bất kỳ bức ảnh nào. Toàn bộ các bức ảnh đều được chụp theo định dạng RAW để đảm bảo lưu giữ đầy đủ nhất các chi tiết của bức ảnh.
Thêm một điểm nữa, là phần lớn các bức ảnh tôi đều chụp bằng tay, chỉ có hai ba bức tự chụp bản thân thì tôi mới sử dụng tripod.
Ảnh phong cảnh & các tòa nhà
Đường CMT8, 16mm f/7.1 1/60s
Đây là bức đầu tiên tôi chụp sau khi nhận chiếc lens, và tôi đã bắt đầu ấn tượng với nó bởi góc chụp khá rộng (tương đương 24mm trên fullframe), và chất lượng ảnh không tồi. Ảnh được chụp vào khoảng 5:30 chiều, nên bạn có thể thấy được ánh hoàng hôn từ phía cuối đường CMT8.
Bờ kè, 16mm f/5.6 1/60s
Bức này cho thấy chi tiết khá tốt của vùng trời.
40mm, f/5.6, 1/125s
Và tiếp theo đó tôi chụp tòa nhà. Điều tôi ngạc nhiên là chi tiết của bức ảnh tốt, bạn có thể thấy qua phần crop 1:1
crop 1:1
Chúng ta thể thấy rõ dòng chữ nhỏ màu xanh ở phía trên của tòa nhà ở phần crop này.
Chung cư, 16mm f/8, 1/1000s
Bức ảnh khu chung cư được chụp vào buổi sáng một lần nữa cho thấy chiếc lens làm tốt nhiệm vụ của mình khi chụp ở góc rộng và chi tiết được giữ lại khá tốt từ tâm đến rìa ở f/8.0.
Một góc doanh trại quân đội, 16mm f/7.1 1/500s
Bức hình này được chụp từ một góc của khu chung cư tiếp giáp với doanh trại quân đội. Hình ảnh được chụp vào buổi sáng.
Một góc công viên, 50mm f/5.6 1/80s
Bức ảnh này được tôi chụp khá nhanh khi đang đi đến công ty, đáng tiếc là tôi đã không xuống xe để lấy bố cục tốt hơn cho bức hình.
Samsung, 50mm f/8.0 1/500s
Ảnh đời thường
Sở trường của tôi là chụp đời thường, và tôi chỉ chuyên chụp đời tường bằng prime lenses (ống kính một tiêu cự), bởi vì khi chụp đời thường bạn phải thao tác nhanh để chộp lấy khoảnh khắc, nên không thể zoom rồi mới chụp, nhưng tôi đã bất ngờ bởi chất lượng các bức ảnh tôi chụp được với chiếc kit lens này là khá tốt kể cả lúc chụp là buổi tối.
Điều tôi không hài lòng duy nhất khi chụp đời thường với chiếc lens này là nó không có khả năng nhớ được tiêu cự cuối cùng khi chụp. Chiếc Panasonic Lumix LX100 có khả năng nhớ tiêu cự chụp, và khi mở máy lên, nó sẽ quay trở lại với tiêu cự cuối cùng lúc chụp, nên tôi có thể chụp ở 24mm hay 35mm hoặc 50mm tùy sở thích với một lần chọn tiêu cự duy nhất. Với chiếc NEX-5T và kit lens, tôi chỉ có thể chụp ở 16mm (tương đương 24mm trên fullframe )và không tận dụng được các tiêu cự còn lại.
Chị bán chuối - ảnh màu, 16mm f/3.5 1/60s iso3200
Bức ảnh này được chụp vào khoảng bảy giờ tối, và trong điều kiện thiếu sáng, hình ảnh vẫn rất tốt, ít nhiễu hạt.
Tôi vốn thích chụp trắng đen (monochrome) hơn là ảnh màu, nhưng tôi vẫn chia sẽ bức hình trên đây để mọi người thấy rằng, kể các chụp đêm với kit lens, thì bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh tốt, và còn có thể bắt kịp chuyển động của đối tượng được chụp (tất nhiên là không thể chụp nét người đang chạy xe máy này kia rồi).
Chị bán chuối, ảnh đen trắng
Mua rau, 16mm f/3.5 1/60s iso2000
Mua rau, 16mm f/3.5 1/50s iso3200
Chú bán rau, 16mm f/3.5 1/50s iso3200
Giờ tan chợ, 16mm f/3.5 1/50s iso3200
Chờ khách, 50mm f/5.6 1/20s iso3200
Sẵn sàng đón cơn mưa, chụp vào 5:30 chiều, 16mm f/3.5 1/80s iso 100
Đèn đỏ, 16mm f/3.5 1/60s iso 125
Chụp cận cảnh và macro
Chiếc kit lens PZ 16-50mm đã làm cho tôi khá nhạc nhiên về khả năng chụp cận cảnh của nó. Chi tiết các bức ảnh rất tốt. Tuy nhiên, để có bức ảnh cận cảnh tốt, bạn cần phải giảm khẩu độ xuống một chút để có bức ảnh nét từ tâm đến rìa.
Bức tường của một ngôi chùa ở quận 3, 16mm f/3.5 1/60s iso 200
Nắm đấm cửa, 16mm f/4.5 1/60s iso 160
Nắm đấm cửa, 50mm f/8 1/80s iso 500
Ly capuchino, chụp vào buổi tối, f/3.5 16mm 1/60s iso 1000
Chùm chìa khóa xe, chụp vào buổi tối, 42mm f/5.6 1/40s iso 3200
Lá khô, chụp trong ánh sáng đèn huỳnh quang, 50mm f/5.6 1/80s iso 2500
Chân dung
Có lẽ ít ai hy vọng có thể dùng kit lens để chụp chân dung, nhưng khi sử dụng chiếc lens này, tôi thấy điều ngược lại. Chúng ta vẫn có thể có những bức ảnh chân dung tốt, vui vẻ với chiếc lens này. Tất nhiên, nó không thể xóa phông mù mịt như những lens có độ mở lớn hoặc tiêu cự dài, nhưng để chụp chân dung với độ chi tiết tốt, chiếc kit lens vẫn đảm đương được.
Tác giả, 50mm f/5.6 1/80s iso 250
Bức ảnh trên lưu giữ chi tiết rất tốt, da mặt tôi rõ đến cả lỗ chân lông.
Crop từ bức trên, bạn có thể thấy rõ lông măng và từng lỗ chân lông trên khuôn mặt
Chụp ở trong phòng, nơi ánh sáng yếu hơn, chật lượng ảnh có suy giảm chút chút, f/5.6 50mm 1/80s iso 2500
Ảnh chụp một đồng nghiệp, 40mm f/5.6 1/80s iso 1250
Hai người ngồi bên, 26mm f/5.6 1/60s iso 2500
Selfie, 16mm f/5.6 1/60s iso 2500
Bức ảnh cuối cùng do bạn tôi mượn để chụp selfie. Với góc rộng 16mm, ảnh tất nhiên sẽ bị méo, nhưng quả thực bức ảnh rất vui vẻ. NEX 5T và kit lens có vẻ cũng phù hợp cho selfie đấy.
Kết luận
Thực ra, bạn sẽ tự có kết luận cho mình. Liệu có nên giữ và sử dụng kit lens hay bỏ nó đi?
Với tôi, nó đáng đồng tiền bát gạo bỏ ra, và rất đa dụng, nhỏ gọn. Tôi có thể có rất nhiều lens tuyệt vời khác với các máy ảnh fullframe, nhưng tôi vẫn giữ nó để sử dụng với NEX 5T vì cặp đôi này rất nhỏ gọn và có thể ở bên mình tôi mọi lúc, mọi nơi. Tôi có thể chụp cảnh, đường phố, chân dung với bộ đôi rất kinh tế này (tầm 6 triệu, bạn đã có thể có cả máy lẫn lens).
Lời khuyên dành cho những người mới bắt đầu với nhiếp ảnh và mới bắt đầu với Sony Mirrorless cameras là đừng vội bỏ lens kit. Nó có giá trị tốt hơn với số tiền bạn bỏ ra để mua nó.
Happy shooting!!
1 note
·
View note
Text
Những buổi sáng cuối tuần
Cuối tuần, là những ngày hắn được phép ngủ ngon, và đúng tám tiếng. Vào những ngày thường, hắn thường bắt đầu giấc ngủ không mộng mị của mình vào lúc hai giờ sáng, và kết thúc vào lúc bảy giờ sáng, khi mà bài hát Austin của Blake Shelton văng vẳng từ chiếc điện thoại ở phòng bên. Riêng những ngày cuối tuần, hắn sẽ được ngủ đến mấy giờ tùy thích, có thể đến mười một giờ trưa, nhưng cũng không quá giờ đó. Tuổi thơ được quản lý nghiêm túc của hắn đã giúp hắn không bao giờ ngủ quá bữa, có chăng thì chỉ là ngủ không đủ giấc mà thôi.
Sáng nay, chỉ mới chín giờ, hắn đã thức giấc.
“Ai mua chiếu không? Ai mua chiếu này?”
Giọng rao phát ra từ chiếc loa của người bán chiếu dạo vang lên át cả tiếng chim sẻ ríu rít mà hắn vừa mới nghe. Tiếng động cơ xe máy vang lên từng chặp, rồi tiếng máy bay lao vút qua đầu. Hắn bước ra lan can, mặt trời của buổi sáng chiếu thứ ánh sáng vàng nhạt nhưng gắt bao trùm lên cơ thế nó. Đôi lúc thứ ánh sáng đó được thay bởi một chiếc bóng vĩ đại, lao vút qua. Hắn ngửa mặt lên trời, nhìn vào cái bụng phễnh của những chiếc máy bay khổng lồ đang ra sát trên đầu hắn. Cái bầu trời hắn nhìn thấy lúc này y hết một cái bể bởi toàn những con cá ngân long, thân trắng, mình dài, lao vút qua từ phía này chiếc bể qua phía bên kia, những con cá đó cứ như chui ra từ một đoạn đường hầm bí ẩn nào đó, rồi phóng vút lên phía trên, tỏa những cái bóng khổng lồ lên trên đầu hắn.
Tiếng rít của những chiếc máy bay tạt ngang, đi từ Nam về Bắc không làm cho hắn bực mình, nhưng âm thanh dữ dội đó có khả năng làm đông cứng suy nghĩ của hắn. Khó có thể suy nghĩ ra hồn khi trên đầu mình là những chiếc máy bay khổng lồ đang lao đi với vận tốc xé rào bức tường âm thanh, không khí bị xé toạc, tạo nên những tiếng rít chói tai. Âm thanh ầm ĩ đó được truyền bởi không khí, đập liên hồi vào màn nhĩ của hắn, và đã ngăn chặn mọi suy tưởng của hắn. Khi những chiếc máy bay đi ngang qua, hắn rơi vào trạng thái tê liệt cảm giác, không buồn, không vui, và không kịp để giận dữ với những sinh vật khổng lồ quái ác kia.
Khi một chiếc máy bay bay khỏi tầm mắt, tiếng ồn đinh tai của nó không còn nữa, tạng thái tê liệt của ý thức cũng đã dừng lại, mọi thứ quay trờ lại, cuộc sống lại trở nên bình thường, tiếng họp chợ phía bên dưới, tiếng trẻ con cười đùa, tiếng xe máy khởi động, tiếng chuông xe đạp.. Nếu may mắn hắn còn có thể nghe tiếng đàn piano văng vẳng từ phía lầu bên.
Mỗi sáng như vậy, hắn đều ra lan cam, ngắm nhìn cảnh vật bên dưới và các căn hộ ở tòa nhà phía đối diện. Ở lan can của những căn hộ, các bà mẹ và vợ đang phơi áo quần vừa mới được giặt. Những người đàn ông đứng hút thuốc nhìn trời, hoặc đang lau chùi lan can. Các em bé thì háo hức nhìn xuống phía bên dưới, nơi có những quán ăn vặt, những tiệm cà phê sáng, và đủ các loại rau quả. Các quán cà phê bày ra trên đường bên dưới chung cư luôn đông khách vào buổi sáng để phục vụ cho khách vừa mới tập thể dục về, hoặc các bà các mẹ đi chợ đang tranh thủ chút chút để hội họp và tám chuyện với nhau.
Chợ cũng họp từ sớm. Những quầy rau củ, thịt, cá bày san sát lẫn nhau. Các của hàng bán rau được bày trệt dưới mặt đất, thịt được bày trên mặt bàn. Góc khác, áo quần được treo san sát, và trải dài dưới mặt đất, những chiếc khăn đầy màu sắc, những chiếc nịt ngực phụ nữ hay kể cả quần lót đều được bày ra đấy. Con người thì cứ như con thoi, trôi đi trôi lại giữa nhưng gian hàng được bày biện từ sáng sớm. Phần lớn người mua là các em gái, các chị và các mẹ, nhưng cũng không hiếm đàn ông ra chợ mua rau củ về nấu ăn. Ai cũng ăn vận vừa phải, tềnh toàng, bởi mọi người chẳng phải đi đâu xa, chỉ cần mở cửa, đi cầu thang bộ, xuống đến chân chung cư là tới chợ, mua sắm đâu đó khoảng ba mươi phút là xong.
Hắn cũng thích đi chợ, có đôi ngày hắn cũng vác thân xuống chợ để mua sắm vài thứ. Đi vài lần thế mà ai cũng biết hắn, cũng đón chào đon đả. Với hắn việc đi chợ là phụ, quan sát mọi người là phần chính. Lê la, nhìn ngắm những con người lương thiện đang đấu tranh sinh tồn trong khu chợ xép nhỏ nhắn này làm cho hắn có cảm giác thư thả thoải mái. Các mẹ các chị buôn bán, dù cố mang áo quần dày, đeo nón, khăn bịt mặt các kiểu, nhưng da vẫn ngăm ngăm màu đồng. Cái nắng của miền nhiệt đới đủ sức để cái làn da trắng trẻo của các chị khi còn thiếu nữ trở thành màu đồng hun. Cái màu đấy là màu vinh quang của những người lao động vất vả, phơi mình giữa nắng kiếm ăn. Chứ như hắn, thì chỉ có khuôn mặt và đôi tay sạm đi vì đi làm không bao giờ bịt mặt, và luôn mang áo tay ngắn, chứ các phần còn lại của hắn vẫn trắng trẻo kiểu dân văn phòng. Mà những bạn trẻ đi chợ cũng thế, trắng trẻo, ăn mang khỏe mạnh hiện đại. Các em gái thì mang quần sóc, áo thun tay ngắn. Các chị lớn thì quần jean, hoặc váy dài. Các mẹ đi chợ thường khoác lên mình bộ bà ba, vừa mát, vừa giúp đi lại nhẹ nhàng. Cũng có vài cô môi son đỏ choét, đi giày cao gót, áo thu ba lỗ, quần dùi ngắn đến tận bẹn. Trông không hợp cảnh cho lắm. Nhìn sơ cũng có thể đoán các cô gái này thuộc nhóm nghề nào. Họ có thể là các cô làm ở tiệm gội đầu hay massage cho nam, làm tiếp viên cho các quán nhậu hoặc chỉ đơn giản là họ thích ăn mặc như vậy. Và dù làm nghề gì đi nữa, họ vẫn rất lịch sự vào những buổi sáng như thế này, họ vẫn được chào đón rôm rả. Cứ thuận mua vừa bán là được.
Đất Sài Gòn không như đất Huế, chả mấy ai rảnh mà đi tám chuyện người khác, mà dẫu cho có tám chuyện cũng không tỏ thái độ với người ta. Anh có tiền, tôi có hàng, và nhiệm vụ của tôi là phải bán được hàng, còn bán cho ai, loại người như thế nào không quan trọng lắm. Và nếu anh vẫn đến mua hàng của tôi mỗi ngày, tôi sẽ càng mừng hơn nữa. Sài Gòn là vậy đấy, nhiều chuyện còn chưa được, nhưng dân cư Sài Gòn đã đạt đến mức độ cao hơn về sự chuyên nghiệp khi làm dịch vụ. Thế nên, khi hắn quay trở về quê, hoặc đi thành phố khác, hắn luôn phải chuẩn bị sẵn tinh thần để chấp nhận những cách thức chăm sóc khách hàng kiểu khác, những cái nguýt dài khi người khách chỉ ngắm mà không mua. Những cái nhìn khinh khi khi hắn đi một chiếc xe máy cũ nát. May thay, hắn đang sống ở Sài Gòn, và người Sài Gòn không đánh giá con người qua vẻ bề ngoài của họ. Hoặc giả có đánh giá họ cũng không thể hiện thái độ. Hắn thấy điều đó là sự may mắn, và cũng là một trong những lý do khiến cho người ta mến mộ đất Sài Thành.
Vào những ngày cuối tuần, hắn luôn có chút thời gian để ngắm nhìn cái nơi hắn đang sống tạm. Rồi hắn sẽ ngồi trước chiếc máy tính, ngắm cái không gian nằm bên ngoài chiếc cửa sổ. Tắm mình trong dòng ánh sắng màu vàng đậm từ mặt trời chiếu xiên vào căn phòng. Hắn thường nhìn qua khung cửa sổ, bên ngoài là những chiếc lá bàn lay động, những bông hoa tím mọc trên lan can, những chiếc áo đủ màu sắc đang lắc lư theo ngọn gió. Và sau đó, hắn sẽ chúi mũi vào chiếc laptop, đọc hoặc viết cái gì đó.
Trong buổi sáng hôm nay, của ngày chủ nhật cuối tuần, hắn đang ngồi viết đến những dòng cuối cùng của một bài viết để đăng lên blog cá nhân của hắn. Nếu blog của hắn là một căn nhà, thì nó cũng đã nhuồm màu rêu phong.
Rồi có tiếng máy bay rít lên, cả không gian như đặc quánh lại, mọi thứ như ngừng trôi (trừ chiếc máy bay ồn ả kia)..
1 note
·
View note
Text
Buồn rầu nông nổi
Có khi nào bạn cảm thấy mình đang dần rỗng tuếch đi không? Cứ như mọi thứ bên trong bạn, lục phủ ngũ tạng đều bị móc đi, não bạn cũng đang bị những con sâu nào đó đang từng ngày từng ngày khoét dần, và khi đó khoảng không bên trong cơ thể bạn càng lớn dần lên, và thành cơ thể mỗi ngày mỗi mỏng đi.. Tôi đang có cảm giác đó, cảm giác bị bào mòn từ bên trong, cảm giác mình đang trở nên vô vị, tẻ nhạt, buồn chán.
1 note
·
View note
Text
Review Minolta 50mm f/2.8 với LA-EA4 và Sony A7ii
(Minolta 50mm f/2.8, chụp với A7ii, FE 55mm f/1.8)
(Lưu ý: mình không phải là reviewer chuyên nghiệp, nên chỉ chia sẻ theo cảm nhận)
Lens của Sony luôn đắt, đặc biệt là dòng lens FE cho mirrorless, và điều đó cũng là hạn chế cho những người muốn chơi Sony. Tuy nhiên, nếu bạn đầu tư ngàm LE-EA4 để có thể sử dụng lens Minolta hoặc Sony Alpha (SAL), thì sự khó khăn đó sẽ không còn nữa. Hôm nay mình muốn chia sẻ với các bạn về lens Minolta 50mm f/2.8 macro. Đây là một lens tuyệt vời nếu bạn muốn vừa chụp chân dung, vừa macro và kể cả chụp đường phố.
Lens này có giá khoảng 2tr - 2.5tr, không quá đắt nếu bạn muốn có một lens đa dụng (đường phố, macro 1-1, và chân dung).
Đầu tiên, bạn hãy xem qua dung mạo của Minolta 50mm f/2.8:
(Minolta 50mm f/2.8, chụp với A7ii, FE 55mm f/1.8)
Chiếc lens này khá nhỏ nhắn và nặng 315gr (khá nhỏ nếu so sánh với FE 90mm f/2.8 macro mà mình đã dùng qua), và vẫn hỗ trợ chụp macro 1:1.
Như các bạn thấy, chiếc lens này nằm gọn trong lòng bàn tay của mình.
Lens này khá cool vì nó tự động lấy nét (kể cả phần macro), và khá nét từ tâm đến rìa. Khẩu độ 2.8 khá tốt cho chụp chân dung (đáng tiếc mình chưa có ảnh nào chụp chân dung với lens này). Mặc khác lens 50mm với máy ảnh fullframe rất tốt cho việc chụp đường phố. Sắp tới mình sẽ đi chụp phố phường với lens này và sẽ chia sẽ với mọi người về cảm nhận khi sử dụng nó.
Chất lượng hình ảnh thì ổn rồi. Còn về phần AF (auto focus), mình cảm nhận là nó hoạt động khá tốt trên ngàm LA-EA4, nhưng với công nghệ cũ, nên motor lấy nét hơi ồn một chút, nếu chụp macro mà motor kêu hơi to như vậy thì không ổn, nên chuyển qua MF để chụp sẽ tốt hơn.
Dưới đây là một số hình chụp từ lens macro này:
Hoa tím, Minolta 50mm f2.8, chụp tại f2.8
Crop 1:1 từ hình trên ở góc trái dưới
Mặc dù crop ở góc trái dưới, các chiếc lá (in focus) vẫn khá là nét. Và đương nhiên ở tâm vẫn nét rồi.
Chụp macro ở f/5.8, iso 12800, handheld, 1/15s
Nhờ chế độ chống rung của A7ii, mình chụp được tấm macro ở trên.
Bokeh
Với 7 lá khẩu, bokeh tạo được bởi chiếc lén này không phải là hình tròn, nhưng vẫn khá là thích mắt.
Macro 1:1, chụp tại f/6.3
Chất lượng ảnh chụp macro rất tốt và các chi tiết vẫn được giữ lại.
Macro 1:1, f/22, 1/200s, iso 10000
Mình chụp thử từ f2.8 đến f8, thì chất lượng ảnh vẫn tốt trên các khẩu.
Chụp tại f/4.5
Chụp tại f/8
Crop bức ở trên
Ở f/2.8, lúc này nắng hơi gắt
Ở f/2.8, ảnh vẫn giữ được nhiều chi tiết, nhưng theo cảm nhận của mình, ảnh bị soft nhẹ ở góc phải trên khi so với các vị trí khác.
Crop 1:1 góc phải trên
Crop 1:1 ở giữa
Crop 1:1 góc trái dưới
Bạn thấy đấy, đây là một lens macro giá rẻ có chất lượng tốt cho những ai thích macro, đường phố, chân dung (nếu dùng crop) mà vẫn muốn tiết kiệm vì đã tốn quá nhiều tiền cho body fullframe.
Minolta lenses thực sự rất đáng để quan tâm!
P.S. sắp tới mình sẽ review minolta 35-70 f/4, minolta 70-210mm f/4 và Minolta 20mm f/2.8.
1 note
·
View note
Photo

He’s a strong man, he loves Buddha and always smile. He goes every where by using his hands only. He’s great!
0 notes
Text
Lẽ sống của tôi

Già, nhưng vẫn sống hữu ích cho đời (by Tumivn)
Cuộc sống của tôi vốn không tệ, nhưng trong lòng tôi luôn có nhiều băn khoăn. Bởi lẽ, những thành quả mà tôi đã thực hiện được không làm tôi hài lòng. Với tôi, tiền, danh vọng, địa vị, sự ổn định chưa bao giờ là ưu tiên hàng đầu, nên dĩ nhiên tôi chả có những thứ đó. Không ít lần tôi tự hỏi bản thân, điều gì mới là ưu tiên số một của tôi?
Câu trả lời là được làm điều mình thích. Nhưng quả thật, tôi không biết điều mình thật sự thích là gì. Tôi cực thích đọc sách, học tập suốt đời, nghe nhạc, viết lách, giảng dạy, nói chuyện (nói văn vẻ là làm diễn giả), quan sát, xây dựng và chạy chương trình (program / không phải lập trình), lập trình, chụp ảnh.. Phần lớn tôi làm tốt điều tôi thích, còn lại cũng không đến nỗi tệ, và rõ ràng trong các thứ đó không có thứ nào đứng ở đầu bảng cả.
Nhớ lại ngày xưa, tôi quyết đi CTXH cho bằng được, và để được tham gia các hoạt động CTXH, tôi phải đảm bảo rằng mình luôn được học sinh giỏi với ba tôi (điều mà tôi không thể đảm bảo trong chín năm học trước đó), và tôi làm được. Nghĩa là tôi được học sinh giỏi mấy năm liền không phải vì tôi thực sự muốn, mà chẳng qua nó là điều kiện đảm bảo việc tôi được đi CTXH.
Tôi đã từng làm công tác HSV, công tác Đoàn và cũng đạt được những thành tích không tệ trong suốt cuộc đời sinh viên, với mấy chục cái bằng khen từ cấp trung ương đến địa phương, nhưng rõ là tôi cũng không vì mấy thứ đó, mà bởi vì tôi muốn làm được một điều gì đó tốt và có ích.
Khi rời khỏi trường ĐH Khoa Học, rời bỏ vị trí giảng dạy, tôi lại quay lại dạy miễn phí cho nhiều sinh viên vào cuối tuần với mong muốn giúp cho các bạn đó phát triển sự nghiệp lập trình của mình. Mà cũng kỳ lạ, khi bạn quay lại cái trường mà chỉ vì bạn xin nghỉ dạy, bạn đã bị kỷ luật và phải dừng sinh hoạt Đảng (vì không thể chuyển Đảng được). Nên, vị trí, hay chính trị cũng không phải là mục đích của tôi, cái danh hiệu giảng viên cũng không là mục đích của tôi.
Rồi tôi mang các lớp miễn phí của mình vào Sài Gòn, dạy suốt nhiều tuần liền, rồi hàng trăm bài viết dạy lập trình trên mạng, đến bây giờ vẫn còn người đọc, vẫn còn nhiều người quan tâm đến chúng. Vẫn còn những người biên thư để nhắc tôi viết bài mới, vì dạo này tôi ít viết quá.
Giờ ở công ty hiện tại, tôi góp phần giúp cho công ty tuyển dụng và đạo tạo hàng trăm người để họ có thể làm việc được trong môi trường out-sourcing, với những dự án quốc tế, rồi giúp những bạn kỹ sư tiến bộ hơn trong công việc, có thể phát triển lên một level mới (hoặc đẳng cấp mới), có thể đảm đương những công việc thách thức hơn. Tôi liên tục soạn bài giảng mới và chia sẻ với mọi người. Và tôi thực sự vui vì những điều đó. Dẫu vậy, tôi vẫn băn khoăn, liệu mình có thể làm được điều gì tốt hơn nữa, ý nghĩa hơn nữa?
Tôi cũng vui vì mình chưa bao giờ ngừng học tập và ngừng tiến bộ. Nhưng tôi vẫn băn khoăn mình sống vì mục đích gì, vì lẽ sống gì?
Tôi chỉ biết, mình luôn mong muốn làm mọi thứ tốt đẹp hơn. Tôi đã cố gắng, và có nhiều chuyện tôi đã làm được chút chút, có một vài việc cá nhân tôi vẫn chưa làm được, nhưng tôi vẫn đang cố gắng hàng ngày, để hôm qua tốt hơn hôm qua, một chút thôi cũng được.
Ừ, lẽ sống của tôi chưa được đặt tên, nhưng cũng chả sao, bởi dù có nhắm mắt thì trái tim và trí óc tôi vẫn dẫn lối. Tôi tin, dù có những lúc ngập ngừng, nhưng chưa khi nào tôi đi lệch còn đường mà con tim mình chỉ lối.
Lỡ “làm trai đứng trong trời đất” …
0 notes
Text
Nhớ những ngày tình nguyện
Mỗi khi ngồi trên một chuyến xe khách, tôi luôn nhớ về những kỷ niệm thời sinh viên khi đi cùng các bạn trẻ mỗi dịp mùa hè xanh. Những lúc đó tôi luôn chọn ngồi ở phía dưới cùng, vì phía dưới thường vui hơn, và chúng tôi có thể làm mọi thứ mình muốn. Ví như ca hát, kể chuyện vui, hay đánh bài. Phía trên xe thường để dành cho các bạn nữ, hoặc các bạn hay say xe. Tôi vẫn nhớ những chuyến đi lên A Lưới, Nam Đông, những phút thót tim khi chiếc xe năm mươi chỗ chạy lên dốc Mạ Ơi. Những con đường mà phía bên này là vách núi, và bên kia là vực thẳm. Thời đó tôi hoạt bát và thích đi đây đi đó là thế, còn bây giờ, mỗi chuyến đi chỉ đơn giản là vì công việc mà đi. Cái cảm giác thích thú được khám phá một nơi mới không còn. Có lẽ tôi đang vướng bận với chuyện tự khám phá chính mình hơn chăng? Thế nhưng, trên chuyến xe Cần Giờ hôm nay, kỷ niệm vẫn ùa về…
Tôi chợt nhớ hình ảnh các bạn trẻ xắn tay áo đi vận chuyển táp lô, xi măng để xây nhà vệ sinh tự hoại cho dân nghèo. Tôi không thể nào quên, cái ngày hoàn công ở thôn Hạ Lan, Quãng Thọ, Quảng Điền. Hôm đó, tụi tôi mới làm xong năm nhà vệ sinh một ngăn, sử dụng tro than để giúp phân tự hoại. Trong năm gia đình được chúng tôi giúp đỡ, có một gia đình neo đơn, chỉ có hai cụ già trên bảy mươi tuổi sống cùng nhau. Hai cụ dựa vào nhau mà sống, ngày qua ngày, với mảnh vườn, một ít rau rán và sự cưu mang của những người khác. Các cụ vẫn phải tận hưởng thú vui “ỉa vườn”, nhưng nó chỉ là vui vào những ngày trời nắng, đến ngày mưa, thì chỉ biết nín nhịn chờ trời ngớt mưa. Nhưng mưa Huế dai dẳng lắm, nên sự kiên nhẫn của các cụ cũng không phải “vừa” đâu. Nhưng biết sao được, khi mình đã già, mà lại còn nghèo, chỉ có thể đào cái hố nhỏ, bắt hai thanh gỗ, rồi che xung quanh bằng một ít rơm rạ là xong. Đến lúc mệt mỏi quá, rơm rạ rơi hết, các cụ cũng cứ thế mà đi, bởi các cụ cũng đã, già, chả ai muốn rình mò làm gì.
Lũ sinh viên chúng tôi nghịch lắm, đứa nào cũng vào ngồi trong chiếc hộ xí, rồi lấy máy hình chụp hình làm kỷ niệm. Đứa nào cũng muốn thử sử dụng cái hố xí do mình tự thiết kế, tự xây một lần, nhưng chắc chả bao giờ có cơ hội xài thiệt nó. Lúc đó tôi là chỉ huy phó Chiến dịch hè của trường, nên tụi nhỏ cũng bớt giỡn đi một chút. Chứ tôi còn nhớ, có hôm, tụi nó nhậu, có mấy đứa còn cởi quần “so chim”, lúc đó không có các bạn gái ở đó, còn tôi chỉ tình cờ đi ngang, thấy thì rầy la, suýt nữa thì tôi đã đuổi chúng về, nhưng sau đó, nhiều bạn xin quá, nên tôi đã để cho các bạn đó ở lại. Thế mà, đứa hoang nghịch nhất lại là đứa chăm làm nhất, nó vừa hăng hái, vừa biết làm cho mọi người thấy vui mà hăng hái làm việc nên tôi cũng bớt lo về cái tính thích nghịch dại của nó. Trở lại với hôm hoàn công, tụi tôi dắt ông bà cụ ra, thì cái thằng hoang nhất lại mở lời trước, tôi định ngăn mà không kịp, nhưng té ra những câu nó nói rất người: “Ôn mệ ơi (người Huế rặt gọi ông – bà là ôn – mệ), tụi con xây xong nhà cầu cho ôn mệ, chừ ôn mệ cứ thoái mái mà đi hí, không phải sợ trời mưa nữa rồi. Ôn mệ đừng sợ chi hết, tụi con xây bê tông chắc lắm, tụi con đứa nào cũng ra ngồi thử, nhún nhún nữa, ông mệ khai trương đi, tụi con đã làm cái cửa để che lại, không nhìn lóm được mô”. Cả ông bà, lẫn tụi tôi đều cười òa, nhưng sau đó, tự nhiên ai cũng rơm rớm nước mắt, cái thằng ba trợn nhất lại là thằng khóc nhiều nhất. Còn tôi, một đứa làm công tác xã hội nhiều nhất bọn, từ năm học lớp 9 đến lúc đó cũng đã là giảng viên, tính ra cũng được 8 năm, mà cũng không thể cầm được nước mắt. Không biết đó là cảm xúc gì, không hẳn là vui, không hẳn là hạnh phúc, cũng có trong đó một chút xót xa… Cũng trong đợt đó, tụi tôi có mua tôn lợp cho một nhà neo đơn, nhưng lại không có trong danh sách của xã gởi cho, thế là cái cô được chúng tôi giúp, lúc nào cũng đến nơi đoàn chúng tôi đóng quân để dọn vệ sinh giúp, tụi tôi can, mà cô cứ nhất quyết phải dọn giúp. Nếu ai từng đi tình nguyện đều biết, nếu năm mươi người ở chung ở một trường tiểu học, thì các nhà vệ sinh kinh khủng như thế nào, thế mà cô đã giúp bằng cách dọn dẹp nhà vệ sinh trong suốt những ngày tụi tôi ở đó. Chúng tôi không nhờ, và khuyên cô về suốt, nhưng cô cứ đến vào lúc chúng tôi đi làm, và phụ giúp các bạn nữ trực ở bếp. Có lẽ với cô, đã nhận thì cũng phải biết cho đi. Đến hôm, tụi tôi về lại Huế, bà con đến từ sáng sớm để tiễn chúng tôi. Bịn rịn không rời, tụi tôi trở về mà lòng cứ bâng khuâng. Lòng muốn ở lại, nhưng chân vẫn phải rời đi… Sinh viên tụi tôi, trẻ nên ham vui, cứ mỗi khi chiến dịch hè đến ngày cuối, chúng tôi được xả trại, được phép nhậu nhẹt thoải mái, tôi vốn không thích uống mấy, dù cố tránh mà cũng không thể tránh được.
Nhớ có một năm, khi tôi là sinh viên năm tư, cũng làm chỉ huy phó, nên sau khi nhậu chia tay với mấy anh ủy ban xã xong, tôi đã trở về lại phải tiếp tục nhậu với anh em, có nhóm những anh vốn là sinh viên tình nguyện cũ, về thăm, mà những anh này nhậu rất dữ, nên khi đến tôi cũng hơi lo, nên tôi mới nhờ một bạn sinh viên khác đi cùng, tôi xin mọi người không cho bạn đó uống, để khi tôi xay xỉn rồi thì dìu tôi về phòng, vì tôi uống cũng không phải là giỏi lắm. Mọi người nghe thấy có lý, nên để cho bạn ấy ngồi chơi. Anh em uống rượu theo kiểu chuyển nhau bằng một cái ca to, rượu trắng mà để trong chiếc ca to, cứ mỗi lượt đi qua phải uống một ngụm lớn, tôi thật cũng chịu chả nổi. Đến lượt thứ sáu, tôi mới nghĩ ra một kế, đó là vờ choáng, mà tôi ngã rất thật, va cái bộp xuống nền gạch đau điếng cả người, thế là mọi người mới bảo dìu tôi dậy, hỏi tôi có say chưa. Tôi đoán biết ý, nên cứ la làng “Em chưa say, mấy anh cho em uống nữa, không có say”... mấy anh lớn thấy vậy mởi bảo, thôi nó say rồi, nhóc kia dìu nó về đi, nghe vậy mà lòng khấp khởi mừng thầm, ra được khoảng mười mét, tôi mới bảo nhóc nhỏ “thôi qua nhậu với nhóm kiến trúc, em thấy anh giả say thần thánh không”, thằng nhóc bảo “em phục anh, đến em còn không biết”, tôi bảo “ừ, nhưng khi mày dìu tao qua nhóm kiến trúc, tao sẽ nằm, chứ mấy ông đó thấy tao ngồi dậy, lại kêu qua nhậu chứ chẳng chơi”. Tôi nằm bên cái chiếu đặt giữa sân của nhóm kiến trúc, chứng kiến bạn gái tên Hương Chi với thằng bạn từ thời cấp hai tên Thy Ngọc của tôi nhậu với nhau mà tôi cứ thầm cười “Cha cái thằng dại gái”, cả nhóm uống theo lượt, cứ đến đoạn bé Chi, nó lại bảo em uống yếu nên chỉ xin uống một phần hai ly thôi, thằng Ngọc thì cứ mạnh miệng, anh sẽ uống giúp em một nửa, rồi phần nó thêm một ly. Mà kể cũng phải, nó uống rất tốt, nên nó tự tin là đúng, nhưng ai không biết con gái Kiến trúc là “ngọa hổ tàng long”. Đến hai giờ sáng, khi những đứa khác đã ngã gục, thì thằng Ngọc với con Chi vẫn còn ngồi đó, Ngọc cũng đã sương sương, còn Chi vẫn còn cứ tỉnh bơ. Ngọc bảo “thôi, rượu cũng đã hết rồi, đi ngủ thôi”, Chi cười cười “Anh Ngọc ơi, em vẫn còn hai chai nếp mới, anh em mình uống tiếp nhé”. Thằng Ngọc, dù đã muốn xỉn, nhưng vẫn gật đầu. Hai đứa nhậu xong hết chai thứ nhất thì cũng đã đến ba giờ sáng, tôi thấy Ngọc cũng đã kiệt quệ nên mới đuổi bé Chi vào phòng, tôi mới chạy về phòng các bạn nam để ngủ một chút, nhưng cũng không nằm được lâu, do trời cũng đã gần sáng, và tôi còn chuẩn bị cho việc rời đi. Tôi bước ra sân thì mới phát hiện gần sát bờ sông có người đang nằm ngủ, bạn này lúc tôi, nhậu xỉn quá, ra bờ sông đi tiểu rồi ngủ ngay ở đó. Còn thằng Ngọc thì đến giờ đó vẫn chưa tỉnh lại, nó xỉn quá trời, mà có lẽ từ đêm đến sáng, nó đã nôn nhiều lần; những thứ nó nôn ra có mùi chua thật kinh khủng. Đến lúc đó, tôi mới chợt thấy thằng Phong (bạn học từ cấp 1 của tôi), bên ngành kiến trúc mới tắm từ dưới sông lên: “Dũng ơi, sáng tao ngủ dậy, rờ trên đầu với người thấy ướt ướt, cứ tưởng trời mưa, té ra, thằng Ngọc hắn nôn hết lên đầu tao, hôi kinh khủng. Đến lúc tao nhảy xuống sông tắm, cứ quời quời bơi, tự nhiên thấy đau đau, té ra, cá tới rỉa mi nở..” Nghe thằng Phong tếu táo mà tôi không nhịn nổi cười, trong lòng thấy an tâm hơn, vì mọi người nhậu say như thế, may mà chưa có ai bị gì. Nhưng sau lần đó, tôi trở thành chỉ huy trưởng trong mấy năm, tôi không để cho chuyện nhậu nhẹt say sưa diễn ra thêm một lần nữa. Ngọc xỉn đến chiều mới tỉnh, tôi với thằng Ngự phải đèo nó về thay vì đi xe. Tụi tôi chở ba, mà cũng phải tính kế nếu công an bắt. Nếu bị vậy, cứ lý giải là đem Ngọc đi chữa bệnh là xong.. Cũng may chả có chú công an nào thổi trên suốt năm mươi km chạy về. Ngày xưa, đi tình nguyện, dù là những người có tấm lòng tốt, nhưng tụi tôi cũng là đám ham vui, nhậu nhẹt các kiểu. Tôi đã từng uống cả lít rượu, mà là rượu pha cồn, đến nỗi ruột trở nên nhạy cảm, thế mà bây giờ, suốt mấy năm trời tôi hạn chế không rượu cũng chả bia, bởi với tôi thì rượu bia chưa bao giờ là những thứ tốt, và mình sẽ không còn tự chủ được nữa nếu cứ rượu bia mãi. Những câu chuyện về tình nguyện vẫn còn rất nhiều, có lẽ, tôi nên viết ra hết, bởi càng lớn, kỷ niệm cũng mờ nhạt dần. Hơn mười năm đi tình nguyện, biết bao nhiêu buồn vui đã trải qua… Giờ tôi đã hết những chuyến đi tình nguyện, bởi tôi đã chọn cống hiến theo một cách khác. Bởi tôi biết cách để đóng góp được nhiều hơn theo năng lực của mình. Tôi chia sẻ tri thức và cách học tập với mọi người qua các bài viết trên blog cá nhân và trang cộng đồng. Cách tình nguyện mới phù hợp hơn với công việc hiện tại của tôi. Thế nên, dù thời gian có thay đổi, tôi có thể khác đi nhiều, nhưng con tim tình nguyện vẫn đập, tinh thần tình nguyện vẫn không đổi thay. Chỉ là, cái tuổi trẻ trâu đã qua, mà khi người ta trẻ, người ta mới bồng bột, mới liều lĩnh, và như thế mới có nhiều chuyện để kể với mọi người. Còn giờ, tôi cứ thế mà học tập, cứ thế mà làm, chả có gì nhiều để kể…
0 notes
Text
Bí quyết để học tập thành công
Mấy hôm trước, tôi có dịp được nói chuyện với sinh viên của hai trường Đại học lớn. Dù là một buổi nói chuyện để cổ vũ các bạn tham gia chương trình Fresher batch 2 của Harvey Nash, nhưng tôi vẫn cố gắng mang lại nhiều lợi ích nhất có thể cho các bạn sinh viên. Tất nhiên, lợi ích lớn nhất là được thi và tuyển chọn vào Harvey Nash, nhưng lợi ích đó chỉ dành cho các bạn sinh viên năm cuối, còn với hàng trăm các bạn sinh viên khóa nhỏ hơn, mối quan tâm của các bạn ấy khác biệt hơn nhiều.
Được nói chuyện với sinh viên, tôi mới nhận ra, những trăn trở của tôi về các bạn sinh viên ngành CNTT vẫn còn đó, cho dù mười năm đã đi qua, từ ngày tôi đặt câu hỏi, làm sao để sinh viên ngành CNTT ở các thành phố nhỏ nói riêng và sinh viên CNTT Việt Nam nói chung có thể phát triển kiến thức, kỹ năng để góp phần biến Việt Nam thành một trung tâm về công nghệ thông tin và outsourcing của thế giới (điều mà Ấn Độ đã làm được).
A. Sinh viên cần chuẩn bị điều gì?
Học lập trình đã khó, học tiếng Anh càng khó hơn, đó là chia sẽ của các bạn sinh viên, bởi với các bạn, để không phải học lại cũng đã là quyết tâm rất nhiều, huống chi nói đến việc dành nhiều thời gian cho việc học lập trình. Nhiều bạn còn hoang mang, bởi tỉ lệ ra trường đúng thời hạn ở các trường Bách Khoa là rất thấp. Không chỉ có vậy, phần lớn các bạn rất lo lắng bởi hầu hết các công ty tốt, lương cao đều tuyển người có kỹ năng tiếng Anh tốt, nhưng phần lớn các bạn đều không khá về tiếng Anh.
Tôi đặt cho các bạn một câu hỏi khá đơn giản: Giá trị lớn nhất mà trường Đại học mang lại cho các bạn là gì?
Một câu hỏi đơn giản là vậy, nhưng phần lớn các bạn đều cho rằng, Đại học giúp mang lại kiến thức đủ để làm việc khi ra trường. Có thể câu trả lời như vậy là đúng, nhưng không rõ, các bạn có đọc báo và có biết rằng rất nhiều doanh nghiệp đang la làng vì sinh viên mới ra trường không thể vào làm việc được ngay bởi thiếu thốn nhiều kiến thức và kỹ năng cần cho công việc.
Tôi đã đưa ra một số điểm để các bạn suy nghĩ:
Kiến thức nhà trường mang lại rõ là nhiều, nhưng vẫn chưa đủ. Cái này do nhà trường? Có một điều tôi chắc chắn là trường không bao giờ có thể dạy cho các bạn mọi thứ, vậy, giá trị của trường đại học thực sự là gì?
Trong tiếng Anh, khoảng cách từ nhà trường đến công việc thực tế có thể gọi gọn là "gaps", vậy gaps thực sự của các bạn khi ra trường là gì?
Kiến thức và kỹ năng là hai từ các bạn được nghe suốt, vậy, làm sao để phân biệt được giữa kiến thức và kỹ năng?
Đáng tiếc là chỉ một đến hai bạn trả lời được phần nào câu hỏi của tôi. Tôi cũng không thể nào hiểu được, khi các bạn ít khi nhận thức được rằng, trường Đại học mang lại cho các bạn kiến thức nền tảng và kỹ năng tự học, tự nghiên cứu, chứ trường Đại học không phải là một trường nghề, để giúp cho các bạn thực hành mọi kỹ năng bạn cần khi đi làm. Điều đáng buồn, là để chạy theo nhu cầu thị trường, nhiều trường Đại học danh tiếng đã thay đổi cách thức đào tạo, và cố gắng nhồi nhét càng nhiều kiến thức càng tốt cho các bạn sinh viên. Trong khi, kỹ năng học tập, kỹ năng tư duy, kỹ năng rèn luyện để tạo ra kỹ năng, là những thứ quan trọng nhất, thì lại không được chú trọng đào tạo.
Khi nhắc đến các "gaps", khi ra trường, các bạn còn hoang mang hơn, bởi, phần lớn các bạn không hề suy nghĩ điều này trước đó. Đậu được vào một trường Đại học đã là quá thành công, và dư âm của chuyện trở thành "người hùng" của gia đình và bạn bè vẫn còn đó, khiến cho các bạn không kịp suy nghĩ và định hướng khi còn học đại học. Nói một cách khác, các bạn còn đang bay lơ lững trên không trung. Chân vẫn chưa chạm xuống mặt đất. Điều đáng buồn, đó là các bạn có quỹ thời gian 4-5 năm để chuẩn bị, và các bạn đã không tận dụng khoảng thời gian đó. Thật sự rất rất đáng tiếc! Khoảng cách là gì, thì các bạn còn mông lung, các bạn nhận thức được rằng, kiến thức còn chưa đủ, kỹ năng còn thiếu.. Nhưng nếu chỉ là như vậy thì các bạn vẫn chưa hoàn toàn biết được khoảng cách từ trường đại học và thực tế bao gồm những gì. Đó là điều mà những chương trình Fresher như của Harvey Nash cố gắng làm để giúp các bạn có thể làm việc một cách nhanh nhất có thể. Ngoài kiến thức, kỹ năng, các bạn ấy còn thiếu:
Sự hiểu biết về quy trình, quy trình trong các doanh nghiệp thường không giống nhau hoàn toàn, một doanh nghiệp áp dụng một quy trình được tùy biến để phù hợp với văn hóa và tình hình của doanh nghiệp. Với một doanh nghiệp về Software Outsourcing như Harvey Nash thì sự đa dạng về quy trình lại càng kinh khủng hơn.
Văn hóa doanh nghiệp mỗi nơi mỗi khác, các bạn sinh viên cần chuẩn bị để có thể thích nghi được với văn hóa doanh nghiệp, nếu cảm thấy không thể phù hợp được thì nên loại doanh nghiệp đó ra khỏi danh sách.
Kỹ năng doanh nghiệp cần thì rất nhiều, mỗi doanh nghiệp lại yêu cầu các nhóm kỹ năng khác nhau, nên chuyện có đủ hết kỹ năng các doanh nghiệp cần là không thể. Vậy, thay vì cố gắng nhồi nhét hết mọi thứ, các bạn cần phải làm gì? Và cần chuẩn bị những kỹ năng cốt yếu nào? Đó sẽ là bí kíp mà tôi chia sẽ với các bạn sinh viên vào phần thứ hai của bài viết này.
Nhóm kiến thức cũng quan trọng mà các bạn sinh viên cần biết là về luật lao động, về các chính sách bảo hiểm xã hội, ... Nhiều bạn đi làm vài năm rồi vẫn không rành, và phải gánh nhiều thiệt thòi về phía mình, nếu doanh nghiệp không làm đúng với luật lao động.
Khi trả lời câu hỏi thứ ba, các bạn mới vỡ lỡ ra bởi những thứ các bạn đang nắm trong tay chỉ là kiến thức, còn kỹ năng, như kỹ năng lập trình một ngôn ngữ hay công nghệ nào đó thì các bạn phần lớn chưa có, bởi kỹ năng không do đọc một cuốn sách trong vài ngày là xong, cũng không phải kỹ năng chỉ hình thành qua việc là một demo. Kỹ năng đòi hỏi thời giàn làm việc tập trung, dài hạn, thường xuyên, nhưng không ai đủ trì chí để rèn luyện kỹ năng trong quá trình làm sinh viên. Và khi nhận ra được điều này, thì các bạn lại càng hoang mang hơn, bởi nhà trường cũng không mang lại được cho các bạn điều đó, doanh nghiệp thì chỉ có thể hỗ trợ khi các bạn sắp ra trường.
Thực tế, đối với những người có kinh nghiệm lập trình, thì việc rèn luyện kỹ năng lập trình một ngôn ngữ hay một framework sẽ không còn khó, và thời gian để tạo ra kỹ năng sẽ ngắn hơn rất nhiều đối với các bạn sinh viên. Nhưng với ngôn ngữ đầu tiên, với một framework đầu tiên, thì thời gian mọi người bỏ ra không chênh nhau bao nhiêu.
B. Bí quyết Nhiều bạn sinh viên đã hỏi tôi về bí quyết làm sao để học hiệu quả (bao gồm cả lập trình, học tiếng Anh, và rèn luyện skill). Và tôi đã kể cho các bạn, một câu chuyện mà tôi băn khoăn, để rồi từ đó tìm ra được cách học của riêng mình, mà kể từ đó việc học hành chưa bao giờ làm cho tôi có cảm giác áp lực. Kể cả bây giờ, khi tôi rất bận rộn với công việc, kiến thức của tôi vẫn đang được bồi bổ mỗi ngày, và tôi không bao giờ có cảm giác ngán học.
Có những điều, mình nghĩ là khó, nhưng té ra mình đã làm được trong quá khứ, và chính mình cũng không bao giờ đặt câu hỏi vì sao.
Trước đây, tôi luôn dằn vặt, tại sao tôi học tiếng Anh từ lớp 1, mà đến lúc là sinh viên, thì tiếng Anh của tôi chỉ làng nhàng, tức là điểm cao khi học, còn giao tiếp, viết lách thì ôi thôi rồi, tồi không thể tả. Trong khi đó, tôi lại nói được tiếng Việt, viết được tiếng Việt một cách khá tự nhiên. Vì sao tôi có thể nói được tiếng Việt khi tôi ba tuổi?
Té ra, học tập cũng có nhiều cách học, học tiếng Việt của đứa trẻ sơ sinh, là cách học thụ động, trẻ không tự nhận thức được nhu cầu học nói, nhưng não bộ thụ động tiếp thu thông tin từ bên ngoài, và tự xây dựng kho dữ liệu của chính mình, rồi chính nhu cầu giao tiếp trong bản năng mỗi con người, và sự khuyến khích của người thân, mà trẻ con tự nói được tiếng mẹ để của mình.
Thường thì chúng ta học mọi thứ một cách chủ động, nhưng chúng ta thường thất bại do không đủ trì chí. Những người có quyết tâm cao độ theo kiểu học năm từ mới mỗi ngày, rồi viết một đoạn giao tiếp mỗi ngày, hoặc là đi học lớp giao tiếp mỗi tuần ba lần, tiếng Anh của họ sẽ có tiến bộ rõ rệt nếu họ lặp đi lặp lại việc học đó trong một thời gian rất dài.
Với tôi, việc chủ động học tiếng Anh, sử dụng từ điển, hay học vài từ mỗi ngày là một cực hình. Và tôi đã kiếm cách học một cách thụ động, nhưng thường xuyên. Tôi luôn nghe nhạc tiếng Anh mỗi ngày, tôi xem phim tiếng Anh (với phụ đề Việt/Anh) mỗi ngày, tôi đọc báo mỗi ngày, nhưng tôi không bao giờ tra từ điển ngoài trừ khi tôi phải viết document hoặc gởi thư cho khách hàng. Tôi chấp nhận mình có thể hiểu sai một từ nhiều lần, và tôi chấp nhận sai sót là chuyện đương nhiên, nhưng mỗi khi tôi phát hiện mình sai về ngữ nghĩa và cách phát âm, thì tôi không thể nào quên được. Tôi rất thích coi các show thực tế của nước ngoài như The Voice, Next top Model, Master Chef, nhưng tôi chỉ xem chương trình của các nước Âu Mỹ sử dụng tiếng Anh, và việc xem thường xuyên và bắt não bộ phải tự đoán từ thông qua ngữ cảnh, tiếng Anh và kể cả cách phát âm của tôi đều tiến bộ rất nhanh. Về phần giao tiếp, tôi chấp nhận tiếng Anh chưa phải là ngôn ngữ thứ hai của tôi, và tôi chấp nhận nói sai khi giao tiếp, và khi bản thân mình chấp nhận việc mình có thể nói sai, tôi đã tự tin nói mà không sợ sự dè bỉu của người khác, và điều đáng ngạc nhiên là không ai dè bỉu khi mình có thái độ cầu thị, và họ chỉ chia sẻ để giúp cho kỹ năng của mình tốt hơn mà thôi.
Tôi đọc sách lập trình bằng tiếng Anh mỗi ngày, và thực ra thì tôi cũng chả có sự lựa chọn vì không có các cuốn sách tiếng Việt. Tôi xem các khóa học về lập trình bằng tiếng Anh mỗi ngày qua các trang PluralSight, Lynda, để học lập trình, và tiếng Anh được nâng cao quá cách học thụ động của não bộ.
Tôi ghét học tiếng Anh, nhưng tôi tạo ra môi trường cho não bộ của tôi tự học tiếng Anh một cách thụ động và trình độ tiếng Anh của tôi đã tăng tiến đáng kể. Tại sao bạn không thử điều này?
Với những thứ bạn thật sự yêu thích, và bạn sẵng sàng bỏ thời gian vì nó, thì bạn sẽ học theo một cách khác. Và dưới đây là bí quyết của tôi:
1. Awareness
Bạn không thể học một thứ nếu bạn không biết nó là gì. Nên việc của bạn nên làm mỗi ngày đó là quan t��m tới những điều có liền quan đến khối kiến thức mà mình muốn xây dựng. Ví dụ, tôi thích lập trình, nên mọi thứ về lập trình, tôi đều tìm cách đọc các blog hoặc bài viết trên nhiều trang lập trình khác nhau. Tôi không cần phải đọc kỹ mọi bài viết, chỉ cần đọc lướt qua, để có một chút khái niệm về việc bài viết đó muốn nói lên điều gì. Và tôi tự để cho não bộ của tôi sắp xếp mọi kiến thức mà tôi đọc lướt qua. Nhờ đó, tôi biết được nhiều thứ liên quan đến lập trình mà tôi "không biết" hoặc chưa có kiến thức về những thứ đó.
Tiếp theo tôi chọn những thứ mà tôi cảm thấy thích thú để tiếp hiểu sâu hơn một chút. Đó là hiểu xem thứ đó là gì, tại vì sao mọi người thích nó, và từ đó tạo cho tôi cảm giác là thứ đó quan trọng, và nó đáng để tôi học. Tôi cũng tìm hiểu các điểm được và những điểm chưa được của ngôn ngữ / công nghệ đó, để chí ít, tôi biết nó có thể giúp tôi làm được những gì và không thể làm những gì.
Sau đó cứ sau một khoảng thời gian, tôi lại chọn một số thứ mình biết là chưa biết để học. Và khi đã chọn một thứ để học, lúc đó tôi chuyển qua một quá trình khác, đó là quá trình lập kế hoạch.
2. Planning (lập kế hoạch) và Executing (thực thi nó)
Tôi không thể trở thành chuyên gia của một công nghệ trong một tháng, hoặc ba tháng, hoặc nữa năm, tôi hoàn toàn hiểu được điều đó, nên tôi không bao giờ có kế hoạch để trở thành một chuyên gia chỉ nhờ việc học, nên ở đây, các bạn có thể hiểu là kế hoạch học tập.
Tôi sẽ ghi ra những thứ tôi muốn mình đạt được trong ba tháng với Laravel framework (một web framework của PHP, vấn đề là tôi chưa biết gì về PHP):
Tôi muốn học và hiểu biết những điều sơ đẳng về PHP trong một tuần
Tôi muốn viết PHP theo cách đúng (hướng đối tượng) trong 1 đến 2 tuần
Tôi muốn viết PHP theo lỗi TDD (Test driven development) bằng cách dùng PHPUnit trong một tuần (may là tôi đã hiểu nhiều về TDD, nhưng tôi chưa biết xài PHPUnit)
Tôi muốn xây dựng được một website vô cùng sơ đẳng theo kiểu CRUD bằng Laravel trong 3 ngày
Tôi muốn cải tiến website đó trong 3 ngày tiếp theo
Tôi muốn học Linux đủ để setup một server và host website trong một tuần: host ở máy ảo Virtual Box trước (trong ba ngày), host ở shared host (trong 1 ngày), host ở một máy ảo trên Digital Ocean trong hai ngày.
Tôi muốn viết một blog của tôi bằng Laravel theo kiểu chợ búa trong 2 tuần. Blog này sơ đẳng thôi, có categories, có bài viết, có comment, có authorization. Và tôi chưa áp dụng best practices và TDD vào cái blog này.
Tôi muốn cải tiến blog của tôi bằng các best practices của Laravel trong hai tuần.
Tôi bỏ hết tất cả, và viết Jou.vn bằng Laravel theo cách đúng đắn và áp dụng TDD một tuần trong hai tháng để có được những chức năng cơ bản nhất (bạn có thể xem trang Jou.vn ở thời điểm này, vì tôi đang viết nó bằng Laravel để thay cho website cũ viết bằng ASP.NET MVC 3/ EF/ WCF)
Tôi muốn cải tiến Jou.vn hằng ngày
Để học được mọi thứ theo các mục tiêu và lịch trình đặt ra, tôi đã phải chuẩn bị tài liệu học bằng cách tích cóp các nguồn tài liệu: ebooks, video courses, blog hay... trong suốt thời gian vài năm trước đó. Các bạn sẽ hỏi tại sao, hay tôi đã muốn học PHP/Laravel từ trước. Câu trả lời của tôi rất đơn giản, vì tôi aware là có sự tồn tại của PHP/Laravel, tôi biết nó hay, và cũng biết một vài điểm dở của nó, nên cứ khi nào bắt được tại liệu về nó, tôi cứ download về và sắp vào một thư mục nào đó. Tôi chả biết mình sẽ học nó hay không, nhưng tôi vẫn cứ tích lũy, để khi muốn học, tôi đã sẵn sàng một phần, và cứ thế mà kick off thôi.
Tôi bỏ ra $10/tháng để mua tài khoản trên Laracast, việc này giúp tôi có thể học nhanh và phù hợp kế hoạch ở trên, bởi tôi biết Jeffrey Way là một lập trình viên tuyệt vời có năng suất lập trình cực cao. Và nhờ đó tôi tăng tốc lập trình với PHP/Laravel của tôi lên gấp 2-3 lần sau 5 tuần.
Tôi hiểu tôi là người bận rộn, nên tôi chỉ dành thời gian 1-2 tiếng mỗi ngày vào buổi tối để học lập trình món này, ngoài ra tôi luôn để dành 1 tiếng để tham khảo và học mọi thứ lướt ngang qua mắt tôi nếu tôi muốn. Hiện tại, tôi dành mỗi ngày 30 phút để code chơi với NodeJS và Scala.
Một bí quyết ít người biết, đó là muốn không chán với những thứ mình thích, thì đừng có cày suốt với nó, chỉ cần mỗi ngày làm một ít, nhưng ngày nào cũng làm thì mình sẽ không thấy ngán. Lập trình hay gì đó, tôi cũng chỉ làm ngắt quãng, để thời gian giữa những quãng đó tôi đọc và xem những thứ khác, tôi cho phép mình "xao nhãng một cách có kế hoạch".
Hãy nhớ rằng, mọi kế hoạch đặt ra khó có thể dúng từ lần planning đầu tiên, nên hãy điều chỉnh nếu nó chưa thực sự phù hợp, hãy tìm hiểu tại sao mình không thể làm được theo đúng kế hoạch, có thể cải tiến cách làm việc hoặc cách học được hay không. Đừng nản chí, bởi mình làm chưa đúng kế hoạch hôm nay, không có nghĩa là mình thất bại, nhưng nếu bỏ cuộc, thì rõ ràng đó là một thất bại rồi.
Trước đây tôi làm được một điều không tưởng đó là viết được 300 tutorials cho trang Jou.vn chỉ trong năm 2012, hoặc chỉ với các bạn sinh viên tôi xây được năm nhà vệ sinh tự tiêu trong 1 tuần, hoặc xây dựng được một sân bóng chuyền bằng bê tông với các bạn sinh viên trói gà không chặt trong một tuần cho một xả nghèo ở A Lưới (với chỉ 16 triệu đồng tiền vật liệu), hoặc tôi đã làm được một code camp về ASP.NET MVC cho 30 bạn sinh viên đại học Khoa học Huế vào năm 2010 trong suốt 10 tuần liên tục trong tất cả các buổi sáng chủ nhật (và nó miễn phí, và lúc đó tôi cũng không còn làm giảng viên, tôi nghỉ dạy đại học từ tháng 02/2008). Và không chỉ tôi, ai cũng có thể làm được những điều đó!
3. If it hurts, do it more often
Nếu bạn sợ hãi một điều gì, ví như bạn sợ học WCF vì bạn biết là nó khó, bạn sợ TDD vì bạn biết 90% dev bạn biết đều bỏ cuộc. Nếu bạn sợ hãi như vậy, bạn sẽ mãi không học được thứ bạn muốn.
Nên, bạn hãy đương đầu với sự sợ hãi bằng cách tăng cường tiếp xúc với nó mỗi ngày. Đầu tiên, là đọc lướt qua để hiểu thêm về nó, sau đó là thử viết những chương trình siêu ngắn theo các bài hướng dẫn để hiểu nó hơn. Sau đó nữa là tự nghĩ ra bài tập để rèn luyện và tiếp nữa là áp dụng nó để viết ứng dụng thực tế.
Ban đầu ai cũng sợ hãi với những thứ mới lạ. Con nít sợ cả đồ chơi khi mới thấy nó lần đầu. Tôi sợ nói trước mói người khi tôi còn nhỏ. Nhưng khi tôi dũng cảm đương đầu với nó, tôi đã trở thành một thầy giáo, speaker, và là một mentor không tồi.
Tôi biết mình viết tiếng Anh tệ, nhưng tôi đã viết rất nhiều nhật ký bằng tiếng Anh trên Yahoo! 360, nhiều bạn sinh viên Anh ngữ đã vào chê tôi thậm tệ, tôi đã chấp nhận sự chê bai bởi tôi biết mình chưa giỏi, và các bạn ấy nói đúng, nhưng điều đó không ngăn tôi viết nhật ký bằng tiếng Anh, bởi tôi biết khi tôi làm việc đó nhiều lần (viết nhật ký bằng tiếng Anh), tôi mới có thể viết tốt lên được. Bây giờ, tôi đang viết proposal, plans, notes, email, bài viết lập trình, tham gia dành dự án, mọi thứ đều bằng tiếng Anh. Nếu không chịu đau, tôi sẽ không tự vượt qua được chính bản thân mình.
4. Be OPEN and RESPECT
Đừng nghĩ mình luôn đúng, hoặc những điều mình biết là chân lý. Hãy tiếp nhận ý kiến trái chiều, khi đọc những bài viết về một framework mình thích, hãy đọc luôn những bài chê bai nó, tiếp thu, và hãy chứng minh nó sai hoặc chấp nhận nó bằng thực nghiệm.
Một người với thái độ cầu thị sẽ thu lượm được nhiều thứ hơn những người khép kín và có xu hướng phòng thủ. Một người chấp nhận mình là con người, và con người ai cũng không ít hơn một lần mắc sai lầm, người đó sẽ luôn tiến bộ.
Hãy chấp nhận một sự thật, đó là mọi người luôn giỏi hơn bạn một khía cạnh nào đó, và bạn phải học những thứ đó từ họ, bạn sẽ tiến bộ.
Tôi có một bài viết "Ai giúp cho ta tiến bộ, đó là thầy ta", và với tôi, mỗi người, mỗi câu chuyện xung quanh tôi đều mang đến cho tôi những bài học, không lớn thì nhỏ. Và tôi nghiêm túc tiếp thu, bởi tôi yêu sự tiến bộ.
5. Set up MANTRA
Đây là một bí kíp thực sự, bạn chỉ có thể thực hiện điều bạn muốn nếu bạn tin vào sự thành công của nó, và bạn tin và sự cần thiết phải thực hiện nó.
Tôi đã tự nhắc mình mỗi ngày, nếu tôi không cải thiện được kỹ năng lập trình, tôi sẽ bị đào thải. Tôi luôn tự nhắc mình, nếu tiếng Anh tôi không tốt lên, các bạn trẻ phía sau tôi, với sự chuẩn bị tốt hơn sẽ vượt qua tôi. Mỗi sáng tôi thức giấc, tôi đều nhắc nhở mình, nếu hôm nay, tôi không tiến bộ hơn một chút so với ngày hôm qua, tôi sẽ bị tụt hậu.
Tôi đã tạo ra được động lực, và kể cả nỗi sợ hãi, nhưng tôi có giải pháp để giải quyết nỗi sợ hãi đó, đó là học tập thường xuyên, học tập là việc thường ngày, mọi lúc, mọi nơi. Với tôi "HỌC HÀNH TỰA NHƯ HÍT THỞ KHÍ TRỜI". Hít thở khí trời thì không khó, nhưng ngưng hít thở thì sẽ chết, nên phải vận động các cơ quan thường xuyên để đảm bảo mình vẫn sống.
MANTRA là một hình thức tự kỷ ám thị để thiết lập một lập luận trong đầu của mình, và biến nó thành một câu khẩu quyết mà não bộ phải nhắc nhở mình mỗi ngày. Và khi bạn đã thiết lập được một MANTRA, bạn sẽ không dễ dàng từ bỏ được nó.
Dù đây là bí kíp, nhưng hãy cẩn thận khi áp dụng nó, bởi khi bạn thiết lập một MANTRA xấu, bạn sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Ví dụ như, "Tôi sẽ không tỉnh táo nếu không uống một cốc cafe/hay hút một điếu thuốc mỗi ngày". Nhưng tôi biết mọi người thiết lập Mantra một cách vô thức theo kiểu đó. HÃY CẨN THẬN NHÉ!
KẾT
Đó là tâm huyết và là cách để tôi tạo dựng thành công cho mình trong suốt những năm tháng qua trong việc học tập. Tôi không quá quan trọng con điểm, hay những đánh giá tức thời của mọi người về tôi, nhưng tôi luôn muốn mình tiến bộ, và tôi mong chờ sự ghi nhận đó từ mọi người, từ công ty tôi làm việc, từ gia đình của tôi. Và tôi đã sống, học tập, và làm việc như vậy trong nhiều năm qua.
Tôi không đánh giá sự giàu có bằng số tiền tôi có, nhưng tôi đánh giá nhân phẩm của tôi qua sự hiểu biết và sự đóng góp của tôi cho gia đình và xã hội. Và vì vậy, có thể đến cuối đời, tôi cũng không có giàu theo định nghĩa của nhiều người, nhưng tôi hài lòng với tôi của ngày hôm qua, hôm nay, và kể cả ngày mai.
Tôi yêu mến sự tiến bộ!
4 notes
·
View notes
Text
Cầu được, ước thấy
Tôi thường cầu mong “Giá như, mình được nghỉ ở nhà vài ngày nhỉ?”. Mong ước như vậy là bởi tôi hầu như không có nhiều thời gian để được làm những dự án cá nhân, hay đơn giản chỉ là ngồi suy nghĩ về bản thân hoặc viết lách chút ít.
Không ngờ, đến tuần vừa rồi, tôi đã được điều mình muốn. Phẫu thuật amidan, hầu họng, vách ngăn mũi và cuống phát giữa giúp tôi có đến ba ngày ở bệnh viện và bốn ngày ở nhà.
Ba ngày ở bệnh viện thì khỏi phải bàn, bởi do mổ quá nhiều thứ cùng một lúc nên tôi trở mình còn thấy đau, nên chả nghĩ được gì. Đến bây giờ tôi chỉ nhớ đến cái rỗ đầy giấy, máu mũi, và chi chít các vết tiêm ở tay và mông mà thôi.
Về nhà, phải đến ngày thứ hai, tôi mới hoàn hồn, và có thể ngồi đọc sách, lập trình chút chút. Nhờ vậy, đến giờ tôi đã lập trình được phân nửa trang web mới cho cộng đồng lập trình Jou.vn và sử dụng được framework Laravel một cách dễ dàng và liền lạc như lấy đồ trong túi vậy.
Tôi cũng có một chút thời gian để nhìn lại hoàn cảnh của bản thân, và có hơi buồn một chút vì suy nghĩ của tôi bây giờ có nhiều mùi cơm-áo-gạo-tiền hơn ngày xưa. Tôi cần tiền, tôi biết vậy, và với suy nghĩ càng lúc càng thực tế hơn, thì không có tiền tôi chỉ như anh chàng Don Quixote mà thôi. Nhưng, có cần phải nghĩ về tiền, về chốn an cư quá nhiều như vậy không? Hay bởi khi người ta già đi, thì người ta cần sự an toàn hơn?
Tôi không biết nữa, nhưng tôi chỉ thấy rõ một điều, rõ ràng, trong mấy ngày vừa qua, được lập trình, được làm một điều gì đó tốt đẹp cho cộng đồng, tôi trở nên hạnh phúc hơn hẳn. Có lẽ, những điều tôi tâm niệm từ ngày xưa vẫn không sai. Sống là cho, là cống hiến thì mới là một cuộc sống có ý nghĩa, còn nếu chỉ sống vì mình thì thật là bình thường.
Vâng, ngày mai tôi lại đi làm, vẫn lại cái vòng xoáy đó, nhưng liệu một tuần nghỉ ngơi và suy ngẫm có giúp tôi thay đổi được gì không?
Tôi cũng chả biết, nhưng rõ một điều, đó là tôi đang code và viết trở lại.
Và tôi vui!!!
0 notes
Text
Đừng ngụy biện cho sự lười biếng của mình
Tôi luôn bảo tôi yêu văn, thích viết lách, nhưng mấy năm rồi tôi không viết. Tôi bảo tôi yêu lập trình, thích làm sản phẩm, nhưng hai năm rồi tôi làm quản lý, xây dựng chương trình huấn luyện và suốt ngày phỏng vấn ứng viên. Thực ra tôi vẫn đọc sách, bồi bổ kiến thức, mỗi ngày mỗi ít, nhưng vậy vẫn chưa đủ với một người luôn cố gắng làm việc mình thích, hơn là bị ép làm. Tôi hay ngụy biện về gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền đè lấp ước mơ. Nhưng sự thật hoàn toàn không phải vậy, bởi nếu vững tin, nếu đủ quyết tâm, thì hẳn giờ đây tôi đã có nhiều thứ vui vẻ để cho mọi người xem rồi. Truyện ngắn đâu? App/website dự định viết đâu? Bài viết hướng dẫn lập trình đâu? Cứ lần lữa mãi, có khi chẳng bao giờ làm được điều mình muốn làm. Đừng ngụy biện nữa!
0 notes
Text
Hôm nay là một ngày đẹp trời để khóc
Tiết trời đã có những dấu hiệu cho thấy mùa giáng sinh đang đến..
Sáng hôm nay, bầu trời xám bàng bạc, mặt trời dường như đã ngủ quên, mưa thì lất phất bay, những hạt mưa rất nhỏ chỉ đủ để người ta biết đó là trời mưa, nhưng không đủ để làm ướt chiếc áo. Tôi đi làm trong một tiết trời như vậy, với bầu trời bàng bạc, với lượng xe cộ dường như chậm hẳn so với thường ngày, và những bài hát trong chiếc tai nghe bluetooth lại thật buồn, cả hai ba bài đều diễn tả chung một tâm trạng, dù nhạc tôi bật theo chế độ ngẫu nhiên, tất cả những điều đó khiến tôi suy nghĩ về tôi.. Và tôi lạc trong một cảm giác buồn bã, ão não, và tự dưng tôi thắc mắc về sự tồn tại của mình, tại sao tôi vẫn phải sống, trong khi nhiều chuyện tôi gần như bế tắc, bất lực với những sự việc đang diễn ra xung quanh tôi, với nỗi đau khổ của người thân, với chính tôi? Tại sao?
Bạn sẽ làm gì khi bạn cảm thấy bất lực? Bạn sẽ làm gì nếu như bạn thấy cuộc sống còn tồn đọng quá nhiều nhiều điều bạn không thể, hoặc không đủ nhẫn tâm để giải quyết? Đôi lúc tôi tự hỏi mình, liệu rằng hiền hậu, tốt bụng và không đủ tàn nhẫn có phải là một cái tội? Đôi lúc tôi cũng tự hỏi mình, rằng, liệu sống mà vì mình một chút thì có bị coi là ích kỷ hay không?
Khi lo được cho một ai đó một điều gì, tôi sẽ cảm thấy rất vui, nhưng sau đó lại có chút chớm buồn, vì tự bản thân mình lại chả lo được cho mình. Tôi luốn cố làm những điều tốt, luôn tìm cách sống tốt đẹp với tất cả mọi người, và tôi cho đi nhiều hơn nhận về, nhưng những phút chạnh lòng không phải là không có. Những phút buồn không phải không tồn tại trong tôi. Và cái cảm giác đó càng dâng cao mỗi dịp cuối năm, khi xuân sắp đến, tết sắp về, bởi lúc đó, tôi nhìn lại mọi thứ mình đã làm được, những thứ mình bỏ qua, và cái cảm giác bất lực lại trở lại, nhấn chìm tôi trong nỗi hoang mang không một chút thương tiếc.
Tôi đang nghe bài “Drink a beer” của Luke Bryan, trong đó có đoạn, “ngồi ở đây một mình, nhìn hoàng hôn đang lặn dần, và uống một chai bia”, tạm dịch là như thế, một cảm giác cô quạnh, một mình, bởi có một vài thứ không thể nói, và không nói được với bất cứ ai, có những thứ chỉ nên chôn dấu ở trong lòng. Bởi dẫu có nói ra cũng không thể giải quyết được, vậy thì nói để làm gì, để rồi chỉ mang đến dằn vặt cho những người thân ở xung quanh mình. Nói chả được gì, thế thì im lặng vẫn hơn.
“Mama please let me back inside” – một câu trong bài Mother Love của Queen, Freddie hát câu này như cảm thán cuộc sống của mình, như muốn trở về bên trong bụng mẹ, để tiếp tục được chở che, để không cần phải quan tâm đến cuộc sống nhiều buồn hơn vui ở bên ngoài, để không phải bật khóc vào một ngày ảm đạm như hôm nay.
“Young girl don’t cry..”, Christina đang hát đấy, một bài hát mà đã khiến tôi thực sự thổn thức, “The voice within”, hãy lắng nghe từ bên trong mình, lắng nghe chính bản thân mình, và ngay đây, tại lúc này tôi muốn được trốn vào một góc nào đó, lắng nghe chính mình và để cho những giọt nước mắt được tuôn rơi, dù tôi chả biết, những giọt nước mắt đó là vì ai, vì tôi, hay vì những người khác, hay là vì sự bất lực, hay những điều mà tôi đã làm được trong một năm qua. Tôi chả biết nữa, nhưng, thôi, tôi phải gạt đi giọt nước mắt của mình, bởi tôi đang ngồi ở một chốn đông người, và thật vô duyên, khi người ta thấy nước mắt tôi rơi.
Một điều kỳ lạ, là mạch bài hát vẫn chậm buồn và day dứt, và khi Christina lại tiếp tục cất lên với bài hát “Say something” với The Great Big World, tôi đã hiểu, hôm nay, thượng đế cho tôi mọi xúc cảm, cho tôi được phép mở lòng, và tôi được soi rọi chính tâm hồn mình, để tôi có thể ngơi nghỉ một chút, và rồi đứng lên bước tiếp.
Nhưng thượng đế cũng không quên nhắc tôi, đừng làm gì trái với lương tâm và với bản chất của mình. Eric Clapton vẫn đang hát bài “Knock in’ on the heaven door”, với điều nhạc blue trầm buồn. List nhạc của tôi biết bao nhiều bài vui, thế mà trong lúc tôi viết những dòng này, chỉ có những bài nhạc kể trên tuôn chảy, nhuộm lấy thân tôi. “Mẹ ơi, hãy bỏ cây súng giúp con, bởi con không thể bắn ai bất cứ một lần nào nữa..”, tôi cũng muốn vậy, và tôi đang làm vậy, buông bỏ, không giận hờn ai, không trách móc ai, và nếu có thể, thì chỉ săn sóc và đem lại niềm vui cho người khác. Và cầu mong sao, mọi người sẽ và mãi giúp tôi làm được những điều đó.
Và đến những dòng cuối cùng này, thì Adele như muốn nói hộ tôi, hãy “Keep chasing pavements even if it leads no way..”, đừng bỏ tất cả, hãy đứng dậy và tiếp bước, bởi con đường vẫn còn dài ở phía trước, và cho dù con đường đó không dẫn đến đâu nữa, thì tôi vẫn cứ nên bước tiếp mà thôi.
Toàn thân tôi run bần bật, đôi mắt tôi mọng nước, nhưng tôi không thể oà khóc lúc này, ước sao tôi đang nằm trong căn phòng của mình, với một chiếc gối thật to, và nước mắt sẽ thấm đẫm chiếc gối đó. Nhưng tôi sắp đi nói chuyện với các bạn team lead về kỹ năng viết các tài liệu kỹ thuật. Nên, phải đứng dậy và tiếp tục công việc của mình thôi.
“It was you, it was you, who makes my blue eyes blue” – Eric Clapton
Cứ tưởng là bài cuối, nhưng tôi đã nán lại, và đến sau cùng là bài “It’s the beautiful day” của Queen.
It's a beautiful day The sun is shining I feel good And no-one's gonna stop me now, oh yeah
It's a beautiful day I fell good, I fell right And no-one, no-one's gonna stop me now Mama
Sometimes I fell so sad, so sad, so bad But no-one's gonna stop me now, no-one It's hopeless - so hopeless to even try<
3 notes
·
View notes
Text
Café và tôi
Mỗi khi tôi bước vào một quán café mang đi, sẽ luôn có một cô bé đứng trước quầy hướng dẫn một cách kỹ càng về việc tôi nên chọn món nào, liệu tôi nên uống thứ nước đá xay (iced blended) hay kiểu đá viên,… Rốt cục thì tôi cũng chỉ luôn chọn một thứ duy nhất đó là café Capuchino nóng, và phải là ly lớn.
Tại sao phải luôn là Capuchino nóng? Tôi không chắc lắm về lý do nào là lý do chính. Tất nhiên thích là lý do lớn nhất, nhưng cũng không chỉ như thế. Iced-blended coffee (càfe đá xay) chỉ hợp với những người có cổ họng tốt, không bị các kiểu dị ứng với thời tiết, và hơn hết là họ thích đồ ngọt hoặc béo. Café đá viên thì phải là loại café thật ngon, đặc sánh kiểu Huế thì mới phù hợp với tôi, nhưng café ở Sài Gòn không pha theo kiểu Huế, và một phần là vì tôi không chịu nổi các loại café không thực sự là café. Quá khét, quá nhiều bơ, hay café bị pha những thứ khác đều bị bao tử và các loại ruột non ruột già từ chối một cách thẳng thừng. Nên cuối cùng, tôi chỉ có một sự lựa chọn là Capuchino nóng.
Capuchino nóng với sữa tươi được đánh đến nổi bọt sẽ làm dịu đi mùi khét của café, nó cũng giúp pha loãng café để không làm một người có bộ óc hơi nhạy cảm như tôi trở nên căng thẳng. Một chút bột quế sẽ làm café trở nên thơm và kích thích vị giác hơn. Một ly Capu đúp có thể giúp tôi tỉnh táo suốt ngày.
Ở nhà tôi thường chọn café sáng tạo 8 của Trung Nguyên. Loại café này chất lượng cực kỳ ổn định, café thơm và không bao giờ bị đắng gắt hoặc khét. Mỗi tháng tôi uống hết 500g, đến bây giờ, tôi có hàng chục chiếc hộp café số 8, chúng nó quá đẹp và thể hiện sự chăm chút của Trung Nguyên cho loại café này, nên tôi không nỡ bỏ đi.
Chí ít, đến lúc này, tôi làm được một số điều mình thích, đó là uống café ngon, đọc sách hay, học và làm những gì mình thích… Để được như như vậy cũng là may mắn lắm rồi.
Còn những ước mơ, những trăn trở cho tôi và cho mọi người!
0 notes
Text
Đừng tự đánh mất chính mình
“Tôi như là người lạc trong đô thị. Một hôm đi về biển khơi.”
Cứ như cả nửa thế kỷ rồi tôi mới bỏ ra một chút thời gian để thưởng thức âm nhạc. Tôi ngồi nghe một vài bài hát của Trịnh Công Sơn, lắng đọng lại với thời gian, và chợt nghĩ, có khi nào, mình đang rời xa với chính mình…
Nhịp sống ở Sài Gòn, công việc bận rộn, và chính tôi đã biến tôi trở thành một kẻ nhàm chán đến kỳ lạ. Tôi không còn những câu chuyện hay để kể, tôi không còn một chút cảm xúc để viết, và dần dà tôi chỉ biết làm việc như một cái máy mà quên mất rằng, bên trong tôi còn một tâm hồn cần chăm sóc, một tâm hồn đã trở nên héo úa vì thiếu đi sự chăm sóc từ chính chủ nhân của nó.
Cảm xúc không đến từ những quán café sang trọng, hay cuộc sống mang màu sắc hưởng thụ. Cảm xúc cũng không đến từ những người chỉ biết cày bừa để kiếm tiền. Cảm xúc đến với những người biết yên lặng để lắng nghe chính mình, để cảm nhận tâm hồn và những nhịp đập trong con tim mình.
Và khi đó, tôi chợt nhận ra, cái kẻ đầy tham vọng kia chẳng phải là tôi. Cái kẻ đó chỉ đang phô trương những âm thanh vang vọng từ quá khứ. Kẻ đó chỉ biết moi móc, lượm lặt những câu chuyện từ ngày xưa để nói về chính mình. Kẻ đó thật tội nghiệp xiết bao.
Chợt muốn khóc, nhưng trong tôi cũng loé lên chút tia sáng mừng vui…
Bởi tôi đã có một chút cảm xúc... để tôi có thể tìm lại chính tôi...
Sài Gòn, thứ bảy, 18/10/2014
1 note
·
View note